Truyền hình thực tế tạo ra những giá trị ảo?
Trả lời phỏng vấn một số báo thời gian gần đây, nhạc sĩ, ca sĩ Thanh Bùi cho rằng, các chương trình tìm kiếm tài năng ca nhạc đã đến lúc nên dừng lại vì ngành âm nhạc cần thêm thời gian để thở và phát triển một cách đúng đắn, cân bằng với chất lượng của những nghệ sĩ. Tài năng trẻ cần được nuôi dưỡng và phát triển theo thời gian.
Câu trả lời của Thanh Bùi gây nên những ý kiến trái chiều trên các diễn đàn. Ý kiến đồng tình cho rằng, sự nở rộ các chương trình truyền hình thực tế đang tạo ra giá trị ảo, làm nhạc Việt mất dần bản sắc. Chính vì vậy, dừng các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc là điều cần thiết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến khẳng định, truyền hình thực tế đã có những đóng góp không nhỏ cho thị trường âm nhạc Việt. Một số gương mặt trẻ, tài năng bước ra từ cuộc thi âm nhạc đã khẳng định được tên tuổi của mình, trở thành những cái tên có sức hấp dẫn hàng đầu showbiz.
Đánh giá một cách khách quan, những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình đã làm sôi động thị trường nhạc Việt trong khoảng 5 năm trở lại đây. Nếu như trước đây, Liên hoan tiếng hát truyền hình được coi là "đỉnh cao", thước đo tài năng của các nghệ sĩ trong lĩnh vực ca hát thì hiện nay, chính cuộc thi này phải vất vả cạnh tranh với các cuộc thi có format từ nước ngoài để thu hút thí sinh. Mới lạ về format chương trình, cộng với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của công nghệ PR, các chương trình truyền hình thực tế như một "cơn bão" càn quét thị trường âm nhạc Việt.
Không ít nghệ sỹ đã có thâm niên hoạt động nghệ thuật, thậm chí đã từng giành giải thưởng tại các cuộc thi ca hát trước đó vẫn quyết định đặt mình ở vạch xuất phát, tham gia truyền hình thực tế. Thế mới thấy sức hấp dẫn của truyền hình thực tế và sức mạnh truyền thông mà nó đem lại. Nhiều người nói rằng, một đêm xuất hiện trên truyền hình thực tế có thể nổi tiếng hơn vài năm đi hát.
Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận rằng, sự nở rộ các chương trình tìm kiếm tài năng trên truyền hình đang có xu hướng phá vỡ quan niệm về nghệ thuật đích thực. Khẩu hiệu "từ zero to hero - từ con số không trở thành người hùng" của truyền hình thực tế khiến không ít bạn trẻ ảo tưởng rằng, nghệ thuật đồng nghĩa với sự nổi tiếng và tìm cách nổi tiếng bằng mọi giá.
Khi xem vòng sơ loại của "Giọng hát Việt" hay "Việt Nam Idol", khán giả dễ dàng bắt gặp các thí sinh "tài năng vô hạn nhưng thủ đoạn có thừa". Không có tài năng hay chút kiến thức nào về âm nhạc nhưng nhiều bạn trẻ vẫn ghi danh tham gia cuộc thi. Có thí sinh không ngần ngại quỳ, van xin giám khảo cho cơ hội đi tiếp gây nên tranh luận trái chiều về bản lĩnh và lòng tự trọng của giới trẻ.
"Muốn thử sức" là cách mà nhiều người lý giải về quyết định tham gia cuộc thi nhưng rõ ràng, cần phải biết mình là ai, đang đứng ở đâu và có tài năng hay không. Truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc, nhìn ở góc độ nào đó đã "tiếp tay" cho thảm họa âm nhạc.
Truyền hình thực tế có thể khiến một thí sinh "nổi đình đám" sau khi xuất hiện vài phút ngắn ngủi trên truyền hình - điều mà nhiều thế hệ nghệ sỹ trước đây phải cống hiến cả đời chưa chắc có được. Sự nổi tiếng quá dễ dàng, ánh hào quang nghệ thuật lung linh đã vô tình khiến xã hội và nghệ sỹ trẻ có nhận thức sai lệch về nghệ thuật.
Có người đặt câu hỏi rằng, liệu để làm nghề và sống được với nghề có cần phải trang bị kiến thức nền tảng, kỹ năng âm nhạc hay chỉ cần tích cực ghi danh tham gia truyền hình thực tế? Từ các chương trình truyền hình, nhiều quán quân, thần tượng âm nhạc đã xuất hiện nhưng liệu họ có thể tỏa sáng và đi đường dài nếu tài năng chưa đủ chín?
Sự bùng nổ truyền hình thực tế cùng với những chiêu trò ngoài âm nhạc đã mang đến một bức tranh có phần phiến diện về nhạc Việt. Sẽ thật sai lầm nếu tính số lượng các chương trình truyền hình thực tế được sản xuất mỗi năm để đánh giá sự phát triển của nền âm nhạc nước nhà. Diện mạo của nền âm nhạc phải được "đo" bằng những tài năng âm nhạc đích thực với sản phẩm âm nhạc nghiêm túc và chất lượng.
Truyền hình thực tế có thể phát hiện nhân tố mới, có năng khiếu nghệ thuật hoặc tạo ra nhân tố mới, lạ nhưng đó chưa hẳn là tài năng vì tài năng phải được "thử sức", khẳng định qua thời gian và minh chứng bằng sản phẩm âm nhạc. Những ngôi sao bước ra từ truyền hình thực tế mới chỉ đáp ứng được trào lưu, thị hiếu giải trí nhất thời chứ chưa phải là tài năng có sức lan tỏa và truyền cảm hứng âm nhạc đến đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trong thời gian dài.
Cần có cái nhìn công tâm và khách quan
Trở lại vấn đề gây tranh cãi về việc có nên tiếp tục duy trì các cuộc thi tìm kiếm tài năng ca nhạc hay không, tôi cho rằng, sẽ là cực đoan nếu nói rằng, nên dừng các chương trình này. Xét cho cùng, truyền hình thực tế - bản thân nó không có lỗi và ít nhiều đã có đóng góp nhất định cho nhạc Việt. Sẽ không công bằng nếu đòi hỏi quá nhiều ở một chương trình truyền hình.
Ngoài việc tìm kiếm tài năng, các chương trình còn phải thực hiện nhiều chức năng đặc thù của truyền hình, trong đó có chức năng giải trí. Điều này có nghĩa là, mỗi chương trình truyền hình phải có sức hấp dẫn, thu hút khán giả và đôi khi, việc tìm kiếm tài năng ra sao lại quan trọng hơn việc tài năng đó sẽ tỏa sáng như thế nào.
Tôi cho rằng, truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc là xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Trong bối cảnh thị trường âm nhạc Việt "khát" nhân tố mới, thiếu cá tính âm nhạc rõ nét thì những cuộc thi vẫn có giá trị nhất định. Nên chăng, cần chọn lọc những cuộc thi thực sự chất lượng để đầu tư chiều sâu. Với một quốc gia hơn 90 triệu dân mà có đến vài chục cuộc thi tìm kiếm tài năng diễn ra mỗi năm thì chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng "cạn tài năng".
Bên cạnh đó, truyền hình thực tế cần phải đi đúng định hướng của mình, tức là phải lôi cuốn, thu hút khán giả bằng chính chất lượng chương trình chứ không phải chiêu trò câu khách như tạo scandal hay khai thác đời tư, mâu thuẫn của thí sinh để PR cho chương trình.
Nhạc sĩ Thanh Bùi nói rằng, để đến thành công, không có con đường tắt, mọi thứ đều cần có thời gian để luyện tập, chuẩn bị và quan trọng là luôn hiểu được những giá trị cốt lõi cần theo đuổi. Người nghệ sỹ cần phải sống thật với hình ảnh, cá tính âm nhạc của mình. Các cuộc thi tìm kiếm tài năng mới chỉ là điểm khởi đầu chứ chưa phải là điểm cuối cùng trong cuộc hành trình nghệ thuật của người nghệ sỹ.
Quá trình đào tạo vài ba tháng trong một cuộc thi không đủ để trang bị cho những nghệ sỹ tương lai tri thức về mọi mặt. Tuy nhiên, họ cần được giáo dục về đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức tự học tập, trau dồi kiến thức, không ngừng vươn lên hoàn thiện bản thân. Rõ ràng, truyền hình thực tế về âm nhạc phải là nơi góp phần tìm kiếm, phát hiện, đào tạo tài năng chứ không thể là nơi "ươm mầm" những thảm họa mới cho âm nhạc...
Tường Phạm
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét