Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Thằng Vẹn nằm gọn trên bụng cha nó, rưng rức theo từng hơi thở yếu ớt. Nó khóc từ hồi chiều đến giờ nên chắc đã mệt lắm. Lúc này, nó đã không còn đủ sức để khóc tiếp, nhưng hình như có cái gì tức tưởi lắm làm cho nó cứ cố sụt sùi.
Trong màn đêm, dưới ánh đèn dầu lu mờ hắt bóng hai cha con Vẹn lên vách lá. Cha Vẹn nằm im. Cha nó bỏ một chân xuống đất đưa đều đều nhịp võng, tiếng võng siết vào cột nhà ken két như cứa vào màn đêm tĩnh mịch chỉ có tiếng côn trùng, ếch nhái nỉ non. Một tay cha nó chà nhè nhẹ lên lưng thằng còn tội nghiệp, tay kia gác lên trán, mắt cha nó đăm chiêu nhìn lên mái lá. Không biết trên mái lá đang mờ mờ bởi ánh đền dầu yếu ớt lúc này có gì mà khiến cha nó nhìn chăm chú lắm, rồi chốc chốc cha nó lại khẽ thở dài. Tiếng thở dài của cha nó thườn thượt, lặng lẽ trôi vào màn đêm vô tận.
Cha thằng Vẹn nhớ lại lời đay nghiến của bà nội trút lên đầu nó trong bữa cơm chiều làm nó khóc như mưa đến giờ không dỗ được.
“Má mày theo chồng bỏ mày rồi. Mày đừng có nhắc nó trước mặt tao…”
*****
Trước ngày má thằng Vẹn có chồng đâu khoảng một tuần lễ. Trong lúc nó đang ngồi chơi đồ hàng với mấy đứa con nít trong chợ thì má nó kêu về. Má nó xếp sẵn một vali đồ rồi nắm tay đưa nó xuống bến chợ, dưới bến có ghe cha nó đang chờ. Má nó nắm tay nó mà dặn: “Cha con qua rước. Má có công chuyện nên hông có trông con được. Con về bên nội chơi ít bữa. Nữa má qua rước con về”. Thằng Vẹn ôm chặt má nó bịn rịn: “Má nhớ qua rước con về sớm sớm nghen má. Con ở chơi ít bữa thôi chứ con hông muốn ở lâu bên nội đâu.”. Rồi nó thất thểu xuống ghe ngồi thu lu trong khoang, mặt buồn xo nhìn lên má nó. Má nó cũng nhìn. Đứt ruột…
Không phải là thằng Vẹn không muốn về bên nội để gần cha nó. Nó cũng thương và nhớ cha nó lắm chứ. Lâu lâu cha nó có ghé chợ thăm, cho nó tiền, cho nó bánh, ôm nó vô lòng rồi hun. Thằng Vẹn cũng hay được cha nó rước về chơi nhưng nó ít khi nào chịu về, kẹt quá thì nó về chơi được hai ba bữa rồi lại đòi về với má. Nó sợ bà nội nó lắm. Nó sợ cái ánh mắt sắc như dao của bà nội mỗi lần liếc nó. Thằng Vẹn không biết nó có làm lỗi gì cho bà nội nó giận không nhưng hình như bà hông có tình thương đối với nó. Mỗi lần nó về chơi là mỗi lần nó lại bị rầy, không chuyện này thì cũng bị chuyện kia, mỗi lần nó về chơi là mỗi lần cha nó lại bị bà nội hằn học vì dám qua rước nó. Cha nó cũng thương nó. Nhưng cha nó phải đi làm mướn cho người ta từ sáng sớm đến tối mịt. Khuya, nó chỉ được nằm gần cha một chút, nằm trong lòng cha nó, nghe cha nó hỏi han, rồi cha nó cũng ngủ luôn vì cả ngày mệt mỏi. Nhà nội nó nằm trong ruộng, xa làng xóm nên nó cảm giác mình bơ vơ giữa không gian này lắm. Ở chợ đông vui hơn và ít ra nó còn có bạn. Cho nên về chơi hai ba bữa đối với nó là đã đủ lắm rồi. Nó không muốn ở lâu.
Lần này thì khác, cái vali hình như đã đựng toàn bộ quần áo của nó. Nó không biết mình phải ở nhà nội bao lâu. Nhưng có nó linh cảm gì xấu lắm, nó tự nhiên cảm thấy buồn.
Cha nó lóng rày thấy có nó về ở bên đây nên đi làm về sớm. Cha nó cũng quan tâm nó, chơi với nó nhiều hơn. Bà nội nó cũng không rầy nó nhiều nữa, tới giờ cơm bà bới cho nó một tô rồi kêu để mặc nó ăn. Tuy vậy nhưng bà vẫn không nói gì với nó.
Một bữa… hai bữa… một tuần… rồi gần một tháng.
Thằng Vẹn không thấy má nó qua rước nó về như đã hứa. Nó buồn thiu, nó gặng hỏi cha nó mấy lần nhưng cha nó làm thinh. Hỏi bà nội thì nó hông dám tuy dạo rài bà không rầy nó nữa nhưng sự im lặng của bà khiến nó sợ lắm. Hằng ngày nó ra bờ sông ngóng tiếng máy đuôi tôm quen thuộc của ghe má nó nhưng bặt tăm…
Chiều nay trong bữa cơm chiều. Cha nó gắp cho nó khứa cá kho làm cho nó nhớ má da diết: “Má con khoái ăn cá kho lắm á cha. Con nhớ má con quá à. Chừng nào má qua rước con dìa?”. Vừa dứt câu, bà nội nó hất luôn mâm cơm xuống đất. Bà chửi nó như tát nước, rồi trong vô tình bà thốt ra câu nói đầy đắng cay làm nó bàng hoàng khóc như mưa. Cha nó chỉ biết lặng im dỗ nó, dỗ cả buổi nó mới thôi dẫy tử, chịu cho cha nó bồng lên võng đong đưa.
*****
Trời đêm quê buồn đứt ruột. Ngoài tiếng ếch nhái nỉ non sau hè, lâu lâu trong màn đêm yên ả có tiếng máy đuôi tôm dưới kinh chạy ngang ầm ầm, rồi lại nhỏ dần, tan vào trong gian tĩnh lặng. Vẹn lúc này đã thiếp đi vì mệt. Cha nó nhìn nó trìu mến rồi mới khẽ thỏ thẻ: “Má nói chi mà cay đắng dữ vậy? Thằng Vẹn còn nhỏ xíu, nó có tội tình gì đâu?” Bà nội nó trong bếp vọng ra: “Có sao thì tao nói vậy, bây thương nó quá rồi bây khùng hả Toàn. Thằng nhỏ có phải con bây đâu mà bây ôm nó dìa đây. Con nhỏ đó nếu thương con sao nó hông đem con nó theo. Nó gửi lại cho bây, như quăng cái của nợ đời. Nó làm khổ bây rồi làm khổ luôn cả tao”. “Con nói má rồi sao má hổng chịu hiểu, thằng Vẹn là con ruột của con. Con của con, con biết”.
Toàn thương Liễu hồi anh còn làm công nhân trên Sài Gòn. Lúc này Liễu vừa mới đổ vỡ hạnh phúc, ôm bụng bầu bỏ lên Sài Gòn kiếm chuyện làm thuê. Thấy Liễu cực, Toàn thương, rồi Toàn ngỏ ý, Liễu thì mến Toàn bởi vẻ chơn chất, thật thà của chàng trai nhà quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Hai người về sống chung với nhau như vợ chồng. Hằng tháng hai người gửi tiền đều đều về cho bà mẹ già của Toàn ở quê. Được mấy năm công việc Toàn không như ý. Toàn đành dắt Liễu về quê, bà mẹ Toàn chưng hửng, rồi từ chưng hửng bà chuyển sang đay nghiến, chuyển sang ghét cay ghét đắng vợ con của Toàn như kiểu ghét của mấy bà mẹ chồng trong mấy tuồng cải lương xã hội. Thương Toàn, Liễu cố nhẫn nhịn mà sống cho qua ngày. Nhưng chưa nát được chiếc chiếu, Liễu chịu hết nổi, đành thôi Toàn. Bơ vơ giữa xứ lạ Liễu đành ôm con ra chợ xã, mướn sạp bán rau rồi ở luôn ngoài đó. Toàn nhiều lần ra năn nỉ, Liễu cũng thương nhưng nghĩ tới cảnh sống trong tủi nhục, Liễu hông chịu nổi. Liễu lắc đầu. Được mấy năm, tình cờ Liễu hẹn Toàn ra để báo tin mình sắp có chồng. Người này tốt lắm, thương cả mẹ lẫn con của Liễu, Toàn đừng gặp thằng Vẹn với Liễu nữa. Toàn đâu có chịu, Toàn định bụng, ráng năn nỉ Liễu quay về, rồi Toàn ráng mần vài năm, cất cái nhà nho nhỏ vừa ở với Liễu vừa chăm sóc bà mẹ già: “Tui nói hết lời mà Liễu hông chịu nghĩ cho tui. Hồi đó tui thương Liễu, thương cả thằng Vẹn. Tui mới ngỏ lời với Liễu. Tui coi thằng Vẹn là con ruột của mình từ hồi nó chưa sanh, tui coi Liễu là vợ tui. Má tui hông chịu cũng có cái lý của má, cái lý của người già mà, Liễu cũng nên cảm thông. Người lớn năn nỉ riết họ cũng chấp nhận. Liễu nhắm người ta có thương Liễu và thằng Vẹn như tui hông, mà Liễu đành đoạn vậy?”. Liễu im lặng. “Tui nói rồi, nếu Liễu muốn có chồng thì kệ Liễu, thằng Vẹn là con tui, Liễu có chồng thì có mình Liễu. Tui bắt thằng Vẹn về nuôi, tui cũng lỡ mang tiếng có một đời vợ với có một đứa con là thằng Vẹn rồi. Tui hông đi bước nữa đâu, tui gáng mần để nuôi thằng Vẹn lớn. Má tui cũng già rồi, bà hông có sống đời để chì chiết mãi.” Câu nói của Toàn như giọt nước tràn lòng Liễu: “Nhưng thằng Vẹn hổng phải con của anh, thằng Vẹn là con của tui, là con của tui anh hiểu hông. Anh làm khổ mẹ con tui chỉ mà dữ vậy. Toàn ơi…!”
Và rồi Liễu cũng chịu để Toàn rước thằng Vẹn về bên đây. Liễu hiểu, ít ra thằng Vẹn còn có Toàn bên cạnh, ít ra Toàn cũng thương thằng Vẹn như con ruột. Thằng Vẹn lại còn có một người bà mang tiếng là bà nội ruột của nó. Liễu tin những gì Toàn nói, dẫu biết niềm tin đó cũng không mấy chắc chắn: “Má hông chấp nhận cũng có cái lý của má, người lớn mà, năng nỉ riết họ cũng xiêu lòng… Má Toàn cũng già rồi, bà hông có sống đời đề chì chiết mãi.” Đối với Liễu lúc đó, Liễu không còn dám tin ai khác ngoài Toàn, dù cho chồng mới của Liễu hứa là sẽ chăm sóc và thương yêu mẹ con Liễu nhưng Liễu không dám tin. Liễu cũng không hiểu tại sao mình không về ở lại với Toàn thay vì bỏ chân đi thêm bước nữa. Mà nếu không dám về với Toàn, tại sao Liễu không ở vậy để chăm sóc thằng Vẹn, không phải là khỏe thân hơn sao. Liễu cảm thấy mình như khúc củi mục trôi lênh đênh ngoài kinh, bấu vô lục bình cũng không được mà tấp vô bờ cũng không xong.
Liễu có chồng, đám cưới rộn ràng cả chợ. Cha má chồng mới của Liễu coi bộ cũng sang trọng lắm, áo dài, đồ vest. Nhà chồng mới của Liễu khá giả nhất chợ, ba má chồng lại có thằng con một chết vợ, có đứa cháu lớn hơn thằng Vẹn vài tuổi. Nên tuy là chắp vá nhưng đám cưới coi bộ cũng không đến nỗi nhỏ. Mỗi tháng ba má chồng của Liễu lại hứa cho tiền gửi qua nuôi thằng Vẹn. Thôi thì cũng được, đỡ hơn cái cảnh hai mẹ con nương tựa và sạp rau.
*****
“Má à, con nghĩ kỹ lắm rồi con mới rước thằng Vẹn về nhà mình. Hồi đó con có hứa với Liễu là sẽ thương hai mẹ con cổ suốt đời. Giờ cổ thôi con, có chồng khác cũng vì không chịu nổi sự khó khăn của má. Duyên con coi như đổ vỡ, con cũng lỡ mang tiếng một đời vợ. Cảnh nhà mình giờ có muốn cưới vợ cũng lấy đâu ra ai xứ này chịu về ở với con. Má cũng già rồi, chì chiết chi hoài chuyện vốn dĩ đã lỡ. Sao má không dành tình thương cho thằng Vẹn như thương con, như thương đứa cháu ruột trong nhà. Chấp nhận mà sống để an ủi lòng mình. Má ơi, má có thương con thì gáng thương luôn thằng Vẹn, nó sống với con từ lúc lọt lòng, nó coi con như cha ruột của nó, con cũng trót coi nó là con ruột của con rồi. Nó còn nhỏ lắm, nó hông biết chuyện người lớn làm đâu. Má cho nó sống bình yên với con, với má, với nhà mình đi nghen má!”
Má Toàn lúc này không biết đã ngủ chưa bà im lặng. Một lúc lâu, bà khẽ trở mình, không thèm trả lời câu nói như xuất phát ra từ tận đáy lòng của thằng con. Bà khẽ thở dài rồi nói vọng ra: “Khuya rồi, bây bồng thằng nhỏ vô mùng đi, để muỗi cắn nó tội nghiệp. Bộ bây định nằm ôm nó đưa võng tới sáng luôn hay sao!”
Tăng Khả Vy
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét