Ông Sáu mấy ngày nay cứ trăn trở, nghĩ suy
mãi. Tại sao thằng bé Toàn nầy giống thằng Thắng nhà mình thế? Thật không hiểu
nổi, chuyện trên đời nầy.
Sau khi lấy
vợ cho Thắng được năm năm, thì bà Sáu bắt đầu ngã bệnh và mất cùng năm đó. Ngôi
nhà chỉ còn lại ông Sáu và hai vợ chồng Thắng. Thắng lập gia đình đến nay gần năm
năm rồi, mà chẳng thấy có con con cái gì cả. Hai vợ chồng tình cảm bắt đầu nhạt
nhẽo dần. Chàng không biết tại mình hay tại vợ, nhiều lúc chàng suy nghĩ cũng
muốn đến bác sĩ để tìm ra lẽ, nhưng chàng cứ ngại ngùng rồi bỏ qua. Chính vì
nguyên nhân ấy, mà hai vợ chồng cứ mãi lục đục và đưa đến chia tay. Cuối cùng nàng
và Thắng làm đơn ly dị.
Nàng bỏ Thắng và theo người đàn ông khác,
sống cách đó cũng không xa. Thắng buồn bã, về nhà thường hay gay gắt với cha mình.
Công việc, nhà cửa rất bề bộn, lẽ ra chàng phải gánh vác thế cha mình trong lúc
tuổi già. Đàng nầy chàng phế mặc và cứ rong chơi đây đó. Thời gian - nối tiếp
thời gian, dòng đời đưa đẩy, chàng phiêu bạt ra tận Khánh Hòa và chàng đã quen được
một người con gái tên Lam. Lam là một cô gái giang hồ, nhưng khi gặp Thắng không
biết sao cô quyết định gác kiếm, không còn đi làm nữa và hai người đã thề non,
hẹn biển ăn ở với nhau được một đứa con trai rất khá khỉnh. Đó lá bé Toàn. Khi
sanh Toàn xong, hai người tới ủy ban gần đó chính thức kết hôn. Vừa kết hôn được
một tuần, Thắng quây trở lại quê nhà một mình và bảo Lam, khi nào anh điện thoại
báo, thì em hãy vào với anh.
Sau những ngày tháng tha hương, lưu lạc.
Thắng về lại quê nhà phụ giúp cha già, như ăn năn, hối cải và mộng ước sẽ đem
Lam về sống với mái ấm gia đình. Ngỡ về cha mình sẽ tha thứ chuyện cũ. Ai ngờ! Ông
Sáu cứ tính tình không thay đổi, gay gắt như xưa. Đối với ông dù có Thắng ở nhà
hay không ở nhà, ông lúc nào cũng đều như thế. Hai cha con hễ khi gặp nhau là
như trâu trợn. Biết tính cha, Thắng luôn nhường nhịn và bỏ qua mọi chuyện. Chàng
luôn suy nghĩ, mình về quê đến nay đã ba tháng rồi mà không điện thoại cho Lam
vào, thật là quá đáng và Lam sẽ nghĩ mình như thế nào, chàng ray rứt trong tâm,
ăn ngủ không yên. Thời gian chờ đợi quá lâu là gì chàng muốn nghe ngóng thái độ
của cha mình như thế nào, rồi hãy tính. Nhưng vô vọng, muôn vàn vô vọng, sự việc
có chờ mãi thì cũng vậy thôi, nên chàng quyết định gọi Lam vào và mọi chuyện tới
đâu, thì tới. Chàng coi đây như là một cuộc đánh liều.
Một ngày đẹp nắng, chàng đang làm việc ngoài
đồng, thì Lam từ Khánh Hòa lò mò vào. Qua năm đường, bảy lối nàng hỏi thăm hết
người nầy, đến người khác và cuối cùng cũng tìm đến cổng nhà. Ông Sáu đang tập
trung những đống khoai vừa mới thu hoạch mấy ngày qua và cũng đang chờ người đến
bán. Ông nhìn thấy Lam và hỏi?
- Cô đi tìm
ai thế?
- Dạ, Cháu
tìm anh Thắng. Xin lỗi bác, ở đây có phải nhà anh Thắng không bác?
- Đúng, nhà
nó đây, cô là gì của nó và tìm nó có chuyện chi?
- Dạ, Cháu
là vợ của Thắng, Thắng gọi cháu vào đây.
Nghe nói đến câu “cháu là vợ Thắng” ông Sáu
nổi điên lên và bảo: “Cô làm ơn, làm phước đi khỏi đây ngay giùm tôi đi, ở đây
không có vợ con nào của Thắng cả. Đi mau! Đi mau! Nhanh lên!”.
Lam bực mình cái lão già, chưa biết ất giáp
vì hết là lo xua đuổi khách. Cô ta ù lì chẳng thèm đi đâu hết. Cứ đứng miết một
chỗ. Con chó nhà thấy người lạ, chạy quanh khịt khà làm Lam chết nửa thân người.
Nhưng cố gượng, đứng gồng lưng chịu trận. Thắng từ ngoài đồng về, trên vai vác
cái cuốc, nhìn thấy cha mình đang xua đuổi người nên chạy lại cản ngăn. Thì té
ra là Lam. Cuộc hội ngộ, hai người ôm nhau chầm chập. Ông Sáu bỏ vào nhà trong
và Thắng đưa nàng về phòng riêng phía sau.
Kể từ đó mạnh ai nấy sống, ông Sáu ở nhà bên,
còn Thắng và Lam ở phòng bên cạnh phía sau nhà và ngày ngày hai người vẫn làm
việc bình thường, xem như không có kẻ thứ ba. Nói thì nói thế, ông Sáu đâu có để
yên, làm dữ nhất quyết không nhìn nhận Lam là con dâu. Mặc dù hai người đã đính
hôn có giấy tờ hẳn hoi.
Mỗi ngày, thường thì Thắng hay nấu và ăn
chung với cha mình, nhưng từ ngày có Lam về ông Sáu không ăn chung nữa và tự nấu
ăn một mình. Thắng thấy vậy nên bảo Lam, thôi mỗi ngày em chịu khó nấu rồi bưng
sang cho ba ăn, chớ cảnh nầy mãi anh khó chịu lắm. Và, Lam làm theo ý chồng, mỗi ngày nấu ăn và mang
sang cho ông. Ngỡ ông ăn, ai dè! Mỗi lần mang sang là ông bưng nguyên tộ cơm và
đồ ăn cho con Chó nhà ăn hết, riêng ông thì nhịn. Nàng bực bội và không thèm
mang sang nữa. Mặc ông, muốn làm gì thì làm.
Cuộc sống trong gia đình hiện tại như mặt
trời, mặt trăng, cứ dội nhau mà không thấy chán, kéo dài hơn một năm nay chẳng
khá lên tí nào cả. Lam nhiều đêm thủ thỉ với chồng, nàng hết chịu nổi cảnh sống
như thế nầy và nàng muốn trở về lại Khánh Hòa ngay, vì nàng cũng đang nhớ con và
mẹ nàng nhiều quá. Thắng biết, nếu nàng về lại Khánh Hòa, nàng sẽ không bao giờ
trở lại với chàng nữa, nên nhỏ giọt năn nỉ, cản ngăn và hứa sẽ đem mẹ nàng cùng
con vào ở chung một ngày gần nhất và cuối cùng nàng xuôi lòng, rồi ở lại.
Không ngờ! Sau cơn bệnh xoàng gần một tuần,
sáng thức dậy, Lam phát hiện Thắng đã qua đời trên giường ngủ. Nàng tá hỏa và
chạy sang gọi ông Sáu. Ông Sáu rất thản nhiên và gọi báo chính quyền đến. Chính
quyền cho mở cuộc điều tra, thì rõ ra Thắng bị nghẹt Tim mà chết, ngoài ra không
có lý do gì khác. Chính quyền nói một đường, còn ông Sáu thì cãi một nẻo “Nhất
quyết là Lam đã hãm hại con mình”. Kết
cuộc, giấy trắng, mực đen Lam là người vô tội.
Khi chôn cất Thắng xong, ông Sáu chẳng một
lời an ủi Lam, mà ngược lại càng hằn học thêm và bảo, sao Lam không rời khỏi chốn
nầy. Lam giận quá, ôm mặt khóc và trả lời với ông Sáu rằng vì Thắng là chồng nàng,
có hôn thú đàng hoàng, Thắng vừa qua đời, nàng không muốn bỏ Thắng trong lúc nầy,
nàng cần phải ở lại đây để khói nhang cho chồng một thời gian rồi đi cũng chẳng
muộn.
Ngày ngày ra vào trong xóm, trong làng, đi
chợ, phục vụ cho cuộc sống như bao người khác. Vì còn trẻ hơn nữa chồng vừa mới
chết, nên không ít một số thanh niên đầu đường, xó chợ theo trêu ghẹo, đẩy đưa.
Vốn có ít tay nghề ngày xưa cha nàng truyền lại, nhiều lúc những con dê xồm mất
dại ấy phải đành hối hận.
Được tin Thắng qua đời, mẹ nàng dẫn bé Toàn
vào thăm và chịu tang cha. Vừa đến cổng, ông Sáu cũng hỏi với giọng y trang như
nàng ngày đầu vừa mới đến. Nàng giận quá và ngoe ngoãy đưa mẹ và con về ngay phòng
mình ở, mà chẳng thèm xin phép ông Sáu một lời nào. Hai người bây giờ như hai kẻ
thù, không đội trời chung. Ông Sáu cứ mắng nhiếc hàng ngày, còn nàng cứ giả câm
và phế mặc.
Với một tài sản đồ sộ, nhà cửa, ruộng đất hơn
nữa Thắng là con một, ông Sáu thì già. Vợ cũ của Thắng là người đàn bà mưu mẹo,
nàng đâu có để cho Lam yên. Nàng sợ Lam sau nầy sẽ hưởng hết gia tài, nên nàng
tìm mọi cách như: kiện thưa làng, xã đến để chia của. Vì nàng đã từng làm dâu
trong căn nhà nầy năm năm chớ có ít đâu. Nhưng ông Sáu đâu có chịu và bảo, ông đang
còn sống, ông không chia cho ai hết. Khi nào ông chết thì hãy hay. Luật sư của
vợ cũ Thắng cũng khuyên nàng nên bỏ cuộc, vì nàng đã ly dị lâu rồi và chẳng có
con cái gì với Thắng cả và hiện tại ông Sáu vẫn còn sống sờ sờ đó. Cuộc chia chát
gia tài bất thành, nỗi hờn tức vẫn còn sôi sục trong lòng và nàng tìm mọi cách
hãm hại Lam.
Một hôm Lam trên đường đi chợ về, nàng mướn
mấy tay giang hồ chận đường mạ nhục, nàng cố chóng cự, nhưng gì đông quá nên nàng
đành bó tay và cũng may, ông Sáu trên đường đi ruộng về, tình cờ bắt gặp và đập
cho bọn chúng một trận. Bọn chúng bỏ chạy, thế là Lam được thoát nạn.
Về đến nhà, ông Sáu chẳng thèm hỏi một câu,
là tại sao và có mệnh hệ gì không? Cứ lẵng lờ như người xa lạ qua đường. Hai mẹ
con Lam thì ngược lại, lo nấu món ngon, vật lạ rồi mời ông Sáu sang ăn để đền ơn
cứu mạng. Hồi đầu ông Sáu sỹ diện không sang, nhưng nhờ bé Toàn cứ sang năn nỉ
mãi, nên ông đành sang và ăn cho có lệ.
Và, kể từ đó, những sự căng thẳng trong gia
đình càng ngày, càng giảm đi và bé Toàn cứ quấn quýt bên chân ông, mỗi khi ông đang
làm việc. Càng gần nhau, ông càng để ý và nhận thấy, sao thằng Toàn có nhiều nét
giống thằng Thắng như đúc. Rồi ông tự hỏi? Chẳng lẽ nó là con thằng Thắng nhà mình
hay sao. Kỳ lạ thật. Và dần… dà ông tỏ thái độ thương thằng Toàn nhiều hơn, làm
việc gì ông cũng gọi nó, ăn cái gì ông cũng cho nó và đi đâu ông cũng dẫn nó đi
theo như cháu ruột.
Nhiều lúc ông muốn hỏi Lam về thằng Toàn,
nhưng thôi !
Trong bữa cơm
thân mật, ngày giỗ đầu của Thắng, tình cờ Lam nói: “Toàn con rót nước cho ông nội
uống đi con”. Thằng Toàn nghe lời mẹ rót nước, khi rót xong, ông Sáu nhìn thằng
Toàn chầm chập, bật khóc và ôm thằng Toàn vào lồng mà chẳng nói lời nào. Buổi
tiệc tàn, ông đứng dậy ra về và nói. “Toàn tối nay cháu sang ngủ với ông nha cháu”.
Thằng Toàn ngoan ngoãn trả lời: “Dạ tối cháu sang ngủ với ông cho vui, ông chờ
cháu nhé”.
Như đã hứa trong lòng, dù hoàn cảnh thế nào
đi nữa, nàng cũng phải ở lại đúng một năm, để lo nhang khói cho Thắng, rồi mới
về quê. Thời gian đã hết, nàng bảo mẹ nàng nấu bữa cơm thịnh soạn, mời ông Sáu
sang ăn để từ giã trước khi trở về Khánh Hòa. Ông Sáu đâu có biết, cứ ngỡ như
những lần ăn trước, vẫn vui vẽ, đàm đạo. Không ngờ! Khi ăn xong, Lam đứng dậy,
khoanh tay thưa ba. Ngày mai gia đình con sẽ trở về Khánh Hòa, không ở đây nữa.
Mỗi ngày nhang khói cho anh Thắng, con nhờ ba lo giúp hộ và cảm ơn ba đã cho
gia đình con tá túc trong những ngày sóng gió vừa qua. Ông Sáu nghe xong chẳng
cản ngăn, chẳng níu kéo, ngồi lặng thinh
và ôm mặt khóc.
Ngày trở lại Khánh Hòa gia đình Lam che tạm
cái quán cốc bán tạp hóa lây lất qua ngày. Riêng thằng Toàn cứ hỏi mẹ chừng nào
về thăm ông nội? Lam bảo từ… từ hãy con,
mẹ làm có tiền, mẹ sẽ đưa con về thăm nội ngay, mẹ cũng nhớ mộ cha con và nhớ ông
nội nhiều lắm.
Một năm sau, ông Sáu âm thầm gọi người đến
bán hết gia sản, rồi mang trọn số tiền ra tận Khánh Hòa tìm Lam và thằng Toàn. Cuộc
hội ngộ mừng như mưa đỗ. Lam nghĩ, ông nội thằng Toàn sẽ gọi hai mẹ con nàng trở
lại. Ai ngờ! Ông đưa hết số tiền cho Lam và bảo, đây là tài sản của con và thằng
Toàn, con hãy tìm mua căn nhà khác mà ở, lo cho thằng Toàn ăn học và ba cũng sẽ
ở lại đây với nó cho đến cuối đời.
Thằng Toàn ôm chân ông nội không rời tay, mếu
máo và hỏi: “Sao mình không về quê ở ông nội”. Ông nói: “Nơi đó không còn gì
luyến tiếc nữa con à. Ông cháu mình sẽ ở đây và ông sẽ ở mãi mãi bên con. Vì
con là giọt máu cuối cùng của ông. Con hiểu không?”. “Dạ, con hiểu!".
THỦY ĐIỀN
____________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét