Mùa xuân lại
về! Nói đến mùa xuân chúng ta đều nghĩ ngay đến phong cảnh thiên nhiên tươi
đẹp, muôn hoa đua nở và lòng người rạo rực xuyến xao. Ngày xuân gắn liền với
ngày Tết. Tết Nguyên Đán ấm cúng tràn trề niềm vui sum họp gia đình, là dịp để
thăm viếng bà con, họ hàng, bạn bè, lối xóm.
Ngày xuân gắn liền với các thú vui
quen thuộc như du xuân hái lộc, ngắm hoa, ngoạn cảnh; tham gia các hoạt động
vui chơi thư giản ở đường phố, công viên, các tụ điểm lễ hội…; được khoe diện
áo quần mới với các mốt thời trang mới; được ăn những món ăn ngon hấp dẫn; được
tranh thủ thời gian rảnh rỗi chơi cờ đọc sách. Thời học phổ thông tôi có đọc
mấy câu thơ của Tản Đà và nhớ mãi đến bây giờ: "Mạch nước sông Đà tim róc rách/
Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ/ Còn thơ còn rượu còn xuân mãi/ Còn mãi xuân còn
rượu với thơ" (Ngày xuân thơ rượu – Tản Đà)
Để
xuân còn mãi phải có thơ và rượu! Bài viết này không dám luận bàn đến rượu,
ngày nay cách uống rượu xuân khác xưa nhiều lắm, dô! dô! trăm phần trăm đến mù
trời đông. Rượu xuân cũng nhiều loại tây ta thật giả khác nhau, uống vào không
biết chừng sẽ chia tay sớm cuộc đời, vĩnh viễn không nhìn thấy mùa xuân!. Thôi
thì để góp thêm một chút hương vị ngày xuân thử mạn đàm đôi câu đôi điều về
mùa xuân qua thơ vậy!
Thơ
viết về mùa xuân nhiều vô kể từ tác giả đến tác phẩm. Từ những nhà thơ thành
danh đến những người mới tập tễnh gieo vần đều dành phần cảm xúc không nhỏ cho
mùa xuân. Có thể phân thơ xuân một cách cơ học thành nhiều loại, chẳng hạn, mùa
xuân với tình yêu, mùa xuân với cuộc sống, mùa xuân với thiên nhiên, mùa xuân
của em, mùa xuân của mẹ,…. được không nhỉ? Thật không dễ để phân loại và càng
không nên làm điều đó bởi trong mạch thơ xuân các nhà thơ thường mượn tình nói
cảnh, mượn cảnh nói tình…
Khoa
học dùng từ mùa xuân để chỉ một mùa trong năm, bắt đầu từ thời điểm diễn ra
tiết xuân phân (khoảng ngày 21 tháng 3 ở Bắc bán cầu và ngày 23 tháng 9 ở Nam
bán cầu) và kết thúc vào thời điểm diễn ra tiết hạ chí (khoảng ngày 21 tháng 6
ở Bắc bán cầu và ngày 21 tháng 12 ở Nam bán cầu). Tại Việt Nam người ta tính
mùa xuân bắt đầu từ thời điểm diễn ra tiết lập xuân (khoảng ngày 5 tháng 2) và
kết thúc tại thời điểm diễn ra tiết lập hạ (khoảng ngày 5 tháng 5). Trong mùa
xuân, trục tự quay của trái đất nghiêng tăng dần về phía mặt trời, các giờ được
chiếu sáng tăng dần lên để bằng hoặc lớn hơn 12 giờ mỗi ngày và nó tăng rất
nhanh ở các vĩ độ lớn. Bán cầu có mùa xuân bắt đầu được sưởi ấm một cách đáng
kể làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc đơm hoa.
Văn
học nói chung, thơ nói riêng, nhìn mùa xuân qua lăng kính tâm trạng của tác giả
nên mùa xuân có thể vui tươi phấn khởi, có thể mang đến những trở trăn, có thể
buồn sầu, cũng có thể là duyên cớ để yêu nhau, ghét nhau, cũng có thể là món
quà tưởng tượng dành tặng nhau…
Mùa
xuân rất đẹp, đẹp cảnh, đẹp tình: "Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà
tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lý bóng xuân
sang" (Mùa xuân chín – Hàn Mạc Tử) . Mùa xuân về thêm tuổi thêm già,
cuộc đời phải chăng ngắn lại mang đến tâm trạng âu lo trăn trở suy tính nao
lòng: "Chúa xuân tặng tuổi cho người/ tặng đôi sợi bạc cho tôi nao lòng" (Ảo
giác ngày xuân – Nguyễn Trọng Tạo). Với người “lỡ bước sang ngang”, mùa
xuân hạnh phúc của người khác lại là nỗi sầu muộn của chính mình: "Cao
tay nâng chén rượu hồng/ Mừng em: Em sắp lấy chồng xuân nay/ Uống đi. Em uống
cho say/ Để trong mơ sống những ngày xuân qua" (Rượu xuân – Nguyễn Bính).
Đối với những mảnh đời bất hạnh, mùa xuân đến với họ như những trêu ngươi, vô
nghĩa, là nỗi buồn đau nhói tim: "Tôi có chờ đâu có đợi đâu/ Đem chi xuân đến
gợi thêm sầu?/ Với tôi tất cả đều vô nghĩa/ Tất cả không ngoài nghĩa khổ
đau!" (Xuân – Chế Lan Viên). Đối
với những người đang yêu, tình cảm họ trao cho nhau có thể là một bông hoa vàng
mùa xuân, có thể là nụ hôn mùa xuân, mùa
xuân đối với họ như món quà vô cùng thiêng liêng và quý giá mà thiên nhiên ban
tặng: "Anh cho em mùa xuân/ Nụ hoa vàng mới nở/ Chân bước mòn vỉa phố/ Mắt
buồn vin ngọn cây" (Nụ hoa vàng mùa xuân – Kim Tuấn)…
Cuộc
sống với những cung bậc cảm xúc khác nhau, đan xen lẫn nhau. Buồn – vui, hạnh
phúc – khổ đau; hơn – thua; được – mất. Thơ, dẫu là thơ xuân cũng không thoát
ra khỏi sự phản ánh của cuộc sống hiện thực sinh động và đa dạng. Nguyễn Duy “Mời vợ uống rượu”: "Mỗi
năm tết có một lần/ mời em ly rượu tay nâng ngang mày/ Vợ cười chưa uống đã
say/ ngọt ngào thì nổi, đắng cay thì chìm/ Gót chân ăn vẹt bậc thềm/ quanh năm
tất bật đi tìm ngày xuân/ Tóc loay hoay bạc bạc dần/ mỗi năm tết có một lần
thôi em".
Mùa
xuân về reo vui ồn ào cùng cuộc sống đang tất bật chuyển động đến chóng mặt.
Mỗi người đều có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội qua những công
việc lao động thường ngày, mùa xuân dường như cũng hối hả xôn xao: "Mùa
xuân người cầm súng/ Lộc dắt đầy quanh lưng/ Mùa xuân người ra đồng/ Lộc trải
dài nương mạ/ Tất cả như hối hả/ Tất cả như xôn xao" (Mùa xuân nho nhỏ -
Thanh Hải).
Cùng
với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cuộc sống đã có những đổi
thay đáng kể. Mặt trái, mặt phải bủa vây, lẫn lộn đến hoài nghi. Cái nhìn của
con người, của nhà thơ đôi khi máy móc, số hóa. Lòng nhân ái được mang đi quảng
cáo, mang đi tài trợ, trở nên bình thường. Truyền thống và cái mới du nhập đan
xen tạo nên một loại phẩm chất mới của con người. Lạc hậu cũ xưa đương nhiên
phải nhường chỗ cho văn minh hiện đại, thế nhưng tỉ lệ phần trăm mỗi thứ ấy
trong mỗi con người là bao nhiêu không đo đếm được, đâu là ranh giới của văn
minh và lạc hậu, cũ và mới, tốt và xấu. Tội nghiệp thay cho trái tim bé nhỏ và
câu thơ yếu mềm phải chứa cả một thế giới, mà một thế giới phẳng hẳn hoi! Nhà
thơ bây giờ còn mấy ai ngồi bên án thư hứng giọt trăng khuya tìm nguồn sáng
tạo. Ông Đồ già không sắm nghiên mài mực vẽ tranh viết chữ. Máy móc có thể thay
thế họ làm điều đó và làm được nhiều hơn thế nữa. Để rồi từ đó có người luôn
mang trong lòng nỗi buồn hoài cổ, luyến tiếc giá trị một thời, ngậm ngùi câu
chữ: "Năm
nay hoa đào nở/ không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây
giờ?" (Ông Đồ - Vũ Đình Liên). Có phải hoài niệm là một thuộc tính của tư
duy? Con người còn có tư duy nên luôn hoài niệm, điều ấy dễ hiểu và dễ thông
cảm. Nhưng không có nghĩa hoài niệm là không chấp nhận cái mới, nhất là những
cái mới hữu dụng. Thời nay, làm thơ dự thi qua mạng không còn là chuyện lạ lẫm
buồn cười nữa. Trên Facebook đã có cuộc thi thơ “Lời tỏ tình mùa xuân”, trên
báo Tuổi trẻ oline đã có cuộc thi “Thơ tình mùa xuân” quy tụ nhiều lứa tuổi
tham gia nhất là các bạn trẻ, với nhiều thể loại đa dạng và nội dung phong phú.
Ngày xuân, có thể ngồi một mình với chiếc máy vi tính làm thơ giao lưu với các
thi hữu khắp năm châu, ngày xưa có mơ cũng không bao giờ mơ như thế! Ngày xuân
có thể gởi thiệp “chúc mừng năm mới” kèm theo hình ảnh và lẵng hoa qua hộp thư
điện tử đến bạn bè người thân cả trong và ngoài nước. Đêm giao thừa chỉ cần một
tin nhắn “Happy new year” hoặc một câu
thơ tâm đắc ngày xuân rồi gởi đến hàng loạt người, chẳng tốn kém là bao! Có
cần phải gặp nhau tay bắt mặt mừng, lời chúc mừng phải qua ánh mắt mới biết
thực giả ra sao? Có cần phải mặt đối mặt, quà trao tận tay? Liệu mùa xuân
như thế có là ảo giác: "Mưa xuân ướt áo chờ mong/ đường quê mướt cỏ
mà không thấy người/ khói sương rúc rich tiếng cười/ một bầy tiên nữ trêu người
xa xăm/ Trở về phố xá thanh tân/ hộp thư điện tử thiệp xuân chúc mừng/ nao lòng
tôi nhớ người dưng/ nhớ bông hoa cải rưng rưng gió vàng…" (Ảo giác ngày xuân
– Nguyễn Trọng Tạo)
Vì nhà thơ Tản Đà
nhắc nhở phải có thơ và rượu mới có mùa xuân, ai không muốn có mùa xuân luôn ở
bên mình, tôi cũng vậy, nên đã lan man dài dòng không đầu không đuôi quá nhiều
về mùa xuân qua thơ rồi.
Định
gác bút, chào nhau tạm biệt, bỗng nhớ hai câu thơ của Thi sĩ Bùi Giáng trong bài “Chào Nguyên xuân” mà giật nảy mình: "Xin
chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau". Có
phải miên trường là giấc ngủ dài nghìn thu không nhỉ? Nếu vậy thì không dám bàn
luận thêm nữa dù ngày xuân còn rất nhàn nhã bởi vì: "Thưa rằng: nói nữa là sai/ Mùa
xuân đương đợi bước ai đi vào" (Chào nguyên xuân – Bùi Giáng).
NGUYỄN BÁ HÒA
____________________
Bài tản văn rất hấp dẫn. Chút mừng tác giả có bài tản văn hay
Trả lờiXóa