Trời tháng 4 oi bức quá. Mới 8, 9 giờ sáng mà nóng không chịu nổi. Không
có ngọn gió nào lùa qua để đẩy cái nóng như thiêu như đốt con người ông Tư Bền!
Ông cởi cái áo đang mặc móc lên cột nhà. Bước lại cửa nhìn ra đồng như đang
trông ngóng điều gì, hay chờ đợi cái gì?
Ngoài đồng, bên kia con kinh nhỏ cách nhà ông không xa, chiếc máy xúc
Kobe đang hối hả móc từng gốc tràm nằm sâu trong lòng đất bên ruộng người ta để
chuyển đi nơi khác lấy đất làm lúa. Những cuộn khói từ chiếc Kobe và bụi từ
những gốc tràm được lôi lên quấn theo chiếc máy rồi tỏa đi cả một vùng làm cho
cảnh vật càng ngột ngạt hơn.
Nhưng cái ngột ngạt làm ông Tư Bền khó chịu hơn không phải từ trời nắng
nóng hay khói bụi từ chiếc máy xúc kia, mà chính là bà vợ của ông. Bà hay cằn
nhằn: “Sao tới nay, trời sắp mưa tới nơi rồi mà ông không kêu máy về làm đi?
Người ta làm muốn hết rồi!”…
Ông Tư vẻ tư lự: “Mình đâu có thiếu gì. Còn 5, 6 mẫu chớ ít đâu? Mà phá hết
tràm thì môi trường xứ sở mình sắp tới sẽ ra sao? Bà có biết không, cái xứ Đồng
Tháp Mười trống trơn. Nếu đốn hết tràm gió làm sao chịu nổi?”. Bởi vậy, khi tỉnh,
huyện kêu gọi bà con đừng phá tràm để bảo vệ môi trường ông Tư mừng quá đỗi.
Ông cứ tưởng tượng một ngày nào đó, trên cánh Đồng Tháp Mười này mà không có
tràm thì…? Nhưng bà cãi lại: “Ông nói ông đủ rồi chớ gì? Ông quên rằng nhà mình
còn nghèo lắm, ông có biết không? Ông bà mình từ xưa đã nói: Hễ nghèo thì hèn!
Vì ông còn nghèo nên đâu ai thèm để ý? Ông thấy chưa, từ hồi ông về tới giờ
ngoài huyện có ai mò tới ông đâu? Mấy người có tiền, ở trên trân trọng. Ông có
nhớ năm ngoái, ở ngoài huyện tổ chức khánh thành cái gì đó, họ mời thằng Tám
xáng cạp, thằng Ba cây xăng, thằng Sáu tiệm vàng… chớ ai thèm mời ông, mặc dù
ông là dân kháng chiến, là thương binh? Tôi nói với ông hoài. Bây giờ phải làm
ra tiền. Phải có nhiều tiền, ông biết chớ!”… Nói tới đó hình như bà mệt, nên
không nói nữa.
Ông Tư ấm ức lắm, định nói với bà cái gì đó mà không nói được. Vì bà nói
cũng phải. Đang tìm câu trả lời xác đáng, bà lại lên tiếng: “Ông nói để tràm
lại là giữ môi trường. Vậy người ta phá hết, còn mình ông, ông có giữ được
không?”.
Với ông Tư Bền, chuyện người ta phá tràm, làm lúa tràn lan cũng có cái lý
của nó. Mấy năm trước, giá tràm 5, 7 tuổi bán cả trăm triệu đồng. Bán một mẫu
tràm mua được cả 20 cây vàng? Còn bây giờ, chưa đầy chục triệu một mẫu, mua
không được 3 chỉ vàng? Chuyện “thời giá” này, bà vợ nói với ông hoài, ông
vẫn không chịu nghe! Cho nên bà cứ cằn nhằn, mà bà càng cằn nhằn ông càng bực
bội hơn.
Ông cũng biết thời cuộc nó vậy. Ngày trước người ta làm nhà, đóng cừ bằng
tràm. Nên cây tràm có giá. Ngày nay văn minh hơn, khi làm nhà người ta đóng cừ
bằng cột sạn, bê-tông. Đâu ai xài cừ tràm, nên rớt giá là phải. Chuyện phá tràm
làm lúa cũng là chuyện tất nhiên thôi. Vì lúa bây giờ có giá, do xuất khẩu
nhiều, đẩy giá gạo lên cao. Mặt khác, mỗi năm lúa làm được 2, 3 vụ. Còn tràm
thì phải 5, 7 năm mới bán được. Cho nên cái chuyện phá tràm làm lúa theo ông
cũng là quy luật tất nhiên của đời sống con người.
Nhưng đó là chuyện người ta, còn với ông Tư Bền thì lại khác. Cái khác
chỉ riêng ông biết. Bà cứ thúc giục, ông cứ chần chừ cũng do cái khác đó. Nội
bộ gia đình ông xảy ra mâu thuẫn cũng do cái khác đó mà ra. Nhưng cũng không
hiểu sao, ông lại không nói ra cái điều khác biệt đã nhiều năm giữ kín trong
lòng đó cho bà vợ của ông biết?
*
Cuộc đời ông Tư Bền, từ khi lớn lên đã sống trên mảnh đất này. Mảnh đất
mà cha mẹ để lại cho ông, hơn 10 mẫu ruộng. Thời cha mẹ ông còn sống, vùng đất
trên Đồng Tháp Mười chỉ có trồng lúa trời, tức là cái thứ lúa chạy nước. Hễ
đến mùa nước lên, cả cánh đồng mênh mông như biển. Nước lên đến đâu, lúa lên
tới đó. Đầu mùa mưa sạ lúa, đến cuối năm, khi gần Tết nước rút hết cũng là lúc
cắt lúa đem về.
Đến những năm sau “đồng khởi”, Mặt trận Giải phóng địa phương phát động
trồng tràm để có địa hình chống giặc. Ông thấy phải. Vì đất địa trống hoác làm
sao có chỗ để đóng quân, để làm căn cứ? Vậy là ông hưởng ứng trồng phân nửa
diện tích đất mình có, số còn lại trồng lúa để sống và để nuôi quân! Lớn lên,
nghe theo lời kêu gọi của non sông, ông vào du kích góp phần chống giặc. Mà
chống giặc cũng để giữ đất cho mình!
Chiến tranh ngày càng ác liệt hơn. Nhiều cánh rừng tràm của bà con lối xóm,
cũng như của gia đình ông bị bom Mỹ bắn cháy. Mà hễ cháy, người ta lại trồng
tràm. Cho nên quê hương ông dù bom đạn của kẻ thù có tàn phá ghê gớm, nhưng lúc
nào cũng có màu xanh làm căn cứ của Cách mạng.
Rồi ông Tư Bền có vợ, có con. Một gia đình trẻ bám trụ trên mảnh đất ấy
cùng với bà con đánh giặc. Khi giặc rút khỏi địa bàn, anh du kích trở về bên
ngôi nhà nhỏ có cô vợ hiền dịu và đứa con xinh xắn. Nhưng cuộc đời có lúc phải
trải qua những cơn bi kịch mà đâu ai đoán trước được? Một hôm, khi trời vừa
sáng, máy bay Mỹ mò lên bắn phá. Vợ và đứa con trai mới 4 tuổi đầu bị chết cùng
căn nhà cháy rụi trong trận bom ác nghiệt ấy. Một sự đau đớn tột cùng mà anh du
kích Tư Bền phải gánh chịu.
Nhờ bà con lối xóm giúp đỡ, ông chôn cất vợ con ngay trên mảnh đất này.
Mảnh đất đã mấy đời nuôi sống cả gia đình ông. Có rừng tràm che chở hai ngôi
mộ thân thương. Lúc không có giặc, ông trở về nơi ấy thăm lại “vợ, con”. Khi
trời đêm buông xuống, gió lay nhè nhẹ, mùi bông tràm thoang thoảng quấn lấy
ông, ông có cảm giác như người vợ hiền và đứa con đang hiện hữu đâu đây? Không
hiểu tại sao, ông đã sống trên mảnh đất đầy tràm mà ông chưa bao giờ để ý cái
mùi bông tràm? Đến bây giờ gần nửa đời người ông mới có cảm giác cái mùi
bông tràm ấy. Nó thân thương làm sao và cũng gần gũi làm sao! Khi nghe mùi bông
tràm, ông có cảm giác vợ con ông vẫn còn trên cõi đời này. Có những đêm, ông
giăng võng trên hai cây tràm bên cạnh mộ và tự nhủ không bao giờ muốn xa mảnh
đất thân yêu ấy!
Nhưng rồi ông Tư Bền cũng phải chia tay mảnh rừng tràm thân thương ấy để đi
bộ đội theo sự phân công của cấp trên. Ở bộ đội, ông Tư Bền đi đánh giặc nhiều
nơi, hết tỉnh này lại sang tỉnh nọ. Cuộc chiến đấu hết sức gian nan ấy đã cuốn
ông vào đời sống của một người lính. Nhưng lúc rảnh rang ông vẫn nhớ tới hai
ngôi mộ vợ con da diết. Ông lại suy nghĩ cuộc đời ông đâu còn gì để mất. Ông
tâm sự với đồng chí mình: “Tôi nghe tin cả làng xóm tôi bị giặc “cào” ra ấp
chiến lược hết rồi. Hai ngôi mộ vợ con tôi đâu còn ai dòm ngó? Nếu trong một
trận đánh nào đó, tôi có hy sinh cũng không còn ai khóc cả!”. Vì vậy, ông chiến
đấu rất hăng. Hăng cũng vì muốn giết được thật nhiều giặc để mau đem lại hòa bình
cho đất nước. Nhưng cũng có lúc hăng say để quên đi nỗi nhớ nhung khi mà vợ và
đứa con còn quá trẻ đã lìa khỏi cõi đời vì bom đạn giặc! Đã mấy lần bị thương.
Có lúc bị thương rất nặng, nhưng anh bộ đội Tư Bền vẫn sống và chiến đấu…
*
Cuộc chiến đấu cũng đến hồi kết thúc. Đất nước đã vui mừng chào đón ngày
độc lập. Khi ông Tư Bền mang nhiều thương tích trên cơ thể, được nghỉ mất sức
trở về trên mảnh đất của mình thì làng xóm cũ của ông còn tiêu điều lắm. Bà
con lối xóm cũng có về đây, nhưng còn ít quá! Có mấy anh cán bộ xã đã từng “bám
trụ” tới lui, han hỏi. Cánh rừng tràm bây giờ xơ xác quá, chỉ còn lại những
cành khô và cỏ mọc đầy. Điều đầu tiên là ông Tư Bền đến thăm lại hai ngôi mộ
thân thương mà lâu quá ông không có điều kiện chăm sóc. Ôi! Trời ơi. Trước mặt
ông chỉ là một hố bom sâu hoắm, cỏ mọc đầy. Nước mắt ông trào ra. Ông kêu lên:
“Ôi! Trời ơi! Vợ con tôi đâu rồi?”. Ông ngồi xuống bủn rủn tay chân. Trước mặt
ông bỗng nhiên tối sầm. Ông ngồi không vững nữa, phải dựa vào một gốc tràm khô
để lấy sức. Một hồi định thần lại, ông lết từng chút, từng chút nhổ từng gốc
cỏ trên hố bom. Ông nắm từng nắm đất vuốt vuốt, thoa thoa. Ông bóp nhè nhẹ, gỡ
từng miếng đất nhỏ xem coi xương cốt của vợ con ông có còn vương đâu trong đó?
Ông không đứng dậy, mà lần tới từng chút một, hễ thấy cục đất nào nhô lên mặt
đất là ông nhẹ nhàng cầm lên, xoa xoa, bóp bóp mặc dù trời tháng 5 nắng như đổ
lửa trên đầu! Những ngày sau đó, hàng ngày ông vẫn ra chỗ hố bom, vẫn làm
cái chuyện như vậy mong mỏi ngày nào đó ông sẽ tìm được dấu tích của vợ con
ông.
Ngày vợ con ông chết vì bom đạn Mỹ ông đã đau, nay lại đau hơn vì vợ con
ông lại bị bom… chết lần nữa. Nỗi đau quá lớn vì không còn mồ mả! Ông nghĩ
ngợi, vậy là xương cốt vợ con ông đã hóa vào đất, vào trong những vạt tràm này.
Cho nên, mặc dù tràm đã chết gần hết vì bom đạn, cây tràm khô nghiêng ngả mà
ông có cảm giác mùi bông tràm vẫn còn thoang thoảng đâu đây. Ông tưởng tượng
như hồi nào hai ngôi mộ còn đó vào những đêm ông ra đây để nghe “hơi thở” của
vợ con ông qua mùi bông tràm.
Ông Tư quyết định trồng lại tràm. Vì ông sợ để đất trống, khi mùa mưa
xuống, nước sẽ rửa trôi lớp đất mà trong đó có xương cốt của vợ con ông. Một
mình lầm lũi làm. Một mình nuốt nỗi đau như chưa từng nếm trải dù trước đó mấy
lần bị thương có khi tưởng như đã chết!
Cuộc sống rồi cũng sẽ qua đi theo từng bước tiến lên của đất nước. Rừng
tràm lên xanh đã che khuất đi cái vàng chóe, xác xơ của những ngày mới giải
phóng. Làng xóm đã có nhiều đổi thay, đồng ruộng cũng thay đổi, lúa lên xanh
trời Đồng Tháp. Ông Tư Bền cật lực làm ăn. Nhà cửa khang trang, tươm tất. Ông
nghĩ đến việc “phải đi bước nữa” chớ đâu lẽ âm thầm thương tiếc mà sống một
mình! Vậy là ông Tư Bền có một gia đình. Hơn 20 năm rồi. Ông cũng có hai đứa
con đang học đại học trên Tân An. Đã qua 3, 4 lượt bán tràm nên gia đình ông Tư
cũng thuộc hàng khá giả trên mảnh đất này.
*
Bà vợ sau của ông Tư cứ cằn nhằn mà thấy ông không suy suyển, bà chuyển
qua nhẹ nhàng, năn nỉ: “Ông ơi! Mùa mưa sắp tới rồi, bà con người ta phá tràm
sắp xong. Sao mình không chịu phá? Mai mốt mưa sao làm kịp?”.
Ông Tư Bền suy nghĩ mãi. Chẳng lẽ cứ để cái đau trong lòng mà không nói ra?
Và nếu nói ra vợ ông có thông cảm cho ông, hay là bà ấy vẫn quyết đòi phá tràm
trồng lúa?
Ông Tư Bền quyết định nói ra cái điều bí mật mà ông cố giữ mấy chục năm
nay. Vừa kể, ông vừa chờ đợi phản ứng của vợ. Nghe ông kể nỗi niềm của
mình xong, bà vợ ông Tư Bền bật kêu lên: “Trời ơi! Chuyện như vậy mà sao ông
giấu mẹ con tôi? Sao ông không nói sớm, để tôi còn chia sẻ với ông. Không nói
ra, ông có cái tội rất lớn… ông biết không? Mấy chục năm rồi, ông không thương
tiếc chị ấy. Ông nói ra, để còn cúng giỗ chị ấy chớ! Tội nghiệp chỉ và đứa nhỏ
quá!”.
Không biết vì bà nói nhiều quá, hay vì thương cho mẹ con người xấu số mà bà
như hụt hơi không nói thêm ra lời nào nữa? Và đến lúc này ông Tư Bền mới
bừng tỉnh. Thật bậy, vì sao lâu nay ông lại không nghĩ tới chuyện làm đám
giỗ cho vợ, cho con? Ông Tư Bền cảm thấy hối hận vô cùng. Vậy thì, hàng chục
năm trời nay vợ con ông “sống ra sao, ăn uống ra sao?”. Sao mình quá vô tình mà
bỏ bê vợ con đến như vậy…? Ông đang suy nghĩ tự trách mình, thì bà vợ lên
tiếng: “Bây giờ tôi tính với ông thế này. Ngay ngày mai, nói với bà con lối xóm
lại phụ đắp cho chị và đứa nhỏ hai ngôi mộ gió để mà chăm sóc. Con người ta
sống có cái nhà, chết phải có cái mồ. Thằng Mỹ nó ác, nó bắn bỏ, ta phải sửa
sang lại. Rồi còn phải làm giỗ mẹ con chị ấy nữa! Chuyện đó tôi lo”.
Ông Tư Bền cảm thấy mình có lỗi nên hối hận vô cùng. Nhưng khi nói ra
được điều thầm kín với bà vợ sau, ông như thoát được cái gánh nặng từ lâu
vẫn đeo bám ông. Ông không ngờ người vợ hiện nay ông tưởng bả khó tánh lại
thương ông, thông cảm cho ông đến vậy! Nhưng cái chuyện phá tràm làm lúa? Ông
vẫn áy náy tới mấy ngày sau mới hỏi bà: “Còn cái chuyện phá tràm…”. Ông chưa
nói dứt lời, bà vui vẻ: “Thôi! Cái chuyện đó bỏ qua. Tại ông hết. Phải nói sớm
thì tui đâu có cằn nhằn ông!”.
*
Bây giờ ông Tư Bền vẫn sống bên một gia đình hạnh phúc. Hai đứa con ngoan
ngoãn, học hành thành tài đang làm việc ở thành phố Tân An. Những lúc chiều
về, công việc đồng áng rảnh rang, ông bà chậm bước ra thăm hai ngôi mộ thân
thương trong đầy ắp mùi bông tràm…
Sau chuyến đi Đồng Tháp Mười, tháng 4-2010
Nguyễn Xuân Đỉnh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét