Nhưng tôi lại có cuộc sống ấm no, đầy đủ
và được sự chìu chuộng của anh Hai, đặc biệt là tình thương vô bờ bến của mẹ. Mẹ
vừa làm mẹ vừa đảm nhiệm vai trò của người cha. Tôi cứ thế sống trong hạnh
phúc. Và tôi cũng biết khai thác những lợi thế của mình đối với mẹ. Điều gì tôi
muốn mẹ đều đáp ứng cho tôi. Bởi vì mẹ nghĩ rằng mẹ có lỗi trong vấn đề thể trạng
sức khỏe của tôi: nhỏ con, yếu ớt và luôn hay đau yếu.
Cha tôi qua đời đột ngột khi mẹ
đang mang thai tôi. Mẹ hoàn toàn suy sụp tinh thần. Mọi người hết sức khuyên
lơn mẹ, lâu lắm mẹ mới lấy lại trạng thái cũ. Một động lực lớn giúp mẹ gượng
dậy là vì tôi, một sinh linh bé nhỏ sắp chào đời. Cha ra đi là một mất mát quá
lớn. Từ nào tới giờ cha là chỗ dựa tinh thần đối với mẹ. Cha quyết định mọi việc,
kể cả gia đình bên vợ. Tại vì ông bà ngoại chỉ có một mình mẹ. Mẹ vốn là một phụ
nữ có cuộc sống khép kín. Mẹ khép kín nội tâm, khép kín nỗi lòng. Chỉ có một việc
mẹ trãi rộng lòng mình, đó là tình thương con mà ai cũng thấy.
Ai cũng cho rằng thời gian là liều
thuốc tinh thần xoa dịu đi mọi vết đau. Nhưng riêng mẹ, mẹ vẫn khóc thầm mỗi
khi thắp nhang cho cha. Mối tình thơ mộng của cha mẹ ngày xưa được nhiều người
ngưỡng mộ. Tôi cũng ngưỡng mộ và cầu mong cho mình cũng có một mối tình như thế!
Tôi là người hạnh phúc! Bởi vì
tình yêu đến với tôi thật là ngọt ngào và êm ái. Hùng là bác sĩ vừa mới
ra trường. Ba má anh đã chuẩn bị sẵn cho anh một phòng mạch riêng. Hùng
là con trai một. Ba má anh cũng rất thương yêu tôi. Ông bà xem tôi như là con
gái. Hơn nữa mẹ tôi và má Hùng là bạn học ngày xưa nên cuộc tình của hai chúng
tôi càng có cơ sở thêm bền chặt. Tôi cứ thế sống trong mộng đẹp.
Anh Hai tôi cũng có người yêu.
Chuyện tình của anh cũng tốt đẹp nhưng rất im lìm chứ không sôi nổi như tôi.
Anh có tính ít nói. Thương ai, ghét ai chỉ để bụng. Chính vì thế mà không ai ngờ
là anh lại thầm thương trộm nhớ cô bạn ở cùng xóm. Nhưng đó là sự thật và tháng
sau là đám cưới của anh rồi! Mẹ tôi tất bật, suốt ngày cứ bận bịu trong ngoài.
Gặp người lớn tuổi nào cũng hỏi thăm về cách thức trong lễ hỏi....Lần đầu tiên
mẹ được làm sui mà. Hơn nữa từ trước tới giờ mẹ chưa từng đương đầu với những
việc như thế này. Có khi mẹ buột miệng: “Giá như cha các con còn sống!” làm cho
không khí gia đình trầm hẵn xuống.
***
Thế rồi mọi việc cũng đâu vào đấy.
Hôn lễ đã được diễn ra tương đối tốt đẹp. Anh tôi say sưa trong hạnh phúc. Gần
như anh tôi đã không để ý đến tôi rồi. Không phải anh trai tôi mà ngay cả mẹ
cũng hình như không để ý đến sự hiện diện của tôi trong nhà. Một chút hờn tủi
trong lòng tôi. Tôi muốn làm một cái gì đó để gây sự chú ý cho mọi người. Bỏ
nhà đi chẳng hạn! Hay uống rượu thật say? Có lẽ hữu hiệu nhất là khóc lóc với mẹ
như những lần vòi vỉnh trước kia. Nhưng rồi tất cả mọi suy tính của tôi đều
chưa có cơ hội thực hiện được thì có việc xãy ra: Mẹ tôi ngã bệnh do lo lắng
quá độ. Ngồi bên giường mẹ, tôi mới có dịp quan sát kỹ: sự tiều tụy, vàng vọt
trên gương mặt hốc hác và đuôi mắt các nếp nhăn đã hằn sâu hơn. Vậy mà mấy ngày
nay, tôi chỉ lo hờn giận mà không để ý tới mẹ. Mẹ vẫn còn đẹp và cũng khéo
trang điểm để che bớt đi những nếp nhăn đó. Bây giờ trong đầu tôi chỉ muốn tâm
sự với mẹ như trước đây. Muốn mẹ mau chóng lành bệnh. Cũng may chị dâu là người
cùng xóm nên không mấy bỡ ngỡ khi vào làm dâu nhà tôi. Chị kính trọng và chăm
sóc mẹ tôi rất chu đáo. Có thể vì thế mà bệnh tình của mẹ mau thuyên giảm và
nhanh chóng lấy lại sức. Chị quan tâm với tôi: nửa như em gái, nửa như bạn thân
khiến chúng tôi cảm thấy rất tự nhiên và không hề có một khoảng cách nào về chị
dâu em chồng cả. Thế mà người ta vẫn thường nói: “Giặc Ngô không bằng em cô bên
chồng”.
Mẹ tôi thì rất vui vì đã có người
tâm sự, suốt ngày cứ quấn quýt bên cô con dâu để dạy dỗ, hướng dẫn từng ly, từng
tý về cách thức nấu nướng, cách bảo quản thức ăn, cách sắp xếp công việc trong
nhà trong cửa. Nhìn cảnh thân mật như thế, dễ làm cho người ta ngộ nhận là mẹ
con ruột với nhau. Tôi không ganh với chị dâu nhưng chỉ hơi buồn vì mẹ đã san sẻ
đi tình thương của tôi. Tôi cũng phải nhìn lại bản thân mình. Trước đây mẹ vẫn
thường nói nhẹ nhàng để dạy tôi công việc nội trợ nhưng tôi lại mãi mê với những
cuộc rong chơi với bè bạn nên không mấy chú ý đến. Thời gian sau này, cả
tôi và anh trai đều lo yêu đương, miễn có dịp là đi cùng với người yêu, để mẹ
vò võ một mình. Chả trách bây giờ chị dâu ở nhà hủ hỉ với mẹ, mẹ không vui sao
được!
Anh trai tôi lúc này cũng khác
trước, ở nhà thường hơn, nói nhiều hơn và đặc biệt là yêu đời hơn. Và có đôi
khi ngớ ngẫn hơn khi hỏi tôi những câu vô bổ: “Em gái ăn cơm chưa?” ; “ Bữa nay
không đi đâu sao?”... Rồi không đợi tôi trả lời vội vàng đi tìm vợ.
Thời gian này tôi thường đến nhà
Hùng nhiều hơn. Trước tiên là để tạo mối quan hệ thân mật hơn. Đồng thời tôi
cũng có dịp học cách nấu nướng cho phù hợp với khẩu vị của ba má chồng tương
lai. Quả là một sự bù trừ để giải thích cho câu: “Con gái ăn cơm nguội ngủ nhà
ngoài” và tôi phải tìm cách giải khuây cho những phút giây mà tôi cảm thấy thừa
thải khi ở nhà. Còn một năm nữa tôi mới ra trường nên trước mắt, tôi thường sử
dụng tiền của mẹ. Hình như mẹ biết được nhu cầu của tôi nên cho tôi tiền
nhiều hơn trước. Thật vậy, từ khi mở phòng mạch riêng, Hùng tiếp rất nhiều bạn.
Có khi chúng tôi phải tiếp bạn tại nhà, có khi đến các quán bar, có khi nhà
hàng...Tôi cần phải có những bộ quần áo, đầm, váy cho phù hợp với địa vị, với vị
trí của một vợ bác sỹ tương lai.
Nhanh thật, mới đó mà tôi đã lên
chức cô. Mẹ tôi đã trở thành bà nội. Chỉ có một điều không ai ngờ tới, cứ y như
là số trời đã định vậy. Một sinh mạng ra đời đã đổi lấy sự ra đi của một mạng
người khác. Chị dâu tôi sinh cho gia đình một đứa cháu đích tôn rồi không kịp
nhìn thấy mặt con. Chị sinh khó. Mẹ tôi đau khổ. Anh tôi gần như điên loạn. Mọi
người đều tiếc thương một người phụ nữ nết na, hiền thục không hề để lối xóm phải
phiền hà điều gì. Tôi không ngờ đời người lại ngắn ngủi như thế. Anh tôi gần
như suy sụp tinh thần. Anh không còn tâm trí để chăm sóc đến con trai.
Công việc ở cơ quan anh cũng không màng đến. Tôi tìm đủ mọi cách để giúp anh
khuây khỏa nhưng không có tác dụng gì cả. Anh bỏ việc. Suốt ngày chìm đắm trong
men bia, men rượu.
Mẹ cũng buồn nhưng mẹ còn có bổn
phận của một người bà. Những ngày đầu, đứa trẻ hầu như khóc suốt. Mẹ phải thức
thâu đêm để chăm sóc đứa cháu tội nghiệp. Tôi cũng thức với mẹ nhưng chỉ được
vài đêm đầu. Còn sau đó thì tôi không còn sức lực đâu mà chịu nổi. Hơn nữa tôi
không có một chút kinh nghiệm nào về việc chăm sóc trẻ con. Tôi chưa làm mẹ,
chưa từng giữ trẻ em, tôi không có em nên công việc giữ cháu không dễ dàng chút
nào. Thương cháu thì có, nhưng tôi không biết phải làm gì mỗi khi cháu khóc. Những
lúc ấy tôi chỉ biết khóc theo cháu. Chỉ có mẹ là biết cách dỗ dành cháu. Mẹ
luôn giữ cho cháu nín. Hình như mẹ luôn cố kềm lại tiếng khóc của cháu như: Kịp
thời thay tã lót, không để cháu bị ướt; cho cháu uống sữa trước khi cháu đói; dỗ
cháu ngủ trước khi cháu quấy ...Mẹ sợ tiếng khóc trẻ con làm anh Hai đau
lòng.Tuy nhiên, mỗi khi tiếng trẻ nín, không khí yên lặng bao trùm. Một sự im lặng
nặng nề và thê lương.
Anh tôi không có cách nào vực dậy
được. Tiếng con khóc làm cho anh nhớ tới chị dâu và anh lại dắt xe ra khỏi nhà,
anh đi tìm quên trong men rượu. Mẹ và tôi đều lo lắng nhìn theo. Nhưng chúng
tôi biết không có cách nào ngăn được bước chân anh. Mất mát đối với anh quá lớn.
Chị dâu là người con gái đầu tiên anh yêu.
Anh tôi bị đuổi việc. Cùng lúc
tôi ra trường đi dạy. Ở đời, “được cái này thì mất cái kia”, tôi được dạy gần
nhà nhưng đươc phân công dạy môn Giáo dục công dân chứ không phải là môn Văn mà
yêu thích. Nhưng dù sao có việc làm là quý rồi. Tôi sẽ có thể phụ mẹ để giữ
cháu và chăm nom nhà cửa.
Kinh tế nhà tôi trở nên eo hẹp.
Nhất là từ khi anh Hai không đi làm nữa. Trước đây mẹ tôi nuôi gà, nuôi heo
dành dụm để chơi hụi. Giờ thì mẹ bù đầu, bù cổ với đứa cháu nên không có nguồn
thu nhập nào nữa. Anh tôi không còn sáng say, chiều xỉn nhưng đã trở nên
nghiện mất rồi. Mỗi tối anh phải làm một vài xị rượu rồi mới đi ngủ. Mẹ sợ rượu
bên ngoài nồng độ cồn cao nên ngâm hẵn cho anh một keo rượu thuốc, đồng thời
trong nhà luôn có sẵn thức ăn khô để cho anh có mồi nhắm mà khỏi đi ra đường.
Biết anh chưa quên được hình bóng vợ nên mẹ ít ẳm cháu lại gần anh. Tại vì đứa
bé rất giống chị dâu: từ nước da bánh mật đến đôi mắt nai to ngơ ngác...Mỗi
lúc đứa bé vui đùa, tôi bế đứa bé đến cho anh. Anh nhận con, rồi không được bao
lâu lại giao cho tôi và lặng lẽ đi vào phòng. Thật là một người đàn ông chung
tình. Phải chi ngày trước anh là một người bay bướm, có lẽ anh sẽ không đau khổ
như bây giờ.
Tôi không làm sao tả được nỗi vui
mừng khi tôi nhận tháng lương đầu tiên. Tôi về đưa ngay cho mẹ. Mẹ cũng rất vui
mừng nhưng không nhận đồng nào hết. Mẹ kêu tôi giữ lấy mua sữa cho cháu, còn lại
cứ giữ mà dùng cho việc riêng. Tôi cũng đưa cho anh chút ít uống cà phê. Anh miễn
cưỡng nhận lấy mà không nói lời nào. Tôi ngạc nhiên không hiểu vì sao anh lại
có thái độ như thế. Trước đây tôi vẫn xin tiền của anh mà.
Một buổi sáng, tôi thức giấc bởi
tiếng đập cửa bên phòng anh Hai. Suốt đêm qua anh không về nhà nên mẹ lo lắng.
Sáng sớm mẹ gõ cửa vẫn không nghe động tĩnh, nên xô cửa bước vào trong. Tôi
theo mẹ bước vào phòng. Trong phòng thật bừa bãi! Tủ quần áo bị bới tung lên.
Hình cưới của anh chị bị sổ tung ra từ cuốn album. Trên bàn có tờ giấy viết
dòng chữ rất to: “Con đi lao động ở nước ngoài. Mẹ và em hãy nuôi cháu giúp
con!”. Tôi bần thần. Mẹ thì bình thản như đã đoán trước điều này sẽ xãy ra. Anh
không thể ở lại căn phòng chứa đầy kỷ niệm. Tôi bật khóc. Mẹ lẳng lặng ra thắp
nén nhang trên bàn thờ cha. Anh Hai đúng là một người đàn ông chung tình. Và
cũng bởi vì anh là con của mẹ!
Nếu như anh Hai nhìn con nhớ vợ
thì ngược lại, mẹ nhìn cháu nhớ đến con. Tuy không nói ra nhưng mẹ luôn ngóng
chờ rồi thất vọng khi người đưa thư đi ngang mà không ghé nhà. Mỗi lần mẹ bồng
cháu đi chợ, có người chép miệng: “Tội nghiệp bà ấy! Chồng chết sớm, tưởng
có dâu sẽ được an hưởng tuổi già. Ai ngờ...Khổ vì con, bây giờ lại khổ vì cháu.
Từng tuổi này mà phải nuôi con mọn”. Mẹ tôi không phản ứng gì hết, chỉ cười buồn.
Bởi vì mẹ là người phụ nữ khép kín nội tâm... khép kín nỗi lòng... Chỉ có một
việc mẹ trãi rộng lòng mình, đó là tình thương con, thương cháu...
***
Gia đình Hùng đã chính thức sang
nhà cầu hôn tôi. Dĩ nhiên là mẹ vui vẻ chấp thuận. Trãi qua bao biến cố của gia
đình, Hùng đã tỏ ra rất quan tâm đến gia đình tôi. Tình cảm của chúng tôi càng
thêm khắng khít. Cả Hùng và gia đình Hùng đều muốn chúng tôi nhanh chóng thành
hôn để mọi người có điều kiện quan tâm với nhau hơn. Gia đình Hùng còn đề nghị
cho Hùng ở rể để tôi có thể đỡ đần mẹ cho đến khi cháu tôi khôn lớn.
Lâu lắm rồi, tôi mới thấy mẹ vui
như hôm nay. Mẹ lại lẳng lặng thắp nhang trên bàn thờ cho cha. Chắc mẹ muốn báo
với cha là mẹ đã lo cho các con “thành gia lập thất”? Thì ra không phải là vậy.
Mẹ vừa nhận được thư của anh Hai, cho hay rằng anh đã đi làm, đã có lương và
anh gửi chút đỉnh tiền về để tiếp mẹ lo cho cháu. Mẹ giục tôi nhanh chóng viết
thư hồi âm cho anh Hai, nhân tiện báo tin vui của tôi xem anh có về được không.
Sự chờ đợi lúc nào cũng khiến người
ta cảm thấy thời gian như chậm lại. Mẹ muốn trong ngày vui của tôi phải
có mặt anh Hai. Thế nhưng anh không dễ dàng quay về khi đã bỏ ra một số tiền
khá lớn cho việc lo thủ tục hợp tác lao động nước ngoài. Đám cưới tôi phải hoãn
lại để anh Hai làm việc cho đúng với thời gian hợp đồng. Tôi không biết phải
nói gì. Gia đình Hùng không có ý kiến. Tôi không thể vì tình riêng mà làm khó
anh Hai. Cũng không thể nào làm me buồn lòng. Tôi đã thử dò ý mẹ. Nhưng có lẽ
hôn lễ sẽ không cử hành được nếu ngày nào anh Hai còn chưa về.
Tôi bây giờ đâm ra lây căn bệnh của
mẹ: đã bắt đầu ngóng trông người đưa thư. Tuy nhiên, thời gian không cho phép
tôi suốt ngày chờ đợi. Tôi còn công việc của tôi, còn phải đến trường, lên lớp...Tôi
đành phải chờ đợi...và chờ đợi...
Tôi bắt đầu sốt ruột khi càng
ngày càng vắng tin tức của anh Hai. Rất nhiều câu hỏi hiện ra trong đầu: liệu
anh có về được không? Hùng và gia đình Hùng có chờ tôi được không? Không biết mẹ
có thay đổi ý định cho chúng tôi tổ chức đám cưới mà vắng mặt anh Hai không?
Tôi càng thêm rối rắm khi lối xóm nhỏ to sau lưng: “Bà Hai lúc này lên đời
rồi! Con trai gởi tiền về hoài”. Tôi nghi ngờ hỏi mẹ, mẹ buồn bã lắc đầu. Nhưng
tôi không tin lời mẹ vì có một vài lần khi đi dạy về, tôi đã bắt gặp người đưa
thư từ trong nhà đi ra. Thế thì tại sao mẹ lại nói là không có? Sự nghi ngờ
càng tăng khi tôi thấy mẹ nhanh chóng dấu một lá thư khi tôi đi dạy về đến. Như
vậy rõ ràng là mẹ có chuyện giấu tôi. Trừ anh Hai ra, từ nào tới giờ mẹ có liên
lạc bằng thư với ai đâu.
Nỗi buồn từ đâu ập tới. Nước mắt ấm
ức lâu nay bị đè nén, bây giờ có dịp trào ra. Mẹ hình như đã hết thương tôi rồi.
Mẹ không còn là mẹ ngày xưa của tôi. Trước đây cái gì mẹ cũng thương tôi, cũng
chia sẻ với tôi. Tôi muốn gì mẹ cũng chìu tôi. Có những thứ tôi chưa ngỏ lời, mẹ
đã hiểu ý và thực hiện cho tôi. Còn bây giờ thì mẹ ít tâm sự với tôi, ít quan
tâm tới tôi. Trong khi bản thân tôi đã làm gì nên tội. Từ khi chị dâu mất, tôi
phải phụ mẹ giữ cháu. Những cuộc vui của tôi đã rất hạn chế. Ngoài ra, tôi đã
thưa đến gia đình Hùng. Những cuộc đi chơi với Hùng đổi thành những cuộc đưa
cháu đi công viên. Có khi phải đưa cả cháu đi dạy. Thậm chí đám cưới cũng đã vì
anh, vì mẹ mà hoãn lại. Tại sao mẹ lại không nghĩ cho những điều thiệt thòi của
tôi. Tôi quyết định phải tìm ra sự thật. Tôi phải bắt đầu từ những lá thư mà mẹ
đã giấu tôi lâu nay! Tôi phải lén vào phòng riêng của mẹ!
Tôi không tin vào những điều mà
tôi đã khám phá! Thật ra thì anh tôi chỉ gửi về nhà có một lá thư đầu tiên, những
lá thư còn lại là của một người bạn làm chung với anh, thay anh gửi về gia
đình. Nội dung của tất cả các lá thư kể lại quá trình anh Hai mới qua làm việc.
Thời gian đầu anh rất nhớ nhà, nhớ mẹ nhớ em và đặc biệt là rất nhớ con. Anh
tìm vui trong men rượu. Sau đó anh quen với một cô gái bán hoa, sống chung với
cô ta như vợ chồng. Tiền anh làm ra chỉ đủ để trang trãi cho cuộc sống của hai
người. Không bao lâu cô gái ấy chết vì bị nhiễm HIV. Tất nhiên là anh Hai
không thoát khỏi số phận. Lá thư sau cùng là bạn anh báo tin là anh ấy đã chết.
Do điều kiện đi lại và kinh phí nên bạn anh đã đứng ra quyên góp với những người
đồng hương và hỏa táng anh tại xứ người.
Thì ra là thế! Hèn gì mẹ thường
hay ra bưu điện, không phải để lãnh tiền của anh Hai gửi về như người ta thường
nghĩ mà là ngược lại. Mẹ đã gửi tiền cho anh bằng chính đồng tiền do mẹ tạo ra:
Tiền mẹ đi bán máu. Trời ơi! Tôi không ngờ những chuyện trái ngang cứ xãy đến
cho tôi...À, mà không, xãy đến cho mẹ. Tôi khóc nức nở như chưa bao giờ được
khóc...Tôi khóc cho tôi … Tôi khóc cho cuộc đời của mẹ.
Mẹ không buồn giận khi biết tôi lục
lọi thư từ riêng của mẹ. Mẹ chỉ phân bua việc tạm hoãn đám cưới là vì mẹ đang
dành dụm của hồi môn cho tôi, và vì mẹ không muốn xa tôi... Mẹ cố gắng vui cười.
Nhưng từ khi anh Hai mất, mẹ tôi sa sút thấy rõ. Trước đây là vì tôi, mẹ đã cố
tình giấu nhẹm mọi chuyện để tôi yên tâm với công việc. Mẹ sợ tôi buồn. Còn giờ
thì mẹ không gượng được nữa. Mẹ thường bị ngất mỗi khi thắp nhang cho cha. Mẹ
già đi trông thấy. Tuy nhiên mẹ không khóc. Chỉ có tôi là hay khóc, khóc vì hối
hận, khóc vì mẹ khóc vì số phận luôn bất công với mẹ.
Tôi tự hứa với lòng sẽ luôn yêu
thương và kính trọng mẹ. Tôi nói với Hùng hãy đợi chờ tôi một thời gian để tôi
toàn tâm toàn ý chăm sóc mẹ, quan tâm cháu và nhân tiện để có thể kiểm nghiệm
thêm tình yêu của tôi với Hùng. Anh do dự nhưng cũng tôn trọng quyết định
của tôi.
Tôi làm bổn phận của người con
không được bao lâu. Một ngày kia, sau khi thắp nhang trên bàn thờ cha xong, mẹ
ngã xuống. Nhưng mẹ còn kịp thều thào bên tai tôi: anh Hai là con của một người
bạn chiến đấu của cha. Mẹ khuyên tôi giúp mẹ chăm sóc cho cháu nên người....Thế
là mẹ tôi - người mẹ khép kín nội tâm... khép kín nỗi lòng...giờ đã khép kín cuộc
đời!
Chỉ có một việc mẹ trãi rộng lòng
mình, đó là tình thương con, thương cháu...thương cả con không phải của mình...
***
Bây giờ, mỗi khi nhìn lên bàn thờ
mẹ, tôi hay đọc cho con tôi - cháu ngoại của mẹ và cả đứa cháu côi cút của
tôi nghe những câu thơ:
"Đi khắp thế gian không
ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai
khổ bằng Cha
Ai còn Mẹ, xin đừng làm Mẹ
khóc
Đừng để buồn lên mắt Mẹ
nghe không?"
Tôi đã hiểu vì sao mẹ hay thắp
nhang mỗi khi anh Hai có chuyện. Chắc mẹ hy vọng rằng ở một cõi hư không nào
đó, cha sẽ nghe những lời mẹ nói, sẽ hiểu được nỗi lòng của mẹ, sẽ thấy
được tất cả những việc mẹ đã làm...
Trăng tròn rồi trăng khuyết.
Trăng khi tỏ khi mờ.
Nhưng cái thứ ánh sáng phát ra từ
trăng lúc nào cũng dịu dàng và thuần khiết. Càng về khuya ánh sáng của trăng
càng thêm vằng vặt. Trong đêm tối, ánh sáng ấy tỏa ra nhẹ nhàng và âm thầm lặng
lẽ.
Cũng như mẹ tôi: cuộc sống khép
kín... khép kín nội tâm... khép kín nỗi lòng, chỉ có một việc mẹ trãi rộng lòng
mình, đó là tình thương với con, với cháu...và với cả người đời...
PHẠM THỊ THÚY KIỀU (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________________
Truyện ngắn hay quá, chúc mừng tác giả. Hi vọng được đọc những tác phẩm khác của chị.
Trả lờiXóa