1. Cơn mưa dai dẳng chiều thứ bảy mang đến nỗi
buồn dường như vô tận. Ký túc xá của trường vắng hoe, bạn bè về
nhà gần hết, cả một ngày chủ nhật rỗng không đang chờ đợi. Xuân đưa
tay ra ngoài cửa sổ hứng những giọt nước mưa xoa lên mặt như thói quen
đã từng làm từ thời còn thơ ấu.
Ngày ấy khi bà ngoại quảy gánh mì
đi bán, Xuân ở nhà một mình vô tư đùa mưa nghịch nước. Có lần dầm
mưa cả buổi chiều Xuân bị cảm rất nặng, sốt cao, khó thở khiến bà
ngoại phải bỏ buôn bỏ bán, lại còn lo âu sợ hãi đến tội nghiệp.
Xuân chỉ có bà ngoại là người thân yêu duy nhất, bà đi bán mì nuôi
Xuân ăn học, hai bà cháu sống ở một vùng quê chẳng có ai là họ hàng
thân thích. Khi Xuân vào học cấp ba, trường cách nhà xa hơn, nhiều
khoản chi phí hơn, bà lại vất vả hơn, cuộc sống càng khó khăn gấp
bội. Nhiều đêm Xuân nói với bà cho Xuân nghỉ học ở nhà giúp bà buôn
bán, trồng khoai sắn quanh vườn, nuôi gà lợn để cải thiện cuộc sống
nhưng bà nhất quyết không nghe. Bà nói thà bà chết chớ không để cháu
bà thất học, vì thương bà, Xuân nổ lực học tập vượt qua kỳ thi tốt
nghiệp. Xuân không bao giờ mơ ước mình sẽ học đại học, học như thế
là đủ lắm rồi. Nhưng bà con lối xóm động viên gom góp chút ít tiền
để Xuân đi thi đại học. Trước ngày Xuân ra thành phố ngoại đã kể cho
Xuân nghe tất cả lai lịch quê quán gốc gác của mình. Bà chỉ có mong
muốn duy nhất là Xuân phải thi đỗ đại học, trở thành cô giáo cho bà
hả dạ, cực khổ mấy bà cũng cam chịu, mà còn có bà con hàng xóm
láng giềng giúp đỡ đâu đến nỗi nào! Giấy tờ hộ tịch đều ghi rõ nơi
đây Xuân đã chào đời và gần hai mươi năm qua Xuân chưa hề bước chân ra
khỏi cổng làng này, nhưng thực ra, vùng quê này chỉ là nơi bà cháu
Xuân tìm đến để lập nghiệp sinh sống, lúc ấy Xuân mới là đứa bé
chưa đầy một tuổi.
Cơn mưa đã dứt tự bao giờ nhưng Xuân không hề hay
biết. Trời đã chập choạng tối, đèn hành lang ký túc xá đã bật
sáng. Xuân với tay bật đèn trong phòng, vắng tanh, trống trải. Leo lên
giường tầng, kéo chăn đắp đến tận mắt, nhìn mông lung lên trần nhà.
Ước gì giờ này có con nhỏ An đến chơi thì đỡ buồn đỡ cô đơn biết
mấy! Gần hai năm học tại trường Đại học Sư phạm, Xuân chỉ có An là
người bạn thân thiết nhất. Do khó khăn Xuân phải học trễ nên lớn hơn An
hai tuổi, là bạn nhưng An cứ gọi Xuân là chị một cách rất tự nhiên.
An thông minh, lanh lợi, hoạt bát, cái gì cũng biết, việc gì cũng tham
gia. Định gọi cho An, nhà nó đến đây chỉ đi độ mười phút, nhưng rồi
Xuân lại do dự, vừa làm phiền nó vừa nghĩ đến lời bà dặn “hãy dè
chừng người thành phố”. Nhà An chỉ có bốn người, em của An đang học
lớp mười, ba mẹ làm cho một công ty, ngôi nhà đẹp hai tầng ở ngay
trung tâm thành phố. Ban đầu Xuân chẳng hiểu sao bà ngoại lại e dè
người thành phố đến thế, sau này Xuân mới biết và thấy thương bà,
cảm thông với bà nhiều hơn. Ngày bà còn là cô thôn nữ chưa đầy hai
mươi tuổi đã bị gã đàn ông thành phố phỉnh dụ. Khi bà mang thai mẹ,
người đàn ông thành phố đã cao chạy xa bay, bà sống cô đơn tủi hận
nuôi mẹ của Xuân. Mẹ Xuân lại gặp một chàng trai thành phố, nhưng là
một chàng trai chân thành yêu mẹ. Mối tình đầy trắc trở vì những
định kiến của ngoại. Nhưng rồi cả hai bên đều phải chấp nhận, ba Xuân
phải thuận về quê sống với mẹ để chăm sóc ngoại. Khi mẹ sinh ra Xuân
chưa đầy ba ngày tuổi thì bị bệnh và mất. Ngoại khăng khăng là tại
ba Xuân không chăm sóc mẹ, tại ba Xuân không hợp tuổi với mẹ, tại ba
Xuân có tướng sát thê... Đã không ưa gì bên nội, nay lại mất đứa con
gái duy nhất, bà đâm ra bẩn tính. Bà nhất quyết đuổi ba Xuân ra khỏi
nhà để tự mình nuôi cháu. Ba Xuân ngược xuôi từ quê ra phố rồi từ
phố về quê thăm mộ mẹ và thăm Xuân, cuộc sống của ba Xuân kéo dài như
thế không lâu, ngoại đã bồng bế Xuân tìm nơi khác sinh sống, cắt đứt
mối quan hệ cha con Xuân, tránh gặp mặt con người mà bà cho là đã gây
nên bất hạnh trong đời con gái của bà. Từ đó Xuân có quê mới, không
biết cha là ai, không biết mẹ là ai.
Tiếng chuông điện thoại cắt đứt suy nghĩ, Xuân
uể oải cầm máy, tiếng An nghe rất rõ:
- Chị đang ở ký túc xá phải không? Mai chủ
nhật em đến, hai chị em đi phố chơi nhe!
Lẽ ra Xuân phải vui mới đúng nhưng chẳng hiểu
sao lại từ chối:
- Chị về quê rồi, để chủ nhật khác đi!
- Về quê rồi hả chị, cho em gởi lời thăm ngoại
nhe!
- Ừ! Cảm ơn em!
Tiếng đàn guita và tiếng hát ồ ồ của bọn con
trai bên hành lang khu ký túc xá nam vọng sang không lớn lắm nhưng cũng
đủ làm cho Xuân quên đi nỗi buồn và những suy nghĩ mông lung từ lúc
trời đổ mưa cho đến bây giờ. Tiếng đàn đã dìu Xuân vào giấc ngủ
muộn màng.
2.
Lớp Ngữ văn của An mấy hôm nay bàn tán chuyện Xuân sẽ nghỉ học.
Bà ngoại Xuân bị xe máy quẹt gẫy một chân phải bó bột, Xuân đã về
quê chăm sóc bà. Cả lớp quyên góp được mấy triệu, dự kiến chủ nhật
này nhờ ba của con An chở nó đến thăm và chuyển tiền cho gia đình
Xuân. Ba An rất thương con lại có điều kiện nên lớp có chuyện vui buồn
gì ông đều giúp đỡ tận tình. An rất vui nhận lời các bạn, nhưng khi
về đến nhà đã có những bất ngờ xảy ra.
- Ba ơi! Chủ nhật này ba chở tụi
bạn con về quê của chị Xuân thăm bà ngoại chị ấy bị tai nạn giao
thông, được không ba?
- Chủ nhật này ba đi công tác
rồi, để tuần sau vậy!
- Chị Xuân nghỉ học gần một tuần
rồi, có thể nghỉ luôn, đã không có tiền lại còn không có người chăm
sóc bà nữa, tội nghiệp quá!
Ba của An tính toán rất nhanh:
- Thôi được, con điện thoại cho
chị Xuân chỉ dẫn đường, ba sẽ nhờ bác Miên đưa tụi con đi, ba nhờ luôn
con Mai, con của bác Miên xuống ở lại chăm sóc bà ngoại của Xuân, bảo
chị ấy đi học trở lại kẻo uổng phí một năm học. À mà quê của Xuân
ở đâu vậy, xa hay gần?
- Chị ấy ở thôn Mẫn, huyện gì
đó gần giáp với Quảng Ngãi.
- Xa vậy à, nói các bạn đi sớm
mới về kịp trong ngày đó!
- Dạ! Con cảm ơn ba!
An mừng rỡ ôm chầm lấy ba rồi
lật đật bấm máy gọi cho các bạn,
gọi cho Xuân. Bác Miên là tài xế cũ của ba An đã về hưu, con gái bác
Miên chưa có việc làm, thế là trọn vẹn cả đôi đường, ba An thật là
nhanh nhạy và tốt bụng.
Sáng chủ nhật, bác Miên đưa xe
đến ký túc xá đón Mận lớp trưởng, Hiền lớp phó, đón Hân thủ quỹ
ở bên kia sông. Cả bọn vui như tết, nói cười rôm rả. Bác Miên vui tính
gợi chuyện cho cả bọn tranh luận để quên quãng đường dài cả trăm cây
số.
- Con Mai nhà bác bây giờ có thêm
bà ngoại nữa rồi, dễ gì ai cũng có được phải không các cháu?
Mận nhanh nhảu:
- Dạ, cháu cũng có hai bà ngoại,
một bà ngoại đã chết và một bà ngoại đang ở với mẹ cháu.
Trong lớp đã biết hoàn ảnh của
Mận, chỉ có bác Miên là không biết:
- Lạ nhỉ, sao vậy cháu?
- Bà ngoại ruột của cháu chết
từ khi cháu mới ra đời, mẹ cháu rơi vào hoàn cảnh khó khăn vất vả
may mà có bà ngoại mới nhận nuôi, cưu mang giúp đỡ gia đình cháu nên
cháu mới được đi học như ngày nay.
- À, ra thế. Cuộc đời này có
rất nhiều điều tốt đẹp phải không các cháu. Con Mai cố gắng chăm sóc
bà ngoại chu đáo nghe con!
Mai tuy có buồn vì phải xa gia
đình, xa thành phố để đến nơi xa lạ, nhưng được cha động viên nên có
chút an lòng:
- Dạ, con sẽ cố!
Chiếc xe ngốn dần từng cây số
đường rồi cũng đến nơi. Nhà của Xuân nằm ngay trên đường bê tông lớn
nên cũng dễ tìm. Bà của Xuân đã đưa về nhà, tuy không ngồi dậy đi
lại được nhưng còn rất tỉnh táo. Bà nhìn bác Miên và bọn nhỏ:
- Chào anh! Bà chào các cháu! Bà
và con Xuân đã làm phiền các cháu rồi, các cháu ngồi chơi, con Xuân
đâu đi rót nước mời bác đây và các bạn.
Cảm động vì tình cảm yêu thương
của lớp, của gia đình An dành cho mình nên Xuân đứng ở góc giường
thút thít khóc, nghe bà gọi giật mình chạy vào trong lấy nước. Con
Mận tranh thủ giới thiệu từng người và trao quà của lớp. Nghe nói
Mai ở lại chăm sóc mình để Xuân theo các bạn về thành phố tiếp tục
học tập bà đâm ra lúng túng và do dự:
- Không được đâu, nhà tôi tuy đơn
chiếc nhưng không thể làm phiền các cháu nhiều như thế.
Bà quay qua nhìn Mai rồi tiếp:
- Cháu ở thành phố quen sung quen sướng rồi, ở
đây với bà làm sao được!
Bác Miên chen ngang:
- Ở đâu cũng có người giàu người nghèo, chủ
yếu là tấm lòng của họ, nhà ta cũng cảnh ngộ như nhau thôi, giúp
được bà là vui rồi, bà yên tâm chữa bệnh, cũng độ vài tuần nữa là
bà đi lại được rồi.
Bà lặng thinh quay mặt vào trong cố giấu những
giọt nước mắt đang trào ra.
An giúp Xuân thu dọn áo quần, sách vở. Hiền,
Hân tìm chổi quét sân, lại vào bếp phụ Mai chuẩn bị buổi ăn trưa. Cả
nhà vui vẻ như không có chuyện buồn xảy ra. Sau bữa cơm gia đình đầm
ấm, cả bọn chia tay bà và Mai. Hàng xóm nghe tin đến chúc mừng, rối
rít cảm ơn tụi nhỏ. Bà có đứa cháu ngoại mới, Xuân lại được đi
học, bà tự nói với lòng mình, hết bệnh bà sẽ đi ra thành phố, đến
nhà con Mai, con An, cảm ơn người cha tốt bụng của nó.
3. Thời gian trôi qua thật nhanh, đã gần cuối mùa
đông, không còn những cơn mưa kéo dài suốt ngày, nắng yếu ớt xen với
cái se lạnh khó chịu. Bà ngoại của Xuân đã quảy gánh mì đi bán dạo
trở lại. Lớp của Xuân bận rộn bước vào kỳ thi kết thúc học phần.
Xuân được các bạn hỗ trợ, nhất là An, theo kịp chương trình, tự tin
bước vào mùa thi. Hôm qua cô Nhã, hàng xóm của Xuân, điện báo sáng
nay ngoại ra thành phố để cảm ơn mọi người. Xuân đã báo tin với các
bạn trong lớp, báo tin cho An. Các bạn háo hức chờ đợi. Xuân rất vui
vì ngoại đã khỏe mạnh, đã chịu ra thành phố, nơi mà ngoại rất e
dè, không phải đường sá xe cộ xa xôi mà chính là những vết thương
lòng của ngoại từ thời trước. Các bạn hẹn nhau ở ký túc xá cùng
ra bến xe đón ngoại sau đó bao taxi kéo đến nhà An.
Con đường từ bến xe về nhà An chẳng bao xa sao
Xuân có cảm giác như rất dài, có cái gì đó khang khác mọi ngày. Con
đường hàng cây nhà cửa ngã đường xanh đỏ như đang to nhỏ chuyện gì.
Nhà của An cũng chẳng lạ gì với Xuân nhưng sao hôm nay cứ thấy bồn
chồn hồi hộp quá. Vài lần An rủ Xuân đến đây ôn tập. Mẹ của An rất
tốt với Xuân, chỉ có ba An là Xuân chưa được gặp, bác ấy thường hội
họp hoặc đi công tác xa.
Trong khi đó mẹ con nhà An đang sắp xếp công
việc để đón bà. Mẹ An lo cơm nước tươm tất, chị em An dọn dẹp sách
vở, bàn ghế cho gọn gàng sạch đẹp, khách đến nhà phải khác chứ! Ba
An bận họp nhưng đã hứa sẽ về khi bà đến. Mẹ An còn chu đáo dặn
trước bác Miên và chị Mai phải đến để bà cảm ơn không để bà đi tìm
nhà phiền phức. Tiếng taxi dừng lại ở cổng, chị em An bỏ việc chạy
ra. Đúng là bà và các bạn đã đến. An và các bạn dìu bà xuống xe.
Bà nhìn ngôi nhà cao tầng sang trọng thoáng chút ngại ngùng. Mình
đến để cảm ơn chứ có nhờ vả chi người ta nữa đâu mà ngại với
ngùng! Bước chân của bà không bình thường, nặng nề và chậm chạp như
có ai ghìm lại, có lẽ do tai nạn vừa rồi, cũng có thể ngồi trên xe
lâu quá nên cứng chân thôi. Mẹ An từ nhà chạy ra đưa tay dìu bà, bà
miễn cưỡng đi theo. Thôi thì mặc kệ, nói mấy lời cảm ơn cho nó thanh
thản! Bọn nhỏ chạy quanh nhà cười nói vui vẻ lắm. An pha trà nóng
mời bà:
- Bà khỏe hẳn rồi chứ, cháu mời bà uống nước.
- Bà ra đây cảm ơn các cháu, cảm ơn anh Miên,
cháu Mai, cảm ơn gia đình nhà ta đã chăm sóc bà, tạo điều kiện cho
cháu Xuân của bà được tiếp tục học tập, bà ngồi một lát cho khỏe
rồi về kẻo hết xe.
Mẹ An nhìn bà ái ngại:
- Ngoại ở lại với các cháu, con chuẩn bị cơm
trưa xong rồi. Lát nữa nhà con về, có anh Miên, con Mai qua nữa, bà
đừng vội, đến ba giờ chiều vẫn còn xe mà!
Không đợi bà đồng ý, mẹ An gọi bọn nhỏ cùng
bày biện bàn ăn. Bà hết cảm động đến áy náy trong lòng. Biết phiền
phức thế này thà không đến còn hơn! Cơm đã dọn xong, mẹ An mời bà
ngồi trước, bọn nhỏ chỉ chờ có thế, mỗi đứa chiếm ngay một chỗ.
Mẹ An giục cả nhà dùng cơm, bữa cơm ngon mắt, quây quần ấm cúng,
chẳng phân biệt khách chủ. Bọn con Mận con Hiền ở ký túc xá làm gì
có bữa cơm như thế này nên rất phấn khởi kể hết chuyện này đến
chuyện khác chẳng đâu vào đâu nhưng ai nấy cũng cười theo vui vẻ. Có
tiếng xe ô tô, An mừng rỡ:
- Ba về rồi!
Bọn nhỏ ngừng nói chuyện và chờ đợi, chúng
cũng chưa gặp ba của An lần nào. Ba An nhanh nhẹn và hoạt bát, vừa
bỏ chiếc cặp da trên ghế vừa chào hỏi:
- Xin lỗi đã về trễ, chào cả nhà, con chào bà!
Bà ngoại Xuân ngước mắt nhìn, bỗng đôi mắt
chợt dõi xa gợi nhớ rồi thất thần, mặt bà tái nhợt khi tai bà nghe
rõ tiếng của ba An:
- Ôi! Mẹ! Mẹ còn nhớ con không?
Cả nhà sửng sốt. Bà run tay đánh rơi đôi đũa
xuống bàn, vô hồn, thảng thốt, hoảng sợ, đau khổ hay sung sướng cũng
chẳng biết nữa. Sao lại thế này kia chứ, thằng con trai thành phố đã
mang đến nỗi bất hạnh cho nhà bà, cho đứa con gái duy nhất của bà,
người mà bà đã tránh mặt hơn hai mươi năm nay, bây giờ bà lại tự tìm
đến, ông trời sắp đặt chi cảnh éo le này chứ!
Ba An mất cả bình tỉnh và tự tin vốn có
thường ngày, mặt mày tím tái, dồn dập hớt hãi đến tội nghiệp:
- Mẹ, con của con đâu?
Bà vẫn nín lặng rụt rè đưa mắt nhìn Xuân. Ba
An đã hiểu ra, ông định chạy đến ôm chầm lấy Xuân nhưng đôi chân lại
bất động, gắng hết sức ông nhấc được chân lên nhưng lại chao đảo và
ngã quỵ xuống. Mẹ An hoảng hốt:
- Gọi xe cấp cứu ngay!
Xuân ngồi chết lặng. Bà kéo chiếc áo khoát
trùm kín mặt. Hai chị em An chạy đến bên ba khóc la thảm thiết. Tiếng
còi xe cấp cứu vang lên từ xa nghe rất rõ, dội vào lòng mỗi người
những âm thanh hoảng loạn.
Ngoài kia, nắng trưa mùa đông sót lại trên vòm
lá cứ chực rơi theo từng cơn gió lạnh cuối mùa.
NGUYỄN BÁ HÒA
__________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét