Có thể coi là chốn cũ, quê xưa được không khi mình chỉ ở đó có 4 năm thôi. Bốn năm nhưng bao nhiêu ân tình đã cho và nhận. Đâu phải là quê hương gì đâu, cũng chẳng phải là nơi “chôn rau cắt rún” gì cả. Thế mà mình đã xem nơi đó đó như chốn cũ quê xưa của mình vậy? Và đã có một ngày, mình về nơi ấy: CHỐN CŨ …
Nhận lời mời của Chị Huỳnh Đào - Hiệu trưởng trường THCS Bình Long về họp mặt cựu giáo viên và học sinh Trường Bình Long lần thứ III nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 ÂL (tức là ngày 31/3/2012 dương lịch), mình và cô Minh Châu (cựu giáo viên môn Pháp Văn - đã nghỉ hưu) hẹn nhau từ chiều hôm trước là sáng mùng 10 sẽ đi từ 5 giờ sáng…
Gần 4 giờ sáng mùng 10, trời mưa như trút nước, gió quật cành xoài ngoài sân răng rắc, gió đánh tơi tả chùm hoa hoàng hậu vàng trước ngõ, chùm bông giấy trắng rụng lả tả trên lối nhỏ vào nhà….Nhìn cảnh ấy, mình thầm than: Ông trời hổng biết thương mình gì hết!
Mình đi ra đi vô, bụng nóng như lửa đốt, quên lấy số điện thoại của cô Châu mất rồi…. Mình cũng ỷ y là nhà mình sát bên nhà cô thì cần gì alo cho mệt… cứ thế này chắc ở nhà quá… Có thể chẳng có gì quan trọng với mình vì mình có làm gì ở buổi họp mặt này đâu, chỉ là tham dự cho vui với tư cách khách mời mà thôi,…nhưng sao cứ muốn đi cho biết vì cũng đã bao nhiêu năm rồi mình chưa trở lại ngôi trường ấy. Đúng ra thì cũng đã có bao lần trở lại đi ngang qua đó, đã bao lần thấy nó từ khi mình chuyển về Long Xuyên tới giờ, nhưng chưa lần nào mình ghé vào thăm được. Không phải vì không nhớ! Cũng không phải vì không muốn vào… Muốn vô thăm trường lắm chứ! Nhưng vô đó với tư cách gì đây? Giáo viên ư? Có còn là giáo viên nữa đâu (bạn bè hay đùa mình là đứa “mất dạy vô sở” mà). Phụ huynh ư? Có đứa con nào học ở đây đâu mà làm phụ huynh… Chỉ là khách vãng lai thôi! Vậy thì tư cách gì để thăm chốn cũ đây ???
May quá, hơn 6 giờ sáng thì trời mưa nhỏ hạt dần. Mình mặc áo mưa vào, chạy xe qua nhà cô Châu. Nhà cô cất ở sâu phía trong con ngõ nhỏ như nhà mình vậy. Kêu cửa quá trời mà không nghe à ơi gì hết. Chắc cô chưa thức thì phải?
Kêu một hồi nữa thì nghe cô “Ới” một tiếng phía trong nhà. Quả nhiên là cô vừa mới thức. Đi ra mở cửa cho mình, cô bảo:
- Cô nghĩ trời mưa quá chắc em không đi. Mà cô thấy mệt trong mình quá! Cô không đi nữa đâu em ơi!
- Cô ơi! Bao nhiêu năm rồi em mới trở lại Trường đó đó cô! Cô đi cho vui cô ơi! Cô chỉ cần ngồi trên xe thôi, em sẽ chở cô lên tới đó, cô đâu cần làm gì đâu?
Sau một hồi “uốn lưỡi” thuyết phục, mình đã lay chuyển được cô để cô nhận lời đi với mình về Châu Phú….
Lúc hai cô trò khởi hành đã hơn 7 giờ sáng rồi, trời vẫn mưa lất phất. Mình quên mặc áo khoác nên hơi lạnh. Cũng may là có mặc áo mưa nên không cảm thấy lạnh quá. Hai cô trò ghé chợ Trà Ôn mua bánh mì ăn dọc đường theo kiểu “đi bụi” vậy vì đâu kịp ghé dọc đường ăn sáng, nghe nói làm lễ lúc 8 giờ sáng nên tranh thủ chạy cho kịp giờ.
Trời mưa, mặt đường bóng loáng, trơn nhẫy; đâu dám chạy nhanh vì sợ tai nạn và cũng sợ công an “bắn tốc độ” nữa. Ngay gần trung tâm huyện Châu Thành, có một có trạm trực chiến thường xuyên. Đến đó, cứ thấy xe cộ đang chạy bình thường mà tự nhiên nối đuôi nhau “bò” chầm chậm là biết ngay có công an rồi. Hôm nay, trời mưa, không có công an gác nên xe cộ cứ bon bon, không thấy dồn cục “bò” như mọi bữa. Bởi vậy, mình cứ thấy cánh lái xe đang chạy nhanh, tự nhiên chạy chậm lại là biết đến trạm rồi.
Tới nơi, mới hơn 8 giờ. Trong sân trường mọi người đã đến nhưng cũng chưa đông lắm. Gặp các thầy cô cũ mừng mừng, tủi tủi. Chị Huỳnh Đào, thầy Nguyện, thầy Quý “Côsin”, thầy Hùng, thầy Liệt, …Nghe nói chị Thu Dung đang bận việc trên trường THPT Trần Văn Thành chút nữa mới xuống. Mấy cô giáo, mấy học trò (nói học trò cũ chứ thực ra ai cũng cỡ U 40, U 50 hết rồi…). Xúm lại từng nhóm, nói cười tíu tít, nước mắt rưng rưng,…
Mình và cô Châu đi khắp vòng sân trường, ngó nghiêng mọi chốn. Tuy ở gần chợ Cái Dầu, gần trung tâm của huyện Châu Phú, nhưng thực sự nhìn bề nổi thì mình thấy Trường Bình Long vẫn còn nghèo lắm. Dãy lớp mình từng về dạy cách đây 23 năm vẫn còn một dãy 4, 5 phòng. Vẫn là mái lợp Fibro - xi măng như ngày xưa, khung cửa gỗ sơn màu xanh cũ kỹ, cả dãy tường vàng lấm tấm màu sơn không còn mới nữa,…Dãy lớp học đó lặng lẽ nép mình một góc, trông thật tội nghiệp làm sao!
Khu tập thể trước đây mình từng ở đã không còn tồn tại. Giáo viên cũ từng ở đó như Thầy Khương, Thầy Chi, Thầy Khanh,… đã mua đất trong khu quy hoạch trên huyện và cất nhà hết rồi. Có ai ở đây nữa đâu…
Cây còng già ngay lối đi vào sân trường vẫn uy nghi đứng đó. Thân nó to lắm rồi, có lẽ hơn bốn người ôm mới giáp vòng thân cây. Cái cháng hai của nó ngày xưa mình đứng tới ngang hông. Bây giờ, sân trường nâng nền cao lên nên nó chỉ cao tầm ngang đầu gối. Cái thân cây mình đã đứng để chụp hình cách đây 23 năm với đứa học trò tên Hằng. Mình vẫn nhớ như in vậy…Còn cái khoảng trống giữa sân trường từ chỗ cây còng già vào tới phòng Giáo viên là khoảng trống kỷ niệm “vừa tức, vừa cười”. Đó là ngày đầu tiên mình chân ướt, chân ráo vào sân trường và bị học trò khối lớp 12 đang ra chơi đứng cả dãy trên lầu chọc ghẹo:
- Em ơi em! Em đi đâu đó?
Lúc đó, mình tức lắm mà không làm gì được vì lén nhìn lên thấy đám học trò đứng trên tầng hai ấy có lẽ chỉ nhỏ hơn mình vài tuổi là cùng. Mình chỉ biết “méc” thầy Huỳnh Thanh Y (Hiệu trưởng) mà thôi.
Bữa chào cờ thứ Hai đầu tuần sau, thầy giới thiệu các giáo viên mới, trong đó có mình. Học trò lớp 12 lúc đó nhận ra mình, tụi nó lè lưỡi nhìn nhau…
Mới đó mà đã 23 năm rồi!
Khoảng hơn 8 giờ 30, tất cả tập trung vào Hội trường. Các chị nữ xách ghế, chen vai nhau ngồi dãy bên trái trong Hội trường. Ghế còn trống mà cứ chen sát lại mới kỳ chứ. Túm tụm lại một nhóm xúm nhau coi ảnh, người thì cười vì nhắc mấy chuyện cũ không nhịn cười được. Người thì lấy khăn chậm nước mắt vì biết một số bạn đã ra đi không còn nữa,… Có chị buôn bán trên Núi Sam - Châu Đốc cũng về, gặp nhau cứ tíu ta tíu tít. Mình giơ máy lên bấm, chị e ngại lấy tay che mặt, không chịu chụp hình….
Lúc thầy Báo (dạy môn Văn) lên phát biểu. Thầy Tân (nguyên Hiệu trưởng trường THPT Trần Văn Thành) cứ bảo thầy Báo dạy Văn thì hôm nay phải đọc một bài thơ đi. Thầy Báo nói một hồi thì xúc động quá nói không nên lời. Cả Hội trường vỗ tay động viên thầy quá trời. Ai cũng rưng rưng nước mắt vì nhớ lại chuyện ngày xưa…
Khi chị Kim Hương (Tiệm vàng Kim Hương ở Long Xuyên) lên tặng quà thầy cô cũ và bạn bè thì mình mới biết chị cũng là “trò cũ” của trường. Hôm nay, chị cũng về họp mặt và mình được biết chị là một trong những “mạnh thường quân” của ngôi trường này…Thấy chị lăng xăng, nhiệt thành và chân tình lắm. Giàu có cỡ chị mà không quên thầy cô và bạn bè cũng là điều đáng quý lắm chứ. Mình từng nghe người không thích chị có nói, đại ý là: chị chỉ khoái lên Truyền hình, mình cứ ngờ ngợ... không biết có nên tin điều đó không? Hôm nay, mình thấy điều họ nói rõ ràng là không đúng. Hôm nay, có Đài, Báo, Truyền hình nào quay phim gì đâu. Chỉ có thầy cô cũ, một vài đại diện chính quyền xã, vài quan chức địa phương có mặt với tư cách học trò cũ thôi mà…Thấy chị nhiệt tình thật sự chứ không màu mè, giả tạo. Khi chị đại diện học trò cũ lên phát biểu, mới nói mấy câu thôi là chị xúc động quá, không nói thêm được gì nữa. Có vậy mới biết, nổi tiếng quá cũng hay bị người hiềm khích, tị nạnh…. Ông bà mình thường nói: “Trâu buộc thì ghét trâu ăn, quan võ thì ghét quan văn dài quần”. Có đúng quá không?!
Nghe bài phát biểu của cô Huỳnh Đào - Hiệu trưởng, mới thấy Trường Bình Long đã nỗ lực, phấn đấu không ngừng; nhưng cũng còn nhiều khó khăn lắm. Nhất là học trò nghèo rất cần hỗ trợ sách vở, tập học, dụng cụ học tập, xe đạp để đi,… Cần nhiều sự ủng hộ của mạnh thường quân hơn nữa …. Có một đứa học trò nghèo, tên là Thùy Liên, học sinh của Trường, rất ham học, ngoan ngoãn. Nó có tới ba chị em, cha chết, do nghèo quá, mẹ bỏ đi , không biết ở đâu, chị em nó sống với ông bà nội…Ông nội đã già yếu không lao động được nữa, chỉ có bà nội và 2 anh em đi bán vé số kiếm tiền sống qua ngày, em được chị Đào rất thương và quan tâm giúp đỡ, dược chị Mỹ Lệ (cựu học sinh của trường) tặng cho 10 kg gạo mỗi tháng; có thế mà em Liên và gia đình rất vui và em an tâm học tập. Không phải chỉ có trường hợp Thùy Liên mà còn một số học sinh khác cần sự hỗ trợ. Những trường hợp như vầy rất cần sự chia sẻ của cộng đồng cho các em được tiếp tục học hành.
Mạnh thường quân của trường ngoài chị Kim Hương còn có anh Đoàn Văn Mực (Phó ban Đại diện PHHS), anh Nguyễn Văn Thành (Cựu học sinh), Doanh nghiệp TN Nghĩa Hiệp, Ông Nguyễn Văn Ty (Phụ huynh), thầy Nguyễn Văn Hội, và nhiều giáo viên trường Bình Long thường xuyên ủng hộ, vận động hỗ trợ học trò nghèo đến lớp. .. Đặc biệt là sự hỗ trợ của Hội cựu học sinh trường năm học qua với tổng số tiền hơn 28 triệu để cấp học bổng, mua quần áo cho học sinh nghèo và ghế đá cho trường…
Sau buổi lễ, thầy trò và khách mời cùng nhau dự buổi liên hoan. Món ăn đơn giản, không cao lương mỹ vị nhưng rất ấm chân tình.
Ăn uống thế này làm mình nhớ cuộc sống ở khu tập thể lúc đó…. Buổi ban đầu, cực khổ và khó khăn vô cùng… Mình lại là một đứa quen sống ở phố thị, điện đóm lúc nào cũng sáng trưng, nước nôi tắm giặt lúc nào cũng có sẵn,… Mình nhớ như in, năm 1989, mới ra trường, cầm cái bằng Đại học chính quy trong tay, thử đi xin việc tại thị xã Long Xuyên, mấy cơ quan mình đến xin việc đều nhận, … nhưng khổ nỗi, cha mình không cho ở lại thị xã làm việc. Cha mình cứ khăng khăng, lập trường, quan điểm rõ ràng:
- Nhà nước đã đào tạo, con phải đi theo sự phân công của nhà nước. Vài năm phục vụ ở huyện rồi về…. Ở nhà, bố mẹ chăm sóc lẫn nhau được.
Lúc đó, mình chỉ lo cho cha mẹ thôi vì hoàn cảnh gia đình mình thời điểm đó ngặt lắm. Hai đứa em học ở Đại học Cần Thơ chưa ra trường. Anh Hai đang học Đại học Y khoa Cần Thơ, năm 1989 cũng là là năm cuối thì phát bệnh u não, năm 1990 thì mất. Tiền bạc lo cho anh Hai đã cạn kiệt, không có tài sản gì khác ngoài căn nhà trống rỗng. Gia đình mình chỉ có cha và mẹ ở thị xã Long Xuyên. Anh Hai mất, cha mẹ đau lòng lắm và đau bệnh liên miên. Mãi tới năm 1993, hai đứa em mình mới ra trường. Ba chị em mình về 3 huyện khác nhau nhận nhiệm sở làm việc theo sự phân công; một đứa về huyện Thoại Sơn, một đứa về Chợ Mới công tác, mình về huyện Châu Phú. Cha mình là vậy đó! Cuối tuần xúm nhau về. Gặp cha, mấy đứa mình cứ đùa vui: Cha đúng là “ông già Khốt - ta - bít”! Nhưng trong lòng tụi mình rất kính trọng ông!
Về trường huyện thì phải ở tập thể trường, phải sống xa nhà, mà khu tập thể lúc đó chưa có điện, phải xài đèn dầu, nước thì phải đi gánh từng đôi, hoặc phải “canh trời mưa” để hứng từng thùng nước mà xài…. Điều nghịch lý lúc đó là điện ngoài đường thì sáng trưng. Nhà trường cũng có điện xài. Mà tập thể giáo viên thì gần 02 năm sau mới có điện. Kết quả này có được là do công sức của anh Út Khải, Hội trưởng Phụ huynh học sinh trường. Vì thấy các thầy cô ở khu tập thể không có điện xài mới vận động các mạnh thường quân, phụ huynh học sinh hỗ trợ tiền để câu điện vào khu tập thể giáo viên. Lúc đó, tụi mình mới “giã từ” cuộc sống đèn dầu tối tăm đó chứ…. Còn chuyện gánh nước dưới sông về xài là chuyện vô cùng lạ lẫm với mình. Gọi là sông cho oai chứ thực ra chỉ là con rạch nhỏ chứ không phải sông Cái đâu. Học cách quảy đôi thùng to là điều vô cùng khó; ban đầu, tập gánh một lượng nước từ nửa thùng cho đến đầy thùng là cả một kỳ công; việc giữ thăng bằng đôi thùng cho nước đừng đổ ra ngoài lúc đi mình làm cũng trầy trật; rồi cách xoay quang gánh đổi quảy đôi thùng qua vai kia khi vai này mỏi cũng là cả chuyện lớn,… Còn đường đi từ khu tập thể xuống tới nơi lấy nước lúc chưa quen gánh, nó…dài ngao ngán. Con rạch cách đó cả mấy trăm mét, băng qua một khoảng sân trường, rồi quãng đường từ cổng trường vào cũng xa, băng qua Quốc lộ 91, cuối cùng qua một khu vườn của người dân nữa mới tới con rạch. Mà con rạch đâu phải lúc nào cũng có nước đâu. Phải gánh ngoài giờ lên lớp; phải đợi con nước lớn ngoài sông cái lên, nước mới vô con rạch nhỏ trong này. Gánh nước về, đổ đầy lu, lắng phèn cho trong rồi mới xài được. Lắng phèn cũng là việc phải học, nhiều phèn quá thì nước chát ngầm, xài không được, ít phèn quá thì nước lâu mới trong, tốn thời gian,… Tính ra, để có lu nước xài tính từ khi gánh về đến khi nước được lóng được trong cũng hết cả mấy tiếng đồng hồ chờ đợi... Nhằm lúc trời có mưa thì mừng lắm. Cả Khu tập thể í ới gọi nhau hứng nước mưa để dành xài. Có khi trời mưa ngay giữa đêm cũng gọi nhau thức dậy để hứng nước mưa, cực khổ mà vui lắm. Sau này, trường có thuê người dùng máy khoan và lắp đặt một cây nước nhưng vị nước cứ lờ lợ, không ngọt cũng không mặn, ăn uống không được, chỉ để giặt quần áo; mà cũng ít dám giặt vì dùng nước này giặt một thời gian, quần áo cứ bạc thếch, hỏng hết, không xài được…
Nhắc chuyện nước nôi mình kể lại cái “vụ án” cô Trang và thầy Nguyên “đo” hầm cá vồ, cả bàn ăn cười muốn bể bụng.
Chuyện là thế này. Cô Trang dạy môn Anh Văn (ở thành phố Hồ Chí Minh về dạy), thầy Nguyên, thầy Long (bạn trai của cô Trang - cả hai cùng dạy môn Toán, cùng ở thành phố Hồ Chí Minh về dạy). Hôm đó, thầy Long bị cảm nặng, đắp mền rên hừ hừ. Ngoài trời, mưa tầm tã. Mà cái xứ Châu Phú này, đất sét thì nhiều vô kể. Đất sét mà gặp mưa thì dẻo quẹo, đặc quánh, láng o, trơn nhẫy… Cô Trang nhờ thầy Nguyên chở lên chợ Cái Dầu mua thịt heo về nấu cháo cho thầy Long ăn giải cảm. Vì sợ dơ nên cô Trang bảo:
- Anh Nguyên chở Trang chạy từ đây ra sân trường luôn nghe!
- Không được đâu! Đất sét trơn lắm!
- Không sao mà! Trang ngồi sau chống chân tiếp cho…
Xin nói thêm cho rõ: Đường từ Khu tập thể ra sân trường có một khoảng hơn chục thước là đoạn đất đắp lên cao, hai bên là hai cái ao. Cái ao bên trái từ Khu tập thể ra là hầm cá vồ (có mấy cái cầu “tủm” mà “cư dân” khu tập thể trường và người dân quanh trường hay vào đi vệ sinh). Cũng do người dân chưa ý thức được vấn đề giữ gìn vệ sinh chung nên việc đi vệ sinh của giáo viên mới về như mình ở đây là một “cực hình”. Dưới hầm, giấy, lá đi cầu trôi lềnh bềnh; mùi nước hôi hám, rêu đóng xanh lè, nhìn rất ghê. Hầm bên phải là nước dân dẫn từ rạch qua ruộng rồi từ ruộng vào cái hầm trước Khu nhà tập thể; chỉ dùng để giặt quần áo, tưới cây. Bây giờ, môi trường được cải thiện nhiều lắm rồi, “Cầu tủm” đã được xóa sổ; vệ sinh sạch sẽ, không còn cảnh hôi hám, bẩn thỉu như xưa nữa.
Thời đó giáo viên còn nghèo lắm, chưa có xe máy để đi, có xe đạp là “ngon cơm” lắm rồi…. Chiều ý cô Trang, thầy Nguyên leo lên xe đạp chở cô Trang ngồi sau, chạy luôn…Khi thầy Nguyên vừa mới đặt chân lên bàn đạp nhấn một cái, chiếc xe chạy tới khoảng 6,7 tấc và ….trượt bánh trước, theo đà kéo cả hai bạn nhà mình “bay” xuống …hầm cá vồ. Bà con trong khu tập thể nghe la oai oái, bèn xúm nhau chạy ra xem.
Ôi trời ơi! Một cảnh tượng vô cùng “khủng khiếp”…
Cô Trang thì miệng vừa la bài hãi, vừa phun nước hầm phèo phèo:
- Cứu tui! Cứu tui! Eo ôi! Gớm quá…. Gớm quá!!!
Tay trái thì cầm cái bóp tiền quơ lia lịa…. Vừa bò trên bờ hầm để trườn lên bờ vừa la oai oái…Bò lên, tuột xuống mãi mà vẫn không thể ra khỏi cái hầm nước gớm ghiếc…
Thầy Nguyên thì đang lóp ngóp leo lên bờ. Bờ hầm toàn là đất sét, bò lên, tuột xuống, bò lên tuột xuống… không biết bao nhiêu lần….
Vừa thấy thế, mọi người vừa tức cười, vừa thương…Mấy thầy trong khu tập thể phải nắm tay nhau, bấm chân thật chặt xuống đất sét trơn nhẫy, thận trọng kéo từng người một lên. Nếu không khéo, cả dây người cùng tuột luốt xuống hầm cá vồ chứ chả chơi.
Vừa được kéo lên bờ, cô Trang chạy ào vô phòng, quăng cái bóp tiền lên bàn, phóng ngay vô nhà tắm…chỉ còn nghe tiếng xối nước ào ào…Nó quên mất một điều, cả phòng nữ 5 đứa chỉ có hai lu nước ngọt để dành xài (lúc này chưa khoan cây nước ngầm), một lu để dành nấu ăn, một lu trong nhà tắm để tắm rửa, vệ sinh.
Hết nước trong lu, nó xin thêm thùng nước. Tụi mình chạy đi xin cho nó một thùng, rồi hai thùng, rồi….bảy, tám thùng… Mà nó vẫn cứ bài ca “con cá” ca mãi:
- Chưa hết cái mùi hầm cá! Trời ơi! Thương Trang đi! Xin cho Trang thùng nước nữa đi!
Hết cả nước trong khu tập thể mà nó cứ ở trong nhà tắm, không chịu ra!
Thầy Long cũng chạy tới chạy lui, quên mất cả mình mới nãy còn bị cảm sốt nặng, đi không nổi….
Hồi đó, sống cực khổ như vậy mà vui lắm. Cả khu tập thể phòng nào có gì ngon cũng chia sớt, san sẻ với nhau thưởng thức… Bây giờ, mấy cái ao sau nhà không còn nữa vì đã được “xáng” thổi cát lấp đầy hết rồi. Khu tập thể đã không còn nữa….
Tạm biệt chị Huỳnh Đào, mình và cô Châu ra về sớm để còn ghé thăm gia đình thầy Khương- cô Thu, thầy Khanh - cô Lan, …
Đến nhà thầy Khanh, gặp cô Lan nằm đó mà thương quá chừng. Cô Lan mắc chứng bịnh gì hồi nào giờ mình mới gặp. Trước đây cô cao lớn, nặng hơn 60kg, bây giờ teo tóp còn chừng 30 kg. Chân tay còng queo, cứng ngắc. Nghe nói cô bị bịnh thoái hóa biểu bì gì đó. Da từng lớp cứ bong, tróc, rồi khô cứng lại….Điện thoại cho Hải Quý (từng dạy ở Châu Phú A với mình, bây giờ là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ ở Thủ Đức) nói chuyện với cô Lan. Nước mắt cô Lan cứ chảy dài….
Nhớ hồi đó, có món gì ngon cô cũng “ới” mình và Quý qua cùng ăn… Bây giờ, cô nằm bệnh đó, chỉ biết nắm bàn tay cô và động viên, an ủi chứ biết làm gì hơn… Thấy thương cô quá chừng, quá đỗi!!!
Chiều lắm rồi, mình và cô Châu chẳng kịp đi thăm thêm nhà nào nữa vì phải về nhà rồi. Tạm biệt chốn cũ. Một ngày bao nhiêu cảm xúc vui buồn. Bao người gặp gỡ. Bao chuyện để nhớ , để thương… Thời gian dù có trôi đi, nhưng tình người thì thấm đẫm trong ta. Vậy đó, Tình Đất, Tình Người là thế đó!
Mình rất tâm huyết với câu thơ của Nhà thơ Chế Lan Viên:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở.
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”.
Quên sao được, CHỐN CŨ à!
THỤY AN (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét