Thằng Vịnh đưa mắt nhìn sáu Lững đang chậm rãi mồi thuốc,
nóng lòng nghe nốt câu chuyện ông kể. Sau khi rít một hơi dài, nhả khói mù mịt
khắp chòi rơm, sáu Lững tiếp:
- Mầy biết hông. Lúc còn trai tao cũng bảnh lắm. Nhà được
mấy mẫu ruộng nên cuộc sống dễ thở. Nhiều cô trong làng để ý…
Vịnh hỏi:
- Chắc hồi đó chú đẹp trai lắm?
Sáu Lững cười ha hả:
- Cũng tàm tạm…Được cái mạnh khỏe, vai u thịt bắp, thành ra
o mèo cũng dễ. Trong xóm có cô ba Thơ mở quán cà phê, tao thường lui tới. Lâu
ngày sanh “tình cảm”.
Thằng Vịnh thấy hay hay, cười hi hi hỏi:
- Chú “tình cảm” hay cô ba Thơ “tình cảm”?
- Cả hai…Sau đó tụi tao thường hẹn nhau trong đám mía.
- Rồi sao nữa chú?
Sáu Lững đưa mắt nhìn làn khói thuốc lan xa, vẻ đăm chiêu
tiếp:
- Bận nọ tao hẹn cô ta, nhưng đợi hoài không thấy tới. Ngồi
buồn tiện tay bẻ một cây mía vừa ăn vừa chờ. Nào dè chủ mía bắt gặp, nói nặng
nói nhẹ làm tao mắc cở quá trời! Rồi đăm ra giận cô nàng lỡ hẹn mà sanh cớ sự.
Chừng hỏi lại lá thơ tao nhét ở bọng cây mận như mọi khi mất tiêu nên cổ không
biết.
Vịnh ngạc nhiên:
- Sao lại mất?
- Ông già cô ta lấy đó!
- Trời đất! Chắc cô ba bị một trận nhừ tử?
Sáu Lững vừa cười nói:
- Ông ấy khôn lắm. Không làm lùm xùm đâu. Chỉ âm thầm dò
xét. Mà ổng nào có ghét bỏ gì tao…Nhưng…
Sáu Lững dừng lại, đôi mắt trở nên buồn buồn. Thằng Vịnh
muốn giục, nhưng ngại. Một lát ông tiếp:
- Mấy ngày sau có mai mối mở lời xin cưới cô cho một người ở
chợ quận…
- Chà, gây cấn à nghen!
Sáu Lững liếc ngang rồi tiếp:
- Ban đầu ông già chưa hứa. Cô ta cũng “báo động" với
tao, bảo phải ráng liệu. Tao rối như tơ, liệu làm sao được(?). Chuyện cưới vợ
đâu phải nói là làm liền như mua con cá đâu!
- Thì dùng kế hưỡn binh, nhờ người lên tiếng rồi từ từ tính.
- Khổ nỗi tao chưa định cưới vợ. Má tao đau nặng vừa khỏi,
nhà hơi hụt tiền, làm sao tính được? Nếu lên tiếng lỡ người ta hối biết ăn nói
làm sao?
- Vậy là vuột tuốt?
Sáu Lững cười gượng:
- Chẳng qua duyên số! Tao như ngồi trên lửa…Bên ấy không đợi
được, một phần cũng do mai mối hối thúc quá, nên hứa gả…
Thằng Vịnh nhìn sáu Lững với đôi mắt thông cảm:
- Chà…kẹt quá hén! Rồi cô ba Thơ không nói gì với chú sao?
- Lần sau cùng gặp nhau, tội nghiệp cổ khóc như Lưu Bị, còn
trách tao không thực tình. Nghèo thì nghèo, mắc mớ gì lo xa quá. Nhiều người
chạy gạo từng bữa vẫn có vợ đó, nào ai chết đâu? Tao nghe mà thấy có lỗi, đứng
lặng câm cho cổ cằn nhằn!
Thằng Vịnh liên tưởng đến con Hên. Nghe đâu có nhiều mối bỏ
mòi mà ý nó muốn chờ Vịnh. Tuy chưa lần hò hẹn chớ tình thì đã chớm. Cả hai
cùng nghèo, tính sớm quá sanh con đẻ cái lấy gì nuôi? Nhưng tuổi xuân chỉ có
một thời, không ai đợi mình hoài. Biết đâu gặp mối giàu sang thì cái tình đầu e
ấp có giữ được không, hay như cô ba Thơ mà thôi? Nghĩ tới nghĩ lui thằng Vịnh
đăm lo. Chuyện tình của sáu Lững là một bài học cho nó. Mặt trời sắp khuất ở
hàng cây phía trước, trong chòi rơm Vịnh và chú sáu mỗi người theo một suy
nghĩ. Hôm nay vui miệng nhắc chuyện xưa cho con cháu nghe, khiến lòng gợn nhớ
một bóng hình. Còn thằng Vịnh trong đầu lảng vảng bức tranh mơ hồ, không biết đẹp
hay xấu nữa. Nó nhìn đồng lúa trĩu hạt, vài tia nắng còn sót lại, từng cánh
chim tìm nơi trú ngụ mà thương cho mình. Hơn hai mươi tuổi đầu quanh năm với
đồng ruộng, cuộc sống lẩn quẩn trong làng, có một mối tình trong sáng vừa mừng
lại vừa lo.
Đêm đó thằng Vịnh thao thức hoài không ngủ được. Chú sáu
Lững nằm bên ngáy pho pho. Nó lòm còm ngồi dậy, nhìn đồng ruộng mênh mông ngập
chìm trong ánh trăng non mờ mờ. Hình ảnh con Hên lại hiện về, đôi má bầu bầu,
nước da ngăm ngăm mặn mòi. Năm sáu ngày rồi phải ở miết nơi đây chờ thợ đến cắt
lúa, không gặp mặt cô nàng nó cũng thấy nhớ. Hổng biết mấy mối lâu nay tò vè có
tiến thêm hông? Sợ khi xong việc đồng áng lại mất người trong mộng thì thua
đậm. Nó men theo bờ ruộng lững thững dưới trăng nghe côn trùng hòa tấu mà lòng
rối nùi!
Hôm sau thằng Vịnh quyết định về nhà để viết một lá thơ nhờ
đứa bé hàng xóm lén đưa tới tay con Hên. Thơ viết:
"Hên ơi!
Tui nghĩ tới nghĩ lui mấy ngày mới làm gan viết thơ
này gởi Hên. Hên biết chăng? Hổm rày ở trong ruộng cũng thấy buồn
lắm. Sáng ra nhìn đám lúa lào xào theo cơn gió bấc, cộng thêm bầy cò kiếm mồi ở
mấy cái đìa, phát thinh tôi nhớ Hên nhiều lắm!
Hên đừng cười tui nghen, có sao tui nói vậy. Hằng ngày
gặp Hên không biết nói gì, đến chừng vắng mặt ba bốn bữa thì cái lòng tui như
vậy đó. Chỉ mong sao Hên đừng chê tui quê mùa mà đợi chờ thêm ít lâu nữa sẽ nhờ
người mai mối. Còn như Hên không có cảm tình gì với tui thì cũng nên cho biết
để khỏi hy vọng rồi sanh đau khổ.
Khi nhận được thơ này Hên gấp gấp trả lời tui nghen.
Trông lắm đó! - Vịnh".
Trước khi gởi nó đọc tới đọc lui, sửa chữa nhiều bận, dặn
đứa nhỏ chừng nào con Hên hồi âm thì tức tốc mang vô ruộng liền. Thơ đi rồi,
ngày đêm thằng Vịnh trông chờ tin. Đã hơn mười ngày, lúa suốt hột xong, về nhà
hai ba hôm vẫn không thấy động tịnh gì nó vô cùng lo lắng, chắc con Hên không
tình ý gì rồi! Chẳng qua vì mê quá mà tưởng tượng vậy thôi, ai thèm để ý thằng
nhà quê mộc mạc này. Nhưng nghĩ lại không lý nào. Nó thường thấy con Hên len
lén nhìn mình, đôi khi còn cười mỉm nữa kìa. Lòng thằng Vịnh rối rắm quá chừng,
kêu con bé đưa thơ gạn hỏi có chắc tới tay người ta không? Hỏi hai ba lần mới
thôi. Tức mình thằng Vịnh viết lá thơ thứ hai:
"Hên…
Sao Hên nỡ đành lòng không trả lời thơ tui vậy? Chắc
khi viết, vô tình làm xúc phạm đến Hên? Nếu vậy thì cho tui xin lỗi. Từ ngày
gởi thơ cho Hên đến nay tui ngồi đứng không yên. Hổng biết những điều mình nói
trong thơ có gây hiểu lầm chăng?
Đã phóng lao thì phải theo lao. Tui viết tiếp lá thơ
này để bày tỏ lòng chơn thật. Mong sao cho Hên hiểu được tui. Lần này nếu Hên
vẫn làm thinh thì coi như mình không duyên nợ. Tui cầu mong cho Hên sớm gặp
người vừa ý.
Chúc Hên được nhiều vui vẻ! - Vịnh".
Sau lá thơ này tâm trạng thằng Vịnh có vẻ ổn định hơn lần
trước. Nó không bồn chồn trông ngóng nhiều. Nhưng vẫn nuôi hy vọng, đồng thời
chuẩn bị tinh thần khi bị khước từ.
Vài ngày sau nó nhận được thơ hồi âm của con Hên dán rất cẩn
thận. Với trạng thái cực kì hồi hộp, tay run run mở thơ,thì chỉ thấy vỏn vẹn có
một hàng:
"Sao không đợi mười năm nữa hãy lên tiếng? - Hên".
LONG KHÁNH
_________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét