Vượt qua non 2 giờ bay,chiếc Boieng777 của Hàng không Việt Nam đưa đoàn chúng tôi đổ bộ xuống Sân bay Nội Bài. Cuộc hành trình không dài lắm nhưng chở đầy cảm xúc nôn nao, phấn khởi của những người từ miền Nam ngập tràn gió biển, mặc cho buổi trưa cuối hè Hà Nội oi nồng và nắng gắt lên đến 38 độ.
Đoàn gồm 12 người, gồm các văn nghệ sĩ của các Ban chuyên ngành thuộc Hội VHNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia trại viết tại Nhà sáng tác Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 15 đến 28/7, do Nhà nhiếp ảnh Đinh Hữu Ngợt, Phó chủ tịch Hội, làm trưởng đoàn mà chúng tôi thường gọi vui là ông “toàn cảnh” vì anh có có nhiều bức ảnh chụp toàn cảnh từ trên cao các vùng miền nổi tiếng như Sapa, Đà Lạt, Vũng Tàu, Hạ Long…rất đẹp. Chắc chắn, dự trại lần nầy, anh sẽ cho ra lò bộ ảnh Toàn cảnh Tam Đảo thôi.
Đã đi dự trại nhiều lần với Hội, nhưng chưa lần nào tôi náo nức đến thế. Đây là lần đầu tiên tôi có chuyến đi về một vùng trung du Bắc bộ. Nơi có các dòng sông Hồng, sông Lô, sông Đáy nổi tiếng chảy qua. Nơi khai sinh nền văn hóa Đồng Đậu, là trung tâm của nước Văn Lang xưa, vùng biển truyền thuyết Cha Rồng với các địa danh lịch sử như Sóc Sơn (nay thuộc Hà Nội), Mê Linh, Đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên Năng Thị Tiêu( Vợ của Hùng Vương thứ sáu), người đã có công lớn giúp vua chống giặc ngoại xâm và hàng loạt danh thắng như Tam Đảo, Đại Lãi…Đối với tôi, đây còn là một chuyến “hành hương tình cảm”, thanh thỏa một nỗi niềm riêng tư bấy lâu ấp ủ…
Ấn tượng đầu tiên của tôi với Tam Đảo là 12 km đường đèo dốc cheo leo, chật hẹp và hiểm trở với những khúc cua bẻ gập khuỷu tay. Tam Đảo chỉ cách trung tâm Hà Nội không xa lắm, 80 km đường bộ. Nếu tính từ sân bay Nội Bài, chỉ còn 50 km. Ngồi trên xe, các cô gái trong đoàn cứ ôm nhau, rú lên thảng thốt khi chiếc xe chao liệng bên bờ vực chênh vênh, cong oằn và sâu thẳm, ngấu nghiến từng cung đường để rồi Tam Đảo vụt hiện ra, bất ngờ và quyến rũ. Những tòa nhà ngói đỏ thấp thoáng, ẩn hiện sau những vòm thông xanh ngút, chập chùng, uốn lượn quanh các sườn đồi tạo nên vẻ đẹp hài hòa, vừa hoang sơ vừa hiện đại. Các máy ảnh trong xe bắt đầu chớp sáng loe lóe.. Khu du lịch Tam Đảo có độ cao 900m so với mực nước biển. Hóa ra vẫn còn thua “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” của cụ Quang Dũng đúng 100m mà đã thế nầy. Quả thật, thiên nhiên hùng vĩ. Có đi như vậy mới thấy tầm mắt của mình quá chật hẹp và khuất lấp. Khi con người về với thiên nhiên, cây cỏ, hít thở khí trời trong veo, dẫu không siêu phàm thoát tục thì cũng cảm thấy tâm hồn mình giũ bụi, nhẹ nhàng, thanh thoát hơn.
Làm thủ tục nhận phòng ở Nhà sáng tác xong thì đã hơn 3 giờ chiều. Chúng tôi quên cả mệt nhọc, tranh thủ dạo một vòng làm quen với Tam Đảo. Tôi bị bác Đinh Hữu Ngợt xếp chung phòng với hai nhạc sĩ, anh Cao Thi và Trương Minh ở tận tầng 4 với lý do, chúng nó hút thuốc lá như kéo bễ, dồn cả vào một phòng cho chúng thoải mái!. Mà đúng là thoải mái thật. Ngay đêm đầu, chúng tôi bị mất ngủ vì tiếng ho của nhau. Ông nầy chợp mắt đươc tí thì bị ông kia đánh thức vì cứ thay nhau lục khục suốt đêm. Sáng ra, chỉ biết nhìn nhau cười trừ mà thầm khen bác Ngợt có một quyết định thật sáng suốt và “hợp lòng dân”.
Những con đường ở Tam Đảo không rộng lắm, nhưng ngoằn nghoèo và độ dốc. Hai xe con chạm mặt phải nép sát vào lề để tránh nhau. Mới tầm 4 giờ chiều, khí trời đã se lạnh. Những tia nắng chiều ánh ướt vì sương mù lãng đãng soi dọc con dốc cong oằn như uốn gãy tầm nhìn. Hai bên đường là những liếp su su bậc thang xếp thoai thoải chân đồi, xanh ngút mắt. Đi đâu cũng găp su su. Chỉ cần một hốc đất nhỏ bên đường là đủ cho hàng chục ngọn su su, tươi rói, bụ bẫm vươn ngọn lên. Có cảm tưởng như su su chỉ sống nhờ vào khí trời,hít thở hơi sương của “bốn mùa dồn lại một ngày”. Su su là đặc sản trời cho của Tam Đảo. Giá ngọn su su ngay tại nhà vườn là 12 ngàn đồng một cân. Quá rẻ! Chả thế mà, những ngày sống ở đây, mỗi bữa cơm, thực đơn su su cứ thế đầy dẫy. Bữa trưa su su luộc, thì y như rằng, buổi chiều su su xào tỏi. Vài bữa đầu, vì lạ miệng,các anh em ai nấy cũng lấy làm khoái khẩu lắm. Ngọn su su dùng với nước chấm nào cũng ngon, giòn và ngọt. Do đó, mới xảy ra chuyện vui như thế nầy : Vì chấm su su với nước mắm mãi cũng nhàm, nên anh Hữu Du gọi nhà bếp : “Em ơi, Cho anh xin chén nước tương!”. Ý anh muốn nói đến thứ nước chấm màu đen đen mà người ngoài nầy gọi là “xì dầu”. Không ngờ, cô phục vụ bưng ra một chén nước sền sệt, vàng quạch màu đất. Ơ, cái gì thế nầy! Cô phục vụ nhoẻn cười : “Dạ, nước tương. Tương Bần đấy ạ!”. Cả bàn ăn trố mắt! Cái gì mà bần. Đến nước tương cũng phân biệt sang trọng với nghèo hèn sao! Cô phục vụ lúng ta lúng túng. May mà có bác Trần Văn Tư, gốc người miền ngoài cắt nghĩa. Tương Bần là thương hiệu của tương đậu nành đặc sản của làng Bần, địa phương có nghề làm tương truyền thống, ở Hưng Yên. Thế là từ đó, món tương bần chấm ngọn su su chiếm thế thương phong trong những bữa cơm của chúng tôi.
