GIỚI THIỆU TÁC GIẢ TRẺ - CTV BÔNG TRÀM
Quê quán ở Phú Yên, hiện đang là sinh viên trường Đại học Sư phạm
TP.HCM.
Thành viên CLB sáng tác trẻ Phú Yên, từng có bài đăng trên Áo Trắng và một số tạp chí khác.
Tác giả tâm sự: "Tuy chưa phải là một
cây viết chuyên nghiệp, nhưng mình rất hứng thú với việc sáng tác và sẽ rèn luyện
hơn nữa. Mỗi khi viết xong, mình lại không thể nhớ được là mình đã viết những gì, tại sao lại viết ra được những dòng đó… Đôi khi đọc lại không thể nhớ là mình đã từng viết. Tuy không hiểu tại sao lại như vậy, nhưng mình lại cảm thấy vô cùng thoải mái và tự tin hơn."
GIỚI THIỆU TRUYỆN NGẮN TỰ CHỌN
Tôi không biết nhiều về Trịnh
Công Sơn.
À, mà không. Thật ra thì biết rất
rất ít, một xíu thôi, đủ để tôi hiểu vì sao tấm ảnh treo giữa nhà mình lại là một
“ông già” lạ hoắc, và đằng sau tấm ảnh ấy lại là những con số lạ lẫm, những con
số mà sau này lớn lên tôi mới biết, đó là ngày giỗ của “ông già” lạ hoắc ấy - cố
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Tôi lớn lên với cái tên Ghita mà
ba ưu ái đặt cho, một cái tên đặc biệt nhất mà tôi từng biết. Mọi người hay ngỡ
rằng là do tôi ham thích chơi ghita mà có tên đó. Thật kì lạ, tôi lại không hề
biết đến một sợi dây đàn. Đó là tình yêu của ba tôi, một tình yêu gắn liền với
cây đàn dịu kì ấy, dù ba tôi chưa từng có một cây ghita nào, dẫu là là sờn cũ
cũng không.
Ngày tôi còn nhỏ xíu, mỗi khi nhà
đèn lên hứng cúp điện, ba lại bê cái ghế nhựa màu đỏ ra trước nhà ngồi hóng
gió. Gió trong ba là cả một kỉ niệm, là tiếng đàn theo gió lùa vào giấc ngủ
tôi. Không biết là bài gì chỉ biết rất thần kì, những tiếng đàn trầm bổng hoà
quyện khiến ba tôi như mỏng tang, như bay được, để hoá thành những kỉ niệm tuổi
thơ ngày ấy. Đó là Hạ Trắng, là Diễm xưa, là Một cõi đi về… là Trịnh Công Sơn
đã cùng ba hoà quyện trong giấc mơ tôi.
Trịnh Công Sơn trong bức tranh
nhà tôi rất thần, rất thật, lại rất ngộ nghĩnh. Một chút suy tư, một điếu thuốc,
một vài nếp nhăn, một cặp kính… đó là Trịnh Công Sơn của ba tôi. Ba có một tập
nhạc của Trịnh Công Sơn - cũ kĩ và rách tươm nhưng vẫn rất rõ ràng - ba cất kĩ
trong ngăn tủ gỗ riêng của ba, mỗi khi có chút gì đóloé lên ba lại lấy ra mà
suy tưởng. Chỉ nhìn thôi, không đàn, không hát, những dòng chữ, những nốt nhạc
làm ba tôi mê mẩn. Ba tôi mê Trịnh Công Sơn !
Khi tôi lớn lên thêm một chút, ba
hay nói với tôi về “ông già” ấy, vài câu chuyện không đầu không đuôi ba nói
theo cảm xúc làm tôi khó nhớ, sự hiếu động của con trẻ khiến tôi quên khuấy đi
rất nhiều điều ba đã từng nói. Chỉ nhớ có lần nhìn thấy tôi đang đọc to lời một
bài hát nào đó của Trịnh Công Sơn, ba đã nghe thật kĩ và chậm rãi: “Những lời của
ông ấy phải sống hết một đời mới hiểu được”. Tôi đương nhiên không hiểu, lại gắng
đọc to hơn. Càng đọc to lại càng không hiểu.
Tôi thậm chí không hiểu “ông già”
ấy đang làm nhạc hay làm thơ, những lời bài hát cứ nhịp nhàng, mượt mà như một
bài thơ vần nhịp tuyệt dịu, mặc dù tôi chưa từng hiểu hết một tác phẩm nào của
ông cả. Hình như ba tôi hiểu lắm. Hiểu nên mới suy tư, nên mới quý mến, mới gắn
cuộc đời nghệ thuật chênh vênh của mình vào cái tên Trịnh Công Sơn.
Ba từng nói rằng “đôi khi thấy Trịnh
Công Sơn rất ba xạo, nhưng lại là thứ bao xạo dễ thương”, khiến cho người khác
thấy bối rối, mềm lòng. Tôi thì khác, tôi thấy ông già ấy rất diệu kì vì đã cho
ba tôi một niềm đam mê, một cái nhìn từng trải hơn và… cho tôi một tuổi thơ ấm
áp bên tiếng đàn ghita của ba.
Ao ước nhỏ nhoi của ba tôi là có
một cây ghi ta thật tốt, tôi hiểu được cái ao ước ấy. Không hiểu làm sao được
khi tôi là người có cái tên thật đặc biệt, cái tên là nhịp cầu mang tâm hồn ba
tôi tung vào thế giới Trịnh Công Sơn ? Liệu có kì tích nào sẽ xảy ra với mong ước
nhỏ nhoi của ba ? Tự hứa với lòng rằng chính mình sẽ làm nên kì tích đó, chỉ có
điều… lúc này đây, tôi thật sự nhớ ba đến phát khóc, muốn nghe chỉ một tiếng trầm
ấm: “Ghita !”
Và ngước lên tường nhà, sẽ thấy một
ông già đầy nếp nhăn nhưng nụ cười trẻ thơ còn nghe mùi lúa chín… ấm áp căn nhà
màu tím của tôi.
PHAN MAI THƯ NHÃ (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp vào hình ảnh phía dưới để về trang chuyên đề <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét