Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Cô gái ngồi trước mũi tắc ráng, ngâm bàn tay nõn nà xuống dòng nước đỏ màu phù sa, từng đợt sóng rẽ đôi, tung bọt trắng xóa. Cô lấy tay khoát từng đợt nước mát lạnh cho tung lên không trung. Rồi nở nụ cười hạnh phúc. Mười mấy năm xa quê ngoại nay cô mới có dịp về thăm, lại ngay mùa con nước lũ đã ngập trắng đồng.
Hai bờ kinh giờ ngập sâu trong nước. Chiếc tắc ráng lướt qua hàng cây mọc ven hai bờ, thi thoảng cô bắt gặp mấy nóc nhà sàn nằm im lìm trên mặt nước. Cánh đồng nước ngập mênh mông. Xa xa mấy luồng dớn vươn lên giữa con nước bằng hàng cọc tràm cao lêu nghêu. Mấy hàng điên điển vàng bông nở rộ, phá tan cái nét bàng bạc, buồn thiu của màu nước. Không gian bình yên quá đỗi. Nếu không có tiếng chiếc máy đuôi tôm phía sau lái phá tan đi sự yên ắng ấy chắc cô đã khóc vì biết bao kỷ niệm tràn về.
Cô gái đưa mắt nhìn cỏ cây bên hai bờ kinh. Mấy loài cây sống chung với mùa lũ đang xanh tốt, từng nhành lá xanh mơn mởn phất phơ trong gió như chào đón, xen kẽ với các thân cây trụi lá, chết khô trong thân thể khẳng khiu héo úa, chỉ chờ ngày mục rã về với đất vì không sống nổi được với con nước ngập. Vòng tuần hoàn quy luật của cuộc đời là vậy. Cô khẽ thở dài, nét buồn lộ rõ trên khuôn mặt làm người đàn ông đứng tuổi ngồi sau đang cầm lái chiếc máy đuôi tôm, nói lớn:
- Sao, lâu lắm mới về quê ngoại. Xúc động hả Thúy!
- Dạ, cậu Năm!
****
Cha má bỏ nhau lúc Thúy còn nhỏ xíu, Thúy cùng cha rời quê ngoại lên Sài Gòn sống cùng gia đình mới. Sau gần 20 năm, Thúy mới có dịp tìm về thăm lại quê Ngoại. Nơi mà trong tiềm thức bé bỏng của cô là một vùng đất xa xôi với nhiều kỉ niệm. Có cánh đồng hai mùa lúa, một mùa nước nổi, có căn nhà sàn quanh năm ngập trong tiếng cười hạnh phúc, có bà ngoại hiền từ, có cha má và các cậu dì luôn dành cho cô tình yêu thương vô bờ bến. Ngày bỏ chốn thân yêu này ra đi Thúy chỉ mới năm, sáu tuổi, nay về thì đã là một thiếu nữ mang vẻ đẹp kiều diễm của chốn thị thành. Quê ngoại vẫn như thuở ấy chẳng thay đổi mấy nhưng cô bé ngày xưa, bây giờ đã lớn.
Tắc ráng cập vào một gò đất cao, nơi có cây gáo lớn ngả tàng ra che mát một khoảng kinh. Trên gò đất, dây bìm bìm, mai dương mọc um tùm. Từ mũi tắc ráng Thúy phóng xuống đất với tay cột sợi dây vàm vào gốc gáo. Cô thiếu nữ nhỏ nhắn vẫn còn giữ cho mình một chút gì đó nhà quê với cái dáng cột dây xuồng nhanh nhẹn như người mẹ ruột ngày xưa. Dẫu cuộc sống chốn thị thành đã tô điểm cho làn da cô trắng đẹp và cách ăn mặc mô đen. Thúy cùng cậu Năm dọn dẹp mớ dây leo xanh mướt đang mọc um tùm. Ngôi mộ hiện ra với tấm bia đã nhuốm màu thời gian. Cô quay xuống tắc ráng soạn mớ đồ cúng ra dĩa, bày trước mộ, rồi thắp nhang rồi quỳ xuống đất, mắt rưng rưng khấn nguyện.
Hình ảnh ngoại Thúy hiện về, với dáng người gầy gầy. Trong trí nhớ ngày ấy, chiều chiều trước hàng ba, cô hay thấy ngoại ngồi chải tóc cho má với dì út. Hồi đó, tóc ngoại dài lắm. Má với dì cũng có mái tóc dài như ngoại, đen mượt như dòng nước chảy ngoài kinh. Còn tóc ngoại thì bạc quá nửa mái đầu. Má nói hồi đó ngoại đẹp lắm, sau ngày ông ngoại mất, bà tiều tụy đi nhiều
Thúy cắm nhang trước mộ, tay vuốt lên tấm bia phủ đầy rêu. Dòng chữ trên bia mờ nhạt làm cô không cầm được nước mắt. Cô đứng dậy, đảo mắt tìm lại nền nhà xưa. Sau ngày ngoại mất, các cậu dì cùng với gia đình riêng đã bán đi căn nhà kỷ niệm ấy để hòa vào dòng người mưu sinh tận Bình Dương. Trong mênh mông nước lũ, cô cố tìm lại hình ảnh mái nhà sàn năm đó. Hình bóng má bơi xuồng hái về rổ bông điên điển, các cậu sau chuyến giăng lưới trên đồng về nhà với tay lưới đầy ắp cá rô. Chái bếp bảng lảng khói lam, ơ cá kho tiêu dì kho tỏa hương ngào ngạt, nồi cơm củi vừa chín thơm lừng. Buổi cơm chiều đầy ắp tiếng cười cùng tình thương khi ngoại dành cho cô bầu trứng cá rô vàng ươm vô chén. Thúy nhớ da diết mùi nước cơm quậy đường nuôi cô khôn lớn qua lời kể của ba trước khi ông qua đời. Đã nhiều lần cô nấu cơm chắt nước pha đường uống, như cố tìm lại hương vị tuổi thơ nhưng vẫn có gì đó thiêu thiếu. Giờ thì cô biết, nó thiếu đi tình thương của quê hương, gia đình, của các cậu, các dì, của mẹ và của ngoại.
Thúy cố nhìn để tìm lại bến sông, nơi có hàng gáo già quanh năm tỏa bóng. Có chiếc cầu ván mà cha bắc cho má ngồi giặt đồ. Làn nước mát lạnh, cô ôm cổ cha mỗi chiều tắm mát. Cô nhớ cái cảm giác sặc nước nồng cay, rát bỏng sâu vào tận trong mũi lúc tập lội cùng cha.
Từng đợt ký ức trong Thúy cứ ùa về tựa như nước đổ lên đồng. Bến sông ngập sâu trong nước lũ, hàng gáo già ngày ấy ai đã đốn từ lâu. Chiếc cầu ván năm xưa giờ đã theo con nước trôi về quá khứ.
***
Chiếc tắc ráng từ từ tách bến. Thúy cố ngoái lại nhìn một lần nữa phía gò đất cao, nơi có ngôi mộ của bà ngoại kính yêu và cây gáo xanh rờn, đong đưa tàng lá. Hình ảnh ngoại trong tâm trí cô lại hiện lên. Dáng gầy gầy ngồi bên mái hiên xưa chải tóc cho dì, chờ má hái điên điển về nấu canh chua, chờ các cậu sau chuyến mưu sinh đồng lũ trở về cùng một khoang xuồng đầy cá. Chờ chiếc ghe hàng với tiếng kèn tàu rền cả khúc kinh để mua cho cô cái bánh bò. Giờ ngoại nằm lại đây trên gò đất bên nền nhà năm xưa. Thúy biết, dù ngoại đã mất, nhưng bà vẫn tiếp tục đợi chờ một điều gì đó như lúc bà còn sống. Gò đất khuất xa theo tiếng nổ của máy đuôi tôm. Nhưng trong đôi mắt, cô vẫn còn thấy cây gáo xum xuê tàng lá đang rì rào trong gió như cố vẫy tay chào. Mùi khói bếp nhà ai từ đâu phảng phất làm mắt Thúy cay cay…
Tăng Gia Kiều
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét