Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Sắn là cây lương thực đứng vị trí thứ ba sau lúa, ngô (bắp). Cây sắn đã gắn bó bao đời nay đối với đời sống người dân Việt Nam nói chung, người dân xứ Quảng nói riêng. Chính vì lẽ đó, nên người dân quê tôi không lạ gì với sắn. Một số nơi của xứ Quảng gọi củ sắn là củ mì, khoai xiêm...
Sắn có nhiều loại, nhưng tôi thích nhất là sắn vỏ đỏ, quê tôi gọi là sắn ca nông (canh nông). Sắn này có thời gian trồng và thu hoạch trong 8 đến 10 tháng, nghĩa là tháng Giêng, Hai mới trồng và tháng 10 đến tháng 12 thu hoạch.
Ưu điểm của sắn ca nông, tinh bột nhiều, thơm ngon và hiền, ít mủ, không như sắn trồng để xuất khẩu mà người dân quê tôi gọi là sắn lùn.
Ngày trước, trong vườn nhà ba tôi trồng rất nhiều sắn canh nông, vì thời điểm sau giải phóng đất nước, kinh tế còn rất khó khăn, cây lúa thường thất thu vì chưa có công trình thủy lợi và giống lúa dài ngày, năng xuất thấp. Nên cây sắn trở thành cây lương thực quan trọng đương nhiên được nâng lên vị trí thứ 2 sau cây bắp. Mỗi cây sắn canh nông thường cho 3 đến 7 củ. Tuy không năng xuất bằng cây sắn lùn, nhưng sắn ca nông dễ chế bến thành nhiều món ăn hơn. Sắn có thể lột vỏ, rửa sạch luộc lên và chỉ cần khử nén với dầu phụng thơm lừng và rưới vào củ sắn và chấm sắn với muối đậu, mè ăn thay cơm; hoặc củ sắn xắt lát nấu canh và cho thêm một ít lá lốt xắt nhỏ là thơm lừng, sẽ có nồi canh ngon hoặc sắn xắt lát sau đó nấu với gạo nếp thành xôi vừa thơm, bùi vừa dẻo dùng để ăn nửa buổi khi nhà có đông người trong mùa gặt hay làm nhà cửa...
Tôi còn nhớ chưa thể nào quên, ngày ấy trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12, gia đình tôi ngày nào cũng làm món thức ăn được chế biến từ sắn ca nông để ăn thay cơm. Vì thời ấy ngày chỉ nấu 1 bữa cơm thôi vì gạo khan hiếm, phải ăn độn các loại sắn, khoai lang, mít...
Cây sắn đã gắn bó bao đời với người dân Quảng Nam như là ân nhân, là tri trỷ. Củ sắn, củ khoai đã nuôi sống gia đình tôi, người dân xóm làng tôi qua thời bi cực của thập niên trước. Sau này, người dân quê tôi ít trồng cây sắn ca nông, nhưng chuyển sang trồng loại sắn lùn năng xuất hơn, để xuất khẩu sắn lát phơi khô và bán sắn củ cho nhà máy sắn tại Hương An, huyện Quế Sơn để sản xuất ra mỳ chính và các loại bột chăn nuôi gia súc...
Sắn ca nông hiện nay rất hiếm, vì khi cây lúa lấy lại được phong độ, hiện nay quê tôi đã có thủy lợi, kênh mương dẫn nước vào ruộng đồng được hơn 10 năm nay rồi, nên về quê tìm củ sắn ca nông cũng đâu phải dễ. Cái gì cũng vậy, khi có đầy đủ thì không thấy giá trị, còn khi không còn nữa mới thấy giá trị. Tôi viết lại để nhắc nhở mình không được quên công lao của cha mẹ một thời một nắng hai sương, từ đôi bàn tay chai sần với từng lát cuốc, đường cày, mới có được cuộc sống hôm nay. Nên phải biết quý trọng.
Tuổi thơ tôi đã có thời gian dài từng đi vỡ rẫy ở trên núi và Gò Dâu (bên kia sông) để trồng sắn thời còn học cấp 2 và sau khi học xong cấp 3, ở nhà lao động, phụ giúp gia đình, trước khi bước vào quân ngũ.
Tranh thủ viết lại dòng cảm nghĩ, mà thôi xin không kể khổ, ôn nghèo mãi, thì biết khi mô mới sướng được. Nhưng để quên đi cái vất vả thì khó mà quên được, cứ phải cảm ơn và trân trọng cuộc đời, dù hiện nay vẫn chưa thấy màu hồng, nhưng hãy cứ nuôi màu xanh hy vọng, để cuộc sống luôn có ý nghĩa!
Chủ nhật 30.05.2021
Võ Văn Thọ
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét