Tôi không nhớ mình đã từng đi qua bao nhiêu
cái chợ, bao nhiêu ngã ba sông và bao nhiêu kênh rạch chằng chịt dọc sông Tiền
sông Hậu. Càng ngày, chiếc ghe càng xa quê cũ, tôi không còn nhận ra xóm làng
thân thương nép mình dưới hàng gòn đến mùa bông bung ra bay trắng xóa.
Những kí
ức về xóm Gòn bây giờ tôi không còn nhớ nhiều, đọng lại trong tôi là hình ảnh
những mái nhà tranh xác xơ gió từ ngoài cánh đồng năn thổi vào phần phật. Mùa
gòn chín, má tôi thường cắp cái thúng ra sân lấy cù móc móc trái xuống lấy bông
mang ra chợ bán, số tiền ít ỏi má mua thêm dầu lửa, nước mắm, thi thoảng má mua
cho chị em tôi mấy viên kẹo bòn bon xanh đỏ bọc đường ngọt ngây. Tôi thích được
theo má đi chợ, cũng chỉ là thi thoảng. Trời chưa sáng má đã giục chị em tôi thức
dậy đi chợ cho kịp phiên buổi sáng. Con Duyên còn ngáy ngủ, dụi mắt bước xuống
ghe rồi co ro ngủ tiếp. Tôi kéo chăn đắp cho nó đỡ lạnh vì sương. Hồi này gió bấc
thổi lạnh, má dốc sức chèo chiếc ghe ngược nước mệt lả người, lâu lâu má cho
ghe tấp vô lùm cây ở một quãng sông nào đó nghỉ tay, uống chén nước trà nóng
cho đỡ lạnh. Tôi nằm chèo queo gối đầu lên tay ngủ thiếp đi lúc nào không biết,
chỉ nhớ lúc hai mắt sắp ríu lại thì con trăng mười sáu còn rọi vào trong mui
ghe mà mở mắt ra thì trời hửng sáng, âm thanh nhộn nhịp của cái chợ còm ven
sông tấp nập. Tiếng rôm rả của mấy bà bán vải, bán quần áo, tiếng trả giá của mấy
chị cập xuồng mua trái cây ở các ghe đổ về từ miệt Vĩnh Long, Đồng Tháp… huyên náo cả một khúc sông…
Bây giờ, tôi cũng mở mắt thức giấc sau cơn mơ
dài. Chiếc ghe dừng lại ở một cái chợ nhỏ nằm ngay ngã ba sông. Sáng nay nước lớn,
tôi chống tay vào thành ghe trườn mình lên ngó ra ngoài sông. Quãng sông này má
chưa chở chị em tôi đi qua bao giờ, ngay cả trong mường tượng tôi cũng chưa bao
giờ thấy được. Nước sông trắng đục cuộn xiết dưới lườn vỗ vào mạn ghe lộp bộp.
Lục bình theo con nước trôi về, gặp chỗ nước xoáy đám lục bình bị sóng đánh tan
tành như những phận đời bé mọn miền sông. Không thấy má, tôi đoán chắc má lên bờ
mua một vài vật dụng nào đó cần cho một chuyến đi dài, chuyến đi xuôi dọc cuộc
đời để trối bỏ những tháng ngày đã cũ, chỉ còn là vết thương sâu hoắm như cây
gai cắm thẳng vào tim.
Má bước xuống ghe, tháo nón lá ngồi quạt xì xụp
cho đỡ nóng. Tôi gỡ cái bịt nilon ra coi má mua cái gì. Là lít nước mắm, chai dầu
lửa nhỏ nhỏ để trông đèn, một ít đường phèn và hai cái áo nịt ngực cho tôi.
Đỡ mệt, má nhảy lên bờ tháo dây cột ghe ra,
quăng xuống mũi ghe.
- Trinh, nhóm lửa nấu cơm đi con.
- Mình đi tiếp hả má? – Tôi phụng phịu.
- Ừ, đi…
Má nói dứt khoát rồi giật máy. Chiếc máy koler
cũ kĩ khọt khẹt ra từng ngụm khói tanh rình mùi dầu nhớt. Má con tôi đã quen với
cái mùi ngay ngáy này rồi, hồi trước lúc mới đi ghe, tôi ngửi mùi khói đã nôn
thốc nôn tháo. Còn bây giờ tôi ngửi nó mỗi ngày, như thể không nghe được cái
mùi tanh tanh ấy là tôi nhớ đau nhớ đớn. Chiếc ghe băng qua con kinh nằm vắt
ngang chia cánh đồng làm hai nửa, bên đây là rẫy dưa hấu đang hồi xanh lá, còn
bên kia là khoảng đất nức nẻ trơ trội những gốc rạ vàng vọt khô rôm rốp dưới
cái nắng tháng mười hai. Ngồi trong ghe, tôi hít một hơi thật dài chỉ cảm nhận
được cái mùi váng phèn mặn chát nổ giòn trên mặt nước kênh. Nhìn nồi cơm sôi
sùng sục tự nhiên tôi cảm thấy nhớ nhà quá đỗi. Đã có những tháng năm tôi lớn
lên dưới chái bếp sau nhà, sáng sáng nghe mùi khói bếp, những cụm khói êm ả bay
lên rồi êm ả tan vào sương khói ban mai. Rồi từng chiều ba cõng tôi ra triền
sông tắm táp, thả diều, những kí ức ấy dẫu có đi qua bao nhiêu dòng sông trên
cuộc đời này tôi cũng mang theo cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt…
Cơm chín, tôi hâm lại mẻ cá kho tiêu với mấy
khoanh bầu luộc còn nóng hâm hấp. Má dừng ghe, chui vào ăn cơm. Tôi gắp khứa cá
to nhất bỏ vào chén má, má liếc tôi, cau có:
- Ăn đi, ở đó mà gắp cho ai?...
Tôi cúi mặt, và vội chén cơm vào trong miệng rồi
lúi húi mang chén dơ ra mũi ghe khoát nước sông rửa sạch. Đàn cá bạc đầu chụm lại
rỉa mấy hạt cơm thừa rồi quẫy đuôi tí tách mặt nước. Má cộc tính từ lúc chiếc
ghe này rời khỏi bến quê thân yêu để lênh đênh trên những nhánh lẻ dòng sông,
nay bưng biền mai miệt thứ, mốt lại tẻ nhánh xuôi về Vàm Đình, Kinh Cùng, Củi
Đước. Cứ thế mà đi, có lúc tôi nhớ đất đến nao lòng, thèm được chân trần chạy dọc
triền đê hái rau hái ổi, những lúc ngồi trước mũi ghe đong đưa đôi chân vờn nước,
chợt nghĩ về gia đình và làng xóm thương yêu, tự dưng tôi ứa nước mắt…
Đời má khổ nhiều rồi, má có cộc cằn, có đay
nghiến tôi đến bao nhiêu tôi cũng không oán trách.
Ba đặt nỗi thù hằn lên vai tôi và lên bờ lưng
cong cong của má. Đó là ngày cuối cùng em tôi còn được ngắm vạt khói lam chiều,
ăn cơm má nấu trong căn nhà mưa nắng.
Sáng hôm ấy, ba tôi có giang ghe người ta qua
tận Bảy Chín làm mướn. Mùa này ở quê nắng như đổ lửa, ruộng đồng hanh khô nức nẻ,
đất đai cằn cỗi trở mình rên rỉ đòi một giọt nước lăn qua để cứu lấy cỏ cây.
Lúa chết, nhà lại đói, má phải sang nhà ngoại xúc gạo về nấu cơm, lấy nước mắm
kho quẹt cho bữa cơm nhà. Cơm nước xong xuôi, má xuống bến, trước khi đi má còn
dặn rõ mồm một.
- Hai đứa ở nhà má đi công chuyện trưa trưa má
về. Trinh coi em nghen con, con út ở nhà ngoan đó.
- Dạ, má đi đi.
Nhớ lúc má khua mái chèo ra sông, em tôi còn đứng
trên bờ dặn với theo.
- Má về sớm nghen.
- Ừ, ở nhà nghe lời chị đó. Lát má về mua bánh
cho ăn.
Má nói vậy rồi má chèo ghe đi. Em tôi đứng
trên bờ sông nhìn má rồi nhảy chân sáo đi bắt chuồn chuồn dưới đám cỏ triền
sông. Tôi nhớ rõ ràng lúc tôi chuẩn bị ra sau nhà cho heo ăn em tôi còn đứng
đó, nhìn tôi cười tít mắt. Vậy mà khi tôi trở ra thì không thấy em nữa. Tôi đứng
lóng ngóng một hồi, gọi “Út đâu rồi, về nhà nè, nắng chang chang mà đi chơi chiều
bệnh cho coi”. Tôi gọi hoài mà không nghe con út trả lời. Linh cảm chuyện chẳng
lành, tôi hốt hoảng chạy khắp từ trong nhà ra cánh đồng khô tìm em, không thấy,
tôi chạy sang nhà hàng xóm coi con út có qua đó chơi sậm chơi sụi với mấy đứa
nhỏ hay không. Không nghe con út trả lời, tôi mượn xuồng bác hai bơi qua nhà
ngoại. Ngoại nói: “Sáng giờ ngoại có thấy nó qua đây đâu?”. Tôi la làng, hàng
xóm tức tốc chạy đi tìm con Duyên, tôi đứng đó khóc bù lu bù loa, vừa khóc vừa
gọi em.
Một lát sau, ai đó la lên:
- Trời ơi, chết con người ta rồi.
Tôi trố đôi mắt ráo hoảnh của mình ra chạy lại
chỗ đám thanh niên đang hì hụp mò dưới bãi sông quen thuộc. Trời ơi là em, con
Duyên – em tôi nó chết rồi, nó chết thật rồi. Tim tôi co lại như ai đó đang bóp
mạnh vào, máu dồn lên cứng ngắt ở lồng ngực nghe nhoi nhói đớn đau. Em tôi nằm
đó, lạnh căm. Co rúm người lại và đôi gò má trắng bệt đi vì lạnh. Mái tóc nó
xòa ra mặt nước, đen đen. Tôi khóc nấc lên. Trong vô thức, tôi thấy mình khuỵu
xuống trong vòng tay một người đàn bà nào đó mà tôi không nhìn rõ mặt.
Những tia sáng đầu tiên lọt vào mắt tôi. Tôi tỉnh
dậy sau một cơn mơ dài mang hình hài của thương đau và mất mát. Đột nhiên tôi
thấy cổ họng mình khô và nghẹn đắng lại. Tôi khe khẽ gọi:
- Má ơi, má…
Tôi gọi lần thứ hai, không nghe má lên tiếng.
Tôi trườn người xuống giường bước ra trước nhà. Trên bàn thờ là di ảnh của em
tôi, khói hương lờ mờ tỏa mùi thơm ngát khắp gian nhà. Tôi quỳ xụp xuống, nước
mắt ứa ra chảy trên đôi gò má. Tôi cố lê bước đến chỗ bàn thờ con Duyên, di di
bàn tay trên khung ảnh của em.
Má bảo:
- Ba mày đi rồi.
- Ba đi đâu hả má?
- Con Duyên chết ổng buồn quá, bỏ nhà đi.
- Trời ơi. Con… Con xin lỗi.
Tôi nức nở. Má đứng im thinh tựa lưng vào
vách. Mãi cho đến bây giờ má vẫn im lặng như má đã từng. Có lẽ nỗi đau và sự mất
mát quá lớn khiến má không còn tha thiết đối mặt với đời, với người. Những đêm
mùa trăng, tôi thường len lén nhìn má ra mũi ghe ngồi nhìn trăng nhìn sóng nước
mênh mông , tôi đoán chắc lòng má đnag trĩu nặng sầu buồn, nhớ ba và em út.Tôi
cũng đau, cũng nhớ có khác gì má, chỉ tại tôi không dám nhắc đến ba và em trước
mặt má bởi tôi sợ chính mình lại khơi lên nỗi đau năm xưa. Mà, nỗi đau ấy đâu cần
ai khơi cũng đủ để má con tôi rơi vào miền thương miền nhớ, nhớ đến chảy cả nước
mắt.
Má tạm biệt căn nhà, tạm biệt mảnh đất và xóm
làng thân quen, dọn đồ xuống ghe chuẩn bị cho những tháng ngày lênh đênh sông
nước. Những kí ức ấy được kết thúc chỉ bằng một câu má nói:
- Thôi, đi con. Ở lại làm gì nữa.
- Nhưng, mình đi đâu má?
- Đi ghe.
Tôi mở dây cột ghe, rời bến. Đi một quãng sông
thật xa, ngó lại vẫn còn thấy xóm làng mờ mờ trong khói sương hư ảo. Tôi vẫn
còn nhìn thấy những sợi bông gòn bung ra từ hàng gòn nhiều tuổi, bay lơ đễnh
trước mặt, tôi đưa tay chụp lấy một sợi mơ hồ rồi nhẹ nhàng thả vào trong gió.
Má từng nói với tôi trong một chiều thắt thẻo
tiếng bìm bịp kêu nỉ non ai oán.
- Con út nó chết dưới sông, tức là hồn nó cũng
lởn vởn đâu đó trên sông. Thì thôi má với mày cũng sống trên ghe cho gần nó, nó
đỡ tủi thân. Đời thương hồ phiêu bạt khổ lắm con, má sống trọn kiếp đời của má.
Còn bây, sau này kiếm cho mình một tấm chồng đàng hoàng để nhờ thân. Ba mày biết
khi nào trở lại? Mà, có quay về cũng đâu gặp má con mình…
Đó là những lời tình cảm hiếm hoi má nói với
tôi, còn lại chỉ là những lần ậm ừ, cộc cằn, bực dọc. Tôi sợ má nên chỉ len lén
nhìn rồi thôi, chứ không dám khóc. Giống như má hồi nào tới giờ má có để rơi một
giọt nước mắt nào đâu. Ngoại kể hồi em tôi mất, má không khóc, chôn cất em tôi
mồ yên mả đẹp, má ra bờ sông – chỗ em tôi lìa đời – ngồi nhìn mây nhìn nước đến
tận khuya. Tôi thấy mình càng ngày càng giống y hệt má…
Mấy mùa nước lớn nước ròng đi qua, mấy mươi
mùa trăng thương nhớ. Má con tôi, trên chiếc ghe tàng tàng chạy xuôi theo dòng
nước, nay chốn này mai chốn nọ. Má thường không tính trước mình sẽ đi đâu, chiếc
máy koler cộc cạch cứ khẹt ra khói muốn đưa chiếc ghe đi đến nơi nào cũng được,
miễn là có sông có nước. Phía có sông là con út!
…
Chiếc ghe tách sông mẹ rẽ vào nhánh nhỏ. Nước
sông ở đây chảy mạnh, đỏ bầm màu trái sắn. Hai bên bờ, những lò nung gạch màu đất
hiện ra chạy dọc dòng sông. Những ngôi nhà lúp xúp nằm im lìm sau mấy đống gạch.
Trên bờ, đám con nít bé xíu trần truồng như nhộng, mình mẩy đen đúa đang đứng
co chân lấy đà nhảy tỏm xuống sông. Thấy chiếc ghe má con tôi chạy qua, chúng
chỉ trỏ, vừa cười vừa nói xí xô xí xà câu gì đó. Tự nhiên tôi thấy sợ, tôi rút
người vào thành ghe, he hé mắt nhìn. Mấy ngọn khói trắng bay ra từ ống khói lò
nung gạch, xộc vào mũi tôi một mùi ngay ngáy đến khó chịu. Má cho ghe chạy chậm,
chân vịt chặt nước văng tung tóe biết đâu ở dưới có con cá nào lội ngang xui rủi
bị chân vịt chém lìa đời.
Tôi định hỏi má ở đây là đâu, nhưng sực nhớ ra,
tôi lại thôi không hỏi nữa. Má cho ghe dừng lại ở một cái chợ còm bên sông. Dưới
sông, vỏ quýt, vỏ bưởi, lá chuối,… trôi dập dềnh. Má tôi xách cái gọng cá lên bờ
đổi một vài món đồ, tôi ở lại trông ghe chứ không lên theo má. Tôi vốn ngại chỗ
đông người, dường như chiếc ghe là nhà mui ghe là giường, trên ghe là gia đình,
là tất cả những ngày tháng sau này của tôi. Tôi sẽ trụ làm để lênh đênh cho hết
cuộc đời sông nước.
Hai mắt tôi ríu lại như sắp sụp xuống, nhưng
tôi không thể ngủ được. Má kêu tôi trông ghe. Bấy giờ, tôi bưng rỗ rau muống ra
ngồi ngoài sau ghe để nhặt. Đám con nít khác chạy lại chỉ trỏ vào ghe tôi, chắc
là ghe lạ nên chúng để ý. Một thằng nhóc, chạc chạc con Duyên lúc mất, đứng
trên bờ í ới gọi tôi rồi nhoẻn miệng cười. Tôi cũng cười đáp lại rồi tiếp tục
nhặt rau.
Nước bắn tung tóe vào mặt tôi. Một chiếc máy
chạy ngang để hỏng chân vịt trên mặt nước, nước văng trắng xóa quãng sông. Trên
xuồng chở mấy người đàn ông to con, ở trần, da hơi ngâm, tôi đoán chắc là dân
lao động. Tôi kịp nhìn thấy ai đó trên xuồng, y hệt như ba tôi vậy. Người đàn
ông có bờ lưng to, vai rắn chắc, trên vai trái có một vết sẹo thường đỏ ửng lên
mỗi khi ba ở trần làm đồng. Theo quán tính, tôi buông rỗ rau đứng dậy gọi “Ba
ơi, ba…”. Tiếng gọi của tôi vừa kịp để người đàn ông trên xuồng nghe thấy, ông
quay mặt lại. Đúng là ba tôi rồi! Trời ơi là ba. Tôi nhận ra râu ba tôi đã dài
và đen hơn, khuôn mặt gầy hơn và già đi rất nhiều. Và, khi ba nhõm người đứng dậy
nhìn thấy tôi thì chiếc xuồng đã chạy đi thật xa trên dòng sông, lờ mờ khuất
sau mấy rặng cây và cụm khói phả ra sau chiếc máy cũ kĩ, êm ả tan vào sóng nước…
Tôi òa khóc.
Ba và tôi, chỉ cách nhau có một đoạn sông mà
không thể gặp nhau được sau bao nhiêu ngày xa cách. Như những nhánh lẻ trên
dòng sông này, rẽ ra từ sông mẹ rồi bắt nước chảy về bưng biền miệt thứ, mãi
mãi chẳng thể nào giao nhau dù một lần trong cuộc đời…
Tôi ngồi bưng mặt khóc ròng như một đứa trẻ. Lần
đầu tiên tôi dám khóc và khóc thật to kể từ cái ngày má con tôi dọn đồ đạc xuống
ghe để đi. Có những đêm nhớ ba nhớ em, nhớ căn nhà thân thương nằm nghe mưa nắng,
tôi úp mặt xuống gối cố kìm để không phải nấc lên thành tiếng. Còn bây giờ tôi
ngồi khóc ngon lành, mặc kệ mọi thứ xung quanh, mặc kệ má đang đứng trước mũi
ghe đăm đăm nhìn tôi mà chẳng nói một lời.
Có bao nhiêu nỗi đau hiện hình trên sông đời
xuôi ngược?
Tôi không chần chừ mà lao nhanh ra ngoài mũi
ghe ôm má chặt khít tưởng như không thể thở được. Điều đó làm má tôi bất ngờ,
bá đứng lặng người, mùi mằn mặn của nước sông và cái mùi sương mùi nắng trên
người má quyện vào tim tôi tựa hồ mùi thương mùi nhớ nao lòng.
- Má ơi, mình đi tìm ba đi má. Đi tìm ba về đi
mà má…
Nói xong, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm vô cùng
như con thuyền đang bồng bềnh trên mặt sông lặng sóng. Sợi dây cột mũi ghe với
bờ đất lạ đứt hẳn, chiếc ghe dạt ra giữa sông tự bao giờ. Tôi đứng ôm má và cảm
nhận trên vai mình những giọt âm ấm rơi xuống từ đôi mắt của người đàn bà đau
khổ.
Có những cuộc đi không đoán được, đi là để trốn
chạy, đi là để tìm về, để mạnh mẽ đối mặt với cuộc đời trăm chiều giông tố.
Dưới màn sương khói u huyền, tôi thấy ba tôi đứng
trên bờ đất vẫy tay về hướng má con tôi. Bỗng dưng tôi thấy lòng mình bình yên
đến lạ…
HOÀNG KHÁNH DUY
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét