GIỚI THIỆU TÁC GIẢ - CỘNG TÁC VIÊN BÔNG TRÀM
NGUYỄN KIM
Sinh tại Châu Phú (Châu Đốc). Hiện sống ở Gò Công (Tiền
Giang). Hội viên Hội VHNT tỉnh Tiền Giang. Chi hội phó Chi hội Văn nghệ thị xã
Gò Công. Hiện đang cộng tác báo, tạp chí và nhà xuất bản…
Tác phẩm in riêng: Cây sơ ri ly hương (tập truyện ngắn, NXB
Văn hóa Văn nghệ 2010)
Tác phẩm in chung nhiều tác giả: Một thời kỷ niệm (thơ, NXB
Hội Nhà văn 1999), Tuyển tập Thơ Tiền Giang (Hội VHNT TG 2003), Truyện ngắn Tiền
Giang 1975 - 2005 (NXB Văn nghệ 2005), Văn thơ giữa đời thường (NXB Thanh niên
2007), Khoảnh khắc (thơ, NXB Hội Nhà văn 2008), Sóng sông Tiền (truyện ký, NXB
Hội Nhà văn 2009).
GIỚI THIỆU TRUYỆN NGẮN TIÊU BIỂU
VIỆT KIỀU CŨNG KHỔ
Hơn nửa tháng nay nắng nóng cực kỳ. Người ta cứ
tưởng rằng sống vùng ven biển thì trời mát nhờ nhiều gió, thực ra không phải vậy.
Ông Ba Đa đang ở tạm nhà vợ chồng cô con gái thứ ba, cách mép nước chẳng bao xa
mà hơi không khí gờn gợn, ngột ngạt trên bãi cát đen ô nhiễm chốc chốc lại lùa
thốc vào nhà. Xế chiều trời dịu đôi chút, ông không gọi bà vợ bởi thời gian sau
này bà hơi lẩn thẩn mà một mình lửng thửng ra địa điểm chuẩn bị cất nhà mới. Với
diện tích chỉ 100 mét vuông, đám thợ đổ đất nền làm cù cưa cả tuần lễ chưa được
phân nửa. Thật tình mà nói thì ai đời cất nhà trên bãi cát phía ngoài con đê chắn
sóng, sợ triều cường nên đổ đất nền cao gần một mét rưỡi, hỏi làm sao chẳng hao
công và kéo dài thời gian? Trước đây rất nhiều người biết hoàn cảnh khó xử của
ông, họ dè dặt khuyên mua một cái nhà nhỏ đủ hai vợ chồng già ở tại phường phụ
cận thị xã cho tiện sinh hoạt và ít tốn hao hơn dổ tiền cất nhà vùng biển xa
này. Ông Ba chỉ ậm ừ trả lời qua loa rồi vẫn giữ nguyên ý dịnh vì nhiều lý do
khó giải bày. Bà vợ bệnh tật của ông thì bảo sao nghe vậy, bà hoàn toàn phụ thuộc
vào ông chồng có máu gia trưởng sau gần năm mươi năm chung sống. Đất ven biển
chính quyền không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nhưng ông phải bỏ ra hàng
chục triệu cho thằng rể thứ ba khỏi phiền lòng. Ba cái đồ đạc đáng giá ông đã
chuyển dần từ ngôi nhà cũ ở quê về gần hết, giống như một cuộc tháo chạy lặng lẽ,
cay đắng. Càng nghĩ ông Ba càng tức giận, giận vì mình sai lầm và tức vì phải rời
bỏ nơi mình từng sống và lao động cực nhọc cả đời tạo ra. Mà hiện nay ông là một
Việt kiều hồi hương hẳn hoi, chẳng được áo gấm về làng thì thôi, đàng này giờ
phải sụp nón che mặt mà đi. Ngồi tựa gốc cây bàng, ông hồi tưởng lại quãng đời
thăng trầm của mình trong sự bi phẩn thương thân…
Trước năm 1975, ông Ba Đa chỉ là một phó trưởng
ấp chính quyền cũ, làm việc dạng cầu an, xoàng xoàng. Sau giải phóng, lẽ ra ông
học tập cải tạo chừng vài tuần lễ là trở về làm phó thường dân, cày sâu cuốc bẫm
như mọi người. Kẹt chỗ lúc “đương chức” ông gieo quá nhiều… nợ tình và nợ tiền
nên thiên hạ tố cáo ông đủ thứ tội khiến ông nằm trại gần 4 năm. Được tha, một
số người đồng cảnh ngộ đủ tiêu chuẩn xin đi diện H.O, phần ông vẫn im thin
thít. Nhờ người thân thuộc ở Sài Gòn giúp làm thủ tục, vợ chồng ông cùng đứa
con trai út ngỡ ngàng đùm gói bay sang đất Mỹ trong chuyến bay cuối cùng của
chương trình. Gửi thân xứ lạ quê người, hai ông bà làm đủ mọi việc kiếm tiền,
chắt chiu từng đô-la một. Đứa con trai được học nghề sửa chữa ô tô. Sự khó khăn
dần trôi qua, ông Ba Đa thỉnh thoảng gởi cho những người con còn ở quê nhà chút
đỉnh tiền quà. Ba con gái có chồng sống riêng, một trai thứ tư cùng vợ ở ngôi
nhà cũ. Trước khi đi Mỹ, ông Ba làm giấy tờ giao chủ quyền toàn bộ nhà, đất, ruộng
cho con trai theo quan niệm “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ
viết vô” cố hữu của ông. Con gái có đứa rất nghèo, nhưng ông vẫn phớt lờ không
giúp, không chia cục đất chọi chim. Thư từ qua lại, ông chỉ tiếp xúc và nghe
báo cáo của con trai và con dâu, cấm biệt con gái ruột nói qua nói lại. Tới năm
thứ mười, ông lo việc hồi hương bằng ý định cất nhà cao cửa rộng rỡ ràng cùng
thiên hạ. Gát ngoài tai những ý kiến của “bầy con gái lộn xộn”, ông Ba gởi thẳng
cho con dâu số tiền 300 triệu cất nhà chờ vợ chồng ông hồi hương. Ngôi nhà cất
xong kiểu “tân cổ giao duyên” lỗi nhịp, các nhà thầu chân chính nhìn qua bảo:
“giao tôi 200 triệu, căn nhà này không đẹp hơn thì cứ dùng lưng tôi làm… bàn nấu
lẩu!”. Con trai út ông về trước đã nắm bắt được phần nào tình hình gia đình qua
việc anh chị Tư ngồi cạnh đống quà mang từ Mỹ về gồm kẹo bánh, dầu xanh, quần
áo…, rồi lớn tiếng gọi chị em lấp ló ngoài hành lang vào phân phát theo cung
cách kẻ cả. Trở qua Mỹ, cậu Út kể sơ tình hình cho hai ông bà nghe, nhưng ông
Ba vẫn giữ vững lập trường “Con gái con của người ta/ Con dâu mới thiệt mẹ cha
rước về”. Ờ… hạ hồi phân giải!
… Cuối năm đó, vợ chồng ông Ba Đa hồi hương theo đúng
thủ tục. Họ hàng, chòm xóm nhớ tình nghĩa nên đến thăm hỏi suốt mấy ngày. Tiếp
xúc vài lần, người ta nhận xét vợ chồng ông gần như gạt bỏ hoàn toàn cái “chân
quê” thân tình, hồn hậu. Hỏi cô Bảy công cấy một ngày bao nhiêu tiền, cô nhỏ nhẹ
trả lời:
- Dạ… năm chục ngàn, chủ có cho ăn trưa…
Hớp ngụm bia lon, ông Ba cười khì:
- Cà ngày chưa được ba “đô”! Vợ tui rửa chén nhà hàng
một giờ đồng hồ lãnh tiền gấp đôi cô… khom lưng chỏng gọng ngoài ruộng!
Cô Bảy đỏ mặt, lúc sau len lén bỏ về nhà không
chào ai. Ngó bà Hai mân mê mấy thỏi kẹo để dành cho cháu, ông Ba ra vẻ quan
tâm:
- Tết này bà có tính đi đổi gió hay du lịch đâu
không? Giá tua Hồng Công, Thái Lan… giờ cũng rẻ!
Đưa ống tay áo sờn cũ lên lau miệng trầu, bà
Hai ngượng ngịu đáp:
- Chuyện ở… trên trời! Lo lặn lội cắt lác, phơi đập,
đánh võng kiếm chút đỉnh phụ con cháu còn chưa xong. Tiền đâu mà du lịch đổi
gió, hổng… trúng gió trúng phong là còn phước!
Những giọng cười vô tư vang lên trong đám đông
người quanh bàn. Ông Ba nhịp lon bia giữ trật tự rồi nghiêm giọng:
- Bên Mỹ, cỡ tuổi bà Hai người ta đưa vô trại dưỡng
lão nuôi thoải mái, con cháu cũng yên tâm, khỏi lo lắng tới lui chi cho mất thời
giờ…
Bà Hai xốn xang, dằn mấy thỏi kẹo lên bàn, đứng
lên chậm rãi nói:
- Sao vợ chồng chú không ở bên ấy, về già có thiên hạ
nuôi dưỡng? Con cháu tui có nghèo đến mấy chắc cũng hổng bao giờ đưa tui vô trại,
vô chuồng như chú nói đâu. Cháu rau dưa muối mà có cái tình, còn hơn… Tui xin về
trước!
Từ chiều đó, những người quanh xóm có việc đi
ngang nhà ông Ba Đa cứ thẳng đường mà bước, từ chối không vào cho dù ông mời khản
giọng. Vợ chồng ông đã chối bỏ và gần như miệt thị cuộc sống thôn dã êm ấm đã gần
gũi, nuôi sống cả gia đình ông suốt mấy mươi năm. Vậy thì họ hàng, chòm xóm
quay mặt lại với ông để chứng tỏ sự bất bình cái tư tưởng thiển cận, vọng ngoại
mà ông hấp thụ được sau mười năm sống trong cô đơn, lạnh nhạt xứ người…
Trở lại chuyện nhà ông Ba Đa. Những tiện nghi
như sa-lon, bàn kiếng, tivi, tủ lạnh… ông sắm sửa đầy đủ cho gian nhà trên. Ba
con gái tới lui thường xuyên với tình ruột thịt xa cách lâu ngày, chẳng hề quan
tâm vòi vĩnh chút gì. Vợ chồng Tư Mẹo từ chỗ nhột nhạt, đố kỵ tới gay gắt mỗi lần
thấy các chị em mình đến ăn uống, vui vẻ chuyện trò cùng cha mẹ. Mặc cảm mình bị
“thất sủng”, vợ Tư Mẹo nói xiên xỏ, cạnh khóe cha mẹ chồng, dần dần hổn hào ra
mặt. Bực bội không dằn được, ông Ba gọi hai vợ chồng lên rầy thẳng:
- Hồi ở Mỹ ba má rất tin tưởng hai đứa, nói sao cũng
được. Nhưng về đây rồi, ba nhận xét chị em bây đâu đến nổi tê như bây báo cáo.
Vốn liếng ba má cho cũng khá, hai vợ chồng cứ người số đề, người cờ bạc, đá
gà…, giờ có bằng ai? Nhà cửa, đất đai sau này ba má giao cho bây chớ tụi con
gái có xơ múi được gì? Bày đặt ganh tị, so đo vô lý quá!
Tư Mẹo lầu bầu:
- Tui hổng ưa ai tới đây ở nhà trên cười giỡn, còn vợ
chồng con cái tui ở nhà dưới, ba thấy được sao?
Cô con dâu căng thẳng hơn:
- Nhà cửa, đất đai này vợ chồng con nắm chủ quyền rồi,
ba má thượng nhà trên là con… nhân nhượng lắm! Mai này cháu nội ba lớn lên,
chưa chắc gì nó để yên đâu… Tiếng là nhà Việt kiều mà có sắm sửa gì cho tụi
con? Ba má coi chừng thiên hạ kêu rêu cùng xóm thêm xấu hỗ…
Ông Ba than thầm trong bụng: “Mình gây ra mình
chịu!”. Ngay hôm sau, ông tự giác sắm cho gian nhà sau đủ bộ tivi, tủ lạnh, đầu
đĩa… theo kiểu “Phóng tài hóa, thu nhân tâm”. Chuyện ăn uống ông tách riêng bởi
cứ đôi ngày phải đưa tiền chợ cho con dâu mấy trăm ngàn thì cỡ đại gia như
Vương Khải, Thạch Sùng cũng ngậm ngùi le lưỡi. Ba đứa cháu nội thì hết dạy nổi,
mò cua bắt ốc ngoài ruộng dính sình bùn mang vô nhà, ông rầy vài câu thì chúng
đi ra trét đất đầy tường trả đũa. Tới lúc chúng đấu kiếm, tung ám khí bể
mặt kiếng bàn giữa, ông quát mắng thì con dâu trả treo chửi đổng suốt hai giờ đồng
hồ chưa thôi. Chờ ngày tốt, con dâu đi ăn giỗ vắng nhà, ông len lén hì hục đóng
cái chốt cửa ngang, móc khóa phân chia… địa giới. Xong việc, ông chở bà vợ tới
nhà con gái tị nạn tạm thời một ngày đêm mới về, bịt tai tránh cơn tam bành
sóng gió ắt phải xảy ra. Nói chung, vợ chồng con cái Tư Mẹo làm khổ hai ông bà
từng giờ, từng ngày. Tâm lý bị chia sớt ảnh hưởng, không còn thế độc quyền
trong việc phân chia tiền bạc, quà cáp từ Mỹ gởi về như trước, khiến vợ chồng
Tư Mẹo lồng lộn lên bất chấp phải trái. Vã lại, Việt kiều hồi hương thì tiền bạc
cũng “đóng băng”, không còn hào phóng nữa. Tuy nhiên, có người biết chuyện đã
khuyên Tư Mẹo:
- Ba mày cả đời lam lũ, sang Mỹ về có chút tiền dưỡng
già là tốt. Nhưng hảnh tiến, hợm mình quá thì không nên, bởi so với những người
làm kinh tế nội địa hạng trung trung thì ba mày chẳng so sánh bằng họ được. Có
điều, cha mẹ thương giúp vợ chồng mày mọi thứ thì cố gắng xử sự sao cho xứng
đáng, đừng lỗi phận làm con, làm dâu. Tao nói thật, chừng mày đầu hai thứ tóc
có suy nghĩ lại mà ân hận, ray rức cũng muộn màng…
Tư Mẹo cúi xuống rồi ngẩng lên ngay:
- Hai ông bà hồi hương về ở trong nhà tui mà muốn… lấn
quyền vợ tui. Nó bực bội, cằn nhằn chửa bới tui nghe điếc tai. Thây kệ, tới đâu
tới!
… Sang năm thứ ba, cậu Út đột ngột về thăm cha mẹ mà
không báo trước. Lần này cậu dành nhiều thời gian viếng nhà bà con, hàng xóm,
biếu quà người già, cùng là thu thập thông tin khách quan về vợ chồng Tư Mẹo.
Được một tuần lễ, cậu bày vài bàn tiệc từ giã. Cho ba chị mỗi người 300 “đô”,
phần anh Tư cây thuốc lá Con mèo và… 500 ngàn đồng. Uống khá nhiều bia, Tư Mẹo
loạng choạng ra nhà sau báo vợ biết sự “bất công” này. Đang nặng mặt sượng sùng
không thèm dự tiệc, vợ Tư Mẹo sau khi nhét tiền vô túi đã cầm cây thuốc lá chạy
lên nhà trên ném thẳng lên bàn cha mẹ chồng, cơm nước văng tung tóe. Chưa hả giận,
chị con dâu quá quắt còn xỉa xói, gào khóc, vu vạ mọi người hiếp đáp mình rồi nằm
lăn ra sân thút thít, hồ hộc như người sắp đứt hơi ngừng thở vì… uất ức. Bênh vợ,
Tư Mẹo khí thế bừng bừng lớn tiếng hăm he bất cứ ai can thiệp. Bà vợ ông Ba Đa
hồi hộp trước diễn biến, mặt mày tái xanh gọi con gái đưa mình ra khỏi hiện trường
hỗn độn này. Cậu Út bình thản điện gọi tắc xi đến rước, chào hết mọi người để
lên thẳng Sài Gòn, chờ tối bay sang Mỹ không hẹn ngày trở lại…
Sau những sự việc mang tính kịch bản nói trên,
giữa vợ chồng ông Ba Đa và con dâu, con trai như nước với lửa, gần như không tiếp
xúc nhau. Ông giờ giống một triết gia ẩn dật, gát ngoài tai sự dời, mặc con dâu
đơm đặt, thêu dệt đủ chuyện xấu về ông. Nghe ai đó bắn tin rằng ông sẽ nhờ người
viết bài báo rồi đưa đơn lên tòa án đòi lại nhà đất đã cho với lý do “con cái
ngược đãi, bất hiếu với cha mẹ”, vợ Tư Mẹo nhảy đong đỏng lên rủa xả, thề thốt
bảo vệ chủ quyền, anh chồng thì lầm lì ngồi mài cây mác vót bén ngót, không nói
một lời. Nghe tin đồn cha chồng hai lần ăn phở, uống cá phê với con nhỏ bán vé
số ở Xóm Rạch, vợ Tư Mẹo mừng quýnh tức tốc thông báo liền cho các đồng minh bẽm
mép. Ngay chiều đó, cả ấp được thông tin qua nâng cấp là ông Ba Đa nhẵn mặt tại
các phòng ngủ cho thuê theo giờ! Sống kiểu nhất cử nhất động đều bị con dâu và
thằng con trai nhu nhược theo dõi, ám quẻ mãi, ông Ba Đa cùng bà vợ tội nghiệp
đành phải “bỏ của chạy lấy người”, giải pháp tình thế cuối cùng!
Cô con gái thứ ba khéo léo thuyết phục vợ chồng
ông cùng về sống gần để “ba má tuổi già có vợ chồng con chăm sóc…”. Chừng ông đồng
ý chuyển dồ đạc thành chuyện đã rồi không thể quay lui thì thằng rể gọi ông thầu
vườn, chỗ quen biết, tín nhiệm tới. Lời ngọt bùi tai, ông thỏa thuận giao khoán
hoàn thành nhà với giá 300 triệu. Gọi điện cho cậu Út bên Mỹ, nó hứa giúp 5
ngàn “đô” và sẽ không bổ sung khoản nào khác. Ông cũng còn khá tiền, vậy cũng
xong một bề. Nghe ngóng chuyện ở quê, ông Ba biết vợ chồng Tư Mẹo đã dọn lên
nhà trên và kêu bán ruộng, nợ nần chồng chất. Dư luận xóm giềng đàm tiếu, ai đi
ngang nhà cũng liếc vào, thì thầm cười cợt. Bà vợ rầu rĩ than thở suốt đêm, ông
bực gắt: “Tôi đã sai lầm, còn nó ăn ở bạc ác rồi cũng trắng tay, kệ xác tụi
nó!”. Mới đây, hai đứa con gái thứ hai, thứ năm tới thăm, bóng gió trách ông
thương con không đồng đều gây ra hậu quả, giờ đi đường chẳng dám nhìn mặt ai.
Ông giận bỏ ra mé rừng phòng hộ ngồi gậm nhấm nỗi buồn, linh cảm “cuộc chiến
gia đình” sẽ chuyển qua hình thái mới, kiểu phim nhiều tập. Y như rằng, cô Hai
nửa đùa nửa thật nói với cô Ba:
- Dì khỏe rồi! Đất bãi cho không ai dám ở chớ đừng
nói mua, ba má rước ngon ơ! Rũi có đợt sóng thần ập vào thì…
Cô Năm cười cười, độc địa tiếp lời:
- Chị Ba cứ xúi ba má đổ tiền cất nhà cho thiệt hoành
tráng, ít năm sau hai ông bà… chết thì con trai chị ở, cúng kiến luôn. Thằng Út
có về đây, chị nằm quyền tha hồ bày vẽ…
Không nói một tiếng, cô Ba sầm mặt ra sân cầm
chổi quét lia lịa, bụi bay mù trời. Con chó đang nằm cạnh cây nhãn vẫy đuôi mừng
chủ, tự dưng lãnh một cán chổi đau điếng, cụp duôi rên ư ử. Bà mẹ nằm võng, tay
gát lên trán nhìn qua cục diện với ánh mắt thờ ơ, lạnh nhạt. Hai cô con gái vừa
châm ngòi mối bất hòa đứng lên, ra về trong lặng lẽ…
… Vò nát chiếc lá bàng khô trên tay, ông Ba Đa chợt
nghe tiếng người nói chuyện phía sau ụ đất. Tiếng thằng rể ông đầy phấn khởi:
- Chỉ riêng tui với chú biết thôi nghen, đừng nói cho
con vợ tui… Ừ, ông già còn nhiều tiền mà, tui giới thiệu chú là thầu lớn, từng
thiết kế xây dựng hàng loạt nhà hàng khách sạn ba sao. Ổng mà hổng tin thì tui
đi bằng… đầu gối cho chú coi. Giá cả, số lượng các loại vật liệu chú báo tui rồi
mình thống nhất…
Giọng Năm Bụng chủ thầu rề rà:
- Chơi đẹp mới bền, cứ vậy làm tới tới. Tôi sẽ biểu
đám cu-ly thi công rề rề kéo ra giêng, Tết nào vợ chồng chú thím dễ bề quản lý…
À, còn bà già tối ngày nằm trao tráo dòm ngó khó chịu…
Cặp vai ông thầu bước ra lộ lớn, rể ông Ba cười
sùng sục trong họng, giọng cười đáng ghét:
- Bà ấy lãng lãng cả năm nay, biết mốc xì gì mà dòm với
ngó! Hai ông bà hết cửa, hết đường rồi… Giờ tui mời chú tới quán hương đồng gió
nôi ở Kinh Cụt làm vài chai mát mát chơi, có em mới rửa mắt khỏi chê. Hà… hà!
Vỗ ngực hồi lâu cho cơn nghẹn tức hạ xuống, ông
Ba Đa gượng đứng dậy đi về nơi tạm trú, nhà vợ chồng con Ba. Nắng chiều sắp tắt
soi mờ tỏ khuôn mặt phờ phạc, đầy nếp ưu tư của ông Việt kiều hồi hương… cũng
khổ!
NGUYỄN KIM (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét