- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Vốn là người Bắc cho nên núi và chùa Thị Vải từ thủa xa xưa như thế nào tôi chẳng biết được nhiều, ngoài những điều tra cứu trong hai bộ sử “Đại Nam nhất thống chí” và “Gia định thành thông chí”. Theo đó, sách “Đại Nam nhất thống chí” có chép: “Núi Nữ Tăng tục gọi là núi Bà Vãi ở cách huyện Long Thành 42 dặm về phía Đông Nam, đất đá lởm chởm, cây cối to cao, đứng ở tỉnh Gia Định mà trông thấy như hạt ngọc thô đẹp. Mối lợi của núi dồi dào, dân nhờ để sống. Ngày trước có Bà Vãi là Lệ Thị dựng am trên núi để ở, nên gọi tên thế” (Phạm Trọng Điềm dịch); sách “Gia định thành thông chí” lại chép: “Tục danh núi Bà Vãi, ở địa phận huyện Long Thành; xưa có người con gái họ Lê, gia tư giàu có, nhưng bị lỡ thì, sau khi cha mẹ mất rồi mới có chồng, không được bao lâu chồng chết, bà thề không tái giá, lại bị kẻ cường hào cậy mai mối thường đến quấy nhiễu, bà bèn cạo đầu lập am ở đỉnh núi, tự làm thầy cả, cùng đồng bộc giữ lòng tu trì, sau thành chánh quả, người ta nhân đó đặt làm tên núi. Núi này cách phía đông trấn 200 dặm, đất đá chót vót, cây cối um tùm, ở thành Gia Định trông thấy giống như viên ngọc thượng hoàng phơi bày sắc đẹp. Dân núi ở núi ấy để cấp dưỡng, như là cây gỗ, dầu thông, than củi và chim muông” (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch).
Ngoài
ra, khi để ý đến ngọn núi này thì tôi có được đọc thêm câu chuyện “Sự tích núi
ông Trịnh và núi Thị Vải”, theo đó nội dung câu chuyện như sau: Ngày xưa có một gia đình phú ông rất giàu nhưng không
có con trai, có một cô con gái tên là Thị Vải. Thị Vải nhan sắc mặn mà, dễ coi.
Tuy là con gái nhưng Thị Vải lại học võ nghệ nên cử chỉ như con trai. Khi phú
ông đã già, Thị Vải cũng đến tuổi phải lấy chồng. Phú ông đem việc chồng con,
việc thừa tự nói với con gái. Thị Vải trả lời: nếu chàng trai nào đánh bại được
con thì con xin làm vợ người ấy. Chiều con nên
phú ông cho lập võ đài để chọn rể nhưng không có chàng trai nào thắng được
nàng. Cuối cùng, phú ông không nhắc đến việc chồng con của Thị Vải nữa. Một
thời gian sau, phú ông bệnh rồi mất, Thị Vải thay cha quản lý ruộng đất, coi
sóc việc nhà. Trong số người ở có anh lực điền tên Trịnh, giỏi giang, siêng
năng, rất được chủ tin dùng, những công việc quan trọng đều giao cho anh. Một
hôm, Thị Vải cùng Trịnh đi coi ruộng tá điền để định lúa tô. Trên đường đi gặp
một dòng suối nhỏ chắn ngang, bình thường đi lại không khó khăn lắm, nhưng do
chiều hôm trước mưa quá to nên nước dâng tràn lên bờ suối, chảy xiết. Lội qua
thì không được, đi vòng lên phía thượng nguồn thì mất thời gian. Cuối cùng, Thị
Vải bảo: “Hay là anh cõng tôi lội qua vậy”. Trịnh còn đang do dự thì Thị Vải
nói: “Tôi còn không ngại mà anh lo nỗi gì, ta đi thôi kẻo trưa rồi”. Vậy là Trịnh kề vai cõng Thị Vải lội qua suối. Không biết có phải vì anh
mất bình tĩnh hay vì nước chảy xiết mà vấp phải đá dưới chân, ngã sấp xuống
nước. Thị Vải bị nước cuốn mạnh, suýt va đầu vào tảng đá. Thấy chủ nguy ngập,
Trịnh không còn e dè gì nữa, nhào tới ôm lấy Thị Vải bế sang bờ bên kia. Qua
bờ, hai người mặt đỏ bừng không nói với nhau lời nào, rồi tiếp tục lên đường. Ba
ngày sau khi về nhà, Trịnh bỏ đi mất. Thị Vải cho người đi tìm cũng không thấy.
Sau cùng, đích thân nàng đi tìm, rồi cũng không thấy trở về. Ít lâu sau, người
ta tìm thấy xác Trịnh trên một đỉnh núi, còn xác Thị Vải ở một đỉnh núi khác.
Có người biết chuyện cho rằng vì hai người có tình ý với nhau nhưng do không
“môn đăng hộ đối” nên đành phải hẹn nhau nơi suối vàng. Từ đó, người dân trong
vùng gọi núi này là núi Ông Trịnh, núi kia là núi Thị Vải.
Nếu chỉ có vậy
thì núi Thị Vải hẳn là không gây được sự chú ý với một người đất Bắc và thôi
thúc tôi phải tìm đến một lần để chiêm bái và thăm thú. Ở nước Nam nhiệt đới
với địa hình ba phần tư lãnh thổ là đồi núi này thì có biết bao nhiêu núi đẹp
và núi đẹp nào chẳng gắn với những sự tích không tiên nữ giáng trần thì cũng là
chiến tranh địch họa hay những bi kịch tình yêu đôi lứa để định danh cho núi.
Chiếu theo lẽ đó hẳn là núi Thị Vải không nằm ngoài quy luật phổ biến ấy. Tuy nhiên,
trong thâm tâm, núi Thị Vải là nơi tôi thầm mong được đến. Tôi đến nơi ấy với một
mong muốn được tìm hiểu về nơi ở một thời của một người phụ nữ là mối tình đầu
tiên và duy nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh. Người ấy đã sống và tu hành ở đây
cho đến khi về bên Bác.
Ai đã đọc “Búp
sen xanh” của cố nhà văn Sơn Tùng hẳn sẽ chẳng thể nào quên cô Út Huệ, một cô
gái Nam Bộ từng thầm yêu trộm nhớ anh Ba tức Nguyễn Tất Thành; đã từng bịn rịn,
lưu luyến đưa tiễn người mình yêu lên tàu Đô đốc Latouche-Tréville để ra đi tìm
đường cứu nước vào “sáng ngày Năm tháng Sáu năm Một ngàn chín trăm mười một.
Sương sớm phủ nóc nhà Rồng. Dòng sông Sài Gòn cong cong như lưng người già đã
trải qua nhiều khúc đường đời khổ ải” với một lời cầu khấn đất trời: “Sông ơi!/
Đừng mọc đá ngầm/ Biển ơi!/ Đừng dựng sóng dữ/ Anh đi thuận gió xuôi buồm/ Hỡi
những phương trời xa lạ/ Hãy đón lấy anh/ Một chàng trai nước Việt/ Anh là của
Nước của Dân/ Tất cả đợi anh về”. Nhân vật Út Huệ ấy ngoài đời chính là bà Lê
Thị Huệ, con gái Kế quan Lê Quang Hưng ở bộ Công trong triều đình Huế và là học
trò của cụ Nguyễn Sinh Sắc khi dạy học ở Huế. Cô Huệ và Nguyễn Tất Thành từng
quen biết và gắn bó với nhau từ những ngày ở Huế. Trong buổi chia ly sớm hôm ấy
Nguyễn Tất Thành đã gửi lại Út Huệ chiếc lược của mẹ mình để thay cho những lời
muốn nói. Nhưng chẳng ai ngờ buổi chia tay sớm đó cũng là lần chia ly vĩnh viễn
làm thành “một mối tình câm”. Sau buổi chia tay hôm ấy “chàng thì đi cõi xa mưa
gió” còn “nàng” ở lại quê nhà thay “chàng” báo hiếu cho cha, cho thầy là cụ
Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp rồi lên núi lặng lẽ lên núi Thị Vải xuống tóc đi
tu.
Mối tình trong
sáng, cao cả này nếu không có nhà văn Sơn Tùng cất công tìm kiếm trên dưới ba
mươi năm, bất chấp chiến tranh và thương tật thì có lẽ cũng rơi vào cảnh “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”. Theo như lời kể của Giáo sư
Hoàng Chí Bảo thì quá trình đi tìm cô Huệ của Bác mà nhà văn Sơn Tùng đã trải
qua là cả một hành trình đầy gian nan,
vất vả. Gian nan bởi không gian và thời gian chiến tranh; gian nan bởi tìm kiếm
manh mối; gian nan bởi nhân vật chính đâu có chịu mở lòng ngay bởi bao điều tế
nhị khó nói của một nữ tu. Nhưng rồi sự thật cũng được sáng tỏ. Và lần theo
bước chân của nhà văn Sơn Tùng đã đi trên hành trình ấy, núi Thị Vải một lần
nữa được người đời nhắc đến bởi đây là nơi nhân vật Út Huệ ngoài đời đã sống, tu
hành trong những năm cuối đời. Có lẽ, chẳng ai ngờ huyền thoại tên núi Thị Vải
lại trùng khớp và ứng nghiệm với mối tình đẹp đẽ và cao thượng nhưng không kém
phần bi thương của bà Lê Thị Huệ. Bởi thế, không chỉ với riêng tôi, có lẽ sau
này núi Thị Vải sẽ còn rất nhiều người tìm đến để tìm hiểu và chiêm bái.
Chùa Thị Vải
là tên gọi nôm na, chính tên của phật giáo gọi là Linh Sơn Biểu Thiền tự. Đây
là một ngôi chùa độc đáo ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chùa nằm trên núi Thị Vải
thuộc thị xã Phú Mỹ. Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, có tuổi đời hơn hai trăm năm.
Tương truyền Ni sư Diệu Thiện (thế danh Lê Thị Nữ) là người đầu tiên lên núi
lập am tu hành. Bà có công cứu Nguyễn Ánh khi đi lạc vào núi. Sau khi Nguyễn
Ánh lên ngôi đã cho người quay lại núi tìm Ni sư nhưng bà đã mất. Nhớ ơn bà,
vua đã sắc phong làm Linh Sơn Thánh Mẫu, thảo am cũng được sắc tứ Linh Sơn Bửi
Thiền tự. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa đã bị tàn phá hư hỏng và
được trùng tu nhiều lần. Ngôi chùa hiện nay được xây dựng theo phong cách kết
hợp hài hòa giữa kiến trúc Việt Nam và Nhật Bản, trong đó chất Nhật Bản có phần
nổi trội. Cụ thể các khối công trình của chùa gồm có: đầu tiên là cổng chung
dẫn lên các chùa và hai tháp Kim Can có hai vị thần trông coi bảo vệ; phía bên
trái là Tổ tháp, bên phải là tượng Quan Âm cao khoảng sáu mét; thứ hai là hệ
thống chùa, từ chân núi lên đỉnh núi có chùa Liên Trì (ở chân núi), chùa Hồng
Phúc (ở giữa núi gọi là chùa Trung), chùa Linh Sơn Bửu Thiền (ở trên đỉnh núi,
có các tên gọi khác là chùa Thượng hay chùa Tổ). Tại chùa Tổ có thờ đức Phật Thích Ca, phía
trước có tòa Cửu Long và tượng Đản sanh, hai bên có tượng Bồ tát Văn Thù và Bồ
tát Phổ Hiền. Phía sau chùa Tổ có thờ Đạt Ma Tổ sư.
Ấn tượng về chùa trên núi Thị Vải trong tôi là khối công trình kiến trúc
đẹp, hài hòa với cảnh quan tự nhiên; đặc biệt là chinh phục con đường bậc đá
hành hương lên đỉnh núi - chùa Tổ. Khối công trình kiến trúc nơi chùa Tổ tựa
như thiên đường trên mây mang đậm nét phong cách Nhật Bản, nơi được ví như cổng
trời để mọi người sống ảo. Trước tiên là Tam Quan với ba tầng mái ngói ống đỏ
sẫm để thông thoáng với các cột trụ cao vút trên đỉnh núi vừa gợi lên sự linh
thiêng vừa gợi lên sự gần gũi với mọi người. Từ Tam Quan chúng ta có thể phóng
tầm mắt nhìn xuống chân núi để ngắm nhìn phố phường, làng mạc bát ngát xa trông
lấp lánh, hữu tình cùng sông nước mênh mang uốn lượn. Phía sau Tam Quan đi qua gần
trăm bậc đá chúng ta lên chùa Tổ. Chùa Tổ có năm gian to với ba tầng mái ngói
ống đỏ sẫm với các góc mái uốn cong nhìn rất duyên dáng, thoáng mát, cổ kính gợi lên sự
trang nghiêm, thanh tịnh của chốn thiền môn. Chùa Tổ cũng là một điểm thường
được mọi người tìm đến để chụp hình lưu niệm. Hành hương lên chùa Tổ hẳn là ai
đã một lần từng qua sẽ nhớ mãi một ngàn ba trăm bốn mươi bậc đá xếp theo kiểu
cầu thang, quanh co uốn lượn trên núi, khi thì thoai thoải, lúc lại như thể
dựng đứng giữa rừng cổ thụ xanh rợp bóng cây. Con đường hành hương lên chùa Tổ
đi giữa rừng xanh khiến cho người lên chùa không chỉ được thả hồn trong sự tĩnh
lặng của núi đá mà còn được hít thở sự trong lành, mát mẻ của tự nhiên cây lá
nơi chốn rừng thẳm linh thiêng. Những bậc cầu thang quanh co lên đỉnh núi ấy
dài khoảng chừng ba cây số chính là đường về “xứ phật” cho nên hàng ngày có rất
nhiều phật tử từ khắp mọi nơi tìm đến và thể hiện lòng thành kính của mình với
đức phật bằng nghi lễ “tam bộ nhất bái” (đi ba bước lạy một lạy). Từ chân núi
các phật tử chủ yếu trong trang phục thanh nhã của nhà phật miệng niệm phật
chân bước đi ba lần trên ba bậc đá rồi lại dừng lại bò rạp xuống mặt đất bái
lạy một lễ; sau đó lại tiếp tục đứng lên bước đi, cứ như thế, đều đặn cho tới
khi lên đến chùa Tổ trên đỉnh núi. Dường như những phật tử đến đây không chỉ
thể hiện lòng thành tâm kính phật mà còn cầu mong sự che chở của đức tổ với bản
thân và gia đình cũng như mọi chúng sinh với mong ước an bình, mạnh khỏe qua
những lần bái lạy.
Chuyến hành
hương về đất phật Thị Vải, với tôi không chỉ lễ phật và vãn cảnh. Chúng tôi đã
cất công hỏi thăm và tìm kiếm các mộ tháp để lần xem có tìm được nấm mồ của cô
Út Huệ đặng thắp một tuần nhang để tỏ lòng thành kính với người phụ nữ vô cùng
nhân hậu và cao thượng này. Tuy nhiên tất cả vẫn chìm trong cõi lặng. Các mộ
tháp không thấy tên. Không rõ mộ còn hay mất? Có lẽ một người đã kín tiếng, ẩn
mình suốt cả đời người; luôn sợ mang tiếng với đời là “thấy sang bắt quàng làm
họ” như cô Út Huệ đã từng tâm sự với nhà văn Sơn Tùng thì có lẽ nấm mồ sau thác
cũng lại trở về với hư không. Sống đã im lặng và thác lại lặng im.
Núi Thị Vải “chốn
bồng lai tiên cảnh” với những núi ôm mây, mây ấp núi; sớm tối hòa trong những
màn khói sương mờ ảo thơ mộng giữa vô vàn cổ thụ vươn cành tỏa bóng xanh mát và
rộn tiếng chim ca tựa như cổ tích nhưng chốn Thị Vải cũng là lưu cất một “mối
tình câm”. Đất phật ấy mênh mông. Gửi hương trong gió, thắp nén tâm thành.
Phan Anh
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét