Nhà văn Hoàng Thái Sơn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Nhật Lệ, hiện sống tại Quảng Bình.
Ông viết cả truyện ngắn và tiểu thuyết, từng nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng Tiểu thuyết của Bộ GD & ĐT 1989, Giải thưởng văn học Lưu Trọng Lư 1991 - 2000, Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2005.
Nhà văn Hoàng Thái Sơn vừa gửi đến Bông Tràm truyện ngắn có tựa đề: “Vũ khí của kẻ hèn”. Xin trân trọng giới thiệu với bạn bè khắp nơi.
*
* *
Xóm Tân Tiến được lập nên chừng bảy, tám năm nay; cư dân đa phần là những tay làm giàu nhanh bất chính, cũng có mấy vị có chức quyền. Lọt vào giữa những ngôi nhà xây cất đồ sộ khá hợm hĩnh là những mái úp lụp xụp của mấy anh nghèo không rõ từ đâu tới và tới từ hồi nào. Xóm Tân Tiến trở thành một xã hội thu nhỏ nằm ngay rià thành phố: Quan chức đi xe máy lạnh, đám choai choai đi xe phân khối lớn, đàn bà con gái xài hết son phấn nửa chợ mỹ phẩm…Những gì gọi là tân thời, mốt lạ, hot nhất đều thi nhau phô ra tận ngõ, như cố hét to lên: Thiên hạ ơi! Nhà tôi vừa sắm dàn vi tính, tôi vừa lên tầng có chóp, mở ga-ra, tôi vừa lên đời phương tiện giao thông…
Cực nhất, phải nói là mấy anh nghèo. Có anh cả nhà nhỏ lớn, xin lỗi, đều đi xia vào túi nilon rồi ném ra sông, thì khoe cái nỗi gì?! Tuy thế, anh nào cũng cố tìm ra một cái gì đó khiến thiên hạ trông thấy phải nể trọng hoặc né tránh, phải “bụi tre có mắt, nồi đồng có quai”, chứ không ư! Có thể đó là sự ngang tàng, bất kể, có thể là sự nhũn nhặn, dịu dàng vốn là sản phẩm của quá khứ…Những thứ vũ khí ấy ít nhiều đều có tác dụng…
Vừa sáng ra, đã có chuyện xe máy đụng phải người ngay đầu xóm. Người bị hại là cụ Chỉ. Hai đứa con gái con lão thầu khoán mắt xanh mỏ đỏ đâm vào cụ. Nghe đâu cụ Chỉ trái đường. Tuy nhiên dân xóm vẫn có lời bênh vực cụ. Mà cụ được bênh là phải. Không thể để một cụ già bị lép vế trước lũ con nít.
- Gì đi nữa, thì chúng bay cũng sai. Phải đưa cụ đi viện ngay.
- Tại cụ…tại vì…
- Người ta già cả, sao nỡ đâm xe vào, còn cãi. Cụ Chỉ là người già nhất xóm ta đó nhá. Liệu hồn!
Cụ Chỉ già nhất xóm thật. Cụ dọn đến xóm này chừng dăm năm nay. Vì dân xóm thực tình không ai quan tâm ai, cho nên cũng không thể hiểu gia đình cụ thật ngọn ngành, nhưng cứ nhìn, thì biết cụ là người thế nào: Luôn luôn cụ mang áo sĩ quan quân đội đã nhàu, tóc bạc, râu cằm dài muối tiêu, thường chống gậy bước đi lom khom…Đến chỗ đông người, cụ thường bước đi chậm, để mọi người tự hiểu lấy phải biết nên cư xử ra sao với cụ cho đúng. Cụ giàu chữ tâm. Nhà ai có tang, là cụ đến từ sớm, chỉ vẽ từng chi tiết, bổ sung những việc cần làm rồi đi đưa ma đến nơi đến chốn… Dần dần cụ chiếm được cảm tình của cả xóm. Ra đường ai gặp cụ cũng đều cung kính, lễ phép. Ở đời trong bụng ra sao không cần, cần là cái sự xã giao. Người ta có thể thầm chê cụ nghèo, vợ bán mẹt hàng cổng chợ, con làm cửu vạn, đi nhặt cà-phê thuê…nhưng người ta vẫn trọng cụ, vì cụ là bậc cao niên. Ai cũng cho rằng trong xóm nhất định phải có bậc trưởng lão; may xóm ta có cụ Chỉ, chứ sàn sàn trứng gà trứng vịt với nhau cả, thì có khi mất hết tôn ti, đâu còn ra cái xóm! Đó là cái còn lại trong mỗi con người vốn có nguồn gốc cư dân cộng đồng văn hoá làng xã từ ngàn xưa vô cùng quý báu. Trong mỗi xóm làng, ngõ phố, thiếu gì thì thiếu, chứ không thể thiếu một bậc tuổi tác, râu tóc như là thứ chỗ dựa nào đó của tâm linh góp phần tạo nên sự cố kết giữa mọi người, chứ không phải hoàn toàn sống khép kín giữa bốn bức tường lạnh lẽo ai rạng nhà nấy như người ta vẫn tưởng.
Cụ Chỉ bao nhiêu tuổi? Không ai rõ. Người nói sáu mươi, người cãi râu tóc như thế cỡ phải sáu lăm, không ai bảo ít hơn. Cũng có anh hỏi cụ một cách bạo dạn, thì cụ vuốt râu cười: “Ta cũng muốn trẻ, nhưng trời không cho!”. Nói vậy có nghĩa cụ khẳng định mình là một ông già; nghĩa là cụ muốn nhắc khéo các anh các chị giàu sang sung sướng đấy, quyền cao chức trọng đấy nhưng phải nể tôi ở cái tuổi cha, tuổi chú, chớ có coi thường!
Đạo lí dân ta nó thế. Để tỏ lòng tôn kính ngừơi già, ngày tết ngày tư có anh mang đến chai rượu, gói chè biếu cụ, hoặc mừng tuổi cụ tờ chục ngàn mới cứng. Nếu có đợt hỗ trợ người nghèo, thì nhà cụ đứng đầu sổ. Gia đình cụ nói chung ăn ở hiền lành, không va chạm; riêng cụ thì đại khái được hiểu đó là một ông già tốt bụng, lại hình như từng đi bộ đội trong chiến tranh, có chức vụ hẳn hoi, biết đâu còn có sổ thương binh?...
Người ta khen cụ Chỉ già, nhưng mắt còn tinh, tai nghe rõ, nói năng đâu ra đó, nghĩa là còn khoẻ, còn “chiến đấu”tốt…Ơn trời, chứ “cụ bà” trông cũng đang xuân lắm.
Thế rồi cụ Chỉ chết bất ngờ sau một trận ốm ngắn ngày, không rõ bệnh gì! Tội nghiệp! Cả xóm xúm lại. Những người có chức có quyền đã đành, cả những anh buôn lậu hàng quốc cấm, rồi đám buôn phấn bán son, nhặt ve chai giấy vụn…tất tật đều kéo đến căn nhà lụp sụp cuối xóm để tỏ lòng tôn kính, nuối tiếc cây đại thụ của xóm về với tiên tổ! Người ta đau buồn thực lòng, như lâu nay kính trọng thực bụng. Người ta có thể chơi xấu đâu đâu, nhưng ăn ở với nhau như thế quả thực là tấm lòng vàng. Thì ra tận trong thẳm sâu lòng dạ của hết thảy người đời vẫn còn gốc rễ tình thương yêu đồng loại!
Mọi người cúi mình thành kính thắp hương trước di ảnh của cụ Chỉ rồi kéo nhau ra ngồi quanh bàn nước sơ sài chén rượu trắng. Ngồi một lúc, nhìn lên tờ long triệu treo tường, mọi người mới ngạc nhiên: Người chết không phải là một ông già như lâu nay họ vẫn nghĩ! Tờ long triệu ghi rành rành ông Lê Chỉ sinh năm 1944! Hỏi lại, thì người có trách nhiệm bảo đúng như thế trong mọi giấy tờ ở xã. Hỏi tiếp một ông già bà con từ quê lên, cũng nói thằng Chỉ tuổi Thân, Giáp Thân. Quái! Nếu vậy thì “cụ” nay mới có năm ba thôi! Căng mắt đọc kĩ: 1944. Ai bảo không phải năm mươi ba tuổi? Lạ thế! Té ra “cụ” đang trẻ lắm; nhiều người nhớ lại chính mình cũng đã có lúc ngờ ngợ…Mọi người lại thì thầm với nhau, rằng xóm này khối anh năm ba, thậm chí có anh cao hơn. Thế mà cứ tưởng con người ấy đã ngoại lục tuần. Nhầm to!
Thiên hạ nhầm là phải, bởi đám giàu sang tuổi năm ba mà tóc bạc thì lo nhuộm kĩ, ngồi với gái lại nói anh mới U băm, có anh điên điên còn bảo mới U hăm…còn Chỉ ta thì ngược lại: lúc nào cũng áo bộ đội bốn túi cũ kĩ (không biết kiếm đâu ra), tóc bạc lươm nhươm, râu dài, đi đứng lom khom, vừa nói vừa ho húng hắng giữa bọn người luôn căm thù tuổi tác…Thế mới…khỉ!
Sau đó, bọn người hiếu kì đi tìm hiểu kĩ, mới hay đó là một anh không tiền án, tiền sự, không anh hùng thảo khấu nhưng là dân xóm chợ lang bạt nhiều nơi trong Nam ngoài Bắc, cuối cùng về làm dân xóm Tân Tiến thời buổi lộn xộn. Mọi người cười chảy nước mắt. Có người chửi kẻ lâu nay đóng vai “ông già” lừa thiên hạ. Thật ra là do các người cả thôi, chứ Chỉ tôi có tự xưng lấy mình mấy chục cái xuân xanh bao giờ đâu; như vậy làm sao bảo lừa ai? Mà nay Chỉ chết rồi, “Chỉ chết hết…cụ”, vậy thì chửi cho giống “mộc tồn” nghe à! Khơ khơ!...
HOÀNG THÁI SƠN (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp vào hình ảnh phía dưới để về trang chuyên đề <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét