Sơn Nam quê ở Kiên Giang, mảnh đất nghèo nàn lạc hậu thuở trước nhưng đã sinh ra nhièu trí sĩ yêu nước, nhiều nhà văn hóa nổi tiếng. Cậu bé Phạm Minh Tài (tên khai sinh của ông-NT), sinh ngày 11-12-1926 tại làng Đông Thái, Rạch Giá, Kiên Giang - nơi có nhiều người Khmer sinh sống. Vùng “U Minh Rạch Giá thị quá sơn trường. Xuống sông sấu bắt, lên rừng cọp tha” và “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lền tựa bánh canh”. Khi khai sinh trong hộ tịch lại viết nhầm Tàithành Tày. Cậu ba khi nhỏ ốm yếu xanh xao, gầy gò vì thiếu sữa bởi mẹ ông đau yếu thường xuyên. Sở dĩ ông có cái tên thành danh “Sơn Nam” như ngày nay là vì ông chịu và mang ơn một người mẹ nuôi có tên Khmer là Thi Cà Xúc thường cho ông bú mớm lúc mẹ ông thiếu sữa. Sơn là một dòng họ lớn của người Khmer,Nam là vùng đất Nam bộ xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn đã sinh thành ra ông. Được đi học, sau tham gia Cách mạng, vào Đồng Tháp Mười công tác văn nghệ khu Tám, thời gian nầy ông có dịp gần gũi với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Điều hết sức thú vị trong trang văn của Sơn Nam đặc khẩu ngữ Nam bộ, ông còn sử dụng phương ngôn, tục ngữ nhuần nhuyễn, nhẹ nhàng nhưng lại rất trong sáng, linh hoạt. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, ông về công tác ở nội thành rồi bị địch bắt. Khi được tự do ông sống cuộc đời trôi nổi bằng cách thuê mướn nhà và dường như cho đến tận cuối đời cái số ông vẫn long đong trong kiếp nhân sinh “thuê và mướn” nhà để viết văn làm báo và biên khảo về vùng đất phương Nam có tuổi đời chỉ hơn ba trăm năm. Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư do Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn cho lớp Đồng ấu (lớp một), Dự bị (lớp hai) và Sơ đẳng (lớp ba) thì Sơn Nam là nhà văn chiếm một vị trí quan trọng.
Trong truyện Hòn Cô Tron, ông viết: “Ông vẫn cứ ung dung mà uống, mà tắm một cách tự nhiên, vô tình khuấy rối giấc mơ của đàn bướm đang xao động bay chập chờn như muốn rời mấy nhánh mai hoàng lơ thơ cúi nghiêng mình chấm mí nước”. Bởi lẽ sách này do nhóm tác giả miền Bắc biên soạn nhưng qua văn phong của Sơn Nam như vừa trích dẫn ở trên vẫn thấy xuôi chảy, thanh thoát không khác gì giọng văn miền Bắc. Hay như trong truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, Sơn Nam viết chân tình, mộc mạc để trên sáu mươi năm trôi qua người đọc vẫn thấy cái tình chan chứa của người con cũng là tiếng nói chung của bao tâm trạng khi xa xứ trở về làng quê yên ả. Ông viết: “…Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi ông: ông đi du sơn du thủy… từng theo học trung học ở trường Collège đó đa! Đó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá… Người du lịch mới trả lời: ở chốn quê hương… từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những tình cảm chứa chan…” (câu chuyện miêu tả đoạn đối thoại giữa anh chàng phái viên nhà báo Chim Trời đi đòi tiền báo mua năm của chú Tư Có).
Sau ngày giải phóng miền Nam, nhà văn về công tác tại Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và nghỉ hưu năm 1990. Trong thời gian nầy ông bắt đầu bỏ công nghiên cứu, sưu tầm tài liệu cũ để viết lịch sử vùng đất Nam bộ, một số tác phẩm ra đời như Người Sài Gòn, 1990; Gia Định xưa, 1990; Bến Nghé xưa, 1991;Đồng bằng Sông Cửu Long, 1991; Nét sinh hoạt xưa, vân vân. Văn phong biên khảo của ông cũng đầy hình ảnh sinh động, tỉ mỉ như văn truyện của ông vậy. Chính vì thế năm 1998 dịp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Gia Định những tác phẩm trên cùng với một số tác phẩm như Nguyễn Trung Trực: anh hùng dân chài, 1959; Tìm hiểu đất Hậu Giang, 1960; Hương rừng Cà Mau, 1962; Chim quyên xuống đất, 1963; Lịch sử khẩn hoang miền Nam, 1973… của ông tái bản bán đắt như tôm tươi cũng là một thành công lớn ở một nhà văn nặng tình với quê hương xứ sở. Với mảnh đất mà trước đó công chúng chỉ hiểu lơ mơ qua tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức thì nay Sơn Nam làm nốt phần còn lại của tiền bối. Ngoài ra, cũng chính vì ông là “thổ công” Nam bộ nên phong tục tập quán xưa mỗi khi làm lễ hoặc tái hiện trên sân khấu truyền hình, người xem nhận ra ông với vóc dáng gầy gò trong trang phục áo dài hành lễ trước các tiền nhân. Ông còn cố vấn cho nhiều bộ phim, trong đó có bộ phim Người tình của Pháp sang quay ở Việt Nam và nói chuyện về những nét sinh hoạt, văn hóa bằng tiếng Pháp một cách lưu loát (vì ông từng theo học trung học trường Collège de Cần Thơ).
Nhà văn Sơn Nam không biết đi xe gắn máy, kể cả xe đạp, nhưng bước chân ông sải bộ dường như khắp cả mảnh đất Nam bộ, rong chơi Nam Kỳ lục tỉnh với Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định Đồng Nai thì về. Từ Hà Nội đến đền Hùng, Phú Thọ, hay ông lặn lội tìm đến Quảng Bình vẫn áo dài khăn đóng chỉnh trang quỳ lạy trước mộ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh - người khai phá và sáng lập ra mảnh đất Sài Gòn - Gia Định.
Mấy năm trước, ông cho ra đời cuốn sách Tuổi già nay ông đang viết Hồi ký. ĐọcTuổi già hay Hồi ký (tập Một) người đọc thấy được trong ông lời tâm sự của lớp người già đã trải qua nhiều dâu bể nói lại với lớp trẻ hậu thế của hôm nay và mai sau: Phải trân trọng gia tài ông bà để lại, tiếp nối truyền thống yêu nước, tự lực tự cường và sống sao cho xứng đáng hơn trong thế kỷ hai mươi mốt đầy biến đổi và sôi động này. Trong Hồi ký, ông kể lại câu chuyện về nghĩa quân Nguyễn Trung Trực thật cảm động với chi tiết: “…nói cho tôi nghe, nhưng là ông nói với trời, với đất, cây cỏ; tôi chỉ là thằng bé khép nép, năm ấy 11 tuổi, tự thấy mình không đủ tư thế để hỏi han, chất vấn hoặc trả lời. Ấy thế mà lớn lên, khi ông mất, tôi vẫn nhớ vài mảng nhỏ. Nguyễn Trung Trực năm ấy non 30 đã đưa quân du kích từ U Minh, từ xóm Cù Là mà tôi vừa rời chân lên ngồi quanh đồn Pháp, trong cây cỏ um tùm. Nhờ có sóng biển ào ạt nên giặc không hay biết… Cha ruột anh Sáu Thuyền đã tham gia nghĩa quân, khi về đến nhà đã kể lại rằng khi vào đồn, lục soát thấy những cục gì mềm ở nhà bếp, ngỡ là thứ thực phẩm lạ của Pháp dùng để ăn với cháo trắng cho dễ nuốt, vài người ăn thử, mang bệnh thổ tả, sau nầy chợt hiểu đó là xà phòng!” (trang 26).
Ông trăn trở về những trang viết của thế hệ trẻ hôm nay: “Kháng Pháp rồi chống Mỹ, bao nhiêu chiến sĩ xuất hiện với tầm vóc ngày càng rộng lớn nhưng chuyện thầy giáo Phan Ngọc Hiển vẫn còn âm ỉ trong tâm tư người địa phương với nhiều chi tiết dễ gây xúc động… “Ngọc đèn không tắt” của nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư đoạt giải Nhất (Cuộc thi Văn học tuổi hai mươi-NT).
“Ngọn đèn không tắt” kể lại chuyện của thầy giáo ở Hòn do một nữ sĩ trẻ thuộc thế hệ sinh sau ngày giải phóng 1975. Cô kể một cách hồn nhiên, như đứa cháu nội nhắc nhở kỷ niệm xưa, gọi thầy giáo là Thầy, không có tên Phan Ngọc Hiển kèm theo, vì kính nể, vì chẳng lầm lẫn với ai khác, vào bối cảnh xưa… ánh sáng của ngọn đèn ấy không bao giờ tắt lại là niềm tin mãnh liệt đến mai sau…”(trang 92).
Hay những chi tiết mà nhà văn Sơn Nam kể về gia cảnh cha mẹ lo cho ông đi học thuở nhỏ, ông có chút báo hiếu khi dành hai hộp sữa hiệu con Chim Nestles: “…Tôi về nhà cất kỹ lưỡng, chờ gởi về U Minh cho mẹ, gọi là báo đáp công ơn dưỡng dục. Đây là lần đầu tiên mà tôi thấy mình quá ư có ích lợi cho gia đình”(trang 38).
Cuốn Hồi ký dày 110 trang viết không chỉ kể lại tuổi thơ Từ U Minh đến Cần Thơ mà chính là lời tâm sự bao quát cả những biến động đau thương lịch sử ở xứ miệt vườn nầy. Cuốn sách mang ý nghĩa giáo dục rất có ích cho cả nhiều thế hệ độc giả nhất là cho các em thanh thiếu niên - chủ nhân tương lai của đất nước.
Nhà thơ Hoài Anh nhận định rất chân thật về các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam:“Sơn Nam là một nhà văn nặng về kể chứ không nặng về viết. Những trang viết của anh dung dị, sinh động, hấp dẫn, có màu, có tiếng, có kèm động tác như câu chuyện hàng ngày anh kể… Không cứ sách biên khảo, ngay truyện ngắn anh cũng viết bằng giọng kể y như có người ngồi nghe trước mặt”.
Tôi có cái may mắn được ngồi hầu chuyện trực tiếp cùng nhà văn Sơn Nam… hai lần. Lần thứ nhất nhân đám cưới người chị họ tôi (con gái nhà quay phim Nguyễn Hòe với các bộ phim: Ván bài lật ngửa, Em còn nhớ hay em đã quên… Hãng phim Giải Phóng-NT). Lần thứ hai tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (trước 1975 là trường Văn Khoa nổi tiếng-NT). Ông nói chuyện dí dỏm, thu hút người nghe. Đặc biệt ông vẫn xoay quanh về mảnh đất Nam Kỳ lục tỉnh từ nguyên thủy cho đến ngày giải phóng và những địa danh mà ông tìm hiểu, nghiên cứu, tra khảo… Sinh viên ngồi dự đông kín cả hội trường, nhiều câu hỏi được đặt ra ông đều trả lời rốt ráo từ chuyện lịch sử, chính trị cho đến xã hội đời thường. Phải nói ông xứng danh là thổ công, nhà Nam bộ học nhưng với riêng ông, ông khiêm tốn nhận mình là nhà văn đúng nghĩa và đồng nghĩa với nhà nghèo.
Cuộc đời của ông trải qua bao vất vả, gian khổ nhưng ông không bao giờ than phiền mà chỉ hết mình vì con chữ hằng ngày từng giờ, từng phút một khi tuổi ngày càng cao sức càng yếu. Ông lặng lẽ cô đơn khi làm việc với căn phòng thuê và sáng sớm có mặt tại Nhà truyền thống Gò Vấp để đọc sách, báo nhâm nhi cà phê cùng bạn bè và đám hậu bối.
Khi tôi đang ngồi viết bài này thì ông đang nằm viện để điều trị an dưỡng, sức khỏe đang dần hồi phục vì ông chưa làm nốt phần còn lại của những tập hồi ký tiếp theo. Âu đó cũng là nợ đời mà ông đang cố trả nốt. Hy vọng ông sớm hồi phục sức khỏe để đi nói chuyện và viết. Người viết bài nầy cũng như nhiều văn nghệ sĩ cầm bút thiết tha kêu gọi Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần (kể cả một Giải thưởng Nhà nước cũng không) vì chúng ta vô hình chung đã quên khuất đi trong khoảng thời gian “im lặng” quá dài đối với nhà văn lão thành đã cống hiến hết mình, đóng góp cho mảnh đất Nam Kỳ lục tỉnh nói chung và Sài Gòn quê hương thứ hai của ông nói riêng. Bởi nói như “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu thì“Cơm áo không đùa với khách thơ”. Chúng tôi tin rằng trong tương lai không xa ông rất xứng đáng nhận Giải thưởng cao quý của Nhà nước trong đợt xét phong tặng sắp tới đây.
NGUYỄN TÝ (tác giả giữ bản quyền)
________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét