Đại văn hào người
Anh - Bernard Shaw đã có một nhận định thật sắc nét: “Trong vũ trụ có nhiều kỳ
quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất đó là trái tim Người Mẹ”.
Chúng ta chắc hẳn
vẫn còn nhớ câu danh ngôn bất hủ: “Một mẹ nuôi nổi mười con nhưng mười con
không nuôi nổi một mẹ”. Thế nhưng, đối với tôi có một cảm nhận, xem như một bản
khảo dị khác đó là: Một người mẹ hiểu nổi mười con nhưng mười con không hiểu nổi
một người mẹ. Con cái không thể nào đọc hết những suy tư ẩn kín bên trong tâm
trí của người cha, người mẹ của mình… để rồi… phải rơi vào những tấn bi kịch
đau đớn, khắc khoải chờ mong cơ hội để phân bày, để chuộc lỗi lầm vì quá hối tiếc.
Thời gian có cho chúng ta cơ hội đó bao giờ?
Có lẽ, cảm giác
hối tiếc trở nên muộn màng ấy cứ ray rứt, trăn trở mãi đã khiến cho nhà văn
Trương Chí Hùng cho ra đời “Trong sương thương má” (Tản văn, Nxb Kim Đồng –
2019).
Cảm hứng chủ đạo
khi mở cuộc xuất phát cho chuyến hành trình “lấy hồn mình để hiểu hồn người”, đó là ấn tượng về một nhan đề mang phẩm
tính văn chương. Có cảm xúc (thương má) và có cả yếu tố gợi hình của màu sương
cứ lẩn quẩn, loanh quanh trong ký ức (Trong sương). Như vậy, nhan đề đã hội đủ
ngoại diện và tinh thần đồng quy cho 19 tác phẩm của tập sách.
Giọng văn đậm đà
nét miền Tây Nam Bộ, hòa quyện với những từ ngữ đậm đặc chất bản xứ. Đọc “Những
nghề hạ bạc”, ắt hẳn độc giả đã thấy
rõ nét riêng của ngòi bút Trương Chí Hùng. Cụm từ “tháng nước” hay “mùa nước nổi”;
“có năm trễ”; hoặc giải nghĩa cụm từ “ví bồ” là gì?; “Dớn” ? “câu cá lóc, cá
trê thì dân quê tôi rành sáu câu vọng cổ”... Những người vùng miền ngoài sẽ được
làm mới với những từ ngữ địa phương của vùng biên giới An Giang.
Đọc – hiểu việc
đánh bắt thủy sản ở vùng sông nước ao hồ quả thật - “Nghề chơi cũng lắm công
phu”. Để biết được những cách thức nghề của “Rợ” mò cua bắt ốc, đăng dó chài lưới,
đặt lờ đặt lọp, kỹ năng bắt chuột… chắc hẳn phải là kỳ công hết sức gian nan của
nhà văn điền dã Trương Chí Hùng. Có vốn sống và trải nghiệm thực tế, tác giả mới
thấy thú vị trong “nghề nhấp ếch”. Cách kể - thuật trong phương thức thuyết
minh kết hợp với tự sự và miêu tả: “Ông Năm dạy cách xử lý khi ếch ăn mồi và
chuột rắn hay cá lóc ăn mồi”. Độc đáo hơn có những đoạn như biên khảo, lý giải với
chiều sâu nghiên cứu “Ông Tà Bà Cậu ngụ ý nói về điều gì ở người Khmer?”
Những hình ảnh
mang sắc màu Nam Bộ được tác giả tái hiện như “thả xuồng xuôi dòng nước mênh
mông”. Đó là nỗi cô độc về quê, như phân bày với bạn đọc: “…đến mùa nước nổi,
tôi thích nhất là được… bơi xuồng đi bẻ cà na, đi câu cá, hay đi hái điên điển,
rau muống… Tháng nước mà, ở nhà buồn chết!”
Cái hay của tác
giả ở chỗ phối hợp trong việc kể - thuật (tự sự), với yếu tố biểu cảm qua hình
thức độc thoại nội tâm, có đậm phương thức nghị luận: “Tôi muốn tìm lại những
hình ảnh thân thuộc trước kia. Nhưng hôm nay đồng quê sao vắng vẻ… Chiếc xuồng
của tôi dường như lạc lõng giữa biển nước bao la”. Với bút pháp đối lập, tạo
nên nỗi cô đơn quạnh quẽ, lạc lõng của nhân vật “tôi” với cả một vùng biển nước
mênh mông. Tác giả cảm thấy mình quá nhỏ bé như tuổi ấu thơ ngày nào, nhưng sao
quá đỗi cô liêu và quạnh vắng. Một nỗi niềm tiếc nuối trong đêm, “một mình tôi
thả xuồng xuôi theo dòng nước mênh mông”. Những cảnh vật xưa nay còn đâu! Xuồng
ghe, câu lưới, những cố nhân… chắc đã đi xa biền biệt - với khẩu ngữ dân dã Nam
Bộ.
Cách dẫn dắt bạn
đọc vào chuyện kể cũng rất nhẹ nhàng và khéo léo: “Mỗi năm, khi cơn gió Nam đưa
nước lớn về, cánh đồng tôi lại trổ vàng bông điên điển… cứ việc hái rổ bông
vàng tươi vô nấu canh chua cá lóc là tôi khoái.” (Khúc ca trên sông vắng)
Đọc Trương Chí
Hùng, ai ai cũng bị cuốn hút về một vùng trời bình yên xa thẳm của hồi ức. Đong
đầy những kỷ niệm như sống lại trong tâm trí biết bao độc giả từng rơi vào tình
cảnh ấy. Chi tiết thật cảm động: “Má… đong mấy lon gạo về nấu cơm. Mà cũng
không quên mua cho tôi một cái bánh in, bánh da lợn hay vài cục kẹo… Cả nhà tôi
lại quây quần bên bữa cơm chiều đạm bạc… trong căn nhà chật hẹp nhìn nhau ngao
ngán. Lon gạo cuối cùng cũng nấu hết. Cả nhà lại ăn độn rau muống, bông súng trừ
cơm…”
Đức hy sinh tảo
tần của người mẹ kiếm sống trên mạn thuyền như nỗi ám ảnh ăn sâu vào tiềm thức
của nhân vật “tôi”… Để rồi... cố tìm lại một thoáng ấn tượng đậm đà không thể
nào quên được. Chúng ta hãy cùng chia sẻ với nỗi đau đớn, dằn vặt của nhân vật
trữ tình. Đó là dòng hồi tưởng miên man, thấm đẫm giọt lệ cho ngàn sau: “Lâu lắm
rồi tôi không còn được nghe tiếng rao của má văng vẳng cả một khúc sông quê. Và
mãi mãi, tiếng rao ấy chỉ còn trong ký ức. Ngày má về trời, mưa rơi trắng cả một
dòng sông…”
Xúc động ngày
càng mạnh hơn và tuôn trào lên trên đỉnh điểm, như niềm đồng cảm cùng người cha
của Trương Chí Hùng: “Quanh ngôi mộ má tôi, ba cũng trồng mấy hàng điên điển.
Có lẽ ba không muốn sóng vỗ làm má trở giấc”.
Cách chọn lọc từ
láy giàu sức biểu lộ cảm xúc và giàu chất trữ tình - “đua nhau nở hoa vàng rưng
rức”, “ngao ngán”,“xốn xang”... Ngọn
lửa tình cảm ấy thật ấm áp, êm ái vô cùng. Một ngọn lửa từ trái tim đi đến trái
tim đồng điệu. Không có trái tim và khối óc giàu tình, nặng nghĩa thì nhà văn
Trương Chí Hùng không thể có những trang viết ru hồn người và truyền cảm đến
như vậy! Chính vì tấm lòng hết sức chân thật và cũng hết sức khổ tâm cho nên một
người con mới đọc được cảm nhận của một người cha.
Có thể cảm nhận
“Những hàng điên điển ấy được ba tôi trồng” rằng: Cứ mỗi lần nhìn những đóa hoa vàng rực ấy hình ảnh người mẹ chợt
hiện về như một con người bằng xương bằng thịt, đôi tay gầy thanh thoát duỗi
đưa nhịp chèo đồng điệu cùng con - “Tôi nghe như tiếng rao của má lanh lảnh đâu
đây”.Một nghề lương thiện và trong
sáng quá đỗi! Cao quý quá! Chẳng hèn mọn bao giờ. Có chăng trong đời này chỉ có
người hèn mọn mà thôi!
Hầu hết các tác
phẩm của Trương Chí Hùng đều có nét tinh tế, nhuần nhuyễn trong việc sắp xếp bố
cục thật cân đối, hài hòa. Đặc biệt, thâu tóm tất cả được dẫn về với cảm xúc thật
đẹp, lắng đọng lại khi kết thúc tác phẩm: “Thèm cái không gian yên ắng và một
câu vọng cổ biết chừng nào!” (Thả xuồng xuôi dòng nước mênh mông).
“Bất giác, tôi
nghe như tiếng rao của má còn lanh lảnh đâu đây” (Khúc ca trên sông vắng)
Hoặc kết thúc bằng
phương thức nghị luận, giàu triết lý nhân sinh: “Đất không chỉ quý giá như bạc
vàng mà còn hơn thế nữa. Bởi đất rất thiêng liêng.”
Nâng lên tầm cao
hơn, với tư tưởng nhân văn, một sự chia sẻ với dụng ý khẳng định: Hãy quý trọng
những ngày sống bên cha mẹ. “Mỗi người chúng ta không có nhiều cái Tết bên cha,
bên mẹ!”- Đừng để bỏ lỡ những thời khắc
quý giá ấy. Bởi lẽ trong đời thường đến khi mất mát mới thấy quý giá. Lúc có,
xem chẳng có gì!
Chúng ta cũng
dõi theo từng cảm xúc khẽ khàng của Trương Chí Hùng trong cuộc
hành trình lắng đọng, biết bao kỷ niệm trong một chuyến về quê...
Cảm quan thật
tinh tế, tác giả đã mô tả cảnh vật như bức tranh sống động có hồn. Có điểm nhấn
mấu chốt, gửi trong câu chữ độc thoại nội tâm. Đó là lời tâm sự thì thầm “của
nhân vật “tôi”: “Tôi muốn tìm lại những hình ảnh thân thuộc trước kia…”
Theo tôi – tác
phẩm Trương Chí Hùng vượt thoát lên trên cả đó là “Trong sương thương má”. Ở
đây, chúng ta sẽ gặp những dòng viết thật rung cảm nhè nhẹ của một nỗi niềm chấp
chới, hụt hẫng. Với lối vào đề trực khởi: “Hôm nay giỗ má” thật trơn thơm đến lạ,
rất đỗi tự nhiên.
Ngưng đọng nơi tâm
tư là dòng hồi tưởng cho những chuỗi ngày cũ kỹ ngổn ngang. Không gian, hình ảnh
chiếc cầu Hoàng Diệu – nhân chứng sống cho việc “phóng xuống cõng má vào phòng
cấp cứu …”. Thế mà người mẹ ấy quên bẵng đi bản thân mình tự lúc nào chẳng hay.
Người mẹ như khỏe hẳn lại khi gặp nhân vật “tôi”: “Tổ cha mày nhậu hoài! Rồi má
cười”. Nụ cười thật đẹp trong cơn nguy kịch… Một kỳ quan tuyệt phẩm của trần đời!
Hình ảnh đơn giản
có vậy thôi nhưng đã khiến tôi nao lòng, khóe mắt bỗng rưng rưng… Bút lực của
Chí Hùng khiến tôi như có một cái gì đó lạo rạo trong lòng!
“Thú thật lúc đó
chỉ muốn khóc thật lớn nhưng không khóc được. Mình nói con tới thăm má nè má
ơi! Má mở mắt thật chậm, rồi nhắm mắt lại, thở nặng nhọc… nước mắt má chảy dài.
Mình nói thôi niệm Phật đi má ơi. Má nói muốn về nhà”. Với cách dẫn, thu gọn
các lời thoại đầy cảm xúc. Những con chữ như được phả hồn vào đó. Ai đã đọc qua
tình tiết đó chắc không thể kìm nén được nỗi xúc động mạnh.
Hãy nghe cách thổ
lộ qua bút pháp độc thoại nội tâm thật chơn chất: “Lúc nào má cũng nói má không
sao đừng có về, ảnh hưởng đến công việc. Sau này, ba mình cũng nói y vậy,
thương nhói lòng”. Cách diễn đạt “rất Nam Bộ”, chi tiết tưởng nhớ về món bún thịt
xào má làm... ngon lạ lùng.
Tôi cảm thương về
chữ hiếu của tác giả. Nhà văn Trương Chí Hùng đã cho chúng ta một định nghĩa của
chính anh về lòng hiếu kính. Đó là sự chăm sóc, lo lắng ân cần từng li từng tí,
nhất cử nhất động trong tâm tư của người mẹ - “…Mình mừng quá, liền hỏi má ăn
cháo nhé, con đút cháo cho má. Má nói ăn. Đút cháo xong nói má ăn nho nha, con
lấy nước cho má. Má nói uống. Mình mừng hết lớn…!”
Thật vô cùng cảm
động!
Đọc đến đây, tôi
rất quý Trương Chí Hùng. Lần cuối anh gặp mẹ: “Con về rồi nè má ơi. Má gượng mở
mắt ra… nhưng nói không thành tiếng, tay má siết chặt tay mình, rồi má nằm nhắm
mắt…”. Cách tả chân thật, yếu tố biểu cảm đan xen tự sự dường như lan tỏa rộng
khắp không còn biên giới. Một nỗi mất mát quá lớn. “Chiều hôm đó… khúc sông sau
nhà trắng xóa như sương phủ… buồn tận tâm can”.
Tôi đồng cảm với
nỗi đau của một đứa con bước vào sự già cỗi, khô quạnh từ dạo ấy...!
Lời phân trần thật
đau đớn, “cả đời má khổ sở, nhịn từng cái ăn cái mặc để lo cho con cái… Má mình
không biết chữ… cứ một mực kêu mình về nhà dạy tiểu học”. Đọc Thánh Khổng, tôi
mới cảm hiểu được “Thần hôn cam chỉ”, sớm thăm tối viếng định an giấc ngủ mỗi ngày.
Một đứa con bất hiếu... khi đã sống xa cha mẹ. Dẫu sao nhân vật “mình” ấy cũng
đã một thoáng nghĩ không lệch. Đã đọc được từng nếp ngăn trong tim óc của người
mẹ.
Tôi mến mộ nhất
cách hành văn mạch lạc, khúc chiết, gãy gọn của tác giả Trương Chí Hùng. Tôi có
cảm giác như anh viết cực nhanh. Những nét phóng bút tốc độ cực cao. Về ngữ
pháp, cách diễn đạt thật chỉn chu, sắp xếp ý tưởng trình bày trong một đoạn văn
liền mạch với nhau. Đặc biệt, bố cục rõ và vô cùng chặt chẽ cái kết của mỗi
truyện thật nhẹ nhàng. “Trong sương thương má” chúng ta gặp hình tượng đẹp của
người mẹ được đan cài bên trong phương thức độc thoại có pha chút sắc màu triết
lý: “Biết đâu, trong cuộc đời… thế giới ảo lắm xô bồ này, có ai đó sẽ còn má, sẽ
ghé qua”.
Trong “Bữa nay
có tôm ngon lắm” kết truyện lại là một lời khấn: “Ba ơi, má ơi vể ăn cơm với
con nè. Bữa nay có tôm ngon lắm! Khấn xong nước mắt chực trào ra”. Đâu đó trong
chúng ta đã thấy mình trong tâm cảm của Trương Chí Hùng. Nói chuyện với người
dưới mộ. Một ân tình chân thật khi tâm đủ chân thành…
Đến “Thương cây
lúa chét”, chúng ta lại gặp một nỗi niềm hối tiếc về một ký ức xưa đã không còn
nữa. Trong “Sân khấu ấu thơ”, tác giả
lại tô đậm hơn bức tranh tâm cảnh ấy: “Mê nhất trò đóng cải lương trên cái đập
dưới chân cầu ở Vàm rạch Trà Bông”. Sân khấu thiên nhiên tọa lạc trên cái đập
dùng để ngăn nước đổ tràn về từ sông lớn. Đoàn hát ấy nay đã về đâu?
Phải chăng đó là
tiền đề, là điểm tựa để phát triển tài năng đạo diễn của thầy giáo Trương Chí
Hùng trong nghệ thuật truyền cảm hứng dưới mái nhà Đại học.
Đọc văn Trương
Chí Hùng, bỗng xuất hiện những nét nhẹ nhàng, hóm hỉnh, ý vị cuốn hút độc giả.
Làm bật nụ cười khẽ khàng, lịm ngọt. Yếu tố hài hước ấy đã giúp anh vượt qua mọi
trở lực nghiệt ngã và đưa bạn đọc đến với tập sách dày 145 trang, cảm thấy như
được thư giãn – thả hồn thư thả và lắng đọng. Mời bạn hãy đến với “Đón Thầy” để
cảm với nhân vật Lâm mập, nhờ cơ duyên của bà Tư cho heo ăn tạo nên tiếng “éc”
khiến chàng Lâm ấy đọc được chữ “e… cờ… éc”
xua tan mau nỗi cáu bẩn trong Thầy (dạy lớp Hai).
Tập tản văn có
những dòng tản mạn lãng đãng, phiêu du, bồng bềnh bên trong con tim người mẹ
trên dòng trôi, sóng sánh giọt nắng tươi vàng như vầng hào quang, che dưỡng sức
sống cho biết bao người trong tổ ấm nặng nghĩa nặng tình. Những người miền Tây
nếm trải bao nỗi chìm trôi và xuôi chảy. Bỗng lênh đênh “ba chìm, bảy nổi” lận
đận, rong ruổi biệt xứ không chỉ một hai lần. Với “những điều trông thấy mà đau
đớn lòng” (Tố Như), tác giả Trương Chí Hùng cảm thấu cùng nỗi đau đớn, xót thương
cho số phận của những nhà nông lam lũ, khó nhọc phải sống kiếp tha hương cầu thực,
vô cùng vất vả.
Dù vật đổi sao dời,
ngòi bút Trương Chí Hùng vẫn hướng về những nét đẹp về con người và tạo vật
thiên nhiên đồng quê trong mùa nước nổi với bút pháp tả thực có sức khái quát cao
về những điều tốt đẹp của vùng đất miền Tây Nam Bộ.
Tác giả Trương
Chí Hùng nhận định: “Miền Tây vẫn đọng lại trong tôi biết bao điều tốt đẹp. Cái
đẹp của tình đất tình người” (TCH).
Có thể nói, sau
khi đọc tản văn của Trương Chí Hùng, chúng ta như được sống cùng với tác giả, cảm
thấy mình là người bạn thân thiết với tác giả, được hòa nhập cùng các nhân vật,
các tình tiết, hình ảnh, người đọc ngỡ như được sống trong dòng hồi ức đẹp, thấm
đậm chất thi vị của tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý của nhân vật trữ tình:
Trương Chí Hùng – một ngòi bút có nhân tâm chân thành.
Đó chính là cảm
xúc mãnh liệt, tràn đầy về tình cảm gia đình, về tình quê hương sâu nặng. Phải
chăng mạch nguồn cảm xúc cũng là cảm hứng chủ đạo khơi gợi vai trò “lưu giữ những
giá trị thiêng liêng của một miền sông nước đang đứng trước bao biến thiên thời
cuộc” (Trương Chí Hùng). Mạch cảm xúc trong dòng chảy miên man của những tản
văn, đoản văn đã ghi lại ký ức về một
giòng sông quê “mùa nước nổi”. Trên một
khoảnh khắc của cuộc hành trình tìm trái tim đồng cảm, tác giả đã gặp nhạc phẩm
“Trở về dòng sông tuổi thơ” (Hoàng Hiệp)
Phải
chăng tác giả đang đồng hành với chúng ta gìn giữ bản sắc dân tộc qua những
trang viết chân mộc, dung dị. “Thèm nghe một câu vọng cổ” là cảm xúc hoài niệm
dĩ vãng – Một tâm trạng hoài cổ mà ai ai cũng muốn ao ước được: “Trở về dòng sông tuổi thơ”.
Đọc
Trương Chí Hùng, tôi cảm thấy quý mến, trân trọng anh không những ở tài hoa đa
năng, sáng tác nhiều thể loại đa dạng, có giá trị mà còn ở cách hành xử kiên định
theo đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn” bao
trùm các sáng tác của anh với dòng cảm xúc đậm đà và tha thiết:
“Cây có cội mới nở nhành xanh ngọn
Sông có nguồn mới bể rộng sông sâu”
(Ca dao)
Tóm lại,
đọc văn của Trương Chí Hùng chúng ta sẽ thấy những gì thân thiết nhất của tuổi
thơ đều có sức bừng tỏa, nâng đỡ chúng ta suốt cả cuộc đời. Tình yêu thương và
lòng biết ơn là một biểu hiện của tình cảm gắn bó với gia đình, quê hương và đó
cũng là khởi đầu của tình người, tình yêu quê hương xứ sở. Bông điên điển là
quê hương nguồn cội của nhà văn. Mẹ
cũng là quê hương...
Trần Quang Khanh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét