Đêm
đầu tiên tôi sống trên sân thượng là một đêm thanh bình và thú vị. Tôi chọn một
góc sân, nơi những thanh lan can làm bằng sắt không bị gỉ sét và xiêu vẹo làm
nơi trải chiếu ngồi ngắm trời đêm. Phía dưới tôi, thành phố dưới bảy tầng lầu
mà những dự án qui hoạch đô thị vẫn còn xếp trong ngăn tủ, nom hệt như ruột gan
của một chiếc Radio bán dẫn đã bị hỏng.
Tuy nhiên, những khu nhà ổ chuột và
những cao ốc ken dày với nhau cùng nhằn nhịt những dòng đường luôn nháo nhào xe
cộ đủ loại thường nhật, trong đêm, nhìn từ độ cao này cũng trở nên thơ mộng với
những vuông cửa sổ mờ sáng và tiếng ì ầm vọng lên như tiếng sóng vỗ những bờ
xa. Trên đầu tôi, khi mà tầm mắt không bị cắt xen bởi các sê nô cao ốc, cột ăng
ten vặn vẹo và dây phơi quần áo, vòm trời mở ra lồng lộng, hun hút. Trong ánh
sáng của ngàn sao thắp nến, màn đen của đêm cũng trở nên đen suốt, và tôi có
thể thấu thị tới những tầng không. Bằng linh giác – không phải bằng kiến thức
và tư duy của một vị giáo sư già- tôi cảm nhận hoàn toàn tầm vóc vĩ đại của
thiên nhiên. Tôi bỗng trở nên xa lạ với hôm qua, những hôm qua tôi cùng người
yêu trú mưa nơi quán cóc lề đường và sẵn sàng xơi tất cả những bắp nướng khoai
luộc, những hôm qua tôi cùng bạn bè tranh luận suốt sáng về siêu nhân của
Nietzsche, tự do của Krisnamuti, sắc không của Đức Phật, ba cơn cám dỗ mà Chúa
nhọc nhằn thắng cuộc… Và cả những buổi thuyết trình nơi giảng đường về những
minh triết cổ kim đông tây – Tất cả là những hạnh phúc, vinh quang mà bấy lâu
nay tôi luôn nâng niu tôn trọng, nhưng trong đêm nay nó không chiếm địa vị độc
tôn nữa. Cả cuộc đời tôi phong kín trong
bốn bức tường sách là sách và mỗi khi lật ra, tôi có thể thọ giáo ngay một lời
dạy, một lời tiên tri của các bậc hiền triết, đạo sư… Tôi luôn soi mình trong
tấm gương của các bậc tiên bối, sư phụ ấy.
Còn đêm nay, khi mà tôi thật sự trẫm mình vào đêm, thật sự diện kiến
trước dung nhan đẹp đến hãi hùng của đêm, tâm hồn tôi bất chợt dâng buồn man
mác và một nỗi sợ hãi len nhẹ nhồn nhột như những đầu ngón tay trinh nữ lướt
trên da thịt, cứ vén dần những ngóc ngách trong mọi góc cạnh mới mẻ của con
người tôi. Cả một nền tảng triết lý
tưởng chừng bất di bất dịch của một vị giáo sư kỳ cựu tiếng tăm trong tôi run
rẩy và trôi xuôi theo dòng thiên hà kỳ vĩ. Thiên nhiên đối với tôi đã là một
triết lý chói ngời.
Tôi đã không hối hận bởi quyết định không phải
như lý do tôi đã nói với vợ chồng con trai tôi: “Bố dọn lên nhà kho trên sân
thượng ở. Vợ mày sắp sinh…”. “Bố sợ nó khóc ồn à?”. “Ba đứa lớn chúng mày cũng
đã to mồm vậy. Chúng đã lớn, ngủ chung với bố mẹ hoài sao được”. “Bố làm sao
sống đước với dân tứ chiếng trên đó?”. “Tiểu ẩn tại sơn, đại ẩn tại thị. Người
già đã là một ẩn sĩ”.
Nơi tôi sống cho những năm tháng cuối đời là
sân thượng của một chung cư bảy tầng. Nó được tạo lập do một số dân nội cư bành
trướng lên, mới đầu bằng những túp lều tạm bợ làm nơi chứa đồ lặt vặt, sau do
đông người, do ra riêng, do những bà con họ hàng xa gần ở tỉnh đổ về thành phố
kiếm việc tạm trú, tất cả cứ dồn cả lên sân thượng thành một đám người thập
phương, sống bát nháo dưới những mái che, lều trại được dựng chóng vánh bằng
những vật liệu phế thải. Con trai tôi cũng chiếm một chỗ, nó tính: “Mai sau
chung cư nâng tầng mình cũng có một phần, bố ạ” .
Tôi hơi bực mình vì tiếng dép lệch xệch của
lão Dền- người láng giềng cùng vách của tôi - đã làm trạng thái trầm tư của tôi
bị nhiễu sự. Tôi lấy làm lạ vì lão giả giọng chuột kêu chin chít rồi hạ giọng
kiểu nựng trẻ: “Ở với lão nhé, làm bạn với lão nhé, chuột già ơi!” . Bóng một
con chuột chạy xuống máng nước trước mặt tôi rồi nhảy phóc qua một khoảng trống
để chui vào đoạn ống nước hư áp vào tường. Lão mắng theo: “Đồ trèo hoang, liệu
chừng ma gian bắt sẩy chân có mà tan xác!”. Lão đặt một mẩu mì tôm xuống lòng
máng nước rồi dợm bước quay vào. Tôi tò mò mời lão: “Ông ngồi chơi, hút điếu
thuốc!”. Lão dè dặt ngồi xuống mép chiếu , nhưng không hút thuốc. Đó là một lão
già nhỏ bé, gầy guộc, trông càng loắt choắt hơn trong chiếc áo bộ đội rộng
thùng thình và cáu bẩn. Lão sống với cô con gái tên Diễm cạnh túp lều nhà kho
của tôi. Lão bán vé số suốt ngày dưới phố, chạng vạng mới thấy về, lão ăn rặc
mì tôm, vách lều của lão vì thế mà chùm đụp những vỏ thùng mì mới cũ. Cô con
gái lão là gái đứng đường, ban đêm đón khách đến sáng, ban ngày trở về ngủ vùi
trên chiếc giường độc nhất chiếm gần hết căn lều.
Lúc tôi
dọn lên, cô ta nhỏm dậy nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ quạch, thâm quầng rồi vật đầu
xuống gối lẩm bẩm: “Đồ thứ tư!”. Sau này tôi mới biết những người già như tôi
được giới giang hồ liệt vào một giới tính phi tự nhiên là giới tính thứ tư, sau
pê đê!
Tôi hỏi
lão : “Ông nuôi con chuột ấy à?” . Lão đáp: “Nó không chịu” . Tôi lại hỏi: “Trước
ông có ghét loài chuột không?”. Lão đáp: “Có. Nhất là thời còn yêu được đàn
bà” .
Tôi biết lai lịch của con chuột này. Chí ít
cũng biết từ đoạn nó sống có đôi dưới nhà con trai tôi trong đống gỗ nát. Hôm dỡ
gỗ ra để dùng làm nhà kho trên sân thượng này, anh con trai tôi đã đập chết một
con, con còn lại nhảy tâng tâng lên những bậc thang trốn lên đây. Hôm qua, tôi
thu dọn chỗ ở mới, lại bắt gặp nó đứng thu lu trong góc phòng, giương đôi mắt
ti hí, lay lảy nhìn tôi rồi phóng ra ngoài mất dạng.
Chúng tôi im lặng. Tôi muốn chiêm nghiệm thật
trọn vẹn diện mạo của đêm. Lão Dền cũng ngửa mái đầu lơ phơ tóc hứng sao, vẻ
trầm ngâm. Hồi lâu, lão hỏi: “Ông giáo sư, tôi hỏi khí không phải thì ông đừng
trả lời, tới một ngày nào đó loài chuột có thể đào hang trên những ngôi sao kia
không!”. “Có chứ! Sẽ có ngày con người du hành lên mặt trăng, sao hỏa, sao mộc
dễ như ta đi chợ bây giờ vậy. Nơi nào có con người thì nơi ấy có chuột ông ạ!”,
Sau câu hỏi của lão, đồng hiện với câu trả lời đầy tính lạc quan về nền kỹ
thuật hiện đại của loài người đang hâm he khả thi những dự án chinh phục hoàn
toàn vũ trụ còn nằm trong ý tưởng, là những hình ảnh như những bức tranh siêu
thực trong cách nhìn không chủ ý của tôi, về sự biến dạng của quả đất trông hệt
như quả cầu vi rút HIV với những cái gai tua tủa của những tòa nhà cao ốc chọc
trời mà ngọn Everest so ra chẳng thấm tháp gì. Một cô gái kiểng chân trên sân
thượng đưa bộ ngực phồn thực chạm vào những vì sao và bật cười khanh khách. Tôi
lại hình dung cái mõm chuột tua tủa râu, nhe những chiếc răng nhọn trắng hếu
gặm dần những ngôi sao. Và khi những tinh tú lặn dần, lặn dần điểm vào nền trời
những xác chuột xám xỉn, lềnh bềnh trong dòng đen đặc quánh, vón cục. Dải Ngân
hà rỗng ruột do những đường hang loằng ngoằng, tối ẩm…
Tiếng lè nhè của gã Long trong căn nhà vách
ván gần chỗ chúng tôi ngồi: “Hừm! Ông cuốc xích lô cả ngày, ở nhà mày xập xí
xập ngầu với thằng nào mà không chiều ông hả!”. Vợ gã đốp lại: “Thằng nào! Thằng
nào làm liền tù tì một dây sáu đứa? Tôi bảo ông bao… thằng lực sĩ vào, ông lại
bảo cảm giác với không cảm giác. Để lòi một đứa nữa cho khổ thân tôi sao!”. “Khổ
thân ai? Khổ thân ông hay khổ thân mày? Mày chỉ rặn ra mà khổ, còn ông cuốc xe
cong lưng nuôi cả lũ chúng mày mà sướng à!”
Lão Dền khẽ vỗ vai tôi, hất cằm về phía máng
nước. Con chuột đang len lén mò tới mẫu mì. Nó dò từng bước , đuôi cụp sát đất,
thỉng thoảng dừng lại nghiêng đầu nhìn chúng tôi cảnh giác. Lão chăm chú theo
dõi, ngón tay khẽ chặn ngang môi, bộ điêu hệt như đứa trẻ. Tới như con chuột
ngậm miếng mồi nhảy phóc về tổ , lão bật cười: “Thằng ranh!”. Tôi cũng khen: “Gan”.
Lão cãi: “Không, nó hãi lắm ông ạ! Đói làm liều. Hôm qua con Diễm bảo tôi còn
đủ sức leo bảy tầng lầu sao không đi phụ hồ kiếm ngày hai chục nghìn. Tôi đau
tim nó đâu có biết! Lên một tầng lầu là phải ngồi nghỉ cho qua cơn xay xẩm. Tim
nó bây giờ chắc đập như trống vỡ đê, ý tôi nói con chuột ấy… ông giáo sư ạ!”
Tôi với
lão trở thành đôi bạn già hằng đêm nơi góc sân thượng. Chúng tôi không quên đặt
một mẩu mì tôm cho con chuột rồi ngồi im lặng chờ. Thi thoảng chúng tôi trao
đổi với nhau vài câu vớ vẩn. Hầu như cả một thời gian dài tôi không đi đâu. Cả
đến việc thăm thú bạn bè mà trước đó tôi rất thường xuyên và cho đây là một thú
thanh cao của người già. Suốt ngày tôi nhìn trời đất, suy gẫm những vấn đề gì
đó không định hình được. Tôi không hề đụng tới một quyển sách nào. Tôi đâm ra
yêu thích ban đêm lạ lùng và quả quyết
một cách vô căn cứ rằng nếu như thời gian ban đêm dài gấp hai lần ban ngày thì
cuộc diện thế giới sẽ tốt đẹp chừng nào! Chỉ ngày hai lần tôi rời sân thượng
xuống nhà con trai tôi ăn cơm. Nó nói với tôi vẻ không vui: “Con không ngờ bố
là một đại ẩn sĩ!”.
Một đêm
gã Long loạng choạng ra hỏi: “Hai bố không ngủ à”. Tôi đáp: “Người già sống
không bao lâu. Ngủ là chết”. Hắn ôm bụng cười: “Khác chứ, có ai thấy được cái
chết của mình đâu, có lẽ sau đó chẳng đẹp đẽ gì! Còn sau một giấc ngủ đẫy đà,
tôi nhìn lại thấy nó no tròn viên mãn. Hề... hề… Ông giáo sư, tôi cho rằng ngủ
là sống nhất!”. Lại một hôm gã ngồi cạnh chúng tôi, lặng lẽ một lúc rồi mới
hỏi: “Ông giáo sư, theo thuyết luân hồi của nhà Phật, con người chết đi có liền
khắc được đầu thai kiếp sau không?”. Tôi đáp: “Tùy thuộc vào thiện ác của kiếp
này”. Gã bảo: “Tôi sẵn sàng chết đi với điều kiện lập tức được đầu thai”. “Chi
vậy?”. “ Tôi muốn làm lại cuộc đời từ đầu. Ông giáo sư, ông có nghĩ cuộc sống
của chúng ta nó xộc xệch thế nào ấy không? Mọi thời cơ hạnh phúc cứ nhẩn nha
bắt bướm hái hoa phía sau chúng ta, trong khi bản thân chúng ta bị dòng thời
gian phăng phăng cuốn đi. Chúng ta chỉ còn biết ngoái đầu nhìn lại mà nuối tiếc
giá như, giá như…”. Tôi cười, bảo: “Anh bị tẩu hỏa nhập ma rồi!”. Gã hỏi : “Thế
ông có muốn sống lại thời hoa niên của mình không”. Tôi lắc đầu. Gã quay sang
lão Dền, lão lắc cái đầu to tướng trên chiếc cổ dài ngoẵng của mình và đáp: “Tôi
đã khổ cực lắm mới sống được tới bây giờ!”.
Một lần
chúng tôi ra góc sân thượng sớm. Hoàng hôn hiện lên chân trời phía tây một mảng
ráng đỏ tươi, trông hệt như một vệt máu loang. Thành phố ửng hồng cả lên, cả
đôi môi thâm xì của ông Dền dường như thoa một lớp son. Lão đưa ngón tay xương xẩu về mảng ráng, hỏi:
“Ông giáo sư, ông có biết cái ống khói kia không?”. “Nhà máy”. Lão khẽ khàng
bảo: “Lò thiêu đấy!”. Một ống khói vươn cao hiện rõ trên nền trời ráng đỏ, từng
cuộn khói phập phồng nhả lên cao rồi kéo dài ra, phớt đỏ, như những sợi máu vằn
lên. Tôi rùng mình khi nghĩ tới ngày một phần thân xác mình hóa làn tử khí nhẹ
tênh kia. Con chuột đã xơi hết khẩu phần buổi tối của nó, lưỡng lự một hồi rồi
phóng ngang qua chúng tôi, chui vào nhà gã Long. Lão Dền tặc lưỡi: “Lại đi ăn
trộm nữa rồi. Tội nghiệp, bõ bèn gì thứ mì ấy… tôi ăn tôi biết” . Bỗng nghe
tiếng loảng xoảng của nồi xoang và gã Long quát: “Chết cha mày chưa!”. Con
chuột lết qua chúng tôi, dường như một chân đã bi gãy. Lão Dền chồm tới nhưng
càng làm cho nó hoảng chạy bừa xuống máng nước. Lão cuốn quít chạy theo gọi: “Đừng
nhảy! Đừng nhảy!”. Nhưng nó đã nhảy và rơi mất hút dưới bảy tấng lầu.
Tối hôm
sau, lão Dền có vẻ ray rứt đứng ngồi không yên. Dường như thế giới ban đêm của
chúng tôi mất đi phân nửa, chỉ còn vòm trời trên cao. Lão mang ra một chai rượu
trắng, lão hỏi: “Ông giáo sư, ông uống với chứ?”. Tôi nâng ly hỏi: “Ông có thường uống rượu
không?”. “Thỉnh thoảng. Bố tôi bảo khi nào già hãy uống cho nó trẻ lại”. Tôi
bảo: “Bây giờ bọn trẻ thích uống, người già lại sợ”. Được vài ly, lão ngà ngà
say, lão trở nên nhiều lời. Lão kể cho tôi nghe về một vùng đất xa ngái nào đó
lão đã từng sống. Nơi vùng duyên hải có những quả đồi cát trắng phau như những
bầu vú mọc lên từ biển xanh, ngày ngày nó được gió biển vuốt ve vỗ về để luôn
giữ lại vẻ trinh nguyên muôn thưở. Lão bảo, khi còn trẻ lão đâm nghiện cái thú
ngủ đêm trên những quả đồi cát trắng đó. Cứ vùi mình trong cát, dưới bầu trời
đêm, theo như lão, ta có cảm giác ôm ấp trong tay thân thể ngọc ngà của mỹ nữ
nhưng vẫn an lòng và tin tưởng.
Một
ngôi sao băng xé toạc bầu trời rớt xuống mất hút phía sau lò thiêu. Trong khoảnh
khắc, vầng sáng rực rỡ của nó quyện với làn khói đen xám, giao thoa thành những xung động của một gam màu dữ dội
kinh hoàng. Tôi và lão nhìn nhau thản thốt. Lão thì thầm : “Một linh hồn vừa được
rước lên thiêng đàng”. Tiếng Diễm ho khục khặc trong lều. Tôi hỏi: “Mấy hôm nay
con Diễm bệnh à?”. Lão thủng thẳng đáp: “Đã mấy hôm nay nó không ăn uống, không
bước ra khỏi lều. Nó đang định làm việc gì đó. Cứ mỗi lần nó quyết định làm
việc gì trông nó như mắc bệnh đằng dưới vậy. Ông có nghĩ nó sẽ nhảy xuống bảy
tầng lầu như con chuột kia không?”. Tôi im lặng. Lúc sau lão móc trong người ra
một gói vải bảo: “Đây là số tiền tôi dành dụm được, một triệu hai trăm ngàn”.
Hất đầu về phía lò thiêu, lão bảo: “Tôi đã hỏi rồi, tất cả chỉ tốn một triệu
thôi. Tôi nhờ ông giáo sư…”. Tôi bảo: “ Còn con Diễm?”. Lão phẩy tay: “Nó tiêu
béng đi trước lúc tôi chết!”.
Hôm sau
chỉ có mình tôi nơi góc sân thượng. Lão đổ bệnh sau mấy ly rượu, không dậy
được. Tôi ngồi một mình cùng khuya, thành phố yên ắng dần và trăng hạ huyền bắt
đầu mọc. Diễm ra đứng tựa vào lan can cách tôi một quãng về phía mảnh trăng.
Đầu cô cuối gục xuống, xỏa mái tóc dài lơ lửng ra ngoài thành lan can. Lần đầu
tiên tôi ngắm nhìn Diễm bằng đôi mắt không ác cảm. Qua nền trời xanh lam của
đêm trăng, kỳ diệu thay, bộ đồ cô đang mặc vô tình trùng khớp với màu trời.
Dáng cô còn lại là suối tóc xõa đen nhánh uốn lượn khẽ bay trong gió. Không
hiểu vì sao, tôi tin Diễm không thể nào đâm đầu dưới bảy tầng lầu được. Lúc sau
cô ngồi xuống bên tôi, hỏi: “Ông giáo sư, ông có kinh tôi không?”. “Không”.
“Ông có thương hại tôi không?”. “Không”. “Vậy tôi là người như thế nào?”. “Cô
có mái tóc rất đẹp”. Diễm ngã người ra sau cười: “Một con đĩ mạt hạng như tôi ư?”.
“Mái tóc của cô vô can trong chuyện này”. Diễm ngừng tiếng cười và nhìn tôi
trân trối. Sau cô bảo: “Phải. Cả thân xác nhầy nhụa này cũng vô tội… Ngày xưa
tôi là một cô gái đẹp và đầy hứa hẹn của một trường trung cấp Ngân hàng. Bị phụ
tình, nhưng sự thật không phải do buồn tình mà bỏ ngang việc học để dấn thân
vào thành phố. Đi hoang là một cám dỗ mãnh liệt. Ông có thấy khoái cảm khi ta
kỳ công vun đắp một cái gì đó thật an toàn rồi bỗng dưng đạp đổ tất cả? Lại
nữa, khi con người nếm lấy nỗi đau rồi đâm ra nghiện nó và lao đầu vào như một
con thiêu thân!?”. Tôi bảo: “Phật dạy thọ khổ giải khổ. Có người chỉ cần một
bạt tai. Có người phải dùng gậy đập cho nát thân, phải chịu ô nhục đủ điều mới
sáng mắt ra”.
Vài hôm
sau, khi tôi đang đánh những vòng tròn khói một cách điệu nghệ và trầm tư nhìn
điều thuốc cháy dần trên tay như thời còn trai trẻ, thì gã Long hớt hải chạy lên
loan báo lão Dền vừa lên cơn đau tim đột ngột té xuống cầu thang chết ngay tại
chỗ. Tôi đâm bổ xuống vừa lúc xác lão được khiêng lên. Suốt đêm Diễm vật vã
khóc bên xác cha. Tiếng khóc của cô nghe ai oán não nề đến nỗi tôi không dám
qua an ủi. Tôi muốn cô khóc cho thật thỏa thuê, cho thấu được tình máu mủ.
Sáng ngày tôi trở dậy, định sang cùng cô lo
việc ma chay lão Dền thì hay tin Diễm đã mang xác cha đi hỏa táng khi trời còn
mờ đất. Trưa Diễm trở về báo lại với tôi: “Cháu sẽ thực hiện nguyện vọng của
cha cháu, coi như báo hiếu lần cuối cùng. Bác ạ, cháu tính kỹ rồi, ngày mai
cháu mang hũ tro cốt của cha cháu về quê. Còn một mảnh vườn hoang từ độ cháu bỏ
đi…”. Tôi rướm nước mắt, trao cho cô bọc tiền của lão Dền: “Của hồi môn cha
cháu dành cho cháu đây!”. Cô ôm ghì số tiền vào lòng, khóc nức nở.
Tối hôm
đốt xác, tôi đứng một mình trên sân thượng, mong đợi một vì sao sa vào ống khói
lò thiêu. Nhưng đêm nay không có sao, trời bộng mây và chớm mưa. Thời tiết đang
chuyển mùa. Vĩnh biệt lão Dền. Tôi trở vô nhà thì trời đã đổ mưa to. Tôi lò dò
ngồi dậy khỏi giường định bụng gọi lão Dền qua bên tôi ngủ vì căn lều của lão
bị dột. Nhưng chột nhớ ra lão đã mất, tôi vỗ trán: “Mình già lắm rồi… mình già
lắm rồi!”.
NGUYỄN HUỲNH
______________________
Truyện ngắn đầy bất ngờ, sâu sắc. Trước giờ đọc thơ NH trên BT khá nhiều, đây là lần đầu tiên đọc được truyện ngắn. Quả đúng thật là đã trở thành một NH khác hẳn với NH làm thơ của lúc trước. Vài lời chia sẻ, chúc vui
Trả lờiXóaGửi Mây, thật sự cả thơ và truyện đều là của NH lúc trước cả. Truyện này tôi viết từ năm 1995, đã vào vòng chung khảo của Cuộc thi truyện ngắn của Hội Nhà Văn VN Năm 1995, và đã đăng trên báo Văn Nghệ TW. Nay tình cờ tim được trong thư viện đem gửi BT hòng góp vui. Cả trước truyện ngắn Rồng Rắn Lên Mây cũng thế, đã đăng trên báo Văn nghệ TP HCM, báo Thanh niên số 86 ( 679 ) Thứ bảy ngay24/06/1995. ). Cảm ơn vì đã quá khen.
Trả lờiXóa