Má con Tuyết ra thành phố sống tính đến nay
cũng gần hai mươi năm. Ba không còn, má chỉ có mỗi mình Tuyết là nguồn sống.
Tuyết học xong trường làng, má quyết định bán mảnh vườn ông bà ngoại chia cho.
Tiền bán vườn cộng với số tiền má chắt mót suốt quãng đời con gái cũng kha khá,
má con Tuyết khăn gói lên phố sống để tiện cho việc học của Tuyết. Má bảo: “Má
có mỗi mình mày, cố mà học nữa nhờ cái thân”. Ngày má con Tuyết rời quê, ngoại
đứng bên giàn mướp hương trước nhà khóc mướt. Má không cho ngoại tiễn ra bến
đò, má sợ mình không cầm lòng nỗi. Đi trên con đường quê hương thân thuộc, thỉnh
thoảng Tuyết ngoái lại thấy ngoại vẫn còn trầm ngâm đứng lặng. Lòng Tuyết miên
man buồn…
Căn nhà cấp bốn chưa một lần tu sửa, về cơ bản
đã xuống cấp trầm trọng. Nền nhà có chỗ sụp xuống, có chỗ gạch lát nền bong ra
nham nhở. Tường nhà tróc sơn và đường điện âm tường đã bị hỏng tự bao giờ. Tuyết
định bụng chuyến này sẽ lát lại cái nền, phá bỏ bức tường phòng má cho thông hẳn
với phòng Tuyết để tiện việc chăm sóc má lúc trở trời trái gió, gắn cái cửa mới
cho sáng và dọn hẳn một khoảng sân trước nhà để mỗi sớm má bắc ghế ra ngồi nghe
chim hót đón ánh mặt trời.
Đồ đạc phòng má không nhiều. Mấy cái rương gỗ
cũ kĩ thời má còn con gái được má khóa kín lại để gọn dưới gầm. Những cái rương
ấy, má chưa bao giờ mở ra trước mặt Tuyết, mà Tuyết cũng buồn mở. Có lần Tuyết
hỏi má “Mấy cái rương đó má đựng gì mà khóa lại kín mít. Con tò mò quá, bữa nào
con cạy ra xem xem má cất cái gì quý giá dữ vậy”. Trong bụng Tuyết nghĩ chắc
trong rương đựng mấy bộ quần áo thời má còn con gái hoặc… “gia tài khủng” má
dành dụm trước giờ cho con cái lúc má trăm tuổi già. Tuyết không thắc mắc nữa,
chỉ thấy má vội vã lấy vải nylon bọc kín những hòm gỗ mỗi lúc dột mưa…
Được dịp, nhất định Tuyết phải khám phá mấy
cái rương gỗ cho thõa trí tò mò.
Tuyết khom lưng lấy sức kéo cái rương dưới gầm
giường. Hì hụp mãi mới lôi ra được.Tìm cây búa cạy chiếc ổ khóa đã rỉ sét. Cái
rương thứ nhất má đựng đầy quần áo nồng nặc mùi long não, toàn những bộ bà ba mới
toanh mà trong cuộc đời Tuyết chưa bao giờ thấy má mặc. Ngày còn nhỏ Tuyết chỉ
thấy má mặc mỗi bộ đồ bà ba màu cau khô, trên vai áo vá chằng vá đụp những mảng
vá to tướng. Quần má xoắn tới gối, những tháng năm chân trần lội ruộng làm cho
bộ đồ nhuốm màu bùn đất, phai màu vì nắng vì sương. Cái rương thứ hai nhỏ hơn đựng
toàn những thứ đồ linh tinh nằm ngổn ngang. Tuyết nhận ra đó là hộp phấn bông
lúa màu trắng bạc màu má dùng thời con gái, mấy tấm ảnh má chụp lúc học xong
trường làng, có cả những tấm hình chụp lúc má lấy chồng. Những hình ảnh ấy Tuyết
chưa bao giờ được má cho xem, ngày má lấy ba má cũng áo dài xúng xính, tóc cài
hoa mua, ba mặc bộ áo lính đơn sơ cùng những người đồng đội cũ. Tự dưng Tuyết
thấy nghẹn ngào. Ba không còn má cũng ở vậy nuôi Tuyết, thờ ba. Tuyết hiểu rằng
tình yêu mà má dành cho ba chưa bao giờ vơi cạn, như dòng sông năm nào vẫn êm
đêm đềm xuôi dọc bao mùa mưa nắng, xuôi dọc đời người…
Ở dưới đáy hòm, Tuyết tìm được quyển sổ cũ kĩ,
bìa phủ đầy bụi bặm, nét chữ mờ nhòe mang dấu tích thời gian.
Trời ơi, là quyển nhật kí của má thời con gái.
Tay Tuyết run run. Tuyết lần giở từng trang, từng trang. Những dòng chữ má ghi
chép một cách cẩn thận và nắn nót. Những trang nhật kí mà má giữ trọn suốt bao
năm qua trong tận cùng ngăn kín của thời gian. Những kỉ niệm vui buồn lúc má còn
là cô học trò trường làng, áo dài trắng phất phơ, tay cầm nón lá. Rồi má thôi
không đi học tiếp nữa, hồi này nhà ngoại nghèo xác xơ nên má đành nghỉ học, ở
nhà phụ ngoại. Má lấy chồng. Chồng má là người lính trẻ dạo nọ ghé qua làng, mấy
bận gặp nhau nói nói cười cười mà nên vợ nên chồng. Có những cuộc gặp nhau như
một định mệnh để rồi lưu lại trong lòng người những khoảnh khắc không dễ gì
quên. Tuyết thấy lòng mình se sắt.
Ngày ba mặc áo lính ra đi, má bồng con ra bến
đò tiễn ba. Nhìn con đò trở mũi sang ngang mà lòng má buồn tê tái. Con đò ra giữa
sông ba vẫn còn ngoái lại nhìn hai mẹ con cho đến khi chiếc bóng khuất hẳn sau
mấy cội bần gie. Ba đi chiến đấu, chuyện nhà từ trong ra ngoài một tay má lo liệu,
may mà có ngoại. Nhớ hồi còn bé có những đêm Tuyết nằm gối đầu lên tay ngoại
nghe ngoại kể chuyện “hồi đó”. Một bận Tuyết nổi đậu mùa khắp người, mình mẩy
xanh xao lúc nào cũng vẩn lên mùi tanh tanh khó chịu. Ban đêm má phải cắt lá
chuối lót ở dưới, Tuyết nằm trên. Những mụn nước chưa vỡ hành Tuyết đau nhức,
khóc suốt đêm. Bà ngoại phải bơi xuồng sang tận xóm bên xin gốc rạ còn xót lại
cuối mùa về nấu nước cho Tuyết xông. Nhìn con má đau mà má như đứt từng khúc ruột.
Người trong xóm bảo má cho Tuyết ngủ riêng, ngủ chung sợ lây. Má không chịu, má
bảo: “Con mình đẻ ra, mình thương còn không hết chứ có gì mà ghê”. Tội nghiệp
má, có đêm nào má được trọn giấc? Má ngồi canh Tuyết ngủ, kéo mền đắp cho Tuyết,
sợ ban đêm sương xuống con má bị lạnh. Đời má khổ cực trăm bề. Căn bệnh dứt hẳn
sau một tháng đúng, không hơn không kém. Lớn lên Tuyết quên bẵng đi chuyện ngày
xưa mình từng mắc một trận đậu mùa thừa chết thiếu sống. Nhưng mỗi lần soi
gương, nhìn lại những dấu vết lặng mờ trên gương mặt, lòng Tuyết bỗng xốn xang…
Kí ức không một ai đánh thức, bấy lâu ngủ yên
dưới lớp bụi thời gian. Chỉ có tim má là vẹn nguyên với hình hài xưa cũ. Như bến
sông xưa, bến sông quê qua bao mùa mưa con nắng vẫn không hề thay đổi. Nơi đó từng
diễn ra những cuộc chia ly đầy nước mắt, có người đi rồi trở về, cũng có người
đi mãi không một lần quay lại.
Tuyết gấp lại quyển nhật kí không đọc nữa. Nước
mắt đầm đìa, bỗng dưng Tuyết thấy mình có lỗi. Trời ơi là má, kí ức đó mấy mươi
năm má giữ kín trong lòng. Cũng như cả cuộc đời khổ đau, buồn tủi chất chứa
thành một nỗi niềm riêng má ôm trọn. Tuyết nào có biết. Với Tuyết cuộc đời là
những tháng ngày vui vẻ, tràn ngập tiếng cười. Tuyết đi làm vẫn tranh thủ chạy
về nhà ăn bữa cơm nóng hôi hổi với má, con cá kho tiêu thơm lừng má giẻ từng miếng
bỏ vào bát Tuyết như hồi còn nhỏ. Váy áo mặc đi làm, đi chơi, Tuyết bỏ vào máy
giặc mà má vẫn len lén lấy ra giặt tay. Tuyết cằn nhằn: “Trời, nhà mình có máy
giặt, má giặt tay cho cho khổ”. Má cười: “Máy giặt nó vò hư hết đồ của con, để
má giặt tay cho lành”. Sáng Tuyết đi làm, trưa tranh thủ chạy về chơi với má một
lát rồi lại đi. Nhớ hồi xưa nhà nghèo mà vui, Tuyết quấn quít bên má suốt ngày,
trưa trưa Tuyết đi trước đội cái nón lá lúp xúp như cây nấm, má đi sau, sang
nhà ngoại ăn bánh tét. Bây giờ khấm khá, mà thời gian Tuyết dành cho má cũng ít
dần. Thương má chiều nào cũng bắc ghế ra cửa đợi Tuyết về rồi lủi thủi vào bếp
dọn cơm nước lên bàn, hai má con, ba cái bát. Một bát má để cúng ba. Ngồi nhìn
má tay run run khó nhọc cầm bát và cơm, tự dưng mắt Tuyết ươn ướt…
Tuyết nói với bác hàng xóm: “Chuyến này nhà cửa
xong xuôi, má con con đi du lịch mới được”. Bác cười. Đột nhiên Tuyết thấy
gương mặt bác chùn xuống, thoang thoáng nỗi buồn. Ngày xưa vợ chồng bác sinh
cũng mấy mặt con, lớn lên người có chồng, người có vợ, có nhà cửa riêng hẳn
hoi. Hôm bữa Tuyết nghe bác tâm sự với má ngoài ban công, bác nói: “Thằng lớn
đòi rước tui với bả về ở chung mà tui đâu có chịu. Nhà mình thì mình ở, già cả
rồi còn đi đâu nữa. Tụi nó lớn rồi, đủ lông đủ cánh rồi. Lâu lâu bỏ thời gian về
thăm hai ông bà già này một chút cũng được rồi”. Tự nhiên Tuyết thấy mủi lòng.
Người già ai cũng cần cho mình một chỗ dựa vững
chải trên đoạn còn lại của cuộc đời.
HOÀNG KHÁNH DUY
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét