Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Tôi không nhớ mình đã đến An Giang bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần về xứ Bảy Núi, mảnh đất huyền thoại ấy đều mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau. Cảm giác chạy xe trên những con đường uốn lượn giữa cánh đồng vàng rợp màu lúa chín trong cơn gió se lạnh cuối năm thật tuyệt vời. Đến An Giang, tôi như lạc vào một xứ sở khác, vừa ngắm nhìn Thất Sơn kỳ vỹ, vừa để nghe biết bao câu chuyện huyền thoại được thêu dệt qua bao đời mà khởi đầu là những người mở cõi khai hoang…
Tôi đến An Giang vào một sớm mai đầy nắng gió. Từ thành phố Long Xuyên chạy về hướng Châu Đốc, hai bên cung đường lúa đã chín vàng. Mùi lúa thơm nồng nàn quyện vào gió bấc cuối năm tạo thành một không gian thi vị và dân dã khiến tôi không thể không dừng xe lại bên đường chụp ảnh, ngắm nhìn. Tôi vốn được sinh ra ở đồng bằng, nói đúng hơn là “con nhà quê”. Những cánh đồng chưa bao giờ là lạ lẫm đối với tôi. Tôi lớn lên qua từng mùa lúa xanh, lúa vàng, từng được dòng sữa ngọt thơm trong bông lúa nặng quằn kia nuôi lớn cả phần xác lẫn phần hồn. Vậy mà tôi vẫn bị quyến rũ bởi những cánh đồng lúa chín, những tấm ảnh đầu tiên được tôi “post” lên Facebook như một lời chào ý nhị.
* * *
An Giang càng đi càng thấy đẹp. Hình như mỗi mùa đất trời đều ban tặng cho An Giang một nét đẹp riêng, không trộn lẫn với bất kỳ tỉnh thành nào trên đất Chín Rồng trù phú. An Giang trở thành bức tranh hữu tình khiến lòng người ngây ngất, mảnh đất dung dị mà thơ mộng, mảnh đất kiên cường vươn lên trong những tháng năm lịch sử thăng trầm, qua bao cuộc chiến chinh. Những chuyến đi giúp tôi thêm yêu chốn này để rồi mỗi mùa phượng nở, mỗi đợt nước về hay mỗi khi lúa đồng chín rộ, tôi lại “hú hí” bạn mình “xách ba lô lên và đi”. Khám phá cho tận cùng ngõ ngách…
An Giang để thương, để nhớ. Tiếng gọi của núi khiến người đi một lần lại khắc khoải nhớ mong, khát khao được trở về, hoặc viếng chùa, hoặc chỉ để ngắm cảnh. Tôi còn nhớ rõ lần đầu tiên tôi đặt chân đến An Giang, khoảnh khắc đứng nhìn đỉnh Thất Sơn quyện trong mây khói khiến tim tôi bất giác rung động. Một chút gì đó như là thân thuộc, như lại xa xôi, tựa hồ như mình đang đứng ở bờ tiền sử nhìn lên đỉnh núi cao loang loáng màu cổ tích. Buổi sáng ngắm núi, trưa ngồi bó gối ở ngôi chùa trên núi Sam nhìn ra xa xăm, nghe nhạc thiền, nghĩ chuyện đời nhẹ như mây bay, lòng mình cũng nhẹ hẫng. Đến An Giang ngay lúc các cô cậu học trò chuẩn bị rời trường, phượng vỹ nở hai bên đường, trong sân trường mang tên người anh hùng Thoại Ngọc Hầu hay phượng thắp lửa trên đỉnh núi… lại càng thấy đẹp. Mùa hạ xứ tôi trời lất phất mưa. Một buổi chiều đoàn Nhà văn chúng tôi cùng với “nam thanh nữ tú” thuộc ban Nhà văn trẻ An Giang dừng chân tham quan chùa Hang (núi Sam, châu Đốc), được nghe bao câu chuyện huyền bí về ngôi chùa đẹp nhất nhì xứ Bảy Núi này. Tôi đứng trên nấc thang cao nhìn ra xa xăm ruộng lúa, xa xăm đồng bãi yên tĩnh trong làn mưa lâm thâm và gió lạnh se da. Một nỗi buồn nào đó bất giác len lỏi trong lòng tôi. Đồng lúa và cơn mưa, cánh cò chao nghiêng và phía chân trời buồn tênh khiến tôi chạnh lòng nhớ về quê cũ. Trong giây phút ấy, An Giang đã gợi lại trong tôi những ký ức thật đẹp về một miền quê thanh bình, nơi tôi trở về sau bao lần chùng chân mỏi gối.
Nhưng cảm giác ấy bất giác vụt tan, để rồi đêm về tôi lại hòa mình trong sắc màu lửa trại trước sân một khách sạn bình dân trong Khu du lịch Núi Cấm. Đêm ấy, tôi được ăn những món đặc sản và nghe những bài hát ngợi ca vẻ đẹp của miền đất này. Trong bếp lửa hồng là cua nướng, còng nướng được bắt từ con suối róc rách chảy qua lèn đá trên núi Cấm. Tháng năm, tháng sáu, mấy đợt mưa giữa mùa làm dâu da xứ núi ngọt ngây. Món su non (trái su) luộc chấm chao lấy từ chùa Vạn Linh bình dân. Rượu thốt nốt mới uống vào cay nồng nhưng ngấm sâu là chất ngọt đủ để tôi ngà ngà say, hứng chí hát đôi ba câu vọng cổ cho ngọt lòng người trai đến từ Đất Mũi…
* * *
Đã bao giờ bạn nghe về thốt nốt trái tim? Tôi nhớ da diết một xế trưa hôm nào, sau khi đã ghé hồ Ô Thum dưới chân núi Cô Tô ngắm cảnh và thưởng thức món gà đốt Ô Thum nổi tiếng nhất nhì xứ An Giang của người Khmer, đã lặn lội đi tìm thốt nốt trái tim. Gọi là thốt nốt trái tim bởi tán lá của mỗi cây thốt tạo thành một nửa trái tim, hai cây thốt nốt đứng cạnh nhau làm thành một trái tim viên mãn. Người Khmer đã thêu dệt nên những câu chuyện mơ hồ nhưng đầy ý nghĩa gắn liền với hình ảnh này. Thốt nốt vốn là linh hồn, là niềm tự hào của người Khmer và mảnh đất An Giang huyền thoại. Lần nào đến An Giang tôi cũng tranh thủ ghé qua đất Tri Tôn thăm những cánh đồng thốt nốt.
Từ loài cây dân dã ấy, biết bao món ngon được chế biến bởi đôi bàn tay khéo léo của người Khmer ra đời. Đó là món đường thốt nốt ngọt lịm tôi thường mua về làm quà cho người thân và bè bạn, là món bánh bò thốt nốt béo ngậy, chè thốt nốt dậy hương,… Và, từ trong những cuống hoa thốt nốt duyên dáng, qua một thời gian ủ mình trong sương nắng đã tiết ra những giọt mật hoa ngọt lòng. Trưa nắng chang chang, tấp xe vào lề đường vội vã mua chai nước thốt nốt rồi nhấm nháp từng ngụm mới thấy hết sự sảng khoái đem lại từ thứ nước dân dã.
* * *
Để lại trong tôi những dấu ấn sâu đậm nhất về An Giang có lẽ là mùa nước nổi. Khoảng tháng tám, tháng chín, khi con nước đổ về thượng nguồn sông Cửu Long, An Giang lại đắm mình trong sắc nước. Đi trên cung đường từ Núi Sam theo hướng Nhà Bàng chạy về Tịnh Biên hoặc rẽ về Tri Tôn mới thấy hết vẻ đẹp của An Giang nước nổi. Cánh đồng chìm lấp, chỉ còn trơ trọi vài ngọn cây tràm xanh hay bông điên điển nở vàng - loại rau hoa không thể thiếu trong những nồi lẩu ngọt cá linh hay ăn kèm trong tô bún cá.
Đã mấy lần tôi ngồi trên chiếc đò dọc đi sâu vào rừng tràm Trà Sư, qua mấy đồng sen, mấy dãy rừng tràm. Bầu trời trong xanh, nước nổi cũng xanh ngắt. Tiếng chim, cò râm ran làm tổ trên tán cây đủ để thấy được sự phong phú của hệ sinh thái miền Tây Nam Bộ. Nếu đã một lần ghé qua rừng tràm Trà Sư, đừng quên thưởng thức những món đặc sản ở một nhà hàng nhỏ trong rừng với giá cả phải chăng. Còn gì thú vị hơn ngồi trong tum nhỏ giữa rừng nghe đờn ca tài tử, ăn cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, bánh xèo miền Tây kèm theo là vô số loại rau rừng. Hương đồng gió nội như quyện cả vào đây.
Đất An Giang dung dị, người An Giang cởi mở hiền hòa. Mảnh đất của sông, đồng và núi non hùng vỹ ở Tây Nam Bộ vẫn luôn mở lòng đón khách phương xa. Những chuyến đi An Giang mang cho tôi bao cảm xúc mới lạ, khiến tôi nhận ra rằng đồng bằng mình đâu cũng đẹp như tranh vẽ. Nếu một lúc nào đó không có thời gian rảnh rỗi mươi ngày, nửa tháng để lên Đà Lạt, đi Đà Nẵng hay ra tận Hà Giang xa xôi, hãy đến An Giang để thấy lòng mình thảnh thơi. Như tôi, trong những ngày cuối năm lại về An Giang thăm mùa lúa chín. Đất An Giang vẫn luôn là điểm đến lý tưởng cho những tâm hồn yêu xê dịch đó đây…
Hoàng Khánh Duy
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét