Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Tôi đọc thơ của Vương Trọng có lẽ cũng đã lâu rồi. Bài Chị dâu của nhà thơ đã làm tôi xúc động... Điều đồng cảm này tôi biết nó xuất phát từ chính hoàn cảnh gia đình tôi lúc bấy giờ. Chị tôi cũng như chính nhân vật chị trong bài thơ, lớn lên, lấy chồng rồi làm dâu trong một gia đình nghèo đông anh em ở một làng bên cạnh... và tôi đã cảm những câu thơ trong niềm xa xót: “Nghĩ mà thương lắm chị dâu - chiều mưa hết gạo mẹ đau cuối giường- em ngồi đôi mắt nhoà sương- nón tơi cắp rá ngang vườn chị đi - chiều ơi mưa mãi làm gì - hoàng hôn đừng xuống trước khi chị về...” .
Chắc sẽ có không ít người đã yêu thơ Vương Trọng. Nhiều bài thơ trong tập “Về thôi nàng vọng phu” nói về những số phận, những con người hết đỗi bình thường mà hầu hết là những con người vô danh, những số phận bất hạnh. Họ vẫn ở đâu đó quanh ta, có thể ta gặp rồi bỏ qua, nhưng nhà thơ Vương Trọng thì dừng lại...
Với người phụ nữ có con ngoài giá thú nhà thơ đã nhìn bằng con mắt cảm thông, thấu hiểu được nỗi niềm không dễ gì bày tỏ: “Đợi về khuya cả phòng lặng ngủ - mẹ nhẹ nhàng ngồi dậy vuốt ve con - mặc người đời gọi con ngoài giá thú - con vẫn trong tình mẹ vuông tròn.”. Từng là người lính Vương Trọng chứng kiến cảnh bất hạnh của không ít phụ nữ của một thời bom đạn. Hoà bình trở về đời thường nhiều chị đã lỡ thì quá lứa, hoặc gặp phải những di chứng chất độc da cam, vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được nhiệm vụ thiêng liêng mà tạo hoá ban phát cho họ, đó là quyền được làm vợ làm mẹ. Với những số phận như vậy có niềm vui nào hơn khi cuộc đời còn ưu ái cho họ được đứa con... dẫu vẫn biết đối mặt là bao nhiêu điều dị nghị: “Mẹ nhớ lại ngày con trứng nước - người ấy đi như trốn chạy nợ nần - thèm trái chua mẹ trùm chăn ăn lén-sợ mắt người như mủi kim châm”.
Hoàn cảnh hai chị em có bố mẹ đưa nhau ra toà “Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi - thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói-hai bàn tay xé áo chị đòi cơm...biết lấy gì dỗ cho em nín đâu- ngoài hai tiếng ra toà vừa nghe nói - chắc nó nghĩ như ra đồng ra bãi - sớm muộn chi rồi ba mẹ cũng về.” Những câu thơ thực thà mà se sắt lòng ta đến vậy! Những người làm cha làm mẹ sẽ phải nghĩ gì về trách nhiệm lương tâm của mình trước những tâm hồn trẻ thơ non nớt: “Những bố mẹ bên bờ chia cắt - phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình”. Đó là tâm sự u hoài người phụ nữ chờ đợi người chồng mới cưới đi xa trong dằng dặc nỗi niềm lẻ loi đơn chiếc. ánh đèn, bếp lửa đến tiếng tắc kè kêu dưới mái nhà tre nứa... ở đây cái tài của Vương Trọng khi không là phái nữ: “Nhà hàng xóm thừa ồn ào tiếng trẻ - chị thiếu từng tiếng bát đũa va nhau” hay:“Người đi xa cuối năm những ai về -mà lối xóm râm ran lời chào hỏi-sao chị chẳng được làm người đón đợi-cổng mở hoài chỉ có gió vào sân”. Tiếng người sao quá đỗi mơ hồ mà tiếng gió vào sân thì nghe rất thực. Bóc bỏ những gì cứ tạm gọi là cách điệu thơ, ta nhận ra sự khốc liệt đến tái tê số phận một con người. Hơn 20 năm vò võ đợi chờ trong vô vọng, nhưng dịp những ngày giáp tết chị lại vẫn thắp sáng chút niềm tin, dầu nhỏ nhoi nhưng đến là mãnh liệt:“Đợi le lói chút nắng mềm tháng chạp - mắt chị nhìn hoa cải vàng hoe.”
Đọc “Về thôi nàng vọng phu” của Vương Trọng ta còn gặp bao nhiêu số phận, rồi cả những khoảnh khắc mong manh mà có sức ám ảnh, ấy là nhà thơ đi qua nơi hẹn, đứng bên mộ cụ Nguyễn Du: “Tưởng rằng phận bạc Đạm Tiên - ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Điền nằm đây... Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân-phong trần còn để phong trần riêng ai”. Thực tế cuộc sống chính bài thơ bên mộ cụ Nguyễn Du đã góp phần thôi thúc việc tôn tạo bảo tàng Nguyễn Du và như lời tác giả trong một chương trình thơ do Báo quân đội phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức Vương Trọng có phi lộ thêm về bài thơ lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc. Ý tưởng của bài thơ này đã biến thành hiện thực khi ngay ở nghĩa trang Đồng Lộc mọc lên hai cây bồ kết cùng bài thơ khắc đá làm xúc động hàng vạn người đến thăm.
Đọc thơ Vương Trọng ta còn gặp cả những nhân vật quen thuộc trong huyền thoại được tác giả nhìn bằng con mắt thơ mới mẻ. Đó là nàng Mỵ Châu và cái chết oan tình:“Đã là vua lại có thần mách bảo - tưởng sáng suốt hai lần và công lý gấp đôi-mà người chết không hiểu sao mình chết-thì oan hồn còn đập cửa muôn nơi”. Và rồi nhà thơ đã kêu gọi mọi người có cái nhìn cảm thông với Mỵ Châu: “Xin đừng trách Mỵ Châu thêm nữa - yêu chân thành, thật có tội gì đâu?” Với nàng vọng phu nhà thơ đã tự nguyện làm người trò chuyện: “Về thôi nàng ơi - niềm sum họp đã vào từng cánh cửa-sao nàng còn đứng trong mưa trong gió-cô đơn giữa mây trời.” Lời kêu gọi nàng vọng phu, lời kêu gọi của hồn thơ đầy thế sự đã lắng lại trong ta bao suy ngẫm về cuộc đời.
Miền thế sự của thơ Vương Trọng còn thể hiện một trách nhiệm công dân của người làm thơ. Và điều này có lần nhà thơ Vương Trọng tâm sự: làm thơ hay để cho người đời ngâm nga cũng là một việc làm có ích, nhưng nếu ý tưởng trong các bài thơ của mình có thể đem lại những thay đổi trong cách làm cách nghĩ của người đời để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, hợp lý hơn thì nhà thơ là người hạnh phúc. Như lời nhận định ở phần giới thiệu tập thơ quả rất chân xác: “...Mãi đến những năm gần đây Vương Trọng mới phát hiện ra mỏ quặng đích thực của mình. Thơ Vương Trọng là thơ thế sự.” Đó là miền thế sự đau đáu nỗi nhân sinh.
Võ Văn Trường
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét