Tác giả Huỳnh Thị Nương cho ra đời tập thơ đầu
tay “Bên nỗi buồn đã cũ” (Nxb
Văn hóa – Văn Nghệ, 2018) khi bước vào lứa tuổi ngoài 30. Một độ tuổi vừa chín
cho những trải nghiệm. Nhà thơ Lê Thanh My viết ở “Lời giới thiệu”:
“Tập thơ sẽ đến cùng bạn đọc khi chị đã sẵn sàng
khai mở tâm thế cho một cuộc sống mới. Hy vọng chị sẽ chân cứng đá mềm để bước
tiếp con đường sáng tác, cùng với tương lai đang rộng mở”.
Đọc 81 tác phẩm, cảm xúc trong tôi không tan.
Nên xin được có đôi điều cảm nhận, chia sẻ cùng tác giả.
Chúng ta hãy cùng nghe Huỳnh Thị Nương tự nói về mình:
Tôi đã nghe đâu đó, như lời cảnh báo
Làm thân con gái mười hai bến nước, đục
chịu, trong nhờ...
Hồng nhan bạc phận
Mong sao đôi câu nói dân gian kia
Cũng chỉ là những câu hát ví von…
(Nghĩ
về thân con gái)
Ánh nhìn xa xăm về tương lai vẫn lóe tỏa nhiều
tia sáng hy vọng dù rất đỗi mong manh. Một ấn tượng đẹp về quan điểm sáng tác! Thử cùng suy
ngẫm về nhan đề tập thơ “Bên nỗi buồn
đã cũ”. Đó là gì? Một sự đồng quy, quán xuyến các thi phẩm trong quyển
sách này. Phải chăng vẫn còn canh cánh bên lòng những nỗi buồn. Nhưng đã được
xóa đi, cho nên mới có cụm từ “đã cũ”.
Nhan đề ấy như nói với bạn đọc: Hãy hiên ngang với tinh thần “nhập cuộc” mới –
Sống hòa nhập với chân trời mới sau “nỗi
buồn đã cũ”, tất cả là bước đệm vững chắc cho ngày mai sáng tươi, rực
rỡ.
Tác giả luôn ghi khắc hình ảnh người mẹ, với món nợ “cầm thư”. Trong bài thơ “Nợ mẹ lối về”, có thi pháp không gian
nghệ thuật và hình tượng người mẹ, là hai chất liệu tạo nguồn tứ thơ:
Con đường nghiêng nghiêng bóng nắng
Vương vãi lá vàng
...Ngày con đi, mẹ trầm tư
Trằn trọc suốt đêm
không ngủ
Hành trang mang theo –
mẹ gói gọn mấy lời:
Gắng học hành thỏa
khát vọng tương lai
Mặc con đường nhỏ. Chỉ
mẹ ngồi ngó mong...
Có hai “nhà giáo” đầu đời (cha, mẹ) đã tạo nên tâm hồn và phẩm tính văn
chương của tác giả. Với thể thơ năm chữ,
bóng dáng người Cha – hiện thân như một vị “Bồ Tát”:
Dáng cha nay gầy
Nhọc nhằn cha nào quản
Dắt con qua bão đời...
(Tình Cha)
Ngôn từ được chắc lọc thật tinh tế, tạo được sự
lắng đọng. Bài “Điệp khúc mùa” cũng vậy. Lời lẽ thật tha thiết, mượt mà trong
cách nói ẩn dụ:
Chút dư âm sót lại
Vắt víu man dại đâu
đây
…Mùa giấu gì vào hoa lá?
Chỉ biết là dấu hiệu của yêu
thương
...Vốn
dĩ mùa là dấu hiệu tuần hoàn
Ôm ấp sự kỳ diệu của
thiên nhiên
Dù mùa đã ngủ...
Tứ thơ hội đủ hai nhân tố không tách rời. Nét
gợi hình và gợi cảm được khắc họa vào bức tranh thời gian nghệ thuật: Đó là “vị
thần” thời gian luôn vẫn là một gã lạnh lùng: “Thời gian không ngoái cổ đợi chờ…”
(Ngày nắng tắt).
Với nhiều đề tài phong phú, nhiều sắc màu, đẹp
hơn vẫn là đề tài muôn thuở “Chuyện tình yêu”:
Tình yêu là gì mà ta rối rít đi tìm
Để phút si mê biến
thành chót lưỡi
Dại khờ, nông nỗi ôm
quá khứ xót xa
Buồn không em, bóng lẻ
đợi đêm về…
Một thoáng “si mê” đã khiến tâm hồn vật vờ, lãng
đãng và cũng không kém phần “lơ mơ” trong ảo giác của cõi mộng. Có bóng dáng
của các phương thức biểu đạt: Biểu cảm – miêu tả đan xen với nghị luận.
Nhà thơ Thế Lữ cũng đã từng nói đến:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Nghìn năm hồ dễ mấy ai
quên.
Đối với Huỳnh Thị Nương, cách tâm sự “rất Nam
Bộ”, thật nét:
Anh khẽ đến như lần
đầu hò hẹn
Nhớ vu vơ bên hiên lớp
những chiều.
Để một lần đợi hoài
chẳng thấy,
Nhốt buồn lên khóe mắt
rưng rưng…
(Phượng hồng ngày ấy)
Dù thế nào đi nữa, nhân vật trữ tình vẫn ý nhị
giữ chất lửa tình yêu và nét nhìn lạc quan:
Những bước chân phong
lưu
Phượt trên cánh đồng,
nực mùi cỏ dại
Giọt sương tan mộng,
long lanh
Mơ về một ngày sắc
vàng nở rộ
Đồng hoang ngát hương…
Và anh đến
Như ánh chớp trong đêm
Thắp lên ngàn lời tình
tự
(Nắng đồng hoang)
Thật yên ả, mềm mại trong lòng tin của cô gái
trẻ:
Phượng đã chín như má hồng thiếu nữ
Mong anh đến như lần
đầu hò hẹn
(Nốt trầm mùa hạ)
Để rồi...:
Mưa nghiêng đọng xuống
hồn con gái
Ôi lạc loài một nỗi
nhớ chơi vơi
Tác giả thật cô đơn, quạnh quẽ, chỉ còn lại “một
mảnh tình riêng” trong trẻo, ngậm ngùi… Để rồi… xếp lại “nỗi buồn đã cũ”.
Thơ Huỳnh Thị Nương đậm đặc chất văn chương. Tác
giả quan tâm đến tầng sâu nơi tâm khảm của những học trò gặp gia cảnh khó khăn,
như để chia sẻ:
Ngồi trong lớp, có đám học trò nghèo
Đứa da sạm đen, tóc
cháy vàng hoe
Đứa gầy nhom, hay khóc
đòi về...
Bút pháp tả thực, diễn đạt một cách rất gần gũi.
Mở cuộc hành trình đi tìm trái tim đồng cảm, chị
viết với mạch nguồn cảm xúc dịu êm, qua những câu thơ tự do:
Thời gian cất giữ quá nhiều dấu tích
Dù đi đâu, về đâu…
người con của quê luôn nhớ
Chiếc cầu tre, câu hát
ví dầu...
Làm sao quên, chiếc
roi thầy đánh khẽ
Thành bài học suốt đời...
Khi vấp ngã lại tự
biết đứng lên
(Nỗi nhớ mù khơi)
Ấn tượng khó phai trong tôi. Đó là cách dùng
ngôn từ biết ưu tư, cân nhắc, để nỗ lực viết ra những câu thơ đẹp và có ý nghĩa.
Tôi cảm nhận được bút pháp “nhãn tự” trong câu thơ. Đó là từ “phả” được sử dụng
trong hai bài thơ “Thoáng đồng bằng về núi” (1) và “Men xuân”(2) khi đón chào
sứ giả của Mùa Xuân trở về.
Về đêm, núi phả vào mặt người (1)
Xuân này, xuân của
nhân gian
Ướp hương trong ngàn
cánh mỏng
Phả vào thinh không
(2)
Trong các tác phẩm của chị, thỉnh thoảng lại bật
lên những thi ảnh đẹp, tạo thành “điểm sáng” của tác phẩm.
Bên cạnh những sáng tác trên, tác giả còn bộc lộ
cảm giác nao nao, hối hả cùng nhịp bước của Nữ thần mùa Xuân trong bài “Phà ơi”
(chắc phà vui vì chở niềm ấm no, sum họp…) hoặc bài thơ “Trông Tết” với bút
pháp tả thực mang tính tượng trưng: “Con nhớ ngày bóc tờ lịch cuối năm – Nôn
ghê lắm, tưởng xuân về ngoài ngõ”.
Nhìn chung, thơ Huỳnh Thị Nương đã tạo được tâm
thế “nhập cuộc” thật cẩn trọng. Thơ bàng bạc nỗi buồn, ngưng đọng trong từng
câu chữ, trong từng hoàn cảnh… để rồi… xa đi nỗi buồn đã cũ. Nhìn về phía trước
với viễn cảnh và niềm tin lạc quan, tươi sáng hơn.
Với
riêng tôi, thơ Huỳnh Thị Nương hứa hẹn nhiều triển vọng, sẽ góp thêm sự khởi
sắc cho dòng chảy văn chương trẻ tỉnh nhà. Một cây bút giàu nét biểu cảm, giàu
tư tưởng nhân văn, luôn giữ lửa và ao ước được truyền lửa...
Trần Quang Khanh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét