Văn hoá khi đó là sự kết nối người với người, đôi khi cũng là sự giải thoát con người khỏi con người, chấp nhận nhau và buông bỏ cho nhau. Nhưng tôi tin không khi nào mình hiểu hết một nơi mình đã chọn làm người xa xứ dù có sống thêm nhiều năm đi nữa. Thế nên cả cuộc hành hương cứ mãi là khám phá, đúc kết rồi khám phá…
Cái tết đầu tiên ở Sài Gòn tôi chạy rạc cẳng đi tìm mua nải chuối để bày trên bàn thờ cúng tổ tiên. Hỡi ôi, lục tung năm cái chợ ở quận Tư và quận Bảy không nơi nào bán chuối mà chỉ có các loại trái cây lẫn với hoa cúc vàng hối hả.
Trong cơn “tuyệt vọng” vì Tết này không có cái bàn thờ tử tế tôi chạy đi hỏi lòng vòng các bà các chị. Các chị cười toe: “Trời đất đâu có ai cúng chuối, ngày Tết chỉ cúng ông bà mâm ngũ quả sung cầu dừa đủ xoài (với ý nghĩa cầu vừa đủ xài) thôi cô ơi. Cô đi khắp thành phố cũng không có chuối”.
Cam cũng là thứ trái quý ở miền Bắc nên hay được dùng thăm người bệnh, làm quà. Vào miền Nam tôi cũng hay mua cam về thắp hương ông bà. Cô giúp việc người miền Tây ngạc nhiên quá xá: “Trời đất, em đừng cúng cam vì cam có nghĩa là cam chịu, không vui gì. Ở đây không ai làm như vậy cưng ơi”. Ủa, cưng là ý gì vậy ta? Cái từ này làm tôi đề cao cảnh giác quá chừng vì ở Hà Nội ai không thân thiết mà gọi mình bằng một từ ngọt ngào là có gì bất thường. Tôi nhớ tới cảm giác đang ở trong chợ Ngã Tư Sở, bị gọi mời từ tứ phía: Cưng ơi, xem hàng đi em, sờ vào cho chị một cái. Nhưng “sờ vào” không mua, biết mặt nhau liền. Tôi nhắc, “thôi chị đừng gọi cưng, em nghe cứ thế nào ấy. Cứ gọi em là em”. Chị giúp việc lại cười hồn hậu.
Thế mà bây giờ, sau mấy năm ở Sài Gòn tôi lại thích gọi mấy đứa bạn thân bằng cưng mới sợ. Một số từ của đất miền Nam lạ lẫm nay trở thành thân thương vì nó rất dễ thương, rất dễ bày tỏ cái tình vô tư của con người.
Ở đây lâu sẽ cảm thấy vô tư là điều rất cần phải học. Vô tư là không định kiến, không kết luận, là không vội vã “đặt tên” khi mình thấy một việc, một người khác với cái mình đã biết. Vô tư là không dùng trải nghiệm của mình áp đặt lên người khác. Vô tư là không “khó ở” khi thấy người ta hành xử khác với mình mong đợi, không khái quát từ hành vi của người khác là đúng hay sai, không suy diễn anh này làm thế ắt hẳn anh ta phải là người thế này...
“Ở đây họ chỉ chơi với bạn nếu bạn dễ thương, còn bạn có tiền hay có chức quyền mà không dễ thương thì cũng mặc kệ”, cô bạn từng có “kinh nghiệm” chục năm ở Sài Gòn nói với tôi khi còn lơ ngơ bước chân vào thành phố nắng. Vô tư giúp bạn nhận ra ai đó rất dễ thương, là khi bạn không có từ nào chính xác hơn “dễ thương” để diễn tả sự hồn hậu, thân thiện, chân tình của người đó cũng như cảm giác họ mang lại cho bạn.
Và khi bạn bị “miền Nam hóa”, gọi ai đó bằng “cưng” một cách thật thà là bao gồm cả một trời yêu thương vô điều kiện.
Nếu có cuốn nhật ký của dân Bắc ở Sài Gòn chắc sẽ có nhiều chuyện ly kỳ hài hước. Đầu tiên phải kể đến nỗi sợ đồ ăn ngọt. Một cô bạn tôi đi công tác cả tháng ở Sài Gòn khi về sút mấy ký vì không ăn được do thức ăn quá ngọt. Em tôi gọi điện hỏi thăm: “Chị thích Sài Gòn chưa? Em thích giọng con gái miền Nam lắm, ngọt ngào” - Ừ, vì đồ ăn ở đây cái gì cũng ngọt. Cà phê ngọt lừ, nước ép trái cây đường là đường, canh chua là canh ngọt, thịt kho cá kho có nhà hàng nấu như chè của người miền Bắc, nước mắm ngọt, nước bún phở, nước lèo nêm đường thay gia vị...
Phải thừa nhận người Sài Gòn chăm... cám ơn hơn người Hà Nội. Vào cửa hàng mua đồ xong trả tiền họ cũng cám ơn (ở Hà Nội lâu lâu mới... có chuyện này), không mua đồ đi ra họ cũng cám ơn, khen họ một câu họ cũng cám ơn, vào thang máy mình đợi cửa chờ họ tí chút vì thấy họ đang chạy tới cũng được cám ơn, mình lên cùng tầng lầu với họ, mình bấm số thang họ lại... cám ơn nữa. Chẳng mấy chốc tôi cũng bị nhiễm cái nết cám ơn. Một lần được người bà con ngoài Bắc hỏi thăm, khi nghe tôi nói “cám ơn cô đã quan tâm đến cháu”, bỗng dưng bà nổi đóa, mắng một tràng: “Sao phải cám ơn? Bày vẽ. Mày học đâu ra cái kiểu khách sáo thế hả, vớ va vớ vẩn...”.
Cứ thế tôi “vấp” hết cú này tới cú khác. Không chỉ cách sinh hoạt, ăn uống, đi lại, nói năng mà đủ chuyện vui, chuyện “khó đỡ” để có thể làm quen với Sài Gòn.
Ba tháng đầu tiên khi ở thành phố mới này, ngày nào tụi nhỏ cũng đòi ăn cơm tấm. Sáng, trưa, chiều cơm tấm mà vẫn không chán. “Con ước gì mình ở trong một ngôi nhà làm bằng cơm tấm”, thằng em nói trong cơn thèm miếng sườn nướng, “giống như con thỏ ở trong ngôi nhà làm bằng cà rốt và con chó mơ thấy có ngôi nhà làm bằng khúc xương”. Thằng anh thì ước ngôi nhà làm bằng cơm cháy chà bông. Toàn là những thứ không dính dáng gì đến Hà Nội, nơi chúng sinh ra.
Còn mẹ chúng thì vật vã vì thèm phở. Thèm bát phở sợi rất mỏng, nước rất trong và thanh, rắc hành lá và rau mùi thái nhỏ như bèo tấm bên trên, thêm những miếng thịt gà mềm. Ở Sài Gòn không thiếu quán phở Bắc, nhưng khổ nỗi gặp người khó tính không tìm đâu được tô phở có vị thanh nhã, đành học cách làm thân hơn với bún bò, hủ tiếu.
Rồi thỉnh thoảng người xa xứ bị lên cơn thèm bún riêu, thèm bánh cuốn tráng mỏng kiểu Hà Nội, thèm bánh rán vừng, thèm bánh rán mặn, bánh tẻ, bánh khoai, bánh chuối, nem tai, xôi đậu xanh, xôi lạc, xôi xéo, bánh khúc... thèm đủ thứ mà thứ gì Sài Gòn cũng có nhưng ăn xong lại càng thèm hơn. Khổ là thế! Bởi vì không tìm ra cái hương vị đó, cách nêm nếm đã khác nhau mất rồi, cách nấu đã biến tấu theo kiểu miền Nam và kiểu của người xa quê, gia vị cũng là rau thơm đó, hành ngò đó mà cái mùi đã khác.
Thế nên người ta mới gọi một món ăn ở một vùng đất là đặc sản. Thế nên tôi vẫn nghĩ cách khôn ngoan nhất để hiểu mùi vị một vùng đất là hãy thử ăn cái gì mọi người nơi đó đều ăn, thở bằng cách mọi người ở đó đang thở.
Đi du lịch là để biết về văn hóa của một nơi mà người ta chưa biết đến nhưng khi tha hương thì cuối cùng bạn trở thành khách du lịch dài hạn ở cái chốn mà ban đầu chỉ có ý định đến tham quan ngắn ngày, rồi dần dà học cách hành xử, dùng từ ngữ như người nơi ấy. Ban đầu cứ như bạn đi trên đường ngược chiều, sẽ va sẽ vấp, đụng người này, quệt người kia. Nhưng rồi cái sự ngược chiều ấy cũng trở thành có lý, được chấp nhận và thi thoảng lại có người đến bảo cho tôi đi cùng cho vui.
Văn hóa khi đó là sự kết nối người với người, đôi khi cũng là sự giải thoát con người khỏi con người, chấp nhận nhau và buông bỏ cho nhau. Nhưng tôi tin không khi nào mình hiểu hết một nơi mình đã chọn làm người xa xứ dù có sống thêm nhiều năm đi nữa. Thế nên cả cuộc hành hương cứ mãi là khám phá, đúc kết rồi khám phá. Đó là chuyến du lịch không có điểm tham quan cuối cùng. Vậy nên tôi tính sẽ nói với tụi nhỏ, nếu có lúc con cảm thấy mình đang là một người xa xứ, đang đi ngược chiều văn hóa, đừng e ngại lao vào cuộc đời thứ hai của mình.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét