- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
NS Nguyễn Trọng Tạo |
Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
Có con người sống mà như qua đời
Có câu trả lời biến thành câu hỏi
Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
Có cha có mẹ có trẻ mồ côi
Có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
Có cả đất trời mà không nhà cửa
Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
Có thương có nhớ có khóc có cười
Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.
1992
Nguyễn Trọng Tạo
“Có cánh rừng
chết vẫn xanh trong tôi
Có con người
sống mà như qua đời”
Với mười hai câu
thơ, đứng sóng đôi thành từng cặp, từng khổ, bài thơ có cái tên lạ vừa định
hướng, vừa gợi nghĩ “Đồng dao cho người lớn” của Nguyễn Trọng Tạo, mở ra cặp
thơ đầu như vậy.
Chỉ mới có cặp
thơ mở đầu và trình làng này, Nguyễn Trọng Tạo đã gây tác động trực tiếp cho
tôi về một cách nhìn, một quan niệm nhân sinh, dung nạp và thỏa mãn ở cả hai
chiều hướng: đạo và đời. Cái đạo cho ta nhìn sự khách quan không bằng nhãn quan
lạnh lùng như điều nó vốn có - “Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi”. Và, chất
đời thật sự khách quan và nhân ái, lại cho ta có cách nhìn nhân sinh thật bình
tĩnh, thông minh: “Có con người sống mà như qua đời”. Bởi thế, người viết bài
này không sợ võ đoán và cảm tính, khi đưa ra một lời bình giá khái quát. Rằng:
“Đồng dao cho
người lớn” của Nguyễn Trọng Tạo với một dung lượng có thể nói là kiệm lời, đã
tạo được sự tương hợp tự nhiên của hai tố chất cảm xúc và suy nghĩ, trữ tình và
triết lí... để trao gửi bức thông điệp nhân sinh mà như tác giả thật hóm hỉnh
và sâu sắc, từ tên bài thơ của mình.
Bài thơ của
Nguyễn Trọng Tạo, với những hình tượng thơ được sóng đôi như đã nói ở trên, xét
về phương diện cấu tứ đã tạo nên mạch cảm xúc và điểm nhìn đối lập và đồng
nhất, khi hướng tới đời người. Cảm quan nhân sinh cũng được khơi gợi và mang dư
vị triết lý từ đấy!
Từ sự gửi gắm
cách nhìn nhận của những sinh thể sống (cánh rừng hay con người), nhà thơ mở
tiếp, mở rộng ra cách nhìn nhận biết trực diện vào cõi nhân sinh; tình ý của
Nguyễn Trọng Tạo cũng mở tiếp ra chiều xa rộng của cuộc đời.
Nhà thơ cảm nhận
và thấu thị ra những chiều hướng mong manh đi giữa đường biên của những phạm
trù được-mất, có - không, hồi đáp - nghi vấn...
“Có câu trả lời
biến thành câu hỏi
Có kẻ ngoại tình
ngỡ là tiệc cưới”
Với những lời
thơ này, Nguyễn Trọng Tạo vừa gửi tâm tình vào thực tế cuộc đời; mặt khác,
người thơ lại chạm vào một thứ chân lí đích đáng mà những điều khách quan cuộc
sống giúp ta thức ngộ. Hình như giữa muôn hình vạn nẻo của đời thường, của kiếp
nhân sinh, có bao giờ tìm được đáp số duy nhất, như nhất. Thế nên, câu trả lời
thoắt “biến thành câu hỏi”. Ngỡ như đi tìm đáp số, đi tìm lời giải cho muôn thuở
cuộc đời, trớ trêu thay, con người lại tự rơi tiếp vào thế giới mông lung, mơ
hồ.Và, cả niềm day dứt, băn khoăn khôn nguôi. Nỗi niềm day dứt về cõi nhân
sinh, trở thành điểm chung ý, chung tình của biết bao thi nhân kim - cổ. Từng
có một Nguyễn Du khắc khoải trước nỗi “kỳ oan” của khách đa tình, đa cảm: “Cổ
kim hận sự thiên nan vấn” (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi); để rồi lại từng có
tiếng lòng quằn quại trước tình nhân thế mà không một hồi âm của thi nhân lãng
mạn thời Thơ mới:
“Mơ khách đường
xa, khách đường xa
Áo em trắng quá
nhìn không ra
Ở đây sương khói
mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai
có đậm đà?”
(Hàn Mặc Tử - Đây thôn Vĩ Dạ)
Và, cái mẫu số
chung của tâm hồn thi sĩ đi tìm câu trả lời cho sự sống của con người, thì vẫn
rơi vào biệt vô âm tín. Để mãi thành “Một câu hỏi lớn không lời đáp” (Huy Cận).
Với “Đồng dao
cho người lớn”, Nguyễn Trọng Tạo không ngần ngại mà tung ra những chiều hướng
trái ngược từ chính cuộc đời - cuộc đời phức điệu mà cũng lắm nôĩ truân chuyên.
Lắm cảnh đa đoan đến đau lòng:
“...Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
Có cha có mẹ có
trẻ mồ côi
Có ông trăng
tròn nào phải mâm xôi
Có cả đất trời
mà không nhà ở
Có vui nho nhỏ
có buồn mênh mông”...
Xin đừng vội nghĩ
giản đơn mà qui kết cách nhìn tinh tế và sâu sắc chất nhân sinh, chất nhân văn
của nhà thơ, thành cái nhìn buồn bã và tiêu cực. Và, cũng đừng vội vã mà cho
rằng những câu thơ như thế này của nhà thơ họ Nguyễn, thuần túy chứa đựng chủ
nghĩa lạc quan:
“Mà thuyền vẫn
sông mà xanh vẫn cỏ
Mà đời vẫn say
mà hồn vẫn gió”
Bởi, với những
lời thơ trên, Nguyễn Trọng Tạo chỉ muốn mang ra một đối sánh mà cũng là một đối
đáp của những Con - Người - Lớn trước những bộn bề phức tạp vạn nẻo của kiếp
nhân sinh. Vẫn biết rằng ngay giữa cuộc đời này, đang tấu trình bao khúc nhạc
buồn vui: “Có thương có nhớ có khóc có cười”, thì con người ta biết sống và dám
sống, vẫn phải tự tìm ra chất men say tự tại của lòng mình.
Say, để mà nhận
ra sắc xanh của cây cỏ đất trời. Say,để mà nhận ra thẳm sâu tự hồn mình, không thể bao giờ tắt gió.
Và, thêm nữa,
hình như nhà thơ đa cảm và cũng đa suy này còn muốn trao gửi cho ta bức thông
điệp khẩn thiết về thời gian và đời người. Bởi:
“Có thương có
nhớ có khóc có cười
Có cái chớp mắt
đã nghìn năm trôi.”
(Trích từ “Bình
thơ từ 100 bài thơ hay TKXX-Tập 2, Trang 138, nhà XBGD, năm 2008).
Hà Nội, 26/4/2007
Trần Trung
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét