Mẹ đã già rồi! Ở
vào tuổi thất thập, mẹ bắt đầu xuất hiện nhiều chứng bệnh. Xương khớp cũng rệu
rã, đau nhức luôn luôn. Và mẹ thường xuyên khó ngủ. Giấc ngủ của mẹ không sâu,
cứ chập chờn, trằn trọc.
Sau bữa cơm tối,
mẹ chỉ ngồi một lúc rồi đi nằm bởi cái lưng đau mỏi. Tôi biết mẹ nằm vậy thôi
chứ có ngủ được đâu bởi thi thoảng thấy mẹ trở mình và tiếng hát ở chiếc đài nhỏ
trên đầu giường mẹ vẫn cứ nhè nhẹ phát ra đến tận khuya. Khi thấy con cháu đi
ngủ, mẹ mới tắt đài và nhẹ nhàng trở dậy kiểm tra cửa nẻo lại lần nữa. Và sáng
nào mẹ cũng dậy sớm trước tiên. Mẹ dậy từ lúc mặt trời còn đang ngái ngủ, mọi vật
còn im lìm chưa bị đánh thức bởi tiếng gà gáy sớm. Mẹ dậy đun ấm nước sôi, quét
cái sân nhỏ. Có khi mẹ ngồi bên bậc thềm chải tóc, rồi ngồi nhìn mãi mọi vật từ
lúc còn mờ mờ trong sương sớm đến khi rõ hình rõ nét trong nắng mai. Nhiều khi
tôi lo lắng muốn đưa mẹ đi khám bởi sợ mẹ mất ngủ nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe,
mẹ chỉ nhẹ cười rồi gạt đi:
- Khám gì cơ chứ.
Tuổi già ai chẳng vậy! Mười người thì có đến chín người ít ngủ con ạ.
Có người bảo rằng
người già đang tranh thủ sống nốt những ngày ở trần thế nên ngủ ít đi, thức nhiều
hơn. Thức để gần gũi lâu hơn với mọi vật, với cửa nhà; thức để nhìn thấy con cháu
nhiều hơn. Liệu có phải vậy không?! Bởi tôi nhớ, ngày còn trẻ mẹ cũng đâu có ngủ
nhiều. Đó là những ngày tôi còn bé tí, mẹ còn là một bà bán mắm hàng rong, tôi
vẫn thấy mẹ thức nhiều hơn ngủ. Khi tôi đã ngồi cuộn tròn ngủ gục ngon lành
trong chiếc thúng đặt ở một bên quang gánh của mẹ, mẹ vẫn dẻo bước chân khắp làng
trên xóm dưới. “Ai mắm không? Ai nước mắm Cát Hải không?” Lời mẹ rao quyện cả vào
giấc ngủ của tôi thời thơ bé và dư âm cả đến tận bây giờ trong những giấc mơ. Tôi
lớn hơn chút nữa, khi đã biết tự ăn tự chơi, mẹ để tôi ở nhà trông nhà.
Sáng, mẹ dậy thật
sớm để chuẩn bị đi bán hàng. Mẹ chuẩn bị những gì, tôi không biết. Bởi lúc bọn
gà trống gáy rộn lên khắp xóm, lúc ông mặt trời nhô lên phía rặng tre đầu làng,
mẹ đã đi từ bao giờ rồi. Hôm đó, tôi biết rằng, mẹ lại đi bán ở làng xa. Có thể
trưa mẹ sẽ không về kịp. Những hôm như vậy, thường mẹ sẽ dậy sớm nấu sẵn một nồi
cơm, rồi mẹ vùi vào trong tro bếp để giữ nóng. Đến trưa đói bụng, tôi chỉ cần cẩn
thận gạt tro ra, nhắc nồi cơm lên và thổi cho sạch sẽ tro bếp còn xót lại trên
vung nồi. Tôi có thể ăn một bụng no căng cơm chan nước mắm của mẹ và cho thêm
chút mỡ lợn. Xong lại ngủ, lại chơi để chờ mẹ về.
Hôm mẹ về sớm, hôm
về tối muộn nhưng chẳng hôm nào mẹ quên mua quà cho tôi. Khi thì nắm bỏng gạo,
cái bánh rán bọc đường, lúc lại khúc mía, cái kẹo… Tôi đón nhận quà của mẹ với
tíu tít của niềm vui con trẻ, đâu biết được đôi chân, đôi vai mẹ đã mỏi rã rời
sau một ngày vất vả. Vậy mà mẹ chẳng chịu nghỉ ngơi, lại vội vàng nấu nướng, dọn
dẹp. Sau bữa tối, tôi lăng xăng bên mẹ, xem mẹ đong gạo, đong mắm. Gạo của một
ngày đổi mắm, mẹ đong cất đi, rồi lại rót thêm mắm vào can, vào chai để chuẩn bị
cho ngày mai. Mẹ cẩn thận chia ra mắm loại một loại hai để từ đó mà đổi gạo nhiều
gạo ít. Mẹ cứ lúi húi, cặm cụi bên mấy chai lọ đến bao giờ tôi đâu biết, bởi tôi
chơi chán thì lăn ra ngủ từ lúc nào. Chỉ biết khi tỉnh dậy đã nằm gọn trên giường
và mẹ đã quảy gánh mắm đi rao.
Ngày đó, mẹ ngủ ít
lắm. Một mình mẹ vất vả nuôi tôi. Mẹ luôn phải thức khuya, dậy sớm. Dường như mẹ
thức luôn phần của cha tôi! Giấc ngủ của mẹ ngắn lại thật nhiều và đôi mắt mẹ cứ
trũng sâu, thâm quầng. Giờ đây, mẹ đã nhàn nhã cháu con, cuộc sống không còn khó
khăn như trước thì mẹ lại chẳng ngủ được sâu giấc bởi tuổi già.
Lê Công Phượng
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét