Mới vừa chợp
mắt đã nghe tiếng chuông điện thoại, Tâm nhìn đồng hồ rồi lẩm bẩm:
mười hai giờ khuya, chắc có chuyện rồi. Bật dậy vồ lấy điện thoại,
chỉ nghe dạ dạ rồi tắt máy, thay vội áo quần, dắt xe ra cổng.
Con
Xíu mới hơn mười tháng tuổi, đang ăn đang chơi bỗng trở sốt từ hôm
qua, tối nay lại sốt cao, mẹ Thanh trực ở trung tâm lo lắng nhưng không
dám gọi bác sĩ Loan nữa mà lại gọi cho Tâm. Con của bác sĩ Loan nhập viện vì bệnh gan, bác sĩ Loan giao
con cho người nhà ở lại lo cho con Xíu. Mẹ Thanh của con Xíu vừa
thương vừa sợ, nếu gọi, Loan sẽ đến ngay, nhưng như thế thì tội
nghiệp cho Loan quá, cô ấy cũng đã trực suốt một ngày một đêm rồi,
còn lo cho con mình nữa chứ!
Tâm tốt nghiệp
sư phạm Văn trường Đại học của tỉnh, ra trường xin về trung tâm. Có
người bảo dại, bằng loại giỏi dễ xin đi dạy, Tâm chỉ cười và giải
thích cho qua chuyện. Thời sinh viên Tâm cùng các bạn thường xuyên đến
làm công tác từ thiện tại trung tâm, sau mỗi lần gặp gỡ lũ trẻ,
tiếp xúc các mẹ, phần nào Tâm đã hiểu được những bất hạnh của trẻ
mồ côi, hiểu được công việc cao quý của các mẹ. Từ sự hiểu biết
dẫn đến đồng cảm, thương yêu. Những tuần không về quê Tâm đến giúp đỡ
các mẹ, chơi đùa với các bé. Công việc đã cho Tâm những bài học về
tình người, thay đổi những suy nghĩ những ước mơ đã có từ thời còn
đi học. Bài học về tính nhân văn trong tác phẩm văn chương còn chung
chung và quá ít so với những bài học từ thực tế. Lúc vui các mẹ
rủ rê khi học xong về đây làm việc, dạy cho lũ nhỏ học văn học toán
cũng được, biết bao nhiêu việc cần người... Ban đầu Tâm không biết với
mảnh bằng văn chương thì làm được gì ở đây, phải chi học ngành y thì
tốt hơn, nhưng qua gợi ý của các mẹ lại được anh chị trong ban giám
đốc hứa giúp đỡ, thế là Tâm trở thành bà mẹ của nhiều đứa con. So
với tuổi trung tâm, tuổi của Tâm còn kém đến hơn mười tuổi. Trung tâm
thành lập đã ba mươi lăm năm rồi. Nói là nơi nuôi dạy trẻ sơ sinh mồ
côi, nhưng thực ra là nuôi dạy các cháu từ tuổi sơ sinh cho đến khi
học xong lớp chín mới chuyển đến nơi khác để nuôi dạy tiếp. Biết bao
đứa trẻ không cha không mẹ lớn lên thành người hữu ích trong vòng tay
thương yêu của các mẹ. Mẹ Thanh, anh Linh bảo vệ của trung tâm chính
là những đứa trẻ mồ côi đã sống và lớn lên từ nơi nầy. Mẹ Thanh đã
có gia đình riêng và một đứa con nhỏ. Anh Linh bảo vệ gần ba mươi
tuổi, vẫn sống ở đây nhưng với tư cách là nhân viên bảo vệ có lương
hướng hẳn hoi.
Phóng xe thật
nhanh, đường khuya vắng lặng, có thể gặp kẻ gian, nhưng bất chấp tất
cả, Tâm vẫn phải đi dù biết mình có mặt để các mẹ yên tâm thôi chứ
cũng chẳng làm được việc gì giúp họ. Nhà trọ đến trung tâm hơn ba
cây số nhưng sao Tâm thấy xa vời vợi. Từ đường quốc lộ số một rẽ
trái theo đường mới trãi nhựa rộng chừng mười mét, đèn đường sáng
trưng, nhà cửa hai bên đã chìm vào giấc ngủ. Con đường này ban ngày
tấp nập người xe vì đây là con đường duy nhất nối các xã vùng tây
với quốc lộ, vả lại đây là xã đang xây dựng nông thôn mới nên không
khí nhộn nhịp hẳn lên. Các thiết chế văn hóa được xây dựng mới và
hoàn thiện, trạm y tế, trường tiểu học, trung học cơ sở được sửa chữa nâng cấp, những đứa trẻ
mồ côi học tập tại đây. Cánh đồng lúa hiện ra trước mắt. Lúa đang
thì trổ bông, gió khuya mát rượi, vầng trăng chếch về phía tây, vàng
như lát xoài chín treo một góc trời. Giảm tốc độ, ép sát lề tránh
một chiếc xe chạy ngược pha đèn chóa mắt, Tâm cảm thấy yên tâm, cũng
có người bận rộn giữa khuya như mình!. Quẹo phải theo đường bê tông
vài trăm mét rồi dừng trước cổng trung tâm, cửa đóng kín, bên trong
đèn vẫn sáng. Quay mặt về phía cánh đồng hít thật sâu để hương lúa
hương đêm tràn đầy lồng ngực. Bỗng có tiếng trẻ khóc oe oe, giật
mình quay lại, tiếng khóc phát ra từ một gói nhỏ ai đó bỏ bên góc
cổng, lại một đứa trẻ vô thừa nhận, mẹ nó, có lẽ thế, đã vứt bỏ,
Tâm thấy buồn nhưng không ngạc nhiên vì thỉnh thoảng trung tâm vẫn nhặt
được những đúa trẻ như thế. Vừa lúc ấy Linh xuất hiện, thấy Tâm anh
vội vàng mở cổng
- Anh dắt xe
giúp em, em phải mang cái này vào
- Một đứa trẻ
độ vài tháng tuổi ai vừa vứt bỏ ở đây.
Tâm chợt nghĩ
đến chiếc xe chạy ngược chiều khi nãy, đứa bé này từ thành phố mang
đến chăng? Linh cũng đã hiểu, lặng lẽ dắt xe vào bên trong, cẩn thận
khóa cửa. Nếu tinh ý sẽ thấy gương mặt Linh bạnh ra, đôi môi giật
mạnh, hai hàm răng cắn chặt, Linh đang kiềm chế để không bật ra tiếng
khóc. Đứa bé chính là hình ảnh của Linh gần ba mươi năm trước. Linh
rất muốn biết ai đã vứt bỏ mình, mặt mũi họ ra sao, tâm địa họ thế
nào. Mẹ? Cha? Mà Linh làm gì có mẹ có cha chứ! Cũng may thời điểm
ấy không có con chó ăn đêm nào đi ngang qua, nếu không thì Linh làm gì
tồn tại trên cõi đời này! Ngày nào cũng vậy, ngồi một mình trong
phòng bảo vệ Linh muốn biết gốc gác của mình, chỉ muốn vậy thôi,
chẳng để làm gì cả!
- Anh Linh, anh
gọi giúp chị Ánh dậy, gởi tạm đứa bé, ngày mai ban giám đốc đến
sẽ hay!
Linh giật mình
đưa tay quẹt vội những giọt nước mắt đang trào ra. Những mẹ trực đêm
đã dậy cả. Mẹ Thanh mừng rỡ khi thấy Tâm.
- Có lẽ quá lo
lắng nên chị đã làm phiền em, con Xíu đã hạ sốt và ngủ rồi. Thôi em
vào phòng chị ngủ một giấc.
- Em đi từ nhà
đến đây đã tỉnh ngủ rồi. Các chị đi ngủ trước đi, em nói chuyện với
anh Linh một chút.
Chứng kiến bao
nhiêu cảnh ngộ éo le, bao nhiêu mảnh đời tội nghiệp nên khi nào có
một đứa trẻ gia nhập trung tâm, dù lớn hay còn rất bé, Linh đều rất
buồn. Anh chị ở trung tâm thường chuyền nhau đọc những câu thơ của
Linh, chẳng hạn: Em về đây chưa có
tên, ai đem vứt bỏ bên thềm gió mưa, em về đây một sáng thừa, khi cha
mẹ đã cõi xưa đi về! Hoặc: rồi
một ngày em lớn lên, tuổi thơ quay quắt gọi tên phận người. Mọi
người hiểu tâm trạng của Linh lúc này nên cũng hiểu cả ý của Tâm.
Tâm vờ quay sang nói với Linh:
- Anh có nước
trà nóng không, cho em xin một ly.
Linh lững
thững đi ra phòng bảo vệ, Tâm lại gợi chuyện:
- Thôi em không
uống trà đâu, hai anh em mình ngồi đây nói chuyện một chút.
Tâm đi lại ghế
đá trước tiền sảnh. Linh ngồi kế bên chẳng nói năng gì.
- Chiếc ghế đá
này của công ty nào tặng vậy anh?
- Công ty của
thằng Chảnh đó.
Thấy Linh bực
mình nên Tâm lặng thinh. Thằng Chảnh là cách gọi của Linh, thực ra
Chảnh chính là Trâm, giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản ở
thành phố, là một trong những mạnh thường quân thường hay đến tặng
quà cho các bé và cả quà cho các mẹ nữa. Trâm trạc tuổi của Linh,
bề ngoài chải chuốt ra dáng một ông chủ, không biết Trâm đã ứng xử với Linh như thế nào mà chỉ
có Linh mới gọi Trâm là thằng Chảnh, chứ mỗi lần Trâm đến là các
anh chị ân cần săn đón dữ lắm!
- Sao anh gọi
anh Trâm là thằng Chảnh?
- Vì sao ư?
Thằng Chảnh chẳng có lòng nhân ái đâu, hắn mượn trung tâm để đánh
bóng tên tuổi công ty và cả tên tuổi hắn nữa. Mà không chỉ một công
ty này đâu, nhiều công ty khác cũng vậy, họ đến với trung tâm vì
nhiều mục đích khác nhau nhưng chắc chắn chẳng có chút tình người!
Họ không như một số nhà hảo tâm khác, họ không giống chúng ta!
- Họ trò
chuyện với nhau, gọi điện thoại cho nhau không thèm chú ý đến thằng
bảo vệ này. Có lần anh nghe thằng Chảnh trả lời ai đó rằng hắn đang
bận làm việc với lũ ăn bám ở trung tâm. Thật là độc ác! Còn nữa...
Linh định nói
thêm rằng hắn đến trung tâm còn vì Tâm nhưng lại ngập ngừng
- Thôi, không
còn chuyện gì nữa đâu!
Tâm đã đoán
được Linh định nói gì rồi bởi lẽ những lần Trâm đến trung tâm thường
gợi chuyện với Tâm, hứa hẹn đủ điều..., những lúc ấy Linh rất khó
chịu và tìm cách lãng tránh. Tâm nhìn Linh, khuôn mặt dễ nhìn với
đôi mắt buồn thường ngày, dưới mờ nhạt của trăng đêm của đèn đêm,
càng làm tăng thêm vẻ đẹp trầm lặng và thuần thiện. Bất chợt Tâm thấy
dễ chịu, niềm vui không gốc gác không tên tuổi ùa về giữa khuya khoắt
và tĩnh lặng. Mấy vồng cải xanh đang ngủ trước sân có giấc mơ đẹp
nào không? Cây cối trong vườn có đang say giấc mộng lành? Những đứa
trẻ trong ngôi nhà kia, sáng mai thức dậy lại nở những nụ cười hồn
nhiên, đôi mắt trong veo ngời sáng, vẫn vỗ tay ca hát đợi chờ niềm
vui! Đang miên man suy nghĩ Tâm không nghe rõ tiếng Linh:
- Sương xuống
nhiều quá, ta nghỉ thôi!
- Anh Linh nè!
Anh có ước mơ nào không?
- Ước mơ thì
nhiều nhưng ước mơ dễ gì trở thành hiện thực!
- Thì anh cứ
nói đi, biết đâu em có thể giúp được anh!
Linh đưa mắt
nhìn thật xa, rồi như nói với chính mình:
- Một gia đình,
anh chỉ mơ có một gia đình!
Tâm nghe rõ
tiếng nấc của Linh, đôi mắt Tâm cũng cay xè tự lúc nào. Không kiềm
chế được, Tâm cầm lấy tay Linh, rất chặt, rất lâu. Cả hai không nói
gì, mặc sương khuya, mặc gió lạnh.
- Ngày mai mình
xin ban giám đốc nhận đứa bé khi nãy về nuôi anh nhé! Anh làm cha nó,
em làm mẹ nó, chúng ta là một gia đình, anh thấy thế nào?
Không có tiếng
trả lời, chỉ nghe lộp độp sương rơi, rơi trên mái nhà, rơi trên vòm
lá, rơi trên vồng cải và rồi đọng lại trên những đôi mắt, những đôi
mắt trong đêm...
NGUYỄN BÁ HÒA
_________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét