Hồi còn sống, má ưa bông điệp. Miếng đất vườn ngày trước chưa thay đổi,
má trồng được cây điệp bông đỏ, tưng tiu chăm sóc tới lúc cây cao gần bằng đầu
người. Ngày rằm, mùng một, má lụm cụm ra nhẹ bẻ một cành bông cúng bàn thiên.
Ngồi kề má trên bộ ván tạp kê trước sân êm mát bóng dừa, tôi tẩn mẩn tách trái
điệp già lấy hột, tai nghe tiếng má hỏi han về cuộc sống…
Những chuyện buồn riêng, chuyện thiếu thốn này nọ… tôi ít dám thổ lộ.
Tôi sợ má lo lắng, má buồn hiu như ngày tôi còn nhỏ đi học mê chơi về muộn, hay
tiếng thở dài xót xa khi nhìn bàn tay tôi đỏ lựng bởi thước khẻ thầy phạt lỗi
không thuộc bài. Mươi năm trước má còn sức đánh võng, nhưng lâu lắm mới được
một chiếc. Đôi ba ngày, má lội ra mé rạch cắt một ôm lác về, dùng khúc cây tròn
đập giập rồi phơi nắng dốt dốt. Được khá khá, chiều chiều má ngồi se, thắt từng
tao võng, những tao võng dài theo mái tóc bạc trắng của má dần rụng lưa thưa.
Tôi mân mê ngón trỏ bàn tay trái của má cụp xuống, hỏi vì sao thì má chỉ cười
không nói. Má ngồi co hai chân, đầu gối ngang tai, dáng gầy nhỏ thó, ánh mắt
hiền lành. Võng làm xong, má hơ lửa sạch chỉ lác, treo bên vách để đứa nào cần
thì cứ lấy. Chiếc võng sù sì nằm cộm lưng, giờ nghĩ lại như mình đã từng được
bàn tay nứt nẻ, giọt mồ hôi cần cù ôm ấp, bảo bọc của má…
Lúc còn khỏe, má hay làm mắm tép chua đựng trong keo chao. Biết tôi
thích ăn, má để dành chờ tôi về để lấy ra cho. Chợ bán đủ loại mắm ngon, nhưng
đối với tôi cho tới bây giờ vẫn nhớ hương vị mắm tép chua má làm, đậm đà tình
thương quê nhà. Tôi đã ngoài tuổi năm mươi, mỗi lần thưa về là má biểu chờ để
cho cái bánh ít đám giỗ nhà hàng xóm hay nải chuối sứ chín rục… “Con đem về ăn,
hồi nhỏ mày ưa thứ này!”.
Cũng nhiều khi tôi thẫn thờ nghĩ đến lúc má trăm tuổi già, không còn gần
gũi cháu con nữa, lòng bỗng dưng buồn thê thiết. Má nhiều lần đăm chiêu rờ nhẹ
đầu tôi, cười bao dung: “Tóc bây cũng bạc nhiều, lẹ thiệt!”. Đêm nằm nhớ lại,
buồn muốn khóc. Đất quê làng xóm níu chân, má ít khi chịu rời xa, huống hồ đã
tuổi cao sức yếu. Tết nhất, đứa nào về thăm, ăn bữa cơm chung rồi lẩn quẩn cho
má thấy mặt là mừng, là vui. Có lần tôi cố thuyết phục má về nhà tôi chơi vài
hôm. Nói riết má nghe theo, coi bộ miễn cưỡng. Ở ngủ một đêm, chưa tới năm giờ
sáng má dậy ngồi bó gối ngó ra lộ như trông ngóng điều gì. Hỏi thì má ngập
ngừng: “Má hổng quen ở chợ, chật hẹp mà xô bồ quá… Chút nữa đưa má về nghen
con!”. Vậy mà tôi ấm ức nói lẫy: “Trên đồng, trên quê nước mặn phèn chua có
sung sướng chi mà má về đây chưa được một ngày đã nôn nóng đòi về sớm?”. Nói
xong, tôi ân hận liền. Cả đời má gắn bó với ruộng đồng, chắt chiu từng bông lúa
mót mùa giáp hạt, đất đai, cảnh vật quen mắt, quen hơi; xa một lúc cũng chẳng
an tâm. Năm bốn lăm ba theo kháng chiến, tham gia đánh trận Cầu Nổi rồi triệt
thoái lần lần qua Lý Nhơn, Đồng Hòa mấy năm trời. Giai đoạn này má rất khổ cực,
làng xã kêu gọi, hạch xách đủ điều. Một nách ba con hẩm hiu bám víu quê chồng,
má chìu lòn nhịn nhục, cúi mặt ẩn nhẫn cho chồng không vướng bận.
Má ơi! thời gian chầm chậm trôi qua mà nào ai níu kéo được, ngày con cái
hằng lo cũng đến. Tháng tư, hoa phương vỹ đỏ rực sân trường, đường quê, tôi
chợt nhớ cây điệp má trồng ra bông đỏ quanh năm cho người, cho đời, khẳng khiu
rồi tàn lụi…
Hôm trước về
thăm, thấy má nằm ngủ vẻ mệt mỏi. Nghe tôi đặt tay lên trán, má mở mắt nhìn,
ánh mắt hơi lạ, hơi xa xôi. Nhìn tôi thoáng chốc, má ngủ lại, buông rơi cái
bánh ngọt xuống sàn. Nào biết giây phút ấy là lần gặp cuối cùng. Sớm sau, đứa
em gọi điện báo ngắn gọn: “Má vừa mất, anh về ngay!”. Má nằm đó, thanh thản,
hồn phách về cõi vĩnh hằng. Tôi, đứa con nhiều lầm lỗi ngồi bên cạnh, buồn
thương ray rức.
NGUYỄN KIM (tác giả giữ bản quyền)
________________________________
Một bài tản văn rất dịu dàng và sâu sắc về hình ảnh người mẹ - hình ảnh muôn đời trong văn học, hình ảnh đẹp của cuộc đời. Xin trân quý và chia sẻ những tình cảm của tác giả qua trang viết.
Trả lờiXóa"Mẹ già như chuối chín cây", không biết rồi sẽ ở bên ta được bao lâu, sẽ "rụng" khi nào, chỉ mong rằng khi mẹ còn sống, mẹ được vui vầy cùng cháu con
Trả lờiXóaVới sự chân tình, rất cảm ơn hai bạn Bình Giang và Trí Tâm đã hiểu và chia sẻ nỗi nhớ thương người mẹ già của tôi. Bà mất đã 5 năm mà lòng tôi vẫn chưa nguôi ngoai mỗi lúc nhìn bức ảnh thờ. Và cảm ơn VN Bông Tràm đã cho đăng tải. Tình thân. guyễn Kim.
Trả lờiXóa