Từ tháng 9.1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công đến cuối năm
1946, khi Pháp đã đổ quân vào Nam bộ, Lưu Hữu Phước và nhóm Hoàng Mai Lưu vẫn
tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc yêu nước và cách mạng: Đoàn quân du kích (Bài
hát của quân du kích Nam bộ -
23.9.1945), Đoàn quân địch vận
(1945 - lời: Phòng địch vận khu X),
Đoàn quân ma (1945), Bóng người
núi Lam (1946), Vượt trùng
dương (1946), Lục quân Trần Quốc
Tuấn (1945), Hướng đạo cứu quốc
Việt Nam (Hướng đạo hành khúc - 1946)… Hướng đạo cứu quốc Việt Nam sau này
trở thành Hội ca chính thức,
hát trong nghi lễ của Hội Hướng đạo VN.
Trong thời đoạn này (1945-1946), những nhạc sĩ thuộc nhiều dòng nhạc khác
nhau đã tuôn về một dòng sông âm nhạc chung và viết lên những ca khúc giá trị: Hoàng Quý với Tiếng
gọi non sông (10.1945); Việt Lang với Chiều
Yên Thế (10.1945); Lê
Yên với Kỵ binh hành khúc (Ngựa phi đường
xa - 1945); Nguyễn
Xuân Khoát với Tiếng chuông nhà thờ (1946); Phan Huỳnh Điểu với Giải
phóng quân (1945 - sau đổi tên thành Đoàn vệ quốc quân), Mùa đông binh sĩ (1946), Những người
đã chết (1946 - thơ
Tế Hanh) và Tạ Thanh Sơn với
Nam bộ kháng chiến (1946) trở
thành nhạc hiệu của Đài phát thanh Nam Bộ.
Đáng
ghi nhận là Văn Cao với một loạt ca khúc cách mạng viết chỉ trong năm
1945: Bắc Sơn, Chiến
sĩ Việt Nam, Bài ca chiến sĩ hải quân, Không quân Việt Nam… Và Đỗ Nhuận cũng với một loạt ca khúc đỏ viết trong hai năm 1945 - 1946: Bé
yêu Bác Hồ, Ngày Quốc hội, Tiếng súng Nam Bộ, Đường trường vô Nam, Đoàn lữ nhạc (1946). Hầu hết ca khúc cách mạng
viết trong hai năm đầu Cách mạng Tháng Tám thành công, 1945 và 1946 có giai điệu:
nhịp đi, nhanh, hùng, mạnh.
Sang thời
đoạn 1947-1948, sau ngày “Toàn quốc
kháng chiến", 19.12.1946, khi chiến sự bùng nổ khắp
ba miền, các nhạc sĩ bước vào “trường kỳ kháng chiến” với những bài ca xung trận.
Năm 1947, Nguyễn Đình Thi với Người Hà Nội; Lương Ngọc Trác với Mơ đời
chiến sĩ, Lô giang và Lời thề quyết tử; Việt Lang với Những hình bóng qua; Văn Cao viết Làng tôi và bản trường ca đầu tiên của
tân nhạc Việt: Trường ca Sông Lô, Nguyễn Đình Phúc với Chiến sĩ sông Lô và trường
ca thứ hai của tân nhạc Việt: Bình ca, v.v…
Đến năm 1948, Văn Cao với Ngày mùa; Đỗ Nhuận với Áo
mùa đông; Lương
Ngọc Trác với Trường chinh ca (lời Lê Minh); Huy Du với Sẽ về thủ đô; Bùi Công Kỳ với Ba Đình nắng
(lời Vũ Hoàng Định); Nguyễn Văn Thương với
trường ca Bình Trị Thiên khói lửa; Lưu Hữu Phước với ca khúc hợp xướng Ngọn cờ dân chủ, Việt Lang với 5 ca khúc giá trị trong một năm: Đoàn
quân đi, Bài
ca Quốc tế lao động, Mùa không biên giới, Thu trên sông, Đàn xuân… Hơi trái với giai điệu của thời
đoạn trước đó (1945-1946), hầu hết ca khúc đỏ viết trong thời đoạn này
(1947-1948) thường có giai điệu: chậm vừa, thong thả, nhẹ nhàng, tình cảm, có
khi dịu dàng, tha thiết… với ca từ là ngôn ngữ trong sáng, giản dị mà điêu luyện,
giàu hình tượng văn chương mang nội dung trữ tình, lãng mạn hơn, như dòng nhạc
tiền chiến, mà sau này các nhà nghiên cứu gọi là lãng mạn cách mạng. Một trong
những cách giải thích cho sự khác biệt nầy là trong hai năm sau, các nhạc sĩ đã
“điềm tĩnh” bước vào “trường kỳ kháng chiến”, vẫn
nhiệt tình yêu nước nhưng đã qua rồi cái tâm trạng hồ hởi, sôi nổi, nhiệt huyết “bốc” lên như hai năm đầu vừa mới được tận hưởng không
khí tự do, được sống trong một đất nước
độc lập, dân chủ.
Xu
hướng nhạc cách mạng đã hình thành từ 1930 với Cùng nhau đi hồng binh của Đình Nhu và thành cao trào từ
1941-1945. Nhưng phải đến khi xảy ra cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), cùng với những nhạc sĩ đã viết ca khúc “nhạc
đỏ” từ trước, nhiều nhạc sĩ thuộc dòng nhạc hùng, nhạc lãng mạn đi theo kháng
chiến, sáng tác những ca khúc mới thì dòng nhạc cách mạng mới thực sự định hình
và phát triển thành nhiều giai đoạn sau này theo biến chuyển của tình
hình lịch sử xã hội Việt Nam. Các ca khúc “nhạc đỏ” mới có giai điệu hùng
tráng và nội dung động viên, cổ vũ tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc, đồng
bào, yêu lý tưởng cộng sản, phục vụ sự nghiệp kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, phục
vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và từ 1949-1954, do hoàn
cảnh lịch sử đã tập trung cao độ vào đề tài kháng chiến chống Pháp.
Ở miền Bắc, Đỗ Nhuận viết Du kích
sông Thao (1949), Hành quân xa (1953); Văn
Cao đã sửa lời Bến xuân (viết
chung lời với Phạm Duy) thành Đàn chim Việt và viết Tiến về Hà Nội (1949); Lê Yên viết Đoàn kỵ binh Việt Nam, Trận
Đoan Hùng (1949), Bộ đội về làng (thơ
Hoàng Trung Thông - 1950), Chiều hậu phương, Lúa mới; Hoàng Vân
viết Hò kéo pháo (1953);
Tô Hải với Toàn dân kháng chiến trường kỳ, Chiến sĩ khu Ba; Hồ Bắc với Làng tôi
(1949), Bên kia sông Đuống (thơ Hoàng Cầm
- 1950), Gặt tay nhanh (1952), Giữ mãi tuổi xuân (1954); Hoàng Hà với Vui
lên đường (1949), Hò dân công (1952), v.v…
Tham
gia kháng chiến, Phạm Duy viết nhiều ca khúc nổi tiếng về đề
tài cách mạng: Chiến sĩ vô danh, Bà mẹ Gio Linh, Xuất quân, Chinh phụ ca, Gươm tráng sĩ, Thu
chiến trường, Đường về quê, Nợ xương máu, Bao giờ anh lấy được đồn Tây (sau đổi thành Quê nghèo), v.v...
Ở miền Trung có Lời người ra đi, Con trâu kháng chiến, Bà
Ba kháng chiến của Trần Hoàn; Đoàn vệ quốc quân, Có một đàn chim của Phan Huỳnh Điểu; Du kích Ba Tơ của Dương Minh Viên; Tự túc của Dương Minh Ninh; Đánh giặc tăng gia
của Văn Cận; Ai xây chiến
lũy
(1949), Vượt trùng dương (1952) của Nguyễn Văn Tý; Bước
chân chiến sĩ của Vân Đông; Chuyến tàu
trăng, Bảo vệ hòa bình, Đố cờ, Hoa bên suối
của Trương Quang Lục, v.v…
Còn
ở miền Nam, một lớp nhạc sĩ trẻ hơn như Hoàng Việt với Thành đồng Tổ quốc (1949), Ai nghe chiến dịch mùa xuân (1950), Mùa
lúa chín (1951), Tin tưởng (1951), Đêm
mưa dầm (1951), Lên ngàn (1952), Nhạc rừng (1953); Nguyễn Hữu Trí với
Tiểu Đoàn 307 (1950 - phỏng thơ Nguyễn Bính); Trần Kiết Tường
với Anh Ba Hưng; Quốc Hương với Du kích Long Phú (1949), Cô gái Vĩnh Hanh, Đoàn người đi tòng quân, Tầm
Vu (viết cùng Đắc Nhẫn - 1951)… Lưu Hữu Phước và nhóm
Hoàng Mai Lưu tham gia Nam bộ kháng chiến đóng góp vào những ca khúc như: Cô gái Củ Chi, Bài hát Đoàn thiếu nhi nghệ thuật, Thanh niên ca (1950), Em yêu chị Ray-mông (1950), Xuân Việt - Trung - Xô (1954), Ðoàn
quân ma, Ca ngợi Hồ Chủ
tịch, Hăng-ri Mác-tanh (Henri Martin), Cả cuộc đời về ta và hai ca khúc hợp
xướng: Đông nam Á châu và Ngọn cờ dân chủ, v.v...
Cuối
giai đoạn, không khí hào hùng và tinh thần lạc quan, tự hào bởi chiến thắng
Điện Biên Phủ vẻ vang của nhân dân, dân tộc
đã ùa vào hàng loạt ca khúc có giá trị viết năm 1954, trước, trong và
sau chiến dịch này: Trên đời Him Lam, Chiến thắng
Điện Biên của Đỗ Nhuận; Quê tôi giải phóng của Văn Chung; Hát mừng anh hùng Núp, Ngày về (thơ Chính Hữu) của Lương Ngọc Trác; Ta
lớn lên (thơ Tố Hữu) của Nguyễn Xuân Khoát; Lá cờ tháng Tám của Phan
Thanh Nam; Buổi sáng trên đồng nội của Trần Tất Toại; Hòa bình trên đất nước ta của Nguyễn Mạnh Thường…
Thật thú vị khi Sẽ về thủ đô (1948) của
Huy Du và Tiến về Hà Nội (1949) của Văn Cao được viết rất sớm, nhưng lại
dự cảm được không khí hùng tráng, niềm vui ngút ngàn thắng lợi của năm 1954.
Song song với
những ca khúc chiến đấu, tình cảm lãng mạn vẫn còn là nguồn cảm hứng chủ
đạo trong các tình ca, như: Em đến thăm anh một chiều mưa, Tạ từ (1947),
Tiếng
chuông chiều thu (1948) của Tô Vũ; Lời người ra đi
(1948), Tìm em, Sơn nữ ca (1950) của
Trần Hoàn; Dư âm (1950), Mùa hoa nở của Nguyễn Văn Tý; Nụ cười sơn cước (1947) của Tô Hải; Ngày về (1846) của Hoàng Giác; Tình quê hương (1946), Những hình bóng qua (1947), Mùa không biên giới, Thu
trên sông, Đàn xuân (1948) của
Việt Lang; Tiếng hát quay tơ (1948) của
Tử Phác; Ánh trăng mùa thu (1947 - ca khúc đầu tay); Tình
nghệ sĩ (1947), Đường về Việt Bắc (1948), Lá thư (1949) của Đoàn Chuẩn; Bên cầu biên giới, Khối tình Trương Chi, Cây đàn bỏ quên, Tình kỹ nữ, Chú
Cuội, Tiếng đàn tôi, Đêm xuân, Tiếng bước trên đường khuya của Phạm Duy, v.v…
Bên cạnh đó, các nhạc sĩ đã
dùng nhạc để diễn tả những bài thơ lãng mạn của các nhà thơ: của Lưu Trọng Lư (Tiếng thu,
nhạc Phạm Duy); của
Nguyễn Bính (Cô lái đò, nhạc Nguyễn Đình Phúc); của Nguyễn Nhược Pháp (Ði
chùa Hương, nhạc Trần Văn Khê); của
Hữu Loan (Những gác chuông giáo đường, nhạc
Huy Du),…
Cũng theo giọng điệu trữ tình
của dòng nhạc tiền chiến nhưng với chủ để tình yêu quê hương như: Quê em miền trung du (1949) của Nguyễn Đức Toàn; Làng tôi (1947), Ngày mùa (1948), Tình ca trung du của Văn Cao; Con kênh xanh xanh (1949)
của Ngô Huỳnh; Lá xanh
(1951) của Hoàng Việt, Nương chiều (1947); Gánh lúa (1949)
của Phạm Duy…
Một đề tài sáng tác mới nữa của các nhạc sĩ là ca ngợi Hồ Chí Minh và Đảng
Lao động Việt Nam mà giới nghiên cứu sau này gọi là chính ca. Đỗ Minh viết Chào mừng Đảng Lao động Việt Nam (1952); Lưu Bách Thụ viết Biết
ơn cụ Hồ (9.1945); Hoàng Việt và Minh Trị viết Mong Bác Hồ
vào Nam; Hoàng Hà viết Thanh niên làm theo lời Bác (1953);
Lưu Hữu Phước viết Ca ngợi Hồ Chủ tịch (1948 - lời Nguyễn Đình Thi); rồi
cũng Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Đỗ Nhuận. Đặc biệt, nhạc sĩ chuyên
viết ca khúc thiếu nhi Phong Nhã đã viết Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu
niên nhi đồng (1946) được phổ biến rất sâu rộng, v.v...
Ca sĩ nhạc đỏ nổi tiếng thuộc thế hệ này là Trần Khánh, Trần
Thụ, Mai Khanh, Thương Huyền..., trong
đó Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Hương với
một giọng hát giản dị, đầy nhiệt huyết mà nhiều thế hệ ca sĩ đã chịu ảnh hưởng,
là một tên tuổi lớn trong nền tân nhạc cách mạng Việt Nam nhiều giai đoạn sau.
Nhiều ca khúc cách mạng được ông thể hiện đầu tiên, và cũng nhiều ca khúc gắn với
tên tuổi ông như: Tình ca (Hoàng Việt), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí)…
(Kỳ tới: Nhạc cách mạng 1954 - 1975)
Lê Thiên Minh Khoa
(Trích trong
cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” - nghiên
cứu & nhận định của Lê Thiên Minh Khoa - sắp xuất bản,
2018).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét