Đến Tiểu bang Louisiana, thành phố Gretna đã hơn
2 tuần, nay được huynh đệ mời đến Tiểu bang Oregon, thành phố Portland để trình
bày giáo lý Đạo Hiếu đến với cộng đồng người Việt nhân mùa Vu Lan (tháng 7 al).
Theo truyền thống của Đạo Phật nói chung, và có liên quan đến Đạo Nho cũng như
qua tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của nền văn hóa Việt đã được khởi động và
hình thành một bản sắc đặc thù đã có tự ngàn xưa từ kho tàng ca dao của các bậc
tiền hiền đã trải qua nhiều thời đại sáng tạo, chắt lọc, khơi nguồn đạo lý của
dân tộc cho đến ngày hôm nay, và sẽ miên viễn cho cả những thế hệ mai sau.
Buổi lễ được tổ chức 2 ngày, và cả 2 ngày đều có
chương trình văn nghệ, chủ yếu là ca nhạc vể Mẹ, Cha và Quê hương,
chương trình ca nhạc bắt đầu từ lúc 2 giờ chiều đến 10 giờ tối cùng ngày. Trong
tất cả những ca khúc nổi tiếng, chúng tôi còn nhớ như : Bông hồng dâng mẹ, Tình Cha,
Đạo làm con, Mẹ tôi, Cha yêu con, Nhật ký của mẹ… Nhưng cũng lắm nỗi da diết,
khát vọng về quê hương của những ai xa xứ qua những ca khúc bất hủ, như : Nỗi lòng xa xứ, Lối về đất mẹ, Sương trắng
miền quê ngoại, Tình ca quê hương,
Quê hương tôi miền Trung, Đất Phương Nam.v.v…
Trong những buổi lễ hội và văn nghệ như thế nầy,
thường là rất đông đảo những bà con người Việt trong khu vực Thành phố, kể cả
có những người từ những Tiểu bang lân cận cũng trở về, theo chúng tôi được biết,
với số người đến tham dự trên dưới 2.000 người.
Sau thời trình bày giáo lý về đạo Hiếu, và tiếp
đến qua nghi thức hành chánh lễ khai mạc chương trình văn nghệ, chúng tôi ngồi
nán lại để thưởng thức những ca khúc tuyệt phẩm từ nguồn âm nhạc Việt nam xưa
và nay, sau đó trở về phòng nghỉ sớm, nhưng cũng thức sớm theo thói quen thường
khi là như vậy.
Được biết, sau gần nửa đêm, tàn cuộc vui chơi ăn
uống với số lượng người đến như trên đã nói, chúng tôi bước ra, chợt thấy hiện
trường của đêm qua mà không khỏi chạnh lòng nghỉ ngợi ! Trên bàn và cả dưới mặt
sân nhiều nơi trông thức ăn, nước uống, giấy, ly, đổ tung ra, ghế ngồi thì xoay
chiều và ngả đủ hướng. Sau đó, có những người đến phụ dọn dẹp, đồng thời lại nhờ
2 vị đi từ phía đầu ngõ dọc theo 2 bên đường để nhặt những tàn thuốc, cả 2 cùng
nhẫn nại ngồi đếm, mới biết ra trên 500 cùi tàn thuốc quăng bỏ bên đường. Nếu
không có nhờ người đi lượm tàn thuốc như vậy, thì điều gì sẽ xảy ra cho người chịu
trách nhiệm tổ chức lễ hội và văn nghệ nói trên !
Sự thành công và ưu điểm của người Việt ở xứ nầy,
phần lớn là ổn định chuyện làm và ăn ở, song song với việc ấy, họ hướng dẫn, tạo
điều kiện cho con cháu học hành nên danh nên phận cho bản thân và gia đình. Đồng
thời, họ lại cũng tích cực làm các công tác từ thiện, hướng tâm về đời sống có
sự tu tập đạo đức, ý thức điều thiện ác , tốt xấu, nhất là lúc nào cũng nghe
tâm tư luôn hướng vọng về tổ quốc, quê hương yêu dấu ngàn đời của cha ông. Thế
nhưng trong ấy, chỉ có một ít người bởi do thiếu sự hướng dẫn và chăm sóc nhân
cách, giáo dục đạo đức từ những bậc thức giả, trí giả hay những bậc cha anh
đúng nghĩa để truyền đi từ một nền văn hóa đạo lý ngàn đời. Ngay lúc ấy có vị
chịu trách nhiệm tổ chức 2 đêm qua đang đứng gần bên, chúng tôi liền hỏi ; Sao
sự việc sau đêm văn nghệ để lại như thế nầy ? vị ấy không ngần ngại trả lời
ngay : thì mình lấy tiền bán vé và bán thức
ăn để gây quỷ, nên mình phải chịu như vậy thôi, chớ đâu nói gì với ai được... !
Bấy giờ chúng tôi mới hiểu rằng, thì ra là như vậy…
!
Trở lại vấn đề Lễ hội Văn hóa đạo Hiếu và tâm
linh được truyền đi từ tinh thần “Uống nước
nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây…” trong mùa lễ hội Vu lan nầy, thiết
nghĩ cũng là cội nguồn đạo lý chung của con người, một khi đã được sinh ra và lớn
lên hòa cùng hơi thở với cuộc đời, mặc nhiên không một ai là khi mang thân một
con người lại khước từ thoát ra khỏi những chất liệu sống ấy, cho dù ai đó có
tôn lập niềm tin tín ngưỡng của hệ thức tôn giáo nào hay không một tôn giáo nào
đi nữa, không những thế, nó còn bất tuyệt đối với muôn loài khác. Cho nên truyền
thống lễ hội “nhớ ơn và đền ơn” vẫn bất
tuyệt và muôn trùng với không gian và thời gian, vẫn thắp sáng giá trị đặc thù
trong mọi giá trị sinh tồn của con người qua lời dạy của Đức Phật : “…nầy các tỳ kheo, không biết ơn, không nhớ
ơn. Đối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến… Đây là
hoàn toàn là địa vị kẻ không Chân nhân… là
biết ơn, là nhớ ơn. Đối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết
đến, nầy các tỳ kheo, tức là biết ơn, là nhớ ơn. Đây là hoàn toàn địa vị bậc
Chân nhân…” (Kinh Tăng Chi I).
Và cũng từ lời dạy trên, chúng ta xuyên qua những
đức tánh khác như : Đức Nhân, Đức Trí, Đức
Tín, luôn biểu thị từ nguồn giáo dục của Đức Hiếu, vì Hiếu là căn bản của Đức do giáo dục mà sanh ra, nó được
thắp sáng và nhân rộng từ bản thân, gia đình đến xã hội, vì rằng : “Ái thân giả, bất cảm ác vu nhân, Kính thân
giả, bất cảm mạn vu nhân” (nếu ta có sự thương kính cha mẹ hay thân nhân,
quyến thuộc của mình, thì ta không nên có những hành động đối xử ác quấy và khinh
mạn đến với những người khác).
Vì thế, nền văn hóa đạo học tâm linh luôn giúp
cho chúng ta không chỉ có cái nhìn, tư duy từ sự lành mạnh, lại càng không phải
chỉ bằng ngôn ngữ, ý tưởng xa xôi mang tính bài vở trường lớp, có khi những
hình thức ấy chỉ là sự đánh bóng kiến thức cập nhật nào đó, để điểm tô cho bao
lớp sắc màu ảo huyền, không thực tính, những chất liệu mục nát, không thể định
hướng hay kiến lập một nền móng tiêu biểu ý nghĩa đích thực ngay trong lòng cuộc
sống mà chúng ta đang có mặt, một khi những thực tính đặc thù về Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín đã bị tổn giảm
về mặt giá trị. Hay nói một cách khác, khi nhân cách đạo đức không còn lưu giữ
và tôn trọng trong mỗi cá thể, trong mỗi hành động từ cuộc sống hiện tại.
Thay vì chúng ta luôn thể hiện một hành động, một
việc làm đem lại lợi mình, không tác hại đến người, có ý thức trong sáng, tươi
mát, không là nguyên nhân dẫn đến sự phiền muộn, không làm khổ khó cho cả hai
giữa mình và người. Thời như vậy, chính là một cách đóng góp tích cực về Giáo dục
Đạo đức Tâm linh vào trong xã hội con người và cho cả cuộc đời mai sau.
Tóm lại, ngày nào mà đa phần con người còn có biết
nhận diện, tôn trọng và thực hiện bảo toàn chân tính từ những đặc thù được đề cập
trên, thì nền văn hóa tâm linh đích thực mới được toàn diện hay trên con đường
đi đến sự toàn diện ấy. Bằng trái lại, chỉ tạo thêm những thảm họa, những mầm
móng của bao nỗi lo âu, và sợ hải, điều ấy nó luôn là mối đè nặng cho hiện tại
và cho cả những thế hệ kế tiếp trong tương lai của nhân loại.
MẶC PHƯƠNG TỬ (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________
Vu Lan dường như từ lâu đã không còn chỉ là truyền thống của riêng Đạo Phật mà đã hòa vào dòng chảy văn hóa Việt , trở thành nét đẹp chung của người Việt. Và thật vui khi Vu Lan được truyền bá sang các nước phương Tây. Cám ơn tác giả!
Trả lờiXóaChân Như đạo phật rất mầu
Trả lờiXóaTâm trung chữ Hiếu niệm đầu chữ Nhân