Thị trấn Tam Đảo không lớn. Mới ngày đầu còn lạ lẫm, nhưng sau vài buổi đi bộ, chúng tôi đã rành đường, biết định hướng để đi về nhà. Thật ra, thị trấn Tam Đảo chỉ là một chấm nhỏ do sự can thiệp, khai phá của con người, chỉ khoảng 253 hecta trong một dãy núi chập chùng dài đến 80 km có tên là Tam Đảo. Tôi có hỏi anh Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Nhà sáng tác, tại sao có địa danh là Tam Đảo mà không là Tam Sơn. Như Trường Sơn, Hoành Sơn, Hương Sơn… chẳng hạn. Anh trả lời, chưa thấy tài liệu nào chú thích địa danh Tam Đảo, nhưng có một cách lý giải rằng, cả vùng Hà Nội và Vĩnh Phúc rộng lớn ngày nay, theo truyền thuyết là vùng biển của Cha Rồng Lạc Long Quân từ thời dẫn năm mươi con đi lập nghiệp. Ba ngọn núi có tên là Bàn Thạch (cao 1388 mét). Ngọn Thiên Nhị (cao 1375 mét), thêm cái tháp Truyền hình của Đài THVN cao 93 mét nữa. Ngọn Phù Nghĩa cao 1400 mét. Nguyên từ thời truyền thuyết Tiên Rồng, ba ngọn núi ấy trước đây là ba hòn đảo của biển khơi. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng xem ra cách lý giải ấy phản ánh hý trường dâu bể của tạo hóa. Càng cảm thấy phận người quá nhỏ bé và bèo bọt so với lẽ dinh hư tiêu trưởng và huyền vĩ của thiên nhiên. Lại cũng có một cách lý giải khác, lãng mạn hơn nhiều. Ba ngọn núi ấy nhô lên một biển mây trắng thường xuyên bao phủ, như ba hòn đảo giữa bồng bềnh, mờ ảo sóng mây trôi, quanh năm khí hậu mát mẻ. Mà đúng như thế, mỗi sáng sớm, những áng mây mịn như lụa từ trên đỉnh núi tràn xuống, vấn vít trên các cành thông xanh, men theo các sườn đồi, ôm choàng lấy những chỏm ngói xanh, ngói đỏ nhấp nhô, là là sát mặt đường huyền ảo. Cách lý giải nào cũng hay, cũng tôn vẻ đẹp lung linh và độc đáo của Tam Đảo cả. Hôm chúng tôi lên Tam Đảo được vài ngày, thì cơn bão số 4 tràn vào biển Đông rồi đi ngược về phía Trung Quốc nên toàn miền Bắc bị ảnh hưởng, trời mưa lớn. Ngay tối đó, sương giăng mù mịt, các ngọn đèn đường tù mù như đốm nhang. Tôi với anh Trương Minh thả bộ trong đêm tối vắng hoe tìm…cảm giác mạnh! Chỉ cách nhau năm mét là đủ không thấy mặt người, nói gì đến định hướng đi. Sương giăng dầy quá, tôi và anh Trương Minh chỉ cách nhau có mấy bước chân mà mờ mờ, ảo ảo, suýt lạc. Tôi bỗng rùng mình nổi da gà khi nhớ đến hai câu của cụ Nguyễn Du tả bóng ma Đạm Tiên : “ Sương in mặt, tuyết pha thân/ sen vàng lãng đãng như gần như xa”. Tả ma đến như vậy, thì dù chúng tôi là người phàm tục đi dưới sương mù như thế nầy có nghĩa lý gì. Sáng ra, từ bên của sổ phòng mình, tôi có thể nhoài tay ra, vén làn mây, vốc sương mù nhẹ tơn, để nghe cảm giác se lạnh dần ngấm vào người, chan hòa với hương vị trà Bắc lừng thơm và chát ngọt đầu lưỡi, mới cảm nhận sự thinh lặng mà hàm chứa bao điều của trời đất...
Tam Đảo cứ chợt mây, chợt mù sương như vậy, làm một hệ thống điều hòa phun khí lạnh ra hớp hồn du khách. Khá khen người Pháp có con mắt thật tinh tế. Đã phát hiện ra Tam Đảo từ những năm đầu thế kỷ 19 và xây dựng Tam Đảo thành Khu nghỉ mát với 156 biệt thự theo trường phái kiến trúc gotique đậm màu cổ tích. Và hàng chục công trình gồm nhà hàng, sân tenis, hồ bơi, sàn khiêu vũ…Tôi thầm tưởng tượng, thị trấn Tam Đảo như một nàng công chúa tuyệt xinh đẹp đang say ngủ giữa rừng đợi chờ nụ hôn của hoàng tử về đánh thức. Nghe nói lại, trong thời tiêu thổ kháng chiến, hầu hết những công trình tuyệt đẹp đó đã bị đánh sập. Nay Tam Đảo ngày trước chỉ còn sót lại những nền móng, tường vỡ trơ trụi, rêu mốc, nằm rải rác khắp nơi. Có chăng, là tòa nhà ở đồi “toàn quyền”, Nhà thờ bằng đá ong là còn dáng dấp cũ nhưng cũng pha trộn, canh cải rất nhiều với kiến trúc hiện đại. Thế mới biết, sự tiêu mòn của thời gian là điều hiển nhiên, nhưng sự tàn phá của con người còn ghê gớm hơn nhiều…
Từ trung tâm thị trấn, theo con đường hẹp bên tay trái rồi men theo từng bậc đá uốn quanh sườn núi dần xuống vực sâu hun hút là Thác Bạc giấu mình trong rừng cây bạt ngàn. Thác Bạc có độ cao 50 mét, quanh năm nước tung trắng xóa. Giọng thác ào ào hòa lẫn với vi vu gió rừng, xào xạc muôn ngàn lá tạo thành một thanh âm trầm hùng, vang xa mà sâu lắng. Anh Cao Thi, nhạc sĩ khoa Thanh nhạc thốt lên : “Thiên nhiên hòa âm đến thế nầy thì con người cũng thua thôi! Tưởng như tiếng ngàn xưa vọng lại, thiên nhiên đang thì thầm, nhắn nhủ điều chi…” Nhân đây, sực nhớ về chuyện sáng tác ở trại. Hôm ấy, đợi lúc anh em đi cả rồi, anh Cao Thi một mình vào hội trường của Nhà sáng tác, đóng cửa lại để luyện thanh. Cây đàn piano ở trong đó. Đang giờ nhà bếp lo bữa trưa, bỗng nghe một giọng tenor ngân toáng lên : “A..a..a…”, “E…e…e…”, các cô phục vụ nhà bếp hốt hoảng chạy lên hội trường xem có chuyện gì. Cứ ngỡ ông văn nghệ sĩ nào đó bị điện giật hay phải bỏng nước sôi, hóa ra anh Cao Thi thử giọng : “Ấy, bác đang luyện thanh ấy mà!”. Hiểu ra, các cô cười khúc khích, chạy đi. Hèn gì anh Cao Thi cứ ấm ức bảo giọng mình già rồi, thua xa Thác Bạc cũng phải!
Chếch về cánh phải của khu trung tâm, đi khoảng 2km độ cao là Cồng Trời. Từ đây, có thể phóng tấm mắt nhìn về phía thị xã Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên. Những hôm đẹp trời, vào ban đêm, có thể nhìn thấy một vòm sáng của Hà Nội từ đường chân trời mờ ảo. Đứng ở trên cao, có cảm giác như chỉ cần chồm cánh tay ra là có thể chụp được những chiếc máy bay đang hạ độ cao để đáp xuống Sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ở mạn bắc, là ba ngọn Tam Đảo nằm cạnh nhau, sàn sàn bằng nhau về độ cao, thoắt ẩn thoắt hiện trong làn mây. Chính ba ngọn núi nầy đã thành tên cho một danh thắng. Ai cũng muốn có một tấm hình thật đẹp để ghi lại khoảnh khắc nầy. Chỉ vất vả cho bác Ngợt, hì hục vác máy móc leo dốc mấy ngày trời chỉ để săn cho được toàn cảnh ngọn Tam Đảo lúc mây bay, lúc thì sương mù và lúc trời trong sáng. Tôi vẫn thường khoái chí, đùa vui với các anh rằng, chẳng có ai sướng bằng thằng làm thơ như em đi dự trại cả. Trong khi thiên hạ lỉnh kỉnh đủ thứ máy móc, bàn hình, laptop, đàn địch, giá vẽ, sơn cọ linh tinh…Đến cái anh điêu khắc càng cực hơn nữa, cưa, máy khoan, choàng, đục… trông như thợ sơn tràng. Ông làm thơ chỉ cần mảnh giấy, cây bút nhét trong túi là xong. Anh Hiếu Tân đốp lại, chứ chả hơn mầy à! Lúc nào cũng đi ra đi vào, ngơ ngơ, ngẩn ngẩn trông như thằng thất tình, dại gái! Tôi chỉ còn cách nhăn răng cười trừ. Hóa ra, làm nghệ thuật chỉ cần cái tâm. Cái tài là đặc huệ trời cho, phần ai nấy hưởng. Còn máy móc, vật dụng vô tri kia chỉ là công cụ đắc lực mà thôi.
Chúng tôi lên đền Bà Chúa Thượng Ngàn và chùa Vàng ở lưng chừng ngọn Thiên Nhị. Tương truyền rằng Bà là do linh khí của núi rừng hun đúc mà nên. Leo lên 500 bậc đá, hai bên là rừng tre trúc dầy đặc, từng bậc đá bám đầy rêu xanh, líu lo chim rừng và rập rờn muôn sắc bướm. Bất ngờ, một vẻ thâm u, huyền bí hiện ra với các tượng Phật bà, tượng La Hán cực kỳ tinh xảo. Ngôi bàn thờ Bà khói hương nghi ngút bay lên, chan hòa vào các hoa văn, họa tiết, vào tiếng chuông mõ trầm tư, khắc khoải, như ám ảnh lòng người về thế giới siêu linh, có mà không, không mà có. Thú thật, dù biết chỉ là hình tượng, là giả tướng, mà tôi vẫn cảm thấy sờ sợ, bất giác không còn cảm thấy hơi thở, bước chân của mình như thế nào. Hai cô Quế Châu và Kim Thanh đi cùng vào vái lạy, dâng hương công đức. Ranh giới giữa thực và ảo, giữa tỉnh và mê thật xa vời mà cũng thật mong manh. Thầm nhớ đến một câu thơ của Ngô Văn Phú: Vịn tiếng chim kêu đến cửa thiền. Tôi không vịn tiếng chim kêu mà vịn cả một núi rừng Tam Đảo, vịn vào lòng tâm thành của hai cô gái cầu xin điều gì. Và thấy lòng mình thật an lành, thư thái…
Cái đặc thù của Tam Đảo đối với tôi là lang thang mãi không biết chán. Hình như mỗi lần men theo chừng ấy con đường mòn, vào từng thời điểm khác nhau đều cảm nhận khác nhau về sự biến đổi bất ngờ và kỳ diệu của vẻ đẹp Tam Đảo. Đến hoa dại ven đường, cánh bướm bình thường kia ở đâu mà chẳng có. Nhưng ở đây, dường như tươi hương hơn, thắm sắc hơn. Mây trắng ập xuống, hòa trộn vào cảnh vật, lung linh huyền ảo rồi nhanh như chớp tan ra nhường chỗ cho bầu trời trong veo, núi đồi thăm thẳm…Chẳng thế mà, vào những ngày cuối tuần, dân Hà Nội và các nơi đổ xô lên, đông nghịt. Không chỉ đơn thuần là trốn cái oi nồng mà tìm một cảm giác mới lạ. Tạm quên đi cái xô bồ, bụi bặm của phố phường, hít thở chút khí trời mát lạnh, hòa quyện vào cỏ hoa, rừng núi, viếng cảnh đền chùa để nghe lòng mình lắng lại…Có điều, cái gì cũng có mặt trái của nó. Những hình ảnh thiếu văn hóa, kệch cỡm và lạc lõng không phải là hiếm ở các nơi công cộng, đền chùa…Xót lắm. Đành thôi, như anh Lê Huy Mậu nói, chuyện ứng xử văn hóa ở Việt Nam mình thì mầy nói cả đời cũng không hết. Mầy vào đọc cái Xê Dịch…ký của tao cho sáng mắt ra! Và giá cả ở Tam Đảo, đối với cánh văn nghệ chúng tôi là đắt kinh khủng! Biết làm sao được, dịch vụ mà. Hôm mới lên, anh Huỳnh Văn Ngàn đã cảnh báo với nụ cười đầy ẩn ý, ở đây cái gì cũng có, từ A đến Z! Chỉ sợ rằng các bác văn nghệ lơ ngơ, sụp bẫy chết thôi. Cô Quế Châu, hội viên mới lần đầu dự trại, ngây thơ khều tôi, nói nhỏ, anh ơi, mình lên đây để sáng tác chứ phải du lịch đâu mà!. Tôi nháy mắt lại, Ấy! ai biết được, cô sống ở đây vài bữa là rõ ngay ấy mà! Nếu không thâm nhập, không chịu khó đi, thì làm sao viết được! Ngày bình thường vắng hoe, giá phòng chỉ khoảng 200 ngàn, Thứ bảy, chủ nhật đội lên một triệu hơn. Nhưng đó là chuyện của thiên hạ, mình ở nhà khách của Nhà Nước, lo gì. Hôm chúng tôi ngồi uống bia với nhau ở nhà thủy tạ hồ bơi, chai bia lùn Hà Nội có giá bốn chục ngàn đồng. Ai cũng tấm tắc khen ngon. Mặc dù đã hỏi giá trước, nhưng tôi chắc cú rằng ai cũng có chút xót xa trong lòng. Chỉ có tay đại gia dầu khí Đào Xuân Mai là vô tư cười hê hê, vừa uống bia vừa chụp hình lia lịa cảnh mưa Tam Đảo có các em bikini đang bơi sấp, bơi ngữa dưới kia.
Hơn mười ngày ở Tam Đảo, không nhiều mà cũng chẳng ít. Đủ cho chúng tôi kịp nhận ra vẻ độc đáo của một vùng đất linh. Tâm cảm của mỗi người có thể khác nhau. Cái gì đọng lại cũng có thể khác nhau. Nhưng chung nhất, sự tích lũy để từ đó viết lên cái gì, sáng tác điều gì để giải tỏa lòng mình, chắc chắn rằng vẫn còn nhiều ở phía trước. Anh Lê Minh, trong một thoáng chớp, chỉ nhìn một mảng tróc vỡ của sơn nước trên bức tường Nhà sáng tác mà đã cảm hứng, xuất thần vẽ bức tranh Đôi Bạn. Hành trình làm nghệ thuật quả là vô bờ và lý thú. Hôm tiệc chia tay với Hội Văn nghệ Vĩnh Phúc, đầm ấm và chân tình, anh Ngô Quang Tung, chủ tịch Hội bạn, đã tranh thủ trình bày, giới thiệu vài nét về tình hình kinh tế-xã hội, về hoạt động văn nghệ của tỉnh nhà. Từ cơ chế đổi mới, mọi cái đã khởi sắc rất nhiều, nhưng tiềm năng vẫn còn lớn. Cầm trên tay tờ tạp chí của Hội bạn trao tặng, số mới nhất, đẹp và trang nhã, tôi cảm nhận sức sống mãnh liệt của miền đất, con người Tam Đảo nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, trong đó có lãnh vực văn nghệ. Và không khỏi có chút áy náy, thầm mong. Tờ tạp chí của Hội mình chưa đươc đẹp và phong phú như thế. Tôi đem suy nghĩ của mình nói với anh Lê Huy Mậu và các anh em khác. Ai cũng đều có cùng một cảm nhận như vậy. Trách nhiệm đó, thuộc về tất cả chúng tôi. Có đi, có tiếp xúc mới vỡ ra nhiều điều.
Chúng tôi rời Tam Đảo vào buổi sáng sớm khi ảnh hưởng của cơn bão số 4 chưa tan. Mưa nhẹ và sương mù và mây giăng huyền hoặc như một món quà lưu niệm tiễn biệt. Chiếc Everest 7 chỗ ngồi bật đèn pha, vén màn sương mù chầm chậm bò xuống núi. Từng liếp su su bậc thang bên đường lung linh lá như bàn tay vẫy chào. Một cảm giác vừa thỏa mãn vừa tiếc nuối. Một hành trình như xa mà gần lắm. Tam Đảo như theo về với chúng tôi, miền biển Vũng Tàu nắng gió. Và chúng tôi biết rằng, sẽ có ngày, chúng tôi sẽ quay lại…
NGUYỄN ĐẠI BƯỜNG (tác giả giữ bản quyền)
________________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỈ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ HÀN MẠC TỬ (22.9.1912 - 22.92012)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét