“Chúng ta không có trường lớp đào tạo biên tập viên, không có chuẩn cần và đủ cho công việc, người biên tập không được trang bị kiến thức, nhiều người tự phát hành nghề, tình trạng tuỳ tiện trong phân công… Nhiều biên tập viên các tạp chí văn nghệ được giao thứ công việc bản thân không hiểu biết, thậm chí không hề yêu mến.
Có người không làm, không rành thơ giao cho biên tập thơ, người không đọc, không viết truyện giao cho đọc truyện, không viết và không biết gì lí luận phê bình văn học cũng giao cho chọn bài về mảng này. Tình trạng này dẫn đến chuyện bỏ tinh, lấy thô, bỏ cái hay, lấy cái dở là chuyện thường ngày ở các tạp chí”.
Biên tập là một công đoạn trong quy trình làm sách làm báo, trong đó có biên tập văn học. Chúng ta vẫn quen gọi vui nhưng rất đúng, rằng nhà biên tập là “người gác cổng”, tức vai trò của nhà biên tập rất lớn trong việc loại bỏ những sai sót về nội dung và hình thức, thậm chí những ý đồ xấu, những quan điểm, quan niệm sai lọt vào ấn phẩm văn chương. Đó là một công việc đòi hỏi cao.
Mặt khác, các nhà biên tập, bằng vốn kiến văn sâu rộng của mình, giúp tác giả chỉnh đốn lại tác phẩm (hoặc do tự tay làm, hoặc trao đổi để nhà văn thấy vấn đề). Nhiều tác phẩm văn học qua bàn tay người biên tập trở nên hoàn chỉnh, bởi cá nhân nhà văn nhiều khi do chủ quan, khó phát hiện sai lầm, nhà biên tập sẽ làm đẹp, làm hay cho tác phẩm, nâng cao cái vốn có của tác giả. Nhiều nhà văn, cả những nhà văn nổi tiếng vẫn ghi nhớ công lao những biên tập viên trong việc phát hiện, sửa chữa nhiều sai sót hoặc vô tình, hoặc thiếu hiểu thấu trong khi viết đã dẫn đến. Trong đời mỗi nhà biên tập rất nhiều lần làm tốt cái việc đầy tính văn hoá và tinh thần trách nhiệm của mình trước bạn đọc và tác giả.
Người biên tập chỉ làm tốt những yêu cầu trên khi có một trình độ văn học đủ sức thẩm định tác phẩm cùng sự hiểu biết rộng về đời sống xã hội và đời sống văn học, biết tích hợp trong tâm trí nhiều vốn kiến thức, trực tiếp là đọc nhiều, hiểu rộng; phải có một tầm nào đó tương thích với tác giả, bởi không thế thì khó nắm bắt được dù chỉ một hình ảnh, một chữ dùng nhà văn dụng công đưa vào. Người biên tập phải làm chủ, phải kiểm soát được tác phẩm, không thể bị động, thậm chí không thấu hiểu vấn đề. Không đòi hỏi phải là nhà văn, nhưng người biên tập phải có những phẩm chất của một nhà văn, phải hội đủ những tiêu chuẩn để làm một thứ công việc đặc thù, bởi đối tượng là những nhà văn và sau đó là bạn đọc rất đa dạng. Người biên tập phải là một bạn đọc sắc sảo, thông minh, có bản lĩnh, là người bạn gần gũi của nhà văn và độc giả. Người biên tập cũng là một độc giả, một riêng lẻ với cá tính của họ; xét về góc độ này, người biên tập bao giờ cũng thích loại tác phẩm này mà không thích loại tác phẩm kia, thích thể loại, thể tài này, lớp ngôn ngữ này và ngược lại… từ đó dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá các tác giả khó công bằng, ảnh hưởng đến công việc hàng ngày. Tuy nhiên làm sao tránh khỏi thực tế trên; ngay một hội đồng giải thưởng lớn nhỏ nào, xét giải cho bất kì công trình, tác phẩm nào cũng không tránh khỏi thiên lệch do những đặc tính riêng của từng thành viên. Với các biên tập viên, trong khi làm việc với nhiều khác biệt trong sáng tác của tác giả, thiết nghĩ phải biết tìm thấy mẫu số chung cho công việc để độ sai số sẽ là nhỏ nhất.
Từ yêu cầu trên, ta thấy khá nhiều vấn đề cần bàn xung quanh công việc này, bởi thực tế không phải ai cũng làm tốt phần việc được giao. Chúng ta không có trường lớp đào tạo biên tập viên, không có chuẩn cần và đủ cho công việc, người biên tập không được trang bị kiến thức, nhiều người tự phát hành nghề, tình trạng tuỳ tiện trong phân công… Nhiều biên tập viên các tạp chí văn nghệ được giao thứ công việc bản thân không hiểu biết, thậm chí không hề yêu mến. Có người không làm, không rành thơ giao cho biên tập thơ, người không đọc, không viết truyện giao cho đọc truyện, không viết và không biết gì lí luận phê bình văn học cũng giao cho chọn bài về mảng này… Tình trạng này dẫn đến chuyện bỏ tinh, lấy thô, bỏ cái hay, lấy cái dở là chuyện thường ngày ở các tạp chí. Tôi nhớ cách nay trên ba mươi năm, ở một tạp chí có tiếng nọ, có một bài thơ hay (của một tác giả không nổi tiếng) bị ném vô sọt rác; rất may một nhà văn đọc thấy, đã đưa đăng, sau đó bài thơ được tặng thưởng bài thơ hay của chính tạp chí ấy! Tôi từng vấp một vị biên tập ở tạp chí văn nghệ quyết tâm sửa chữ “thao thiết” thành “tha thiết” trong đoạn văn tôi viết về một dòng sông trong đêm thu. Chuyện này khiến tôi sực nhớ, có một nhà “gác cổng” làm việc lâu năm ở tờ báo nọ thừa nhận là cả đời chưa hề biết tới một cuốn từ điển nào, nhất là từ điển tường giải trong lúc đây là thứ tối cần thiết để làm nghề…
Các tạp chí khá yên tâm với việc ra báo không vi phạm chủ trương đường lối, lại nhạy bén phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhất là phục vụ tốt cho cơ sở, là rất quý, nhưng lại bỏ qua yêu cầu nghệ thuật là đặc trưng của tờ báo văn nghệ. Khẩu hiệu “Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” chứa đựng trong đó yêu cầu nâng cao chất lượng văn học nhưng thực sự thấu hiểu và làm sao để đáp ứng là không đơn giản, có khi tự thoả mãn mà không biết mình chưa làm tròn…
Ngày nay tính ra có trên sáu chục Tạp chí Văn nghệ các tỉnh thành ra hằng tháng (chưa kể Tạp chí của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị có chuyên trang văn học…). Một khối lượng tác phẩm đồ sộ tung ra thị trường đọc hàng ngày với không ít sai sót do khâu biên tập cẩu thả. Khái niệm “phong trào” đã vô tình hạ thấp yêu cầu nâng cao. Hình như chưa có một tổng kết, đánh giá nào, một sự quan tâm đầy đủ, ý thức đối với các tạp chí văn nghệ các địa phương; chỉ khi nào ở đâu “có vấn đề” mới lo lắng, trong khi bản thân sự nghèo nàn, nhạt nhẽo, “tỉnh lẻ”, vô thưởng vô phạt của các tạp chí là vấn đề của vấn đề cần quan tâm thường xuyên nhất lại im lặng cho qua trong chai lì của lối tư duy cũ! Thiết nghĩ cứ kêu gào nâng cao chất lượng văn chương, làm sao có tác phẩm xứng tầm, làm sao tác phẩm văn học không bị người đọc quay lưng… trong khi không có phương cách giúp các báo, tạp chí nâng cao chất lượng, trong đó có chất lượng biên tập, thì rất khó tìm ra câu trả lời, bởi muốn có ngọn phải có gốc; một nền văn học la đà từ cơ sở hẳn khó có đỉnh cao mong đợi.
HOÀNG THÁI SƠN (tác giả giữ bản quyền)
_____________________________________
Bây giờ hiếm Biên tập viên chuyên nghiệp lắm anh Hoàng Thái Sơn. Nếu kiếm được đội ngủ đào tạo biên tập viên chuyên nghiệp cho các tỉnh thành thì việc đó rất khó. Thân, Như Quỳnh
Trả lờiXóaSao tác giả vội khẳng định nước ta không có trường đào tạo BTV. Khoa văn học trường ĐHKHXHNV hay khoa Biên tập xuất bản HVBCTT, khoa sáng tác và lý luận phê bình văn học - ĐHVHHN là những cái nôi đào tạo các BTV văn học có uy tín mà.
Trả lờiXóaRất đồng cảm với bài viết của bạn. Tôi cũng từng làm biên tập một số báo, tạp chí, trang mạng, quan niệm của tôi là nếu đặt bút vào bài người khác mà không nâng chất lượng bài ấy cao hơn thì không đặt bút vào.
Trả lờiXóa