Gió ngoài đồng lùa vào trong nhà lướt qua vườn
ổi chín phảng phất mùi hương ngòn ngọt, thơm lừng. Mùa ổi, trên ngọn cây lũ
chim sâu chim sẻ ríu rít chuyền cành, cong cái mỏ mổ từng thớ thịt ngọt lịm của
quả chín đầu mùa. An ngồi vắt vẻo trên cành, miệng nhai ổi nhóp nhép rồi nhả vỏ
đầy dưới gốc cây. Ngoại đứng cạnh cái lu nước sau nhà, nói vọng:
- An, vào nhà con, ăn ổi quài đau bụng!
- Dạ… - Thằng An miễn cưỡng đáp rồi tuột xuống,
phụng phịu đi vào.
Ông ngoại bảo “Hồi tao trồng vườn ổi này, chắc
mày đang ở dưới cái ngón chân cái của má mày đó An”. Thằng An nhíu mày, quay mặt
ra sân vườn làm vẻ hờn mác, rồi một lúc nó cũng lại chỗ ông ngoại ngồi mà dụi dụi
cái đầu vào lưng ông, mà chong đèn dầu nhổ tóc bạc cho ông rồi mai ông sẽ mua
cho quà bánh. Thời gian đâu tính bằng tháng bằng năm, mà tính bằng những mùa ổi
chín. Có hôm ngoại ngồi gọt mướp dưới gốc đu đủ cạnh ao nước sau nhà, thằng An
ngồi bên, lí nhí:
- Hông biết khi nào má về ngoại ha?
Ngoại cắt trái mướp dài ra làm đôi, để dành
lại một nửa.
- Ừ, cũng lâu rồi. Sao mãi má bây vẫn chưa
chịu về thăm bây…
An không nhớ rõ má đi từ lúc nào, nghe ngoại
nói hồi đó An còn nhỏ xíu có biết gì đâu. Kí ức còn sót lại mơ màng như làn
khói sương bảng lảng trên dòng sông quê mỗi sớm mỗi chiều. Nghe đâu ngày má đi,
cũng ngay mùa ổi chín. Ngoại lẩm bẩm đếm đốt ngón tay.
- Mới đây mà chín mười mùa ổi rồi con ạ…
An vẫy đôi chân khuấy động mặt nước ao. Mấy
con cá lìm kìm động nước nhảy lên tí tách rồi nấp mình dưới cội rễ lục bình,
phía xa xa bóng chiều tím ngát.
…
Ba An mất khi An còn nằm trong bụng má,
trong một lần theo tàu ra biển đánh cá kiếm tiền về lo cho má An ngày sinh nở.
Con tàu đang lênh đênh trên biển thì gặp bão, ba đi mãi không về… Má cắt tấm vải
trắng thành hình chữ nhật, cột ngang trên trán, ngoại bảo màu trắng là màu của
tang thương. Thằng An chu chu cái mỏ, ngây thơ hỏi một câu làm ngoại ứa nước mắt:
“Màu tang là gì hở ngoại?”…
Má An cởi bỏ vành tang trắng trên đầu. Một
đêm má ngồi bên ngọn đèn dầu tù mù hắt bóng in hình lên vách, ngoài vườn hương ổi
bay vào quyện với hương thơm của ba cây nhang tỏa đang cháy trên bàn thờ ba,
khói tỏa nghi ngút.
- Má… Con tính vầy. Hay là con gửi thằng An
cho má, con đi mần, chừng nào ổn ổn con về với nó.
Ngoại gạt phắt.
- Mày tính vậy sao được hở con. Ba nó mất,
còn mỗi mình mày, mày cũng đành đoạn bỏ nó đi sao con?
Má kéo ống tay áo lau nước mắt đang rỏ xuống
hai gò má ươn ướt.
- Con có bỏ thằng An hồi nào đâu. Nó là con
con đẻ ra, đau từng khúc ruột chứ bộ. Nhưng má coi, nhà mình gạo còn không đủ để
ăn. Hay để con đi làm kiếm tiền gửi về cho má mua sữa cho thằng nhỏ bú, rồi
thong thả con về…
Ngoại khóc. Ngoài kia sông chảy rạt rào, con
nước phù sa tách mình khỏi dòng sông mẹ để rẽ về trăm ngả. Tiếng nước chảy vọng
lại mang theo hơi của đất quê, của bùn non triền sông. Trong rừng thắt thẻo tiếng
con cúm núm kêu sương buồn não nuột, có con chim lạc mẹ bơ vơ giữa đời giữa người,
lao đao giữa cánh đồng bất tận.
- Coi bộ cũng được. Thôi, mày đã quyết vậy rồi
thì má cũng không cản. Để thằng An lại, má nuôi.
Má đi vào trong buồn, nằm xuống cạnh An, để
má nhìn cho rõ khuôn mặt thiên thần của con má. Đứa con má mang nặng đẻ đau, đứa
con là giọt máu duy nhất của ba và má còn sót lại trên thế gian này. Ba mất
nhưng chắc chắn linh hồn ba vẫn còn hiển hiện đâu đây, đêm ba lại về nằm cạnh
hai má con mà ngủ, bữa cơm nào má cũng để thừa một cái bát và đôi đũa, má bảo “Để
ba thằng An về ăn”. Thằng An giống ba như đúc, cái trán cao, sống mũi cũng cao.
Bây giờ nó còn nhỏ nên đường nét trên khuôn mặt không rõ, nhưng chắc hẳn lớn
lên nó sẽ giống in như ba nó, hiền lành, chất phác, chăm chỉ làm lụng và có một
trái tim nhân hậu, thằng An sẽ trở thành người có ích. Chắc chắn như thế!
Má rời xóm nhỏ. Ngày má đi xóm vắng đìu hiu.
Ngoại quấn thằng An trong cái khăn, ẳm nó đi trên con đường băng ngang cánh đồng
trước mặt, tiễn má. Má xách vali, bóng má gầy cao, khắc khổ. Trước lúc xuống đò
má ôm chặt con của má mà hôn lấy hôn để, hôn lên mặt, hôn khắp người… hôn để thỏa
lòng mong nhớ, hôn cho cả khoảng đời phía sau. Ngoài bến đò, má bất chợt nhận
ra hương ổi…
Người trong xóm truyền tai nhau “Con Hường bỏ
con theo trai lên thành phố”. Ngoại nghe mà đứt ruột. Miệng đời mà. Ngoại không
giải thích, con của ngoại thì ngoại hiểu, người ta hiểu sao thì mặc người ta. Đời
đớn đau nên có ra sao ngoại cũng cam lòng chấp nhận. Ngoại lặng lẽ nuôi thằng
An nên hình nên vóc. Thằng bé càng lớn càng kháu khỉnh, hiếu động. Chân tay rắn
rỏi, mạnh khỏe y chan như ba nó ngày trước. Nhà lay lắt bữa cháo bữa cơm, vậy
mà không ngớt tiếng cười tiếng nói. Thằng An là nguồn an ủi duy nhất cho hai
ông bà già lúc xế bóng. Ngoại không dám nhắc đến má trước mặt nó, ngoại sợ nó tủi
nó buồn. Những đêm nhớ con ngoại lẳng lặng khóc một mình chứ đâu dám nói. Ngoại
bảo “Chắc nó lo làm kiếm tiền nên chưa về”, nhiều lúc lẩm bẩm tính thời gian,
ngoại sững người. Thời gian sao mà khắc nghiệt đến thế, mới đây mà đã chín mười
mùa ổi trôi qua. Mùa ổi đến bằng tiếng chim ríu rít gọi bầy, bằng hương thơm ngọt
lịm phả vào trong gió. Ba mất, mùa ổi chín. Má đi, hương ổi tiễn đưa. Sao lại
là mùa ổi, mùa ổi ám ảnh trong những đoạn đời đớn đau mà An phải chịu. Mùa ổi lại
hiền hòa trong thời thơ ấu của An. Chao ôi là ổi. Vậy mà có lúc An cầm xách dép
xách tập, áo trắng học trò xốc xếch chạy về, mếu máo hỏi ngoại “Bạn của con có
má đưa đi học, còn má con đi đâu sao hổng chịu về với con hả ngoại?”…
Chiều nay, gió phương xa tràn về trên cánh đồng
năm cũ. Vẫn là hương ổi. Hương ổi cứ day dứt, trở đi trở lại trong tiềm thức của
An, cả trong mơ An vẫn ngửi được cái vị ngọt thanh của ổi chín mọng trên cành.
Đêm nào cũng thế, mười năm rồi.
Mùa ổi. Là khoảnh khắc hai bà cháu lấy cù
móc hái xuống bỏ vào rổ mang cho lũ trẻ con trong xóm ăn lấy thảo. Là khi thằng
An ngồi vắt vẻo trên cành, mải mê nhai ổi đến khi bụng đau quặn lên, ngoại phải
lấy vỏ quýt nấu nước cho nó uống. Là lúc thằng An ngồi ngoài bến đò mà hương ổi
quái quỷ cứ bay theo xộc vào trong mũi, nó nhìn thấy một người đàn bà sang trọng,
tóc búi sau gáy, chân mang guốc cao khác hẳn với những người quê mà An từng gặp.
Lúc nó quăng quả ổi xuống sông, chạy vắt chân lên cổ, băng qua ruộng lúa về nhà
vì sợ bị… bắt cóc khi người đàn bà hỏi nó “nhà thằng An ở đâu?”.
Mắt ngoại đỏ hoe. Người ra đi vào mùa ổi
chín, và người trở về khi ổi đỏ ruột trên cây. Thằng An chưng hửng. Người đàn
bà sang trọng, mang guốc cao, tay xách túi, trông xa lạ vô cùng, vì trong cuộc
đời nó chưa bao giờ nhìn thấy ai đẹp như thế. Người lạ đứng lặng ngoài sân nhà
ngoại, nhìn thằng An, nước mắt lã chã rơi…
HOÀNG KHÁNH DUY
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét