Tôi thuộc thế hệ 8X, sinh ra khi đất nước đã thái bình nên không biết đến chiến tranh đói khổ năm xưa. Mặc dù gia đình tôi chỉ là nông dân không giàu có gì nhưng cuốc sống cũng có thể gọi là “cơm no, áo ấm”. Một con người sinh ra vốn đã no ấm thì nghĩ gì đến Tổ quốc? Thực sự thì tôi chẳng bao giờ nghĩ gì, việc đó quá to tát. Những bài học lịch sử bay vèo vèo qua tai, tôi mải mê với những trò nhảy dây, đánh đu… hơn là học hành.
Nhà tôi không thuộc gia đình truyền thống cách mạng, bố mẹ tôi chẳng bao giờ dạy tôi về lòng yêu nước hay nhiều điều khác nữa, quanh năm câu chuyện chỉ là ruộng lúa vườn rau. Tuổi thơ tôi như cây cỏ dại, quanh năm tôi cũng tất bật ngoài đồng bãi, khi thì chăn trâu cắt cỏ, khi mò cua bắt cá hay đàn đúm cùng bầy trẻ con trong xóm. Cứ thế là lớn lên thôi.
Lớn lên tôi ra thành phố đi buôn. Cuộc sống rất vội vàng luôn cuốn tôi đi. Đầu óc tôi có lẽ chỉ còn một chữ tiền, tiền và tiền. Tiền theo tôi vào trong cả những giấc mơ
Vậy mà, khi hay tin “Trường Sa sắp mất rồi, trung quốc chiếm” tim tôi như ngừng đập. Tôi bật khóc. Ôi ! Tôi của ngày xưa, nào đâu biết Trường Sa nó tròn méo thế nào, chỉ biết nó xa xa ngoài biển, chỉ biết nó thuộc về Tổ quốc mình. Thuộc về tổ quốc mình mà lại bị mất đi, bao nhiêu công lao, bao nhiêu xương máu của thế hệ trước vậy là cũng mất đi. Cảm giác của tôi như ai đó đã chặt mất cánh tay mình. Tôi bắt đầu quan tâm đến thời sự nhiều hơn để biết Biển Đông dậy sóng tới đâu rồi, trong đầu tôi tôi bây giờ xuất hiện thêm một chữ nữa là Biển Đông.
Tôi điện cho đứa bạn thân của mình hỏi rằng nếu có chiến tranh mày sẽ làm gì? Nó trả lời “Tất nhiên là tao đi cầm súng rồi”, tôi cưòi “Hihi… mày đúng là bạn tao!”. Tôi hỏi mẹ: “Nếu có chiến tranh mẹ sẽ làm gì hở?’ mẹ tôi đã sáu mươi tuổi mắc nhiều bệnh lại có tật ở chân nhưng bà bảo: “Ơ hay! Cái con này, nước mất thì nhà tan, mày hỏi ngớ ngẩn, đương nhiên hi sinh đến giọt máu cuối cùng”. Ôi trời, mẹ tôi thật khí thế! Tôi cũng thấy mát lòng. Tôi lại hỏi chị gái mình, chị bảo: “Đi cầm súng chứ, có mệnh hệ gì mày nuôi cháu hộ chị, tao chỉ thương nó còn bé quá!”.
Tôi mừng vì hoá ra những con người rất đỗi bình thường quanh tôi luôn chất chứa một tình yêu nước nồng nàn.
Tôi dành thời gian nhiều hơn cho đứa cháu trai hai tuổi của mình. Tôi dạy nó học hát, hát những bài hát về Bác Hồ, về quê hương đất nước. Tôi muốn nó ý thức về dân tộc, về Tổ quốc từ thuở lọt lòng. Mặc dù nó mới bi bô biết nói nhưng học hát rất nhanh. Cái miệng xinh xinh ngọng ngịu của nó cư luôn mồm kéo dài “Hờ… Chí… Mưn…” (Hồ Chí Minh) khiến tôi mãn nguyện.
Tiền bạc với tôi thật quan trọng, cuộc sống này với tôi càng quan trọng hơn nữa. Nhưng tôi luôn sẵn lòng được hi sinh vì Tổ quốc.
Sở dĩ tôi viết tâm sự của mình lên đây để mong ai đó hiểu rằng những con người bận rộn và vật chất như tôi cũng giàu tình yêu nước như ai. Thế hệ đi trước hãy tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay, và những người trẻ hãy tin tưởng chính mình, tin tưởng vào dân tộc mình.
TRẦN KIM (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp vào hình ảnh phía dưới để về trang chuyên đề <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét