Là
tên cuốn sách tập hợp 19 truyện ngắn của nhà văn Trần Tùng Chinh vừa được NXB
Văn hóa - văn nghệ ấn hành quý III.2017, đưa bạn đọc khám phá miệt vườn sông nước
miền Tây qua những câu chuyện khắc khoải mơ hồ, lấp lánh tình đời, tình người.
Qua
những quan sát tỷ mỷ và tinh tế, tác giả như một họa sĩ trên con đường tìm về nét
đẹp xưa cũ của quê hương qua những mảng màu trong trẻo, những chấm phá mơ hồ,
chan chứa tấm lòng son sắt, nồng nàn yêu thương. Câu chuyện mở đầu cũng là tựa
cho toàn bộ tập truyện, người đọc như nghe tiếng vó ngựa vọng về tâm tưởng, âm
sắc huyền thoại của miền Thất Sơn tạc dựng thật vững chãi trong tâm tưởng, thực
khó lòng phai nhạt, sụp đổ. “Tiếng vó ngựa lộp cộp, tiếng lục lạc leng keng, tiếng
quất roi bành bạch. Lạ một điều là dường như âm thanh ấy cũng có mùi. Cái mùi
nhớ”, những dòng miêu tả dạt dào chất thơ, chất trữ tình đang quấn chặt lòng
người chẳng thể nào buông bỏ, bởi vì “vũng ký ức đang loang ra trong lòng”, “con
đường quen thuộc ấy cứ hun hút xa như không có điểm dừng”. Xuyên suốt câu chuyện
là hàng loạt âm thanh gõ lên từng nhịp ẩn hiện trũng sâu tiềm thức, ăn mòn đôi
mắt thời gian, len lỏi tâm can, chảy tràn thân xác. Người đọc chỉ cần cựa mình
thì lập tức con tim thổn thức lạc vào chuyến xe ấy như một giấc mê dài. Chuyến
xe ngựa của bà Cà Thu thiệt thà đến mức khiến người đọc lầm tưởng đây là một
bài bút ký, gợi mở nhiều suy tưởng: “Bà Cà Thu lại cảm thấy cái nhìn của mình
nghèn nghẹn nước, cảm thấy như chiếc xe ngựa mình đang ngồi dưng không trở nên
rưng rưng. Và chiếc xe ấy không đi về phía con đường Bảy Núi nữa mà đang từ từ
tiến sâu vào vùng quá khứ tưởng đã mờ mịt hai mươi năm trước. Chẳng lẽ...”.
Câu
chuyện “lục bình” miêu tả hình ảnh tưởng chừng đã quá quen thuộc về những vạt lục
bình trôi nổi trên sông: “Hình như lục bình cũng vậy. Chúng không bao giờ cuồn
cuộn trôi đi riết róng mà chỉ lờ đờ, từ từ mà dịch chuyển từ khúc sông này qua
dòng sông khác, vậy mà hành trình của chúng lại rất xa xôi, diệu vợi”. Bức
tranh lục bình của tác giả Trần Tùng Chinh mang màu sắc đượm buồn, cái buồn
mang tầm vóc của quê hương xứ sở, và hình như mỗi người có thể tìm thấy mình
trong câu chuyện ấy. Cảm xúc trong những chuyến đi - về luôn mang lại cho mỗi
người nhiều nghĩ suy giữa biết bao bộn bề, lo âu của cuộc sống. Giấc mơ dẫu chỉ
mới được khai mở thoáng chốc, mà sao đẹp đẽ đến thế, sáng trong đến thế, ngọt
ngào đến thế: “Tím mơ màng nghĩ đến những tấm thảm lục bình được đan kiểu xương
cá, những khung lục bình đan hình hạt gạo. Những sản phẩm dân dã với màu nâu đất
tự nhiên như màu của làng quê, màu của phù sa mùa nước đổ, lại rất mịn màng mềm
mại bởi thấm trong đó những giọt mồ hôi mằn mặn của Viễn, của Tím”. Những truyện
khác như “bà Tám bị gãy chân”, “đêm phòng trọ”, khóc nữa đi Kim”, “tạnh mưa” dẫu
để tài không mới, nhưng qua lăng kính của tác giả, những nhân vật hiện ra thật
sống động nhưng cũng thật mơ hồ, được lồng ghép vào trong không gian được nhà
văn dụng tâm sắp đặt, đã làm nổi bật cảm giác cô đơn của tâm hồn, nghĩa Tào
Khang dằn vặt đau đớn, nỗi buồn của cơn mưa ướt lạnh thân xác và băng giá trong
giây phút chia ly, hình ảnh người thầy thật đẹp mang lại biết bao hi vọng được
gieo mầm trong trái tim học trò thơ dại...
“Một
chuyến về thành” là hành trình tìm về ký ức thuở “tên bay đạn lạc” khi đất nước
còn chiến tranh, tác giả Tùng Chinh với thế mạnh miêu tả khung cảnh nhẹ nhàng,
lãng mạn đã bỏ qua nhiều chi tiết bi thương, những tình huống hồi hộp gay cấn để
ngợi ca tình cảm gia đình, vẫn mang hơi hướm trầm buồn nhưng con thuyền chứa
chan khát khao hạnh phúc vẫn luôn đong đầy qua bao đổi thay, bất trắc. Không
quá dụng công vào cốt truyện, không quá cầu kỳ trong việc dẫn dắt bạn đọc, nhà
văn Trần Tùng Chinh đã đưa độc giả đi từ không gian này đến không gian khác, với
nhiều câu văn chảy tràn theo xúc cảm, hoàn toàn bỏ qua lý tính. “Thương cố tình
đứng dụi mình vừa đủ nép vào phía bờ vai chồng và bất giác hít một cái thật
sâu. Thế là cái mùi của chồng sực nồng ngập tràn mắt mũi Thương, lùa vào hai
bên má rồi chui vô mớ tóc kẹp phía sau đầu. Cái mùi nồng nồng đó còn luồn xuống
ngực Thương căng tròn đang dập dồn dưới làn áo mỏng”. (Mùi chồng). Những truyện
như “mồ tổ cha bây”, “lội sông”, “nguyệt thực”, “Nhị đi lấy chồng”, “Má ơi, con
má”, “nắng chiều”... được tác giả miêu tả sắc nét ở chiều kích không gian và thời
gian, các nhân vật hiện ra thật đẹp và huyền ảo, đưa câu chuyện rẽ lối với nhiều
cảm xúc mênh mang, day dứt. Tuy nhiên, phần kết câu chuyện luôn được tác giả bỏ
lửng đôi khi gây ra cảm giác hụt hẫng, đôi chút tiếc nuối... Khép lại tập truyện,
tác giả thử nghiệm ở thể loại truyện giả tưởng, kể về câu chuyện một thầy lang
trẻ tên Sinh, nối nghiệp cha mình ở hiệu thuốc Ngọc Thảo Đường, chuyên chế thần
dược điều trị các loài kỳ độc của rắn. Chàng gặp một người con gái xinh đẹp tên
Bạch Hoa Nhi, hai người gặp nhau trong một đêm trăng sáng ở Động Chân Tiên,
nhưng dường như có một mối thù truyền kiếp chẳng thể nào phá bỏ được, câu chuyện
kết thúc bằng hình ảnh “hình như mùi hương nồng nồng ngai ngái vẫn còn lan tỏa
đâu đây”.
Nhà
văn Đinh Lê Vũ từng nhận xét: “Chuyến xe ngựa về Bảy Núi là tập truyện ngắn thứ
tám của nhà văn - thầy giáo dạy văn Trần Tùng Chinh... Với hơn 150 trang in, 19
truyện ngắn góp nhặt trong sách là những chấm phá dung dị và chân thành về chuyện
đời, chuyện người miền Tây lương thiện, hiền lành giữa những khắc nghiệt của đời
sống”. Và không thể thiếu nỗi niềm quê xứ đong đầy trong làn sương mờ chập chờn
hư ảo, vẫy gọi độc giả bắt đầu hành trình khám miền Tây trên chuyến xe ngựa về
Bảy Núi.
Đà Nẵng, tháng 12.2017
Phan Nam
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét