Kể từ khi em
đến bên đời, Sài Gòn cất lên biết bao giai khúc luyến thương.
Có lần tôi đưa
em vào quán cà phê ở Quận 3, ngẫu nhiên nghe mấy bài tình ca sướt mướt. Em càm
ràm, nhạc gì mà nghe thê thảm đến thế vậy anh? Bên ngoài Sài Gòn còn có biết
bao nốt trầm của cuộc mưu sinh từ dân cư tứ xứ. Tiếng xe chạy bấm còi inh ỏi
lúc kẹt đường gần khu công nghiệp Vĩnh Lộc, tiếng rao bán bánh chưng bánh dầy
của người Bắc luồn lách trong hẻm ở cư xá Thanh Đa, tiếng cãi nhau nhặng xị
giữa mấy bà bán cá ngoài khu chợ quân đội trên Gò Vấp, tiếng rao hủ tiếu gõ lốc
cốc mệt nhoài của những em nhỏ người Quảng Nam lúc nửa đêm ở Quận 10. Đó là
những giai điệu bình thường trong cuộc ta bà náo nhiệt, mà đôi khi mình quên
lửng bản thân mình cũng đang là một nốt trầm trong những giai điệu long đong.
Sài Gòn bản
thân nó đã là một trường ca về hành trình mưu sinh tất bật.
Sài Gòn còn có
cả tiếng đập muỗi chan chát khi em co chân trên ghế trên tầng lầu của khu chung
cư quận Gò Vấp khi bị cúp điện ban đêm. Em chợt nói sao nhớ hồi xưa quá chừng,
cái thời còn để tóc lỏm chỏm chơi trốn tìm với đám bạn trong xóm lúc đầu hôm.
Xứ nhà quê không điện, tù mù mấy ngọn đèn dầu như thời cổ tích. Trốn sau bó lá
dừa trong chái bếp mà em cứ ngỡ mình đang nép mình vào một góc bình yên của
cuộc đời, mơ mơ màng màng như được gặp người thương từ kiếp trước. Có lẽ ước mơ
em đã thành sự thật kể từ ngày gặp anh, khiến cho đêm đầu hạ nóng bức của Sài
Gòn vấn vương những điều mơ mộng.
Sài Gòn còn có
những giai khúc đa tình có từ muôn năm trước.
Đưa em đi chơi
ngang đường 3/2, nghe hàng cây dầu lao xao phơi tóc giữa mùa thu, lác đác mùi
hương thơm ngòn ngọt của bông dầu lẫn vào khói bụi xe đông đúc. Tôi nghe Sài
Gòn hát bài thương ca nức nở khi em gục đầu vào lưng tôi, thì thầm mong sao
đường thiên lý cứ dài xa diệu vợi để mình được đi hoài đến già, như ba với má
nắm tay nhau đi miệt mài qua những đoạn đường thơm ngát mùi hoa dầu già nua hơn
trăm tuổi.
Sài Gòn là bài
tình ca xưng tụng mối tình chung thủy vừa mới ra đời.
Chúng tôi đi
miên man qua khắp các phố phường đô hội. Em rất ngoan, ngồi sau lưng tôi xòe
tay đếm gió mùa thu len lỏi vào khoảng im lặng giữa hai người. Tiếng chuông
chùa trong veo giữa muôn miền xao xác bông dầu xoay xoay. Tôi nghe tiếng em thở
nhè nhẹ sau lưng mình, hình như có chút gì lưu luyến và suy tư. Chúng tôi đến
với nhau tình cờ, em lại sợ mình vô tình lạc mất nhau. Nắm lấy bàn tay bé nhỏ
của em, tôi nghe lòng mình sao thành tâm đến vậy.
Sài Gòn thanh
thoát bao dung cho chúng mình khi còn ở bên nhau.
Có khi tôi đưa
em đi ăn lẩu mắm trên đường Cao Thắng thơm sực nức mùi rau củ miệt đồng bằng.
Tôi chợt nghe em chép miệng than thầm, mùa này nước lũ không cao, biết đâu
chừng vụ lúa sau có nhiều côn trùng phá hại đám lúa cha trồng vụ đông xuân. Tôi
chợt biết Sài Gòn đang vấn vương tiếng thì thầm của sông Tiền, sông Hậu bát
ngát phù sa. Em ơi, anh sẽ cùng em về thăm những cánh đồng tím hồng bông súng ở
miệt An Giang, rồi sẽ cùng em ngồi đò đi dọc sông Hậu, về Bùng Binh, Trà Ôn,
băng qua rặng cây bần mọc ven bờ nước. Rồi mình sẽ đi qua Ba Láng, Cái Răng
nghe người ta hát sáu câu vọng cổ buồn nẫu ruột gan, để khi trở về Sài Gòn anh
bỗng thấy mình trưởng thành cùng xứ sở.
Sài Gòn êm êm
như khi ai xuống xề câu năm trong bài vọng cổ.
Và có những lúc
tôi mong Sài Gòn đừng lên tiếng, để tôi nghe được hơi thở em thoang thoảng mùi
ruộng đồng hoang dại từ hàng trăm cây số. Đấy là lúc tôi nghe được những giai
điệu Sài Gòn theo cách rất riêng của tôi.
Sài Gòn còn có
tiếng thở của em và tôi, và cả hơi thở đồng bằng miền Tây tha thiết.
NGUYỄN HỒNG CHÍ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét