Mùa thu về trong những
ngọn gió heo mây đang nhẹ nhàng lay động cây lá, trong những buổi chiều nắng êm
dịu vắt qua cánh đồng, trong những cơn gió nhè nhẹ thổi bay những bông cỏ may
bên lề đường. Một sáng thức dậy thấy vòm cây
trước nhà đã chuyển màu. Đứng dưới một tán cây ngước nhìn những chiếc lá
xoay vòng bay trong gió, lòng người cũng
chợt dịu lại khi biết mùa thu đã về.
Lạ thay tôi thường
không nhận ra mùa thu đến từ lúc nào cho đến khi cây bàng trước nhà đỏ lá, cho
đến khi hoa sữa thơm lừng trên con đường mỗi tối tôi đến nhà bà. Cho đến khi
nhìn thấy khung cảnh đám trẻ tung tăng đến trường, chia tay một mùa hè vui nhộn.
Khoảng khắc ấy khiến lòng tôi rưng rưng, nhưng môi lại nhẹ nhàng nở một nụ cười
hạnh phúc. Tôi nhớ đến cái khoảnh khắc thơ bé khi được mẹ cầm tay dắt đến trường
giữa một mùa thu vàng lá, tâm trí đang không ngừng vang lên từng câu văn quen
thuộc trong truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh: "Hằng
năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây
bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi
không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như
mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.”
Những bước đi của
mùa thu đến thật chậm rãi và nhẹ nhàng. Chỉ là một sáng thức dậy thấy nắng hiền hòa đến bên hiên nhà,
chậu cúc trước thềm nhà chúm chím những đóa hoa vàng, một cơn gió nhẹ nhàng thổi
qua khẽ lay những chậu cây treo trước thềm nhà, để vài tia nắng lọt qua khe cửa
len lỏi vào phòng. Sáng hôm ấy, mẹ khoác một chiếc áo mỏng bước ra vườn, mẹ đến
bên chuồng gà con bé xinh lắng nghe chúng líu chíu đòi mồi. Mẹ nhìn ngắm những
bông hoa và mỉm cười với chúng rồi đưa tay đón lấy những giọt sương còn đọng
trên kẽ lá .
Có một mùa thu được
lưu giữ trong kí ức tôi, đó là mùa thu của
những ngày còn thơ bé. Tôi nhớ những buổi chiều cùng bạn chạy nhảy trên những triền cỏ may, tay cầm chặt dây diều. Chúng tôi chân không chạy
khắp đồng làng, đôi mắt không ngừng dõi theo con diều của mình đang chấp chới bay lượn trên
nền trời xanh thẳm. Tôi nhớ những cơn gió mùa thu nhẹ nhàng mơn man đôi gò má,
thổi bay từng sợi tóc con con. Tôi nhớ cái khung cảnh cùng bạn ngồi trên bờ đê ngắm nhìn cánh đồng cho đến
khi mặt trời lặn dần dưới chân núi. Tôi nhớ những buổi chiều ngồi sau xe bạn
hít hà hương đồng thơm ngọt, ngắm nhìn từng lộn khói cuộn tròn bay lên trong nền
chiều rực đỏ. Khung cảnh ấy lạ thay cứ trở đi trở lại trong tôi bằng một nổi niềm
nhung nhớ khôn nguôi. Nó nhắc tôi nhớ về một mùa thu êm đềm thời thơ ấu.
Tôi vẫn thường hình
dung đến sắc vàng quyến rũ của mùa thu, hình dung đến con đường dài hun hút có lá vàng rơi và ước
mong một bờ vai, một cái nắm tay thật chặt. Không biết bạn đã bao giờ lạc bước
trong một khung cảnh dìu dịu của mùa thu như thế, vu vơ thả hồn mình theo một
giai điệu sâu lắng, để chúng dẫn dắt mình đi như để đến một điểm hẹn nào đó rồi
chợt nhận ra, chúng ta còn chờ đợi điều gì nữa khi mùa thu thật thích hợp để bắt
đầu cho một cuộc hẹn hò.
Sáng
nay thức dậy chợt nghe như mùa thu đã về. Đặt bình hoa cúc bên khung cửa, hương
thơm dịu dịu hình như còn có cả vị ngọt lan ra từ những cánh hoa vàng mỏng mảnh,
tự dưng cảm thấy có một nỗi buồn nào đó sâu hoắc ở trong tim. Ngoài khung cửa
kia, lũ chim đậu trên cành cao có lẽ vẫn còn luyến tiếc cảnh đẹp đất trời nên
chúng còn chưa vội bay đi. Từ chiếc máy hát tôi nghe văng vẳng lời gọi của một
mùa thu xa xăm nào đó: “Có phải mùa thu giấu em lâu đến thế/ Để cuối con đường anh kịp nhận ra em/ Em ào tới chợt xôn xao lá đổ/ Xóa nổi cô đơn lạnh giá bên thềm/ Rồi tình yêu lại rưng rưng bên khung của
nhỏ/ Và con đường lại xao xác gió heo may/ Em hôn anh đắm say như gió/ Và ngã vào anh dịu dàng như mùa thu” (Mùa
thu giấu em). Giọng hát Ngọc Anh trong veo như
những ký ức của ngày xưa về những mùa thu của một thời xa lắm. Ngày ấy, hồn thu
tha thiết nhưng lại quá đỗi dịu dàng. Nó
như muốn nói với tất cả chúng ta, hãy thôi đừng gấp gãy sống nữa, hãy sống thật
chậm trong từng khoảnh khắc nhỏ để cảm nhận những bước chân khẽ khàng của mùa
thu đang tiến tới.
Trần Nguyên Hạnh.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét