Bây giờ mỗi khi nhớ lại những ngày hè tràn ngập nắng vàng, Thi thường nghĩ đến Nha Trang. Cứ khoảng tháng năm tháng sáu, công ty cho công nhân viên đi nghỉ mát. Nơi họ chọn thường là vùng biển xanh cát trắng đẹp tuyệt trần. Thi đã nhiều lần đến thành phố biển, nhưng vẫn thòm thèm mỗi khi ai đó nhắc lại những chuyến đi ngày xưa.
Mới đó mà đã là ngày xưa rồi ư? Thời gian không chờ đợi một ai cả, công ty Thi cũng vậy, đã bỏ dỡ một nhịp thời gian cho nên đành ôm phận chạy đằng sau kẻ khác, công ty không có tiền để cho công nhân nghỉ mát. Còn công nhân cũng nhiều người không trụ lại được nữa, cuộc sống không đùa giỡn với ai bao giờ. Họ ra đi mà lòng ấm ức, bỏ lại sau lưng những cỗ máy còn ấm bàn tay thợ là cả một nỗi niềm. Nhưng biết làm sao được, Thi hiểu tâm trạng của họ khi chính cô cũng đành phải rời xa nơi chốn đi về trên mười năm trời. Khi chia tay những người ở lại, cuộc chia tay không kèn không trống, không một lời động viên dù là giả tạo, Thi nói với trưởng phòng:
- Tôi nghĩ tụi tôi như những cánh chim bay đi khắp bốn phương trời, không biết ngày nào gặp lại, anh ở lại mạnh khoẻ, cố gắng “chiến đấu” để mà tồn tại, mặc cho người ta chửi hàng ngày?
Anh trưởng phòng không đáp lấy một lời, Thi phân vân không hiểu người đàn ông ấy có một trình độ văn hoá ứng xử cực thấp hay trong lòng đầy ắp nỗi niềm không thể thốt nên lời? Chỉ có cặp mắt của người đàn ông nhìn Thi là có chút an ủi cô. Trong đó hình như là một lời chia sẻ câm lặng không biểu hiện ra bên ngoài vẻ xù xì của anh ta. Đúng ra Thi còn làm ở công ty một thời gian nữa, nhưng Thi không chịu nỗi sự quản lý gia trưởng một cách ngu đần, đầy thành kiến của ông giám đốc mới. Những người khác đã bỏ công ty mà đi trước Thi, thì hà cớ gì Thi còn luyến tiếc một chỗ làm với một đồng lương chết đói? Thực ra Thi không vì tiền bạc nhiều lắm, cô một thân một mình không tiêu tốn gì nhiều, nhưng người đàn ông cục xúc đó đã xúc phạm tất cả mọi người, trong đó có Thi. Không có một vị giám đốc nào trên thế giới này trong các cuộc họp giao ban, lại vỗ ngực xưng tên rằng mình giỏi dắn, con mình làm ăn cực hay, vợ mình không thua kém ai trên thương trường, còn “các người làm ăn như mèo mửa, nên nghỉ hết đi để tui tìm người tài giỏi vào làm?”. Thi tìm hiểu thì được biết, ông ta xuất thân là một lái xe, chi học đến lớp sáu, không biết lòn cúi cách nào mà hai mươi năm sau đã trở thành giám đốc công ty? Khi mới sáp nhập, người đàn ông đẹp trai đó cố tình hất tất cả những ai không ăn cánh để dễ bề đưa tay chân thân tín vào những vị trí “có ăn”. Thực là nhục nhã, Thi rấp tăm tìm việc khác để khỏi phải thấy những chướng tai gai mắt hàng ngày. Thi không thể nào chịu được vẻ nịnh bợ một con người vô văn hoá của một số đồng nghiệp khi ông giám đốc mới được giao quyền quản lý sau vụ sáp nhập. Người giám đốc tiền nhiệm đã cao chạy xa bay sau khi thoát nạn, ông ta để lại một đám người bây giờ mới lộ bản chất. Thôi thì, người ta ai cũng cần thể hiện mình, lòn cúi một chút để có được chút chức vụ để mà ngữa mặt với đời?
Nghỉ việc, trước khi tìm việc làm khác, Thi đi Nha Trang chơi. Một mình Thi xách va ly quần áo ra xe. Chiếc xe chất lượng cao chạy một lèo xuống thành phố biển. Trước khi giả từ cao nguyên, ông tài xế dừng ở đỉnh đèo để mọi người nghỉ ngơi một chút và ngắm cảnh. Non cao trời rộng, một màu xanh. Lòng khoan khoái ngất ngây Thi thấy dễ chịu vô cùng. Tới Nha Trang sau ba năm không trở lại, biển với Thi vẫn dịu dàng nồng ấm như người thân lâu ngày gặp lại. Thi ôm biển vào lòng, còn biển ấp iu cô như vỗ về tình nhân. Vài sải tay Thi bơi ra xa để một mình cảm thấy biển ở quanh mình. Màu xanh của biển của trời và nắng và gió và sóng, Thi ngất ngây như nếm chút rượu nồng. Thi thả người trôi bồng bền trên mặt nước. Ráng chiều nhuộm biển bằng một màu tím thẩm, nhuộm luôn cả Thi khi Thi thong thả bước những bước chân trên bãi đã bắt đầu vắng bóng người. Những dấu chân Thi hằn lên cát trắng, bên cạnh là những giọt nước biển nhỏ xuống từ người Thi. Một cảm giác mát lạnh khi một cơn gió phe phẩy thổi khiến Thi khẽ rùng mình. Đèn đường đã bật lên, mới hồi nãy biển xanh thẫm mà bây giờ đã trở thành một màu đen đầy bí hiểm.
Thi uể oải và mãn nguyện trở về khách sạn. Con đường Trần Phú lúc này thật yên tĩnh, có lẽ mọi người trở về nhà của mình để chuẩn bị cho một đêm vừa mới bắt đầu. Chỉ mình Thi vô duyên một mình trong chiều muộn, Thi hơi buồn một chút khi đưa chiếc vòi sen lên thân thể mình. Dòng nước âm ấm rưới lên người cô gây nên một cảm giác rạo rực, y như một tia nhìn lén khi Thi vô tình để trễ tràng một khoảng ngực ra trước mặt một người đàn ông. Tia nhìn bò khắp người Thi, Thi cảm thấy nhột nhạt. Bây giơ một mình trong căn phòng xa lạ, Thi mới biết thế nào là sự cô đơn, cô hơi ân hận khi không rủ Hà đi cùng. Mà chắc gì Hà đi? Một thân một mình như Thi thì đi đâu chẳng được, nhưng Hà không dễ dàng gì khi ra khỏi ngôi nhà có một bà mẹ chồng già nua tuổi tác và một đứa con ốm đau dặt dẹo? Chính vì thấy cảnh của Hà mà Thi nung nấu trong lòng một quyết tâm: không lấy chồng. Lấy chồng như Hà làm gì cho mệt, một mình Thi ung dung tự tại muốn làm gì thì làm, có ai ràng buộc được Thi? Nhưng những lần tới nhà Hà chơi, nhìn Hà tất bật với những công việc không tên, mệt bở hơi tai còn trong mắt thì lấp lánh một thứ ánh sáng ngời ngời. Thi sửng người khi vô tình bắt gặp thứ ánh sáng trong ngần ấy, nó xuyên thấu qua người Thi, xuyên qua những ngày một mình trong căn nhà chung cư lúc nào cũng náo nhiệt. Thi không muốn nhớ, nhưng sao bỗng dưng chập choạng chiều nay nó lại xuất hiện trong Thi?
Thi thở dài và khoá cửa đi ra ngoài. Cô không biết phải đi đâu, nhưng Thi cần có một không gian để giải phóng những tư tưởng bất ổn bất chợt đến trong chiều muộn. Một chiếc xích lô trờ tới, người phu xe miệng mời trong lúc vội nhảy xuống xe:
- Đi đâu cô Hai, tôi chở cho?
Hình như thấy nét mặt thất thần của Thi, người đàn ông tiếp lời:
- Đi dạo cô Hai, tui chở cô Hai “dòng dòng” cô Hai sẽ thấy Nha Trang mình đẹp lắm. Mà tui nói thiệt, chắc cô Hai đang buồn phải không?
Không nói một lời, Thi ngồi lên xe và phẩy tay. Chiếc xe chầm chậm chạy, một cơn gió nhẹ thổi bay tóc Thi như có cái quạt tự nhiên của trời đất. Nghĩ như vậy Thi thấy vui vui, thì ra ông trời cũng công bằng vô cùng, khi mình đang buồn ổng làm cho mình mát, như vậy, niềm vui ở đây chứ đâu, cần gì viễn vông tìm kiếm khắp nơi? Thi bật cười với ý nghĩ của mình. Ông xích lô gợi chuyện:
- Cô Hai quê ở đâu ta?
Không muốn lắm nhưng Thi cũng trả lời:
- Tôi ở Đ. Chú biết không?
- Trời đất, tưởng cô ở đâu chớ ở Đ là quê tui mà. Tui xuống đây trên chục năm rồi. Mỗi khi trời lạnh, nhớ quê khủng khiếp.
Thi tò mò:
- Vậy trước kia trên đó chú làm gì?
Ông xích lô sôi nổi:
- Cũng làm nghề lái thôi cô à, nhưng mà tui lái xe hơi chứ không phải chiếc xe chạy bằng cơ bắp này đâu. Ngẫm lại đời tui chi đâu mà thiệt buồn cười, một đời gắn với nghề xe, đủ thứ xe cả, bây giờ cũng lái nhưng mà lái xích lô !
Ngừng một chút, ông xích lô nói tiếp:
- Chẳng bù với thằng phụ xế cho tui, nghe đâu giờ nó làm tới giám đốc rồi. Chắc là ở trên mình hết người hả cô, nó có học hành gì đâu, chỉ có gái gú là giỏi. Mà cũng thiệt lạ, nói cho cùng nó cũng có biệt tài. Cô biết mỗi lần xe tui vi phạm luật, giao cho nó mấy chục, nó đi lo là xong ngay. Năm trước tui tình cờ gặp nó xuống đây chơi, nó đi với một cô thiệt đẹp. Tui thấy nó mừng quá la lên: “Bảy mày xuống hồi nào?”. Ai ngờ nó ngó lơ, cái bộ dạng đẹp tướng đỏ mặt . Tui hỏi tiếp “mày quên thằng anh mày hả, mày có chết cháy tao cũng nhận ra mày là thằng Bảy “nhỏ” mà.”. Cô gái đẹp nhìn nó ngạc nhiên, nó kéo cô ta đi liền, mặc cho cô gái ngoái lại nhìn tui. Buổi tối, tui chờ khách ở kem Bốn Mùa, nó một mình quay lại. Nó đưa tui một xấp tiền rồi nói: “anh Hai tui không quên anh, nhưng giờ tui đã làm giám đốc rồi, nhận anh e không tiện?”. Tui cầm xấp tiền nó đưa, không biết là bao nhiêu, tui kêu đám bụi đời lại, phát cho đứa mấy tờ, rồi nói :
- Mày mà làm giám đốc nỗi gì, nhưng nhìn tướng mày, xe mày tao tin là thiệt. Mấy đồng mày đưa, nói thiệt, nếu hồi trưa mày nhận ra tao, tao lấy liền. Nhưng bây giờ mày đưa tiền, tao thấy đồng tiền đó không đáng để tao nhận, còn mấy đứa nhỏ nó đâu biết gì, nó cần cái ăn, vậy tao cho nó. Tao lạ gì mày, đồng tiền mày coi to như bánh xe bò, bây giờ mày đưa tao cả xấp không đếm, chắc đồng tiền không sạch sẽ gì. Thôi biến, tao không quen biết thằng nào là giám đốc hết, lạng quạng tao cho ăn mỏ lết như ngày xưa bây giờ.
Nó biến mất tăm, một thằng nhỏ bụi đời đem trả lại tui một miếng giấy nhỏ và nói cái này không phải là tiền. Cô biết miếng giấy gì không, tui đọc thấy ghi trên đó là : Nguyễn Bảy, Giám đốc công ty P, cơ quan số … nhà số …, điện thoại đủ thứ cả. Tui cất tờ giấy đó giữ làm kỉ niệm, giờ gặp cô ở Đ tui mới kể ra. Ở trển cô biết nó không ?
Thi không trả lời, nét mặt cô cau lại như gặp điều gì khiến cô đau đớn.
Nhìn Thi, người đàn ông sững sốt đến nỗi quên cả đạp xe, ngẩm nghĩ một hồi ông ta nói :
- Tui biết nó là thằng ăn cắp trong máu mà, mà sao đời có những chuyện kỳ cục khó tin như vậy?
Sáng nay khi bước lên xe, Thi nghĩ thầm trong đầu xuống Nha Trang cô sẽ rủ sạch được bụi bặm, ai ngờ bụi bặm cũng theo Thi xuống tận đây, làm hoen ố cả mấy ngày nghỉ một mình !
Thi kêu xe quay trở lại, cô lầm lũi đi vào khách sạn bỏ ngoài sân tiếng sóng đêm.
Ban mai bãi cát đầy rác, trong đêm biển trả lại rác rưởi cho con người. Nhìn mấy công nhân lui cui dọn rác trong lúc vẫn chuyện trò vui vẻ, Thi cảm thấy nhẹ lòng.
Biển vẫn một màu xanh ngắt.
VÕ ANH CƯƠNG (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp vào hình ảnh phía dưới để về trang chuyên đề <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét