Người tôi – sau một thoáng bồng bềnh, ngao du
cùng những người thơ, người văn – được tiếp xúc qua những trang viết, những cuộc
mạn đàm với họ; những người đồng cảm, cùng nguồn say mê hầu như đều có cá tính
đặc biệt, độc đáo và lạ lẫm bởi ai cũng là trí tuệ, tinh hoa cả. Ai cũng có góc
khuất riêng. Có thể nói bao tâm tư và chất chứa quá nặng, cần phải “rơi vào”
nghiệp viết để phân bày, để chia sẻ… Để khi đọc, các bạn văn lẫn tác giả đều
như được buông xả và trút bớt cái gánh nặng của bao phiền não, u ẩn… Sau một
thoáng hạnh phúc ấy, tôi cảm thấy văn chương, cần tránh cái nhìn cực đoan và
người cầm bút cần luôn “nhập cuộc” theo hơi hướng mới và những trang viết đậm lòng trắc ẩn.
Cây bút trẻ Lâm
Long Hồ đã theo định hướng ấy nên phải chăng đã được nhiều người biết đến qua
những vần thơ haiku đoạt giải? Có những loài hoa không tên nhưng lại đẹp vô
cùng!
Cầm chùm thơ haiku
trong tay tôi, 10 bài đánh số, chẳng có nhan đề gì cả. Trước đây Vũ Thành An – chàng
nhạc sĩ tài hoa đạo Công giáo, cũng đã có nhiều bài “Không tên” chắc sẽ sống
mãi với thời gian và lịch sử âm nhạc. Còn chùm thơ Long Hồ thì sao? Có các bài
thơ nào ấn tượng?
Đọc chữ nghĩa
thường thì phải lưu trang tâm cuối. Ở đây bài thơ cuối của chùm thơ – thiết nghĩ – cần được nói lên đầu tiên. Đây
cũng là bài thơ mang về cho anh Giải Nhất cuộc thi Thơ Haiku Việt – Nhật (do
Lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức).
“Cà
phê ngày Tình nhân
Hai
màn hình điện thoại
Chiếu
sáng hai mặt người”
Thời đại công
nghệ thông tin tân kỳ, 4.0 cứ thế! Cuộc đời cứ thế! Cứ sống ảo... Có khi Facebook
ảo diệu xa xôi kia tạo chia sẻ, lại là “liều thuốc bổ” mà người cận kề lại
không chia sẻ được. Lời dẫn chúng ta vào đề khi bắt gặp cả thế giới trong không
gian thực: Hình ảnh đối sánh độc đáo “hai
màn hình điện thoại”, trong cảnh huống của mạch nguồn cảm xúc dâng đầy “Cà-phê ngày Tình nhân”. Vì sao có hiện
tượng này? Do anh hay do em. Chữ “tình”
đã khiến biết bao người đều phải lụy. Ngày Tình nhân – ngày ấn tượng của tuổi
trẻ, của một kiếp người. Có người luôn nhớ về ngày mà họ đến được bên nhau. Thật
êm đềm và ấm áp!
Với bút pháp tả
thực, hiện trạng hững hờ được tái hiện. Đó là hình ảnh chúng ta thường gặp
trong các quán cà phê. Mỗi người điện thoại cầm tay – đúng nghĩa. Cái vô tuyến,
truyền hình thu nhỏ đã trở thành người bạn luôn kề cận, cạnh bên kể cả ăn ngủ.
Vô hình chung,
quy kết lại là đáp số mà Lâm Long Hồ đã đặt ra ở đây. Hình ảnh “chiếu sáng hai
mặt người” cái tỏa sáng hiển hiện rõ ngoại
diện thật của hai con người. - Một sự
hòa tan vào thế giới ảo.
Tứ thơ trên có
cái gì đó chưa ổn trong đời sống hiện tại của thế hệ trẻ và bộ phận một số người
chưa sống thật với đời.
Giả thiệt thiệt
giả lẫn lộn. Thật vô cùng khó khi cho ra thẩm định chuẩn.
Đi xa hơn đó là
những màn kịch, những thước phim mà nhân vật nào diễn xuất nhập vai sẽ thăng tiến
trên đường danh lợi, đua tranh oan nghiệt. Sẽ có trí trá và giảo hoạt, choài đạp
lên nhau. Tất cả vì miếng cơm manh áo hay vì quý danh để đời? Sao thấy tội cho chúng
ta quá!
Trong câu thơ cuối,
nổi bật điểm sáng với hình ảnh thay cho lời lý giải căn cơ: Vì mỗi người bận ôm
người bạn ảo của mình, con người dần
dần sẽ đi vào lối mòn vô cảm và sẽ thiếu quan tâm nhau hơn. Mà lẽ ra trong ngày
này cần hơn hết những điểm son rạng rỡ, vun bồi hạnh phúc cho nhau. Để xoa dịu
nỗi cô đơn, quạnh quẽ.
Bản thân bài thơ
mang một bi kịch trớ trêu và nghịch lý vô cùng. Con người có đôi lúc đã đi lầm
đường chỉ vì bị cuốn hút bởi một mê lực nào đó mà ta chưa rứt bỏ được hoặc thậm
chí là chưa cảm nhận được. Cũng có thể là một bóng hình nào đó hợp nhãn và tương thông tâm ý. Cũng có thể vì say
sưa cảm giác trong men rượu hay đắm chìm đứt thắng, buông tay vì ma lực đỏ đen
mà quên đi người thân quan trọng trong tổ ấm của mình. Kể cả niềm đam mê vào một
loại hình nghệ thuật nào đó...
Ngược dòng thời
điểm, quay lại bài thơ không tên đầu tiên: “Vết
sơn trắng hình người / nằm lặng thinh / giữa đường đời vô minh”. Tứ thơ thật
ám gợi và cũng rất chặt chẽ trong kết cấu: Mở – thân – kết. Hình tượng vết sơn
vững chãi, kiên định có sắc trắng vốn mang bản ngã chân thiện của con người nay
đành rơi vào cảnh huống cô tịch lặng thầm: “Nằm
lặng thinh”. Trong khi trên vạn nẻo đường đời, ta từng mở các cuộc hành
trình tìm nét tao nhã mượt mà của văn thơ, của những nét lịch lãm từng trải, tế
nhị và khiêm cung cần có của những người vương mang, nặng nợ với nghiệp thi
văn. Giữa đường đời chưa cao khiết, chưa được sự trong trẻo của làn trí tuệ soi
sáng. Cho nên mới có từ “vô minh”. Tại sao không là diệu minh? Và
chính vì cái lẽ vô minh đó nên đã có
những sự đối đầu giữa các vì sao (hay có thể hiểu là các đấng “tinh hoa”). Ngày
xưa, ai cũng nhớ cuộc đối đầu giữa hai ngôi sao sống vào thế kỷ XV, XVI – hai
nhà hội họa, điêu khắc gia - Michellangelo và Leonardo Da Vinci. Một sự tranh
hơn thua trong sáng (cũng như nhiều văn nghệ sĩ tài hoa giữa chiều dài lịch sử)
để dâng cho đời những tác phẩm hay, xua tan những buồn phiền đau đớn của biết
bao người, định hướng nhân cách, khai mở tâm hồn, trí tuệ cho cộng đồng. Kể cả
những người đang sống trong kiếp tu thân tại gia hoặc tu sĩ theo đạo chính thống…
Và cũng chính vì cái lẽ vô minh đó cần
soi rọi lại mình qua những trang viết đầy tư tưởng nhân văn cao cả. Những trang
viết đề cao tính giáo dục, khởi xướng sự hữu ái, nhân văn trên ý niệm xây dựng,
sửa đổi đầy thiện ý (chứ không phải là sự đố kỵ, hẹp hòi).
Cũng chính từ
cái lẽ vô minh đó nên đã phát sinh những
dòng máu chảy. Nạn nhân của sự hủy diệt do chiến tranh phi nghĩa của bài thơ số
6:
“Trẻ
con Ba Chúc cười
hát
đồng dao
bên
xương người”.
“Trẻ con” là biểu tượng cho đời sau đã biết
quên đi những gì thuộc về quá khứ: Có phải một sự hồi sinh? Hay chỉ ngẫm suy về
một thế hệ tiếp nối ra đời. Hình ảnh sống động, rộn ràng - “trẻ con” vô tư “cười” rồi “hát”, thật vui
vẻ, sảng khoái bên nhau. Có điều, cảnh huống thật nghiệt ngã: Bên những dấu
tích lịch sử mà cả thế giới phải rùng mình ta thán trước hành vi dã man, tàn độc.
Đó là dấu tích của một thời đạn bom tàn khốc, của những kẻ truy sát, đuổi cùng
diệt tận hơn 3157 người với mưu đồ “diệt
chủng” tại xã Ba Chúc- huyện Tri Tôn- An Giang (qua 11 ngày thảm sát từ
18/04/1978 đến ngày 30/04/1978).
Những trẻ thơ
này có thể biết ông bà mình đã từng bị thảm sát vì bọn người “Pôn-pốt Iêng-Sa-Ry”đã mất hết tính người?
Tất cả... Vì đâu? Thế hệ chúng ta hiện nay đang sống và thụ hưởng cảnh đất nước
hòa bình, an lạc. Đã qua rồi những chuỗi ngày thống khổ của một thời chiến binh,
hỗn loạn …Tác giả như ngầm nhắc thái độ sống ân
nghĩa đối vơi các chiến sĩ đã hy sinh sau cuộc chiến (kể cả đời sau của họ). Trẻ thơ nhờ đâu được vui hát? Chúng ta cũng vậy thôi… Thế hệ trẻ từ sau năm 1975 đã chung vui trong những cái Tết độc lập – hạnh
phúc.
Bài số 3 lại dẫn
đến thêm một câu chuyện khác:
“Cô gái selfie
Bên nhánh cây khô
Nở đầy hoa mai vải”.
Bức tranh quê hương
thanh bình, đã và đang phát triển trên nhiều lãnh vực. Thật hồn nhiên “tự sướng” trong chức năng tân kì, hiện đại
của công nghệ thông tin. Chụp ảnh bằng điện thoại… Thế nhưng… con người lại sa
đà, đắm đuối trong ảo giác. Minh chứng hùng hồn cho tứ thơ mở, là đánh đổ sự cuốn
hút của những nhánh mai vàng rực rỡ nay còn đâu. Ôi! Một thời đã qua? Chỉ còn lại
“nhánh cây khô”, lại lên ngôi trong bức
ảnh thời đại mới.
Có điều nhánh cây
khô ấy được nhân cách hóa lên, đã được khoác một chiếc áo mới của một con người
mới – Con người thẩm mỹ. Như vậy, cũ và mới song hành. Nhưng cái cũ lại cần phải
chọn lọc cẩn trọng trước khi được kế thừa, cải biên và nâng lên cấp độ mới.
Từ chất liệu của vải,
của kỹ năng phối màu… Từ một vật thể không hương cũng chẳng có sắc. Tất cả đều
là ảo, là giả… Nay lại được sinh tồn và nhờ biến thể, sáng tạo, nó được ở vị
trí trung tâm của nghệ thuật thẩm mỹ. Cái giả đã vượt trội, đã vào vị thế cao
hơn cái thật. Như con người chúng ta vậy, vật thể đó chắc gì tồn tại mãi mãi?
Ranh giới thật
mong manh.
Thế nên các bậc
hiền triết đã từng cho con người chỉ là lữ khách dừng chân, tá túc nơi quán trọ
mà quả địa cầu của chúng ta là khách sạn, là nhà trọ, là bến dừng… Tất cả sinh
vật trong hành tinh cầu này đều phải tuân lệnh thời gian...
Còn những nhành
mai thắm bất tử kia? Ta sẽ chợt nhận ra những cái giả sẽ sống dài hơn các cội
mai vàng chỉ rộn ràng được một thoáng mùa Xuân mà thôi! Có trường cửu bao giờ?
Những cội mai già chắc gì đã sống dai, sống bằng những nhánh mai khô – nụ hoa
giả. Dòng đời luôn đồng hành cùng thật ảo. Loài người chuộng cái nào hơn? Chẳng
ai muốn người khác nói hạn chế thật về mình cho dù là tinh thần xây dựng để được
phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần thấy được vai trò tích cực của cái ảo, cái dối
trá, cái dóc láo- có những trường hợp lại là những nghĩa cử đẹp và là tấm gương
phản chiếu, được xem là mấu chốt của sự bình an tâm hồn.
Tóm lại, qua vài
tác phẩm tiêu biểu của Lâm Long Hồ đã gửi đến bức thông điệp gì? Trong kiếp phù
sinh này, giả thiệt - thiệt giả thật khó lường được. Có những con người choàng
lớp áo đời danh lợi phù phiếm mà đánh mất tình cảm chân thật – quên đi con người
chân thật của mình. Bên cạnh đó, có những cái ảo rất thật. Bởi xuất phát từ tấm
lòng, từ ý thiện. Chỉ vì họ muốn sự an lành – thanh thản của tâm hồn, chỉ vì họ
không muốn xảy ra xung đột đau lòng để rồi khó có thể nhìn mặt nhau được nữa.
Nói gì thì nói chắc có lẽ bạn đọc sẽ phải thừa nhận: Đến một lúc nào đó cái ảo
cũng sẽ lại là chất liệu phơi bày, làm rơi cái mặt nạ dã tâm (giả tâm). Tất nhiên sự giả tạm, khách
sáo ấy đa phần có được từ trí trá và thủ đoạn tinh xảo. Vì lẽ đó, vị thần thời
gian luôn sống đời chỉ để lưu giữ sự chân thành của những ai có đức và có tâm.
Theo tôi nghĩ – sự chân thực cũng sẽ ru hồn tất cả. Hết lòng chân thực sẽ có
lay động tim óc cao. Nơi đâu có chữ “chân”
nơi đó có hạnh phúc thật sự. Chữ “chân”
bao giờ cũng là chân lý, là tâm điểm của tất cả. Còn sự giả tạm, dối trá sẽ dẫn
đến mù quáng và tự phơi trần chân tướng. Trong văn chương, có những điều ảo phi
lý lạ lẫm được chào đời từ suy xét chín mùi để tạo nên sự thật của chân lý được
viết bằng con tim và khối óc.
Chân thật hay giả
trá đều là thước đo cho muôn vàn lý sự nan giải trong cuộc đời này, mà lòng yêu
thương là đáp số.
Trần
Quang Khanh
CHÙM
THƠ HAIKU – LÂM LONG HỒ:
1.
Vết sơn trắng
hình người
nằm lặng thinh
giữa đường đời
vô minh
2.
Xuân
phập phồng
giữa hai chiếc
cúc áo
3.
Cô gái selfie
bên nhánh cây
khô
nở đầy hoa mai vải
4.
Bát mì chay
vài xác kiến
một tiếng chuông
5.
Đồ vật thông
minh
con người
mụ mị
6.
Trẻ con Ba Chúc
cười
hát đồng dao
bên xương người
7.
Đêm trắng
cà phê đắng
nhấm nháp môi
người
8.
Hai con mắt nhắm
lại
mới nhìn rõ mặt
người
mới nhìn rõ cuộc
đời
9.
Phố chật người
đông
nhà cất chồng
lên nhà
người sống chồng
lên người
10.
“Cà phê ngày Tình nhân
Hai màn hình điện thoại
Chiếu sáng hai mặt người”
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét