Làng Vĩnh Tế vây quanh ngọn Núi Sam như
bám lấy bầu sữa mẹ. Dòng sữa ngọt ngào từ đồng bằng phì nhiêu, từ dòng kinh
Vĩnh Tế trong xanh, từ mùa nước nổi đậm phù sa đã nuôi làng lớn lên trên mảnh
đất biên thùy. Cây mỗi ngày một xanh, nhà càng lúc càng san sát, cuộc sống sung
túc hơn lên. Thiên nhiên bị chinh phục, giặc ngoại xâm phải tháo chạy, tinh
thần bất khuất của dân làng tích tụ từ dòng Cửu Long mênh mông, từ cái khí
thiêng của Bảy Núi bao la, Vĩnh Tế trở thành cái nôi của cách mạng, là trung
tâm di tích văn hóa, lịch sử Châu Đốc.
Mai Văn Tạo sinh ra và lớn lên trong ngôi
làng ấy với cái tên Chín Giỏi, là con một gia đình thợ đá nghèo, nỗi cơ cực của
tuổi thơ đã làm ông sớm dạn dày. Mảnh đất đầu nguồn châu thổ có núi, có sông,
có đồng bằng bát ngát, có lời ru của mẹ, có cảnh đẹp nên thơ, có anh hùng hào
kiệt … đã gieo vào tâm hồn ông những ấn tượng về cuộc sống, những rung động với
thiên nhiên. Và ông sớm trở thành một nhà báo, nhà văn. Chính quê hương đã đưa
ông đến với văn nghệ nên cuộc đời văn nghệ của ông luôn gắn chặt với quê hương.
Nhưng cái nghèo cũng suýt làm thui chột một tài năng. Sau khi học hết lớp ba,
lớp cuối cùng của trường làng Vĩnh Tế, ông thi ra trường tỉnh, đậu nhưng không
đi học được vì không có tiền đóng tiền trú, tiền trường. May sao, nhờ thầy giáo
Trần Cui Xên dạy lớp ba, cho ông học lại và đã tận tình dạy dỗ để năm sau ông
nộp đơn thi “Bourse” và tiếp tục con đường học vấn bằng học bổng.
Hình ảnh người thầy đã tạo nên ấn tượng
sâu sắc trong cuộc đời Mai Văn Tạo. Không ít bút ký, truyện ngắn, tiểu phẩm về
người thầy của ông đã làm xúc động người đọc, vì đó chính là tình cảm thật luôn
khắc ghi trong lòng ông, như trong tản văn “Người mẹ - người thầy”, “Viếng mộ
thầy”.
Nhưng cái nghèo vẫn không buông tha ông,
và chỉ có nghị lực vô biên của con người mới vượt qua được. Cha thành tàn phế
đột ngột vì tai nạn bắn đá, gia đình rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, ông phải bỏ
học giữa chừng khi đang học Cours Supérieur, trở về đốn củi, giăng câu giúp mẹ.
Năm 14 tuổi ông phải rời làng lên Nam Vang
kiếm sống, làm đủ mọi nghề như thợ hồ, thợ săn, bồi bàn nhà hàng, lơ xe hơi …
để có tiền gởi về quê nuôi mẹ. Vừa làm vừa học tại các trường dạy đêm, học với
những người anh lớn học cao mà thất nghiệp. Có thêm chút văn hóa, năm 1941, ông
thi vào Sở Họa đồ (Cadastre), được tuyển làm việc tại tỉnh Kampôt (Kampuchia).
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945)
khoảng một tháng, ông cùng một số bạn bè bỏ sở, hối hả về quê, tham gia cách
mạng. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Châu Đốc và trở thành
đội viên bảo vệ ban lãnh đạo cách mạng mới thành lập.
Pháp chiếm lại Châu Đốc, ông làm Đội
trưởng đội cảm tử giữ phòng tuyến Đầu Bờ núi Sam và nhiều lần chạm trán với
địch. Đến tháng 3 năm 1946 ông vào bộ đội với nhiệm vụ trinh sát. Vài tháng sau
ông làm Phó ban tình báo Châu Đốc và tháng 10 năm đó vì cơ sở bị khủng bố nặng
nên Trưởng ban chuyển vùng, ông lên thay thế. Tháng 8 năm 1948, ông bị Phòng
Nhì Pháp bắt tại Châu Đốc nhưng chỉ một tháng sau, ông được giải thoát và tỉnh
rút về làm cán bộ huấn luyện chính trị Biệt động đội.
Cậu bé Giỏi bây giờ đã lớn khôn, sống
giang hồ, làm công chức (thầy ký Nguyễn Thanh Tân) rồi trở thành chiến sĩ cách
mạng với tên Mai Văn Tạo. Ông bắt đầu cuộc đời viết lách bằng những bài báo nhỏ
phê phán bọn thực dân, tề ngụy bóc lột đàn áp nhân dân; những bài thơ tình,
những truyện ngắn, kịch thơ, ngợi ca tinh thần yêu nước (Non nước Lam Sơn,
Vì non nước). Những bài báo
đã mang lại ít nhiều hiệu quả, hạn chế được phần nào sự hống hách, áp bức của
chúng đối với dân làng, đã khuyến khích ông đi sâu hơn vào con đường sáng tác.
Mai Văn Tạo sớm nuôi ý chí “lập thân, lập
chí”, gánh vác gia đình, cho nên những mối tình rất đẹp lặng lẽ đi qua, để lại
những vần thơ đầy màu sắc và hương vị. Tình yêu của ông thâm trầm, sâu lắng và
thủy chung, trong xã hội phong kiến bấy giờ lắm nghịch cảnh, truân chuyên. Tập
thơ đầu tay “Bến lòng” đã để lại những vần thơ mượt mà, trữ tình mà đến bây giờ
đọc lên vẫn còn xao xuyến, bùi ngùi. Những cảm xúc của hoài niệm đã làm cho
người ta sống lại với những tình cảm xa xưa, một chút tiếc nuối làm cho nó đẹp
hơn lên, và có cảm xúc sống mãi trong lòng người, chỉ cần nhắc đến là trái tim
chợt xao động lạ thường.
Cuối cùng, người yêu thật sự và là người bạn
đời duy nhất của ông suốt cuộc hành trình đi với Đảng, với văn nghệ, đã góp
phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng và văn học của ông. Người ta không lấy
làm lạ khi thấy trên những bài viết, những cuốn sách ông đề tặng vợ hoặc tặng “Mẹ của các con tôi”. Tình cảm thương yêu ông dành
cho bà hết mực, nghĩa và tình đã làm nên sự gắn bó trong đời sống của vợ chồng
ông. Càng về già, càng mặn nồng, dù cuộc sống có đơn sơ, đạm bạc. Có lẽ hạnh
phúc lớn nhất của đời ông, ông đã tìm thấy được. Nó biểu hiện thật đơn giản qua
những chuyến đi xa cứ nhắc về nhau, qua những bữa cơm ít thịt nhiều rau nhưng
với bàn tay khéo léo của bà đã trở thành món mồi ngon miệng để ông nhấm nháp ly
rượu thuốc. Tưởng là đơn giản, tầm thường, nhưng mấy ai có được? Biết bao người
sống bên mâm cỗ, rượu thịt ê hề, nhưng cái ngon, cái no, cái thú vẫn nhạt nhẽo
đến trơ trẽn, chỉ vì thiếu cái tình, cái thật, cái thủy chung. Hiếm có vợ chồng
gắn bó suốt 55 năm, “quấn quít bên nhau như rễ cây cổ thụ” (Vợ chồng già – Thơ Mai Văn Tạo).
Một cuộc sống như thế, thử hỏi những trang
viết của ông làm sao thiếu được cái ý nhị của tình người. Trong đó, tình cảm
gia đình, tình yêu làng xóm đã cuồn cuộn từ dòng nhựa của trái tim ông tạo nên
một cái nhìn sâu sắc, phong phú về đất nước.
Hãy thứ lỗi cho tôi hỡi Trường Sơn hùng vĩ
Hỡi Hoàng Liên Sơn vời vợi mây vương!
Tôi yêu con đường ngàn dặm núi non chớn
chở,
Những rặng lê xanh biếc ven đèo Bình Lư –
Phong Thổ,
Những rừng đào ngày xuân rực rỡ Lai Châu
Tôi yêu da diết động đá Tam Thanh
Chon von bóng nàng Tô Thị.
Những rừng hồi thơm ngát
Những vườn đào, vườn mận Mẫu Sơn.
Vẻ đẹp ngất ngây – những miền đất tôi qua
– khiến tôi trăn trở
Xin tất cả đừng phiền!
Tôi vẫn yêu hòn núi nhỏ của tôi hơn
Ngày tháng xa nhà, sống với nỗi nhớ quê
hương khắc khoải, ông đã bầu bạn với thơ văn và tiếng đàn mang theo từ những
đêm ca hát tài tử ở quê làng. Thuở ấy, lòng con người còn bao dung, phóng
khoáng, hào hiệp nên những năm tháng đó là những trang đời ngồn ngộn khó quên
của ông. Từ vốn sống đó, ông đã gởi gắm qua các bài ký trong “Lại về quê lụa
Tân Châu”, “Làng quê ngày ấy”, “Nhìn qua biên giới”, “Đất nước nghìn chùa”,
trong tản văn “Người vỗ trống cơm”, “Mùa bông điên điển” … Những tình cảm dạt
dào xúc động, chân thành.
Những ngày về tham gia kháng chiến, sống
chết với làng, chưa được nghe tiếng đá vọng “hầm hinh”, ông lại ra đi mang theo
nỗi buồn thương quê da diết. Bài ca vọng cổ “Quê mẹ An Giang” của ông nói lên
tất cả nỗi lòng của đứa con xa, làm rung động biết bao người trong thời kỳ
kháng chiến, nhất là những người con của An Giang.
Tháng 10 năm 1954, ông tập kết ra Bắc với
tư cách sĩ quan trong quân đội. Bốn năm sau, ông chuyển ngành vì lý do thương
binh, yếu sức. Ông công tác ở Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, phụ trách các
chương trình: Thanh niên, Phụ nữ, Quân đội, Việt kiều, Văn nghệ. Năm 1968, ông
chuyển sang Hội nhà văn Việt Nam cho đến năm 1973 ông vượt Trường Sơn về tận Cà
Mau.
Những tháng năm ở miền Bắc ông đã lặn lội
đi và viết khắp các vùng đồng bằng, cao nguyên, đồi núi. Những trang viết của
ông mở ra ngập đầy những cánh rừng, con sông, ngọn núi, ngã đường của đất nước,
nhưng không lúc nào vắng bóng quê hương, dù cách xa hàng ngàn cây số.
Ngày tháng tha hương tôi mang bóng núi
Đặt giữa tim mình – Nghe núi gọi đêm đêm.
Tác phẩm đầu tiên xuất bản của ông: Phóng
sự “Chết trong cảnh đói”, ông đã tái hiện bằng máu tim và nước mắt cảnh cơ hàn
của dân làng quê An Giang bị ngập lụt liên tiếp ba năm 1940 – 1942 (báo Tiếng Dội, Sài Gòn 1947) và ở các tác phẩm sau,
quê hương càng lúc càng đậm đà, càng thôi thúc và sôi động. Quê hương là tâm
hồn, là vẻ đẹp vô biên, là khao khát bao la của ngòi bút Mai Văn Tạo. Các bút
ký, tùy bút của ông đã tạo cho người đọc cái cảm giác khi ông đặt bút xuống là
tuôn chảy, tràn trề, lai láng những ý những tình, những âm thanh màu sắc, dù ông
là người viết kỹ, viết chậm, thận trọng từng câu chữ. Quê hương núi Sam là một
làng nhỏ với trái núi nhỏ, nhưng qua ngòi bút của ông nó như vô tận vô cùng,
làm cho người ta cảm thấy yêu mến và khát thèm một quê hương như thế! Quả thật
quê hương là máu trong tim ông, chẳng bao giờ cạn chẳng bao giờ cùng. Ngót 30
quyển sách đã in, hầu như ông chỉ xoay quanh đề tài đất nước – quê hương, con
người xứ sở, vẻ đẹp thiên nhiên.
Sau giải phóng miền Nam 30-4-1975, ông về
công tác ở Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Hằng năm ông đều về làng Vĩnh Tế
đôi ba lần. Ăn nằm, bầu bạn với làng quê cả tháng trời mà khi ra đi (dù còn hẹn
ngày tái ngộ) vẫn bịn rịn, khôn nguôi.
Các tác phẩm “Lời ru của mẹ”, “Miền quê
của ngoại”, “Làng quê ngày ấy”, “Bến Châu Giang”, kịch bản phim “An Giang – đầu
nguồn châu thổ”… Là những bông hoa rực rỡ từ quê hương ông mang tặng cho đời.
Và trong lòng ông, còn vô số những bông hoa như thế, ông cứ hiến dâng
suốt cuộc đời mình.
Tình yêu quê hương đã thể hiện trong nhân
cách, trong trang viết và cả trong thú sống của ông. Ông rất thích ngồi uống
rượu vào những đêm trăng dưới chân núi Sam, rất thích đọc những bài thơ, đoạn
văn của mình viết về quê hương mà ông diễn cảm khá tài tình, rất thích vào xóm
nhậu cùng dân làng suốt sáng với rượu đế, cá linh, bông điên điển.
Nên có ai chạm đến núi Sam, ngọn núi quê
hương ấy là lòng ông đau buốt, vì đó chạm đến trái tim ông. Ông đã chiến đấu
với kẻ thù để bảo vệ núi Sam. Ông cũng đấu tranh không khoan nhượng với những
người vì lợi nhuận đã nhẫn tâm tàn phá núi lấy đá. Giờ đây, ông và nhân dân
làng Vĩnh Tế đã chiến thắng!
Đêm đêm lắng nghe Người trăn trở
Một chút nhíu mày – đau buốt cả tim tôi.
Dẫu phải đắng cay, nghìn lần đói khổ
Cũng không rời bóng mẹ
Núi Sam ơi!
TRỊNH BỬU HOÀI (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỈ NIỆM 10 NĂM NGÀY MẤT NHÀ VĂN MAI VĂN TẠO (3/7/2002 - 3/7/2012)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét