- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Tháng tám trời buồn. Con kinh trước nhà rộng ra thêm, dòng nước đỏ đục màu phù sa, đặc quánh lại như sữa, cuồn cuộn chia nước từ sông Cái vào mấy con kinh nhỏ để tràn lên đồng. Gió Tây thổi hiu hiu, mấy nhánh còng gie che mát một khoảng kinh khẽ nhẹ nhàng đong đưa tàng lá. Có mấy nhánh quá lớn quằng mình soi bóng xuống mặt nước như đang cúi đầu trầm ngâm suy nghĩ về điều gì. Bất chợt có một cơn gió thổi mạnh, phá đi bầu không khí êm đềm đến buồn tẻ của khoảng kinh, làm cho những chiếc lá khô rời cành, nhẹ nhàng thả mình xuống dòng nước buồn trôi.
Đoàn đưa đám ma gồm hai chiếc tắc ráng chạy nối đuôi. Những con sóng tách ra làm hai, tung bọt trắng xóa. Nước chảy mạnh, làm cho hai chiếc tắc ráng chạy ngược dòng nước một cách chầm chậm. Chiếc đi trước chở quan tài và một vài người đạo tỳ ngồi xung quanh. Chiếc quan tài đóng bằng gỗ tạp, dạng rẻ tiền nên không có nhiều hoa văn nhưng lại làm nổi bật đoàn đưa bởi được phủ một màu vàng rực rỡ kèm theo đó là màu của hai tấm liễng treo cao trên bốn thanh tre được đặt cạnh hai bên quan tài. Còn chiếc tắc ráng đi sau chở khoảng hai mươi người có nam có nữ nhưng đa số là người già và đứng tuổi ngồi chật cứng dưới khoang thuyền, trên tay ai cũng cầm một nén nhang, nét buồn hiện rõ lên trên khuôn mặt từng người, nhưng chẳng thấy ai khóc than và đội khăn tang trên đầu cả. Từng làn khói nhang bay trắng xóa, mùi tỏa ra nực nồng khiến tôi cùng với má đứng trên bờ nhìn xuống cũng nghe được mùi thoang thoảng. Từng làn khói trắng bay lên không trung rồi bỗng dưng tang vào nền trời theo những cơn gió thoảng đìu hiu. Tiếng trống tang chốc chốc lại vang lên từng nhịp đứt quãng khiến cho không khí vốn đã buồn lại càng thêm ảm đạm.
***
Cứ mỗi sáng sớm, người ta hay thấy một bóng người mảnh khảnh, nước da đen sạm, nhưng rắn rỏi và khỏe mạnh, bơi chiếc xuồng ba lá đưa đám học trò trong xóm Sình Hù đi học ngoài chợ xã và bán luôn mớ cá đồng vừa bắt được. Tiếng cười nói của ông và đám học trò rộn rã cả một khúc kinh. Sau khi đưa đám học trò đến trường, ông vô chợ bán mớ cá cho bạn hàng. Rồi ra kêu một ly cà phê, nói chuyện cùng mấy người bạn câu để chờ đưa đám trẻ tan học cùng về. Người đó không ai khác chính là ông Ba Mãnh. Một người học hành tử tế, con nhà gia giáo giờ trở thành một người đưa đò và mang bộ dạng của một nông dân chính hiệu.
Ông Ba Mãnh sống một mình trong căn chòi nhỏ thoi loi giữa cánh đồng phía sau xóm Sình Hù.
Nước lũ về. Căn chòi đứng trên nước mênh mông, cũng như những cây gáo mọc lẻ loi giữa cánh đồng. Căn chòi đón những trận mưa rào mùa nước, những con sóng ào ào cùng với gió ập mạnh vào mấy cây nống nhà được làm từ gỗ tạp. Những tấm vách lá bị gió phất đến nổi tả tơi. Lắm lúc gió mạnh, mưa lớn làm cho căn chòi lá như muốn đổ sập xuống mặt nước đang dữ tợn những cơn sóng ầm ầm. Nhưng rồi sau những trận mưa lớn, nó lại đứng sừng sững giữa bạt ngàn màu nước trong xanh…
Căn chòi cô độc giữa đồng cũng như chính cuộc đời của chủ nhân nó. Lúc rảnh rỗi ông Ba Mãnh ngồi vá mấy tấm lưới, sửa mấy cái lọp, và cần cắm câu để chuẩn bị cho những chuyến mưu sinh về đêm. Buồn miệng, ông hay nghêu ngao bản Dạ Cổ Hoài Lang. Sau khi dứt nhịp, ông đánh đét vào đùi mấy cái ra vẻ khoái chí vô cùng rồi cầm ly trà đưa lên môi nhấp một ngụm.
Đám trẻ trong xóm rất thích ra căn chòi để chơi với ông, vì chúng được nghe ông kể chuyện, đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện bên Ta bên Tàu từ Tam Quốc cho đến mấy chuyện cổ tích đời xưa. Ông ngồi bên mớ lưới, xung quanh là đám trẻ, mỗi khi kể chuyện xong ông cũng hay dạy cho chúng những điều hay lẽ phải làm người. Đám trẻ quý mến ông cũng như một người ông trong nhà vậy. Ông cũng dạy chúng học, dạy chúng tập viết những lúc nào rỗi rảnh. Chỉ cho chúng những trò chơi mà thuở còn bé ông thường hay chơi cùng đám bạn trong làng. Nhưng đó là chuyện sau này, còn lúc ông mới về cái xóm nhỏ này thì hoàn toàn lại hoàn toàn khác.
Khi mới về xóm, ông Ba chẳng có ai quen biết. Nên ông sống lặng lẽ một mình. Người ta hay thấy ông nói chuyện lầm bầm một mình, bất chợt ông cũng hay chửi đổng. Nhất là mấy lúc ông nhậu say, ông chửi như một kẻ điên, còn tiếng chửi thì vang vọng cả cánh đồng. Ông chửi đổng một mình nên tuyệt nhiên chẳng thấy ai đáp lại. Người trong xóm ai ai cũng điều nói ông bị khùng và đem ông ra dọa mấy đứa con nít: “Mày mà lì là tao đem mầy ra cho ông Mãnh ăn thịt…”
Mới lúc đầu, người ta hay tò mò lắng tai nghe xem ông chửi ai ông chửi điều gì. Nhưng rồi sau đó, người ta trở nên nhàm chán và quen thuộc với những điều ông chửi. Lúc đầu thì là kể. Ông kể về cuộc đời mình, kể về những điều mà mình đã trải qua. Sau đó là chửi, ông chửi cha mẹ ông rồi đến vợ con ông, chửi đã ông quay sang khóc, khóc xong rồi thì ông ngủ. Sáng ra người ta hỏi thì ông gãi đầu cười hì hì: “Đêm hôm xỉn quá, có nhớ gì đâu.” Rồi bơi xuồng đi một nước.
Nhưng rồi sau đó nhiều người biết được hoàn cảnh của ông. Họ bắt đầu cảm thông và thấy ông là một người đáng thương và đáng kính, dần dần ông nhận sự kính trọng và quý mến của bà con xóm Kinh Ngang bởi những điều mà ông đã làm dành cho cái xóm nhỏ này.
***
Đó là vào một năm nước lớn. Có hai vợ chồng trẻ người miệt dưới về xóm. Hai vợ chồng có đứa con trai chừng hai ba tuổi. Hôm đó không biết hai vợ chồng đi mần rồi trông con thế nào mà để thằng nhỏ lọt xuống sàn chết nước. Lúc phát hiện, anh chồng nhảy xuống mò nhưng không thấy con chị vợ thì la làng con trong xóm ra phụ tiếp. Thế là đàn ông, thanh niên trong xom túa ra mò tìm xác nhưng không thấy. Hai vợ chồng trẻ đó khóc xỉu lên xỉu xuống. Nhờ bà con trong xóm ra an ủi và phụ giúp chứ nếu không thì hai vợ chồng cũng chẳng biết làm sao. Ông Ba Mãnh cũng tham gia tìm kiếm tình cờ phát hiện được xác đưa bé tấp vào chòm gáo lớn sau ba ngày vất vả tìm kiếm. Ông la hoảng lên rồi cùng mọi người vớt lên đem về. Tội cho cảnh nhà vợ chồng đó, đã nghèo lại gặp năm lũ lớn, người người chết không có đất chôn. Bà con trong xóm thương tình phụ giúp mỗi người một ít để lo liệu. Nhưng cũng chẳng đủ để lo cho thằng bé một mảnh đất chôn thây. Mọi người bàn bạc định một sẽ bó xác nó mà neo dưới đáy ruộng còn hai là sẽ bó xác mà treo đỡ trên đọt cây. Chờ cho qua mùa nước thì sẽ đem mà đi chôn. Ai ai cũng người chịu người không. Vì nếu neo như vậy thì ai còn dám còn đi giăng câu giăng lưới xứ này mà nếu có đi thì tôm cá bắt được cũng chẳng ai dám ăn. Còn nếu treo lên cây thì làm sao mà tránh khỏi diều quạ. Hai vợ chồng đó ràng rua nước mắt, nói với giọng nghẹn ngào: “Vợ chồng còn cúi xin bà con thương xót mà tính giúp cho vợ chồng con, chứ con con nó đã chết trong làn nước lạnh lẽo như vầy rồi, con hổng muốn nó phải tiếp tục nằm lại đáy nước thêm hằng tháng trời nữa mà nếu treo nó lên thì con sợ nó phải làm mồi cho diều quạ, không được toàn thây. Con con nó còn nhỏ lắm nó có mắc tội gì đâu mà phải chết không toàn thây và lạnh lẽo như vậy.” Nói xong hai vợ chồng ôm nhau mà than trời trách đất. Bà con nhìn hoàn cảnh như vậy, ai ai cũng điều không cầm nổi nước mắt. Cuối cùng, ông Ba Mãnh đứng ra lên tiếng: “Thôi tui tính như vầy cho vẹn cả đôi đường. Bà con nghe thử coi có được hông? Thằng nhỏ nầy dù gì cũng chết rồi, duyên số của nó đã như vậy, chôn kiểu gì cũng được, quan trọng là làm sao để an ủi phần hồn của nó và cho những người ở lại được nguôi ngoai. Tui tính vầy, hồi trưa tui vớt nó ở chòm gáo ngoài đồng. Tui nghĩ chắc là nó cũng muốn tá túc lại đó rồi. Chòm gáo đó có mấy cây lớn, lại có bọng. Thôi thì mình nhét xác nó vô đó rồi lấy đất mà trét kín lại. Lấy ván đóng cho nó cái trang thờ ngoài đó, bà con ai có đi ngang thì đốt cho nó cây nhang coi như là an ủi phần nào linh hồn cho nó. Sau này khi nước rút, nếu có tiền thì cưa luôn cây gáo đó về mà đem chôn. Còn không thì cứ để như vậy.” Nghe như vậy, người ta đành ngậm ngùi mà chấp nhận. Thế là ông Ba Mãnh cùng vài người nữa bó xác đứa bé, đem ra ngoài chòm gáo mà “chôn”. Hình ảnh ông Ba Mãnh cùng vài người bơi xuồng đi chôn xác đứa bé trong buổi chiều gió thổi mênh mông trên cánh đồng đầy nước khiến cho người ta phải xúc động.
Sau đó, ông quyết định dành phần đưa rước đám trẻ trong xóm Kinh Ngang đi học rồi thay cho cha mẹ chúng rước chúng về nhà mỗi khi tan học mà không lấy một đồng tiền công nào. Chiều chiều ông Ba hay tập trung đám trẻ lại. Đứa nào không biết lội thì ông dạy cho biết lội, đứa nào học yếu thì ông dạy kèm. Có người nói ông rảnh rỗi quá không có chuyện gì làm nên mới vậy. Ông nghe được chỉ cười mà nói: “Chứ để tụi nó là dân sông nước mà không biết lội coi sao được. Với lại để tụi nó long nhong đi phá làng phá xóm hại người ta cũng có ích lợi gì. Thôi thì tui rảnh tui dạy nó học cũng tốt chứ có làm sao!”. Cũng có nhiều khi ông tâm sự với những người bạn câu bên mâm rượu: “Tui nghĩ tới cảnh nhét tụi nhỏ vô bọng gáo mà tui ớn óc, thôi thì mình làm được gì thì mình làm. Phụ cho cha mẹ nó được phần nào thì phụ, để cha mẹ nó có thời gian mà đi làm ăn kiếm sống. Chứ đã nghèo lại còn phải mắc giữ con thì làm sao mà có tiền trang trải được. Với lại nhìn hình ảnh tụi nhỏ, tui chợt nhớ về con của tui…” Nói rồi ông thở dài, bưng ly rượu lên uống cạn.
***
Ông Ba Mãnh là người con thứ ba, sinh ra trong một gia đình khá giả ở làng Long Mỹ. Ông có ba người anh em, nhưng tánh tình của ba người thì lại khác hẳn nhau. Người anh hai của ông là một người ăn chơi có tiếng, hầu như bốn món tửu, sắc, tài, khí, ông hai đều chẳng từ món nào và nổi tiếng bởi biệt tài ăn chơi phá của. Trong khi người em út thì lại là một người rất giỏi tài làm ăn mua bán. Còn ông Ba, ông thì lại rất thích đi học cũng như là một người học hành rất giỏi. Chính vì như vậy nên trong nhà, cha mẹ lại có phần thương yêu người em út hơn hết. Vì cha mẹ ông quan niệm chỉ có làm ăn mới có thể đem của ăn của để về nhà, chứ còn ăn chơi với học hành thì chỉ thấy trước mắt là tốn tiền mà chẳng có ích lợi chi. Tuy nhiên ông Ba vẫn được cha mẹ cho học hành đến nơi đến chốn vì ít ra sau này học xong ông cũng có thể về phụ với cha mẹ ông coi sóc sổ sách và quản lý gia tài. Đỡ hơn anh hai của ông tối ngày chỉ biết ăn chơi.
Rồi có một chuyện xảy ra, đó là vào năm cuối cùng khi ông Ba Mãnh đi học tại trường tỉnh. Ông có quen và đem lòng thương yêu một cô gái bán quán cà phê. Kết quả cho tình yêu là một bào thai đã tượng hình. Ông về nhà xin phép cha mẹ, mang trầu cau hỏi cô gái ấy làm vợ. Nhưng cha mẹ ông nhất quyết không chịu, vì lúc ấy đã sắp đặt cho ông cưới một cô gái con nhà giàu trong làng. Và cũng vì phần gia đình người con gái ông yêu rất nghèo, không môn đăng hộ đói. Ông một mực chống lại ý cha mẹ, rồi bỏ vè nhà cô gái ấy sinh sống. Cha mẹ ông nhiều lần tìm ông và bắt ông phải về, đã vậy còn buông lời nhục mạ người ông yêu và cả gia đình cô gái ấy. Cha cô gái không chịu không nổi cảnh tình như vậy, đã quyết định không chấp nhận để ông làm rể và đuổi ông đi. Chẳng những thế mà còn cấm ông lui tới thăm vợ và nhất quyết không cho ông nhìn con. Sau một thời gian vì quá tủi nhục, cô gái ấy bồng con rồi cùng với gia đình bỏ đi đâu mất.
Ông Ba buồn tủi trong lòng và cũng nhất quyết không theo ý cha mẹ mà đi cưới vợ. Ông ôm đồ bỏ nhà, bơi xuồng vào xóm Sình Hù. Cất một cái chòi lá giữa đồng, hằng ngày sống bằng việc giăng câu, đặt lọp, đến vụ mùa thì đi làm mướn cho mấy chủ đất trong xóm. Từ đấy cho đến nay cũng đã hơn mấy chục năm.
***
Cái tin ông Ba Mãnh chết làm cho mọi người bàng hoàng. Một người bạn câu của ông Ba bắt gặp ông chết bên mâm rượu. Trong tư thế co ro, cạnh xác ông là chai rượu nằm lăn lóc, mấy trái me nước, mẩu xương khô cá lóc còn lại trên dĩa và một cái bóp. Người bạn ông tá hỏa, la làng um sùm. Căn chòi của ông ở xa xóm kinh Ngang, lại đang vào mùa nước nên bạn ông la khản cổ mà chẳng ai nghe thấy. Thế là ông ta phóng xuống xuồng bơi lẹ vào xóm để báo cho bà con đến phụ tiếp. Bà con nghe la làng cũng vội bơi xuồng đến. Trong căn chòi lá, một cái bếp cà ràng đầy lọ bám, trên vách chỉ treo dăm cái nồi, một miếng ván được đóng là kệ để vài cái chén chắc đó chính là những thứ quý giá nhất của ông. Người ta nhìn chỉ biết ngậm ngùi và tiếc thương cho thân ông. Ông bạn của ông cầm cái bóp lên rồi mở ra. Trong bóp có một tờ chứng minh thư của ông, ba tờ giấy một trăm ngàn cùng với mớ giấy bạc lẻ, một tấm hình trắng đen mà ông chụp cùng vợ và con lúc còn được để phía ngoài cùng. Ai ai cũng ngậm ngùi thương tiếc.
Bà con trong xóm kinh Ngang đi xin cho ông một chiếc quan tài để liệm ông. Và phụ lo đám tang cho ông. Vì không có người thân, nên chẳng ai để tang. Tháng nước lớn, chòi của ông giữa bốn bề là nước, chẳng biết phải chôn ông như thế nào. Mà cho dù là mùa khô, cái nền chòi của ông ở cũng nằm trên phần đất của người ta. Có muốn chôn trên đất đó cũng chẳng được. Có người trong xóm biết nhà của cha mẹ ông ngày xưa ra báo tin. Nhưng lúc đó thì cha mẹ ông đã mất hết, còn ngôi nhà thờ thì hiện tại do người em út của ông đang ở. Nghe tin ông Ba Mãnh chết, người em dâu của ông cất giọng chanh chua: “Hơi, tại ảnh hồi đó hông nghe lời cha mẹ, không thôi là bây giờ cũng sung sướng và của ăn của để như ai, chẳng những thế mà còn làm tới thầy giáo. Tại ảnh cãi lời cha mẹ nên phải chịu chết trong cảnh đáng thương đến như vậy. Biết trách ai bây giờ?”. Người em út của ông Ba nạt ngang lời vợ, rồi móc trong túi ra mớ tiền nhét vào tay người báo tin. Nói theo kiểu thương hại của kẻ giàu sang:”Tui cảm ơn chú đã báo tin anh tui chết. Nhưng bây giờ ai cũng có cuộc sống riêng, tui cũng còn phải lo cho vợ cho con nữa. Nên mọi chuyện xin nhờ vào anh cũng như bà con lối xóm. Đây tui có chút tiền, gửi anh nhờ anh lo liệu. Thôi tui có việc phải đi rồi. Cảm ơn anh nhiều lắm nghen.” Nói xong hai vợ chồng người em đi tuốt ra nhà sau. Người báo tin thấy cảnh an hem ruột trong gia đình mà đối xử với nhau ê chề quá. Cũng đành lặng lẽ cầm mớ tiền lủi thủi ra về.
Nhờ vào tình thương và sự giúp đỡ của bà con xóm Kinh Ngang. Ông Ba được đem chôn ở nghĩa địa nhân dân ngoài xã. Người ta mướn tắc ráng đưa quan tài ông từ căn chòi lá trong xóm Kinh Ngang ra nghĩa địa. Chẳng một ai thân thích đưa tiễn, cũng chẳng một ai để tang. Đám ma của ông Ba được làm nhanh gọn và đơ sơ nhưng đầy ắp sự cảm thương và cái tình của bà con xóm Kinh Ngang dành cho ông Ba cuối đời.
“Nghĩa tử là nghĩa tận mà.” - Mẹ tôi tự nhiên xua tan đi bầu không khí đang trầm lắng bằng một câu nói. Rồi tôi cùng mẹ nhìn theo đoàn đưa đang dần khuất dạng vào khúc cua của con kinh. Tiếng trống vẫn còn văng vẳng, từng chập, từng chập bên tai. Tiếng này vừa tan thì tiếng kia lại cất lên. Đứt quãng…
Bình Long ngày 26 tháng 11 năm 2020
Tăng Gia Kiều
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét