Hội sách Hà Nội năm 2015 với chủ đề “Sách và Di sản” có gian hàng sách cũ khá thú vị, thu hút được sự quan tâm của độc giả, gợi cho nhiều người liên tưởng đến giá trị của sách đã và đang được thử thách qua thời gian.
Sách được định giá theo cách riêng
Sách cũ trong các gian hàng được khai thác từ nhiều nguồn: được tặng, mua đi bán lại, được trao đổi, ký gửi… giữa người có nhu cầu mua và người có nhu cầu bán, của cá nhân, tập thể- thư viện, trường học… thậm chí là từ những gánh hàng đồng nát.
Chính vì có “xuất xứ” từ nhiều nguồn khác nhau nên sách cũ mang trên mình muôn hình vạn trạng sắc thái: có cuốn mới nguyên, một vài trang chưa được rọc hết còn dính vào nhau đã trở thành sách cũ, có cuốn màu giấy nâu sạm, sần ráp, chữ mờ, bìa long, có cuốn khi nhìn nhà xuất bản mới trầm ngâm nuối tiếc và nhận ra giờ không còn nữa…
Khi một cuốn sách được xuất bản và đến tay độc giả đều đã được định giá (trừ số ít sách không bán) ở bìa cuối bằng một con số nhất định. Người đọc chỉ cần một thao tác đơn giản là biết được giá của cuốn này cuốn kia bao nhiêu. Tuy vậy, với sách cũ thì không theo quy luật này.
Nếu ai đó quan niệm rằng, sách cũ ắt hẳn sẽ rẻ hơn sách mới thì chỉ đúng một phần. Quả thực nói đến giá của sách cũ thì có quá nhiều chuyện đáng bàn. Nếu phải so sánh hai cuốn sách y sì nhau: cùng nội dung, cùng nhà xuất bản thì thông thường cuốn sách cũ rẻ hơn khoảng một nửa so với sách mới. Nhưng lại có chuyện tréo ngoe khác, là có cuốn sách cùng nội dung nhưng sách in lần thứ nhất lại đắt hơn cả sách được tái bản và đang được bán trên thị trường với bìa, với giấy với mực đẹp long lanh. Rồi những cuốn sách ở bìa bốn được định giá bằng đơn vị tiền (đồng, hào, xu…) mà hiện nay không được lưu thông trên thị trường nữa cũng được người bán “quy” ra theo các mức khác nhau. Chuyện những cuốn sách cổ, sách quý hiếm có giá “giật mình” không phải là cá biệt của sách cũ và có lẽ- theo tiết lộ của chủ cửa hàng bán sách, chỉ người trong giới sách cũ, có kiến thức về sách cũ mới biết giá trị thật.
Người tìm đến sách cũ cũng có vô vàn lý do khác nhau, người eo hẹp túi tiền, muốn được sở hữu sách bằng giá mềm. Người sưu tầm sách. Người tìm tư liệu. Tác giả lùng mua khi các nhà sách chưa kịp tái bản…
Vui buồn phận sách cũ
Sách mới mà ế thì cũng dễ có nguy cơ chuyển vào gian sách cũ. Sách cũ mà ế nữa thì đúng là chỉ để mang đi… gói đồ hoặc sử dụng vào việc khác mà không liên quan đến việc đọc.
Nếu đã từng mua sách cũ hẳn độc giả không lạ gì với tình huống ở ngay trang đầu có lời đề tặng rất thân thiết của tác giả dành cho nhà văn, nhà thơ- người được tặng và hẳn không ít người sẽ… hẫng! Trong gian sách cũ tại Hội chợ sách Hà Nội 2015 cũng vậy, có rất nhiều cuốn với những lời “thân quý”, “quý mến”… từ tác giả dành tặng cho nhà thơ này, nhà văn kia. Xin không tiện kể tên các nhà văn này vì nếu kể ra, e rằng nhiều người sẽ ngỡ ngàng. Chẳng thế mà có nhà văn từng nói rằng sẽ sưu tầm những cuốn sách có ghi lời đề tặng để làm một… triển lãm!. Nói như thế để thấy những cuốn sách kiểu này không hề hiếm.
Bình luận về hiện thực này, một nhà văn đã chia sẻ, một khi tác giả đã “tặng sách” cho một người khác thì cuốn sách này đã thuộc về người đó và họ có quyền cho, tặng… thậm chí bán giấy vụn. Nhưng cũng có ý kiến nhà văn khác cho rằng: đồng ý việc cuốn sách đã được tặng thì quyền sử dụng thuộc về người tặng, nhưng rất không nên để cho tác giả nhìn thấy cách mình đối xử với cuốn sách mà họ mang nặng đẻ đau mới có được. Tốt nhất là trước khi tặng lại hoặc cân giấy vụn nên bỏ trang đề tặng của cuốn sách đi. Vì cho dù với bất kỳ lý do nào, khi độc giả, tác giả nhìn lại bút tích của mình cũng là điều không hay.
Số phận chung của những cuốn sách cũ được bày bán là… buồn. Bởi vì nó không còn phù hợp, không còn cần thiết, không còn giá trị cho người từng mua nó, từng sở hữu nó và từng được tặng. Tuy nhiên, đây chính lại là cơ hội để cuốn sách tìm được chỗ đứng trong lòng độc giả, tìm được giá trị và được người chủ thực sự “cũ người mới ta”. Suốt bao nhiêu năm qua sách cũ tồn tại và có thị trường riêng, dù âm thầm lặng lẽ nhưng chứng tỏ rất hữu ích.
Một cuốn sách giá trị, cần thiết nhưng không còn in ấn, không còn tái bản… tức là cung không đủ cầu cộng thêm vài lý do khác nữa là từ cuốn sách cũ bình dị có thể dễ dàng trở thành cuốn sách quý hiếm.
Trong khi hệ thống sách mới đồ sộ và đang dạng hiện nay tưởng chừng thừa sức đáp ứng được tất cả nhu cầu cuộc sống của con người thì chỗ đứng của sách cũ chênh vênh. Song thực tế không phải vậy, có những cuốn độc giả chỉ tìm được thông qua nguồn sách cũ. Được săn lùng, trân trọng, nâng niu… chẳng phải món quà vô giá mà sách cũ mang lại sao?
Sách cũ là một phép thử của thời gian đối với từng cuốn sách. Thế nên có những nhà văn từng đau buồn khi sách của mình hiện diện trong gian hàng sách cũ nhưng cũng có nhà văn lại hãnh diện tự hào khi được góp mặt trên giá sách cũ phục vụ độc giả.
Sách cũ là câu chuyện giàu tính “gợi” của thời gian. Nói đến giá trị của sách hôm nay không thể không nhắc đến sách cũ ngày hôm qua. Nhưng làm thế nào để sách cũ mà không cũ, cũ mà vẫn còn giá trị, gặp lại cuốn sách cũ một thời thì rưng rưng như gặp lại người tri kỷ, gặp lại kỷ niệm mang dấu ấn thời gian là điều không dễ.
Tất cả các cuốn sách đều có nguy cơ nhanh chóng trở thành sách cũ nhưng đồng thời cũng chứa cơ hội là cuốn sách cũ giá trị.
HÀ ANH
__________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét