Tuổi thơ của tôi kỳ lạ lắm. Những
chuyến xe vào mờ sáng, chòng chành, chật chội. Tôi nhớ mình hay đứng ở một góc
ngã tư đầy xe cộ, chiếc mũ rách rưới và khuôn mặt ngơ ngác của tôi khiến người
ta thương xót, từng đồng bạc lẻ, nhàu nát rơi xuống nhẹ nhàng, thanh thoát như
những cánh cò lượn cánh quê tôi. Chiều nhập nhằng, tôi lại leo lên chuyến xe
khách ấy, ngủ gà ngủ gật cho đến khi ai đó ré lên "tới rồi".
Tôi nhớ cả khuôn mặt hộc hằn của chị hai tôi, khi tôi đem về khoản tiền ít ỏi,
khi lục tung người tôi và khi gọi tôi dậy vào ban sáng. Những buổi sáng sớm
luôn làm tôi chống chếnh, với bộ quần áo cộc mỏng toe, tôi lò dò ra ngoài đường
lớn, ngồi thụp xuống, ngái ngủ nhìn những bóng sáng chậm chạp lóa ra từ màn sương
đùng đục. Có hôm tôi thấy đầu mình nóng hổi, miệng đắng nghét, tay chân thừa
thải, toan xin chị hai ở nhà một hôm, bỗng bắt gặp ánh mắt xếch lên của chị,
tôi lại thôi.
Những ngày đó, tôi ước gì má bênh vực tôi vài câu, hoặc ngăn những bước xiêu
vẹo ngái ngủ của tôi lại một hai ngày thôi, nhưng không, má tôi chỉ ngồi đó và
chăm chú nhìn vào khoảng không trống hoắc, không hề lướt mắt qua tôi, dù chỉ là
bâng quơ thôi để nhìn cả quảng đời tuổi nhỏ của tôi trôi qua.
Má tôi là một người phụ nữ khốn khổ. Tuổi của bà không nhiều bằng những nếp
nhăn vằn vện trên mặt bà, càng không nhiều bằng những vệt đồi mồi khắp trên da
thịt bà. Má tôi không hay nói chuyện, cả cuộc đời bà chỉ lẩm bẩm với ai đó mà
tôi chưa từng thấy mặt. Mọi người gọi má tôi là mụ điên, tôi không cự cãi,
không thấy xấu hổ, bởi tôi quen với việc đó từ lâu rồi, chắc tận từ khi dây rún
tôi còn nối chằng chịt với má.
Từ đường cái lớn vào nhà tôi hồi ấy chỉ toàn là xà cừ và bàng, sáng sớm, khi
những tán xà cừ còn yên ngủ, bàng không buồn rụng lá, tôi lò dò theo thứ ánh
sáng yếu ớt hắt từ những tia mặt trời non nớt đầu tiên, đầu óc lênh láng một
nỗi thèm thuồng rất con nít. Tôi chỉ muốn lăn vào vệ đường, nằm lên lớp lá bàng
còn ướt sũng sương và đánh một giấc thật sâu, đến mức không còn tỉnh dậy để nghe
thấy tiếng lè nhè của chị hai tôi. Chiều tối, tôi rẽ màn đềm về nhà, cũng đi
trên con đường đầy bàng và xà cừ ấy, cũng díp mắt vì mệt mỏi, cũng nghe tiếng
sương đêm rơi lóc tóc trên vai áo, cũng đã thôi chờ có một ngày thật khác.
Có một ngày chị hai tôi bỏ đi, mất biệt. Tôi dùng cái giọng ngọng nghịu vì ít
nói của mình hỏi má, nhưng má im re, chỉ có đôi mắt trắng nhớt ngó ra ngoài
đường cái là có vẻ như đang trong ngóng điều gì đó. Người ta đồn chị tôi theo
ai đó vào miền trong, tôi chạy ào ra ngoài đường lộ, đứng dòm xuống suốt hai
ngày hai đêm, để chắc rằng chị tôi không quay về nữa, và tôi sẽ có vô chừng
những giấc ngủ say sưa.
Căn nhà không có chị hai êm ả hơn bao giờ hết. Tôi không còn phải thức dậy sớm
để lò mọ trong sương hay tập tễnh đêm khuya nữa. Má tôi thì khác, má trở nặng
hơn từ lúc chị đi, má hay khóc hay cười một mình, thỉnh thoảng hay lang thang
đâu đó ở xóm ngoài, bị trẻ con chọc ghẹo ngồi khóc tu tu, có khi trừng mắt trợn
ngược lại rất hoang dại. Tôi ngày đó không đủ lớn để chở che cho má, chỉ có
những chiều thấy nhà trống hoắc, tôi lò dò ra xóm ngoài tìm má, thấy má ngủ vùi
trong đống rơm nhà ai đó, liền dẫn về. Tôi dắt tay má qua những con đường ngập
ngụa đêm khuya, nghe mùi nhựa cây sóng sánh chảy dài trong đất, tiếng dế buồn
khắc khoải, tiếng bàn chân má cạ xuống mặt đất đau điếng, tiếng tôi bé nhỏ thở
dài như tiếng rên.
Tối nào má cũng nằm tuốt trong góc nhà, không mền, không gối, cuộn mình gọn
gàng vào vách đất nêm rơm ngủ ngon lành. Những lúc giật mình tỉnh giấc, tôi lúc
nào cũng lấy chăn đắp cho má, ngắm gương mặt hiền khô đang say giấc, tự nhiên
thèm được rúc vào lòng má ghê gớm.
Một bữa tôi ra hợp tác xã nhận vài gói mì tôm với một bịch gạo. Đi nửa đường tự
nhiên có một bọn con nít chui ra từ mấy gốc bàng to sụ lăm le dồn tôi vào vòng
tròn. Tôi không sợ hãi cho lắm, bởi lúc đó còn nhỏ quá, cũng chẳng hề biết tụi
nó muốn gì. Cho đến khi một thằng trong bọn giật lấy mấy gói mì tôm, làm tung
tóe bịch gạo ra đất, tôi mới ngỡ ngàng. Nhìn những nụ cười ác nhơn đang bao vây
mình, tôi chẳng biết phải nói gì, phải ứng xử thế nào, chỉ đực mặt ra ngắm
những gói mì bị dẫm nát dưới chân. Cho đến khi má xông vào, rú từng hồi điên
loạn, những tia máu đỏ vằn vện trong đôi mắt trắng xác và khua khoắn loạn xạ,
bọn chúng mới hãi hùng bỏ chạy, má tôi vẫn la lên thứ âm thanh đáng sợ đó mãi
cho đến khi không còn thấy bóng một đứa nào nữa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy má
tôi chẳng điên chút nào, thấy cái tiếng ú ớ như người câm chẳng đáng sợ chút
nào, đi lẫm bẫm sau lưng má, thấy má thỉnh thoảng cười ngây dại, tự nhiên muốn
chạy ào tới ôm lấy một cái, nhưng lại thôi...bởi vì tôi còn nhỏ quá...
Rồi má tôi mất, vào một đêm mưa to gió lớn, có chiếc xe nào đó loạng choạng vì
men say rồi đâm sầm vào má tôi lúc tôi chưa kịp đi tìm má. Tôi không biết nhiều
về sự chết chóc, chỉ nhớ những dòng người ồn ã khiêng má tôi chôn sâu dưới đất
rồi không đào lên nữa. Tối hôm đó, nhìn ngôi nhà trống vắng, tôi sợ hãi đến mức
băng đường rừng lên nghĩa trang, nằm bên cạnh chỗ người ta vừa chôn má tôi
xuống mà ngủ ngon lành. Mưa rơi lóc chóc lên tóc, lên mặt, lên người tôi, nhưng
vẫn không lạnh bằng ở nhà một mình.
Tôi ngủ mãi cho đến lúc lớn lên, dưới ánh trăng dìu dịu, da thịt con gái mới
lớn trở nên quyến rũ như một bức tranh dân gian gợi tình nào đó, căng tròn và
thơm ngát. Những ánh mắt sáng quắc lên mỗi lần đi qua nhà tôi, những bàn tay lọ
ngọ sau lưng mê mãi vuốt ve vào nhau, những cái chần chừ lãng vãng quanh nhà
làm tôi bắt đầu thấy có cái gì đó kì lạ. Cho đến lúc tôi bị một gã lâm tặc đè
xuống phía sau hè, lá bàng khô vỡ lách tách, chim rừng lặng lẽ đứng ngó từ ngọn
bạch đàn trắng nhớt, mùi nhựa cây lẫn vào mùi mồ hôi nhầy nhụa chà qua chà lại
dưới bụng, cổ họng khô khốc há ra như chờ chực giọt sương chậm chạp sượt qua
nhúm đọt bàn xanh lét rồi rơi xuống. Tôi ước sao có má ngồi dài dại ở phía sau
hè, nhìn tôi lấy một cái, tôi sẽ không phải có cái cảm giác mất mát như thế
này.
Tôi cài lại từng chiếc nút trên áo mình, gỡ từng mũi cỏ may đâm chi chít vào
quần mình, lững thững đi ra bờ suối sau nhà, bụng dưới ê ẩm và đau rát. Lần
này, tôi tự cởi quần áo của mình phơi trên tảng đá xanh rêu, rồi ngâm mình
xuống dòng suối trong mát. Ngắm khuôn mặt lãng đãng của mình sau mặt nước dùng
dềnh, đôi vai trắng ngần lả tả giọt nắng, tôi nhoẻn miệng cười thật tươi, thấy
mình hao hao khuôn mặt của những thiếu nữ có cánh đâu đó từng nhập nhằng trong
ký ức tôi.
Những mùa hạ trôi qua, bàng nhạt nhòa thay lá, tôi vẫn hay ngăm mình dưới dòng
suối, thỏa thích ngắm đôi cánh trắng muốt sau lưng mình lãng đãng. Thỉnh thoảng
tôi bắt gặp những ánh mắt sáng quắc sau bụi nho rừng, những tiếng nuốt khan nho
nhỏ vọng ra từ bên kia bờ, lòng tôi dâng lên một niềm thao thức khó tả. Tôi
muốn mình xỏa cánh bay lên giữa bạt ngàn cõi lòng đen đúa, xấu xí, qua những miền
cò trắng đậu mông mênh, vượt những con thác hùng loạn, rồi đáp xuống một hòn
đảo cô đơn giữa dòng trôi nổi, ngủ một giấc an yên trên chính đôi cánh mình.
Nắng hạ gắt gỏng đánh thức mí mắt tôi, lá khô râm ran sau hè. Cõi lòng non nớt
của tôi tự nhiên rạo rực.
Tôi không có người thân nào khác ngoài nấm mộ của má và người chị xa xứ. Tôi
không mong chị tôi về nữa, còn má, chắc đã hóa xa xăm. Đôi lúc tôi nghĩ ngợi
rất con người, rằng sao tôi không có ai khác, ít nhất là người đã từng sinh má
tôi ra. Nhưng dường như đó là một vòng lẩn quẩn kì quái, những người phụ nữ
khùng điên, sinh ra những người phụ nữ khùng điên, cuối cùng họ vẫn là phụ nữ,
một loại phụ nữ đáng thương nhất trong kiếp người này. Tất nhiên tôi không có
nhiều bè bạn, một con ba ba mai xanh dưới suối và một con ngỗng mập bì bạch
trước sân. Con ba ba mai xanh hay ngủ gật trên chân tôi mỗi khi tôi phơi mình
lên tảng đá mát rượi. Cho đến tận chiều, nó ngoe nguẩy gọi tôi dậy, mặt trời
chậm chạp trôi về miền dưới. Còn con ngỗng của tôi lạc đến đây vào một ngày
thật lạ. Sau khi bị người đàn ông lưng đen chà đạp, tôi nằm dài dưới mớ bàng
khô khét nắng, có con ngỗng đâu đó đứng trước mặt tôi kêu cạp cạp như muốn nói,
cho tui ít đồ ăn đi, tui ở lại an ủi cô suốt đời...Tôi không nói chuyện nhiều
đến mức giọng tôi ngọng nghịu chẳng khác nào tiếng con ngỗng mập, đôi khi tôi
còn ngỡ mình câm.
Chiếc mũ ngày xưa tôi hay cầm đứng ở ngã tư thị xã đến bây giờ vẫn còn treo
lủng lẳng trong góc nhà. Kể từ ngày chị đi, má mất, tôi chưa bao giờ xáo trộn
bất cứ thứ gì. Nhiều lúc tôi lại đội chiếc mũ ấy, chạy băng rừng lên mộ má ngồi
chơi. Tôi thấy má đứng bệu rễu ngắm tôi say sưa, màu da xỉn xỉn, tang thương.
Tôi muốn gọi "má ơi" nhưng sao miệng cứng ngắc, chắc tại nhỏ giờ có
bao giờ mở miệng gọi đâu.
Ngôi nhà heo hút của tôi không lúc nào là yên ả, như chiều nay có người đàn bà
hồng hộc chạy vào tát tới tấp vào mặt tôi, xé toàng toạc mớ quần áo mục nát
trên người tôi, miệng tru tréo những từ ngữ tục tằn. Tôi lờ mờ đoán ra đó chính
là vợ của người thợ săn hôm nọ, chỉ có con ngỗng chạy lạch bạch xung quanh kêu
cạp cạp bênh vực tôi. Còn mọi thứ im ắng đến vô tình.
Một bữa nọ có anh chàng miền ngoài vào hỏi, "em ở một mình buồn không, anh
vào ở chung cho vui nha". Tôi mừng rơn, nói anh ở lại chơi với em, em dẫn
anh xuống suối ăn nho, chào ba ba xanh, rồi tới mộ má em chơi nha, ở đó mọc
nhiều chim chim lắm. Ảnh cười bẽn lẽn nói, ừ. Hai đứa tôi chạy dọc chân núi,
từng giọt nắng cứ chảy lênh láng xuống vai anh, ngó thấy anh này cười gì mà
sáng quá, lại còn thấy như quen nhau đâu từ hồi lâu lắc. Lúc anh cầm tay tôi,
tôi thấy lòng mình quặn lên, như đứa con gái xa mẹ từ thuở biết cười, giờ mẹ về
chạy ào vào nhau. Tới lúc anh nằm vật lên tôi, tôi mới thấy là lạ. Tôi thèm có
ai đó để tròn mắt hỏi, vậy là sao? Nhưng không, chỉ có ngày mai anh biến mất,
còn tôi neo lại một niềm nỗi chờ mong. Nhớ sao mà nhớ, nụ cười anh cứ chờn vờn
trong đầu tôi, có khi nếu má tôi biết cười, nụ cười của má cũng đẹp như thế,
cũng sáng rực như thế...
Sau dạo đó, tôi không còn muốn chơi chung với người lạ nữa. Cái cảm giác mất
mát khiến tôi cựa quậy không yên. mà ngộ ghê, sao chỉ có con người mới vô tình
vô nghĩa vậy chứ, ba ba mai xanh và ngỗng mập của tôi có bao giờ bỏ đi vậy đâu.
Cũng có nhiều gã đàn ông miền khác vào nhà tôi lới quới tay chân, tôi cầm khúc
cây bạch đàn khô chạy đuổi tán loạn, người thương nói nó hết khùng rồi chắc,
người ghét càu nhàu nó trở điên luôn thì có chứ khùng gì nữa. Tôi ôm con ngỗng
mập vào lòng thủ thỉ, tao nhớ má quá mày ơi...
Tối nào tôi cũng chong ngọn đèn hột vịt trên chiếc bàn thờ má rồi khiêng chiếc
giường tre rễu rã ra trước sân nhà. Nằm ngửa ngó lên trời, gió từ sườn núi thốc
xuống, mát rượi. Ánh trăng khuyết không sáng lắm nhưng dịu dàng, len lỏi qua
những đoạn bạch đàn lay khẽ trên cao, chườm xuống khuôn mặt tôi, vo ve những
cọng tóc khét nắng, khẽ khàng ru hời ru hỡi, ngủ ngon, ngủ ngon... Tôi nhắm mắt
mà mũi cay xè, phải rồi, dù trăng khuyết thì vẫn là trăng kia mà...
Cũng vào một mùa hạ khác, tôi thấy loáng thoáng bóng chị tôi nấp né trước hàng
dậu. Rồi thôi. Chị không bước vào, tôi cũng không chào đón, những cơn buồn ngủ
díu mắt và những ngã tư tình người rớt lả tả ám ảnh cả cuộc đời tôi. Ba ba mai
xanh cạ cạ lên chân tôi như muốn nói: "đừng sợ, chắc chỉ là sự nhung nhớ
mà thôi". Tôi mắng nó nói bậy bạ, nhớ gì mà nhớ, đó là sự chịu đựng, ba ba
mà bày đặt khôn. Nó buồn bã lủi thủi trôi đi.
Tôi nhớ buổi chiều định mệnh ấy cũng y chang những buổi chiều khác. Mặt trời là
đà trôi về đáy cốc, tôi bước lên từ con suối mát rượi, tự nhiên bụng đau dữ
dội. Tôi ú ớ gọi, mà không biết gọi ai, rồi tôi thấy cửa mình mình nóng râm
ran, rát nhầy. Tôi gục xuống mớ bàng khô, trong đêm tối, tôi chỉ nghe tiếng tôi
la hét, rền rĩ, rồi tiếng con nít khóc thét lên giữa chân núi tĩnh mịch, giữa
bộn bề sao trăng. Có tiếng ba ba khuấy nước dưới bờ suối, tiếng ngỗng mập khóc
tu tu như con nít. Tôi cũng khóc, đó là lần đầu tiên tôi khóc, tiếng khóc khờ
khạo của một người mẹ, tiếng uất ức của cuộc đời, tiếng giận hờn của phận hồng
nhan. Tôi thấy đôi cánh của mình vừa rụng xuống, sinh linh bé nhỏ đang nhằm
nghiền mắt trong vòng tay tôi chẳng khác nào một thiên thần tôi từng ao ước hóa
thành.
Tôi thấy mình vừa tỉnh, thấy má cười với tôi từ phía chân trời tối om, nụ cười
lạ lùng mà tôi chưa bao giờ được thấy. Tôi nhận ra rằng, thì ra, má tôi, chị
tôi đều đã từng như thế, từng bị cuộc đời nhấn chìm hai ba bận, mới biến thành
khùng thành điên. Tôi gượng dậy, bế con trên tay, bước vào căn nhà xập xệ của
mình, lấy chiếc áo cũ kĩ bọc con lại cho ấm, rồi ôm lấy con mình cho bú. Tôi
thiếp đi trong giấc mơ kì lạ, giấc mơ có mộ má tôi mọc cỏ xanh um, có ngôi nhà
tôi gọn gàng, ấm cúng, có tiếng sấp nhỏ gọi má ơi má ơi, và tiếng tôi lanh lảnh
đáp:
- Má nè con!!!
PHAN MAI THƯ NHÃ (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét