Cứ tưởng là sao sa. Ba bên bốn bề, trong khoảng chừng 3km một khúc sông, hàng ngàn ngọn đèn dầu le lói sáng trong đêm đen. Là một trận đồ bát quái của ánh sáng chập chờn lần đầu tiên trong đời tôi được bồi bồi thưởng ngoạn với vô vàn cảm hứng!
16 giờ 30, đúng hẹn, anh chàng Lê Hữu Tín (27 tuổi, ấp Trung 1, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) tới hối chúng tôi lên đường ra xóm cá. Là tay kinh doanh tư nhân, Tín “quen lớn” với dân làm nghề “bà cậu” ở địa phương, có thể đưa chúng tôi đi bủa cá bông lau với bất cứ chiếc ghe nào. Ngang qua một căn nhà gần xóm, có tiếng hát vu vơ:
“Ngó xuống Vàm Nao thấy con cá bông lau nó nhảy nhào vô lưới
Anh ngồi anh chắc lưỡi biết chừng nào mới cưới đặng em”.
Chúng tôi thích thú nhìn nhau, tắm tắc khen câu hát quá chừng hay. Nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp (hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam tại An Giang) cười nửa miệng: “Lão ngư tri thủy này muốn trác mình đó, khi ông cải biên con cá đao nổi tiếng xứ này ngày xa xưa thành con cá bông lau của thời nay”.
Tới chiếc cầu đầu bến, chúng tôi hứng thú thấy chừng 9 – 10 chiếc ghe tam bản đang chuẩn bị đi bủa lưới cá bông lau. Mỗi ghe là một cặp vợ chồng, có ghe có cả con nít đi theo. Chúng tôi xuống ghe anh Nguyễn Văn Bi, 32 tuổi, làm nghề này đã 10 năm. Chị Nguyễn Thị Châu - 29 tuổi, cũng từng ấy năm theo nghề - cặm cụi thắp từng ngọn đèn dầu rồi chụp chắn gió bằng vỏ chai nhựa nước khoáng. Mỗi ghe có khoảng 20 chiếc đèn, đặt trên miếng mốp hình chữ A, nằm khít bên nhau thành một hàng dài, rất thuận tiện khi thả lưới cũng như khi cuốn lưới. Mỗi ghe có 4 tay lưới, mỗi tay dài 100m. Anh Bi cho biết 5 tay lưới chừng 6 – 7 triệu đồng, còn ghe khoảng 10 triệu đồng với chiếc máy 6 ngựa rưỡi. Chiếc ghe coi nhỏ, vậy mà chứa vợ chồng anh, con trai anh – Nguyễn Tú Nguyên, 7 tuổi - cùng chúng tôi 4 người. Ghe nổ máy, vạch làn nước xanh như nước biển, ra khơi. Xóm chợ dần xa, chẳng mấy chốc đã tới “rún cá”, ngay ngã ba Vàm Nao.
Anh Hiệp kể: Vàm Nao người Khmer gọi là Prêk Nàv, có nghĩa là cửa sông nôn nao, lo sợ. Họ gọi vậy vì thuở xưa, hầu hết thời gian trong năm đều có sóng gió (nam hoặc chướng, tùy mùa). Bờ dưới phía Chợ Mới bị nước từ thượng lưu chảy xuống mạnh (mùa nước đổ) nên bờ đất âm thầm bị đứt chân, lở sụp từng mảng lớn, có khi sụp cả ngàn mét vuông, gây kinh hoàng. Truyền rằng, Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thấy vậy đặt tên Thuận Giang, từ đó sông trở nên hiền hòa. Rồi anh đọc mấy câu thơ của Nguyễn Liêng Phong trong Nam kỳ phong tục diễn ca:
“Vàm Nao chữ đặt Hồi Oa
Chỗ nhằm mũi nước chảy qua quanh dòng
Sông Sau sông Trước hai dòng
Phân ra hai ngả ngoài trong vận đào
Các ngả gần chảy nhập vào
Tạc kêu là xứ Vàm Nao rõ ràng”
Bãi này có khoảng 20 ghe (tải trọng 1 tấn), ghe nào cũng khẩn trương bủa lưới. Người bủa móc bằng dầm. Kẻ bủa bằng tay. Theo tay lưới, cứ một đoạn có một ngọn đèn chập chờn trên sóng nước. Phía bến phà Thuận Giang, mặt trời đỏ ối dần chìm khuất trong bóng cây xanh cùng những ngôi nhà tường rải rác dọc bờ sông. Những chuyến phà từ xã Kiến An (Chợ Mới, An Giang) chậm chạp di chuyển sang cù lao Tây (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cùng hàng bao nhiêu ghe giòn tan tiếng máy nổ xuôi ngược hai bên bờ sông, vì đoạn giữa sông chừng 400 – 500m đã dày đặc những lưới là lưới. Bóng đêm dần phủ mặt sông. Những ngọn đèn dầu sáng chập chờn. Và, trong bóng tối dày đặc của đêm đen, cứ tưởng là có sao sa, trong khoảng chừng 3km một khúc sông, hàng ngàn ngọn đèn dầu le lói. Là một trận đồ bát quái của ánh sáng chập chờn lần đầu tiên trong đời tôi được bồi hồi thưởng ngoạn với vô vàn cảm hứng. Cái thích thú của một cảnh quan kỳ ảo và diễm lệ mà tôi đã để vuột từ mấy năm qua với nhóm đánh lưới cá bông lau ở hạ nguồn sông Hậu, gần biển Đông. Với niềm hạnh phúc vô biên, tôi nhìn thấy nhà thơ Hồ Thanh Điền (phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang) cũng đang lạc vào thế giới thần tiên có thật. Có lẽ anh không hối tiếc vì đã bỏ công việc ở cơ quan, lặn lội tới đây khi nghe tiếng cá lội bầy trong lúc tôi điện đàm với anh.
Đêm càng tối đen, cảnh quan càng thêm quyến rũ. Tín kéo chúng tôi trở về thực tại với mâm nhậu đã sẵn sàng. Anh Bi rảnh tay, ngồi vào tiệc nhậu, bỏ mặc chiếc ghe trôi lều bều theo con nước. Bất thần anh Bi cầm bọc nilon đựng mớ ruột heo phá lấu liệng tõm xuống sông, nói với nụ cười tự hào: “Mồi bén không dùng, nhậu chi thứ đó”. Anh giở bửng sạp ghe lấy ra một dĩa cá bông lau chiên tươi cùng một gàu mên canh chua cá bông lau. Thằng Nguyên dòm thấy, đói bụng, mẹ nó bới chén cơm đặt khứa cá bít mặt. Giữa trời nước bao la, chúng tôi uống ngọt từng ly rượu đế. Anh Bi nói: “Ổ này dài khoảng 1km, là cái rún của cá bông lau. Chờ con nước ròng thì cuốn lưới”. Ngồi trong mâm mà anh Điền cứ mê mải nhìn xung quanh. Có lẽ anh đang bắt một tứ thơ nào đó. Anh Hiệp nói: “Cá bông lau có mặt ở Vàm Nao chừng 50 năm đổ lại, việc bủa lưới mới có gần đây. Xưa kia, người ta câu. Lưỡi câu cá bông lau bự bằng căm xe Honda. Mồi nhạy nhứt là gián. Mỗi lưỡi móc chừng 10 con, thả xuống, giựt lên, bảo đảm dính liền”. Ghe anh Nguyễn Văn Chúng trôi tấp vào. “Thảo” uống, anh Hiệp mời một ly. Đánh khà một tiếng, anh Chúng cho biết năm nay 27 tuổi, làm nghề này từ 10 năm nay. Bủa lưới toàn là dân “cha truyền con nối”. Nghề hạ bạc, chim trời cá nước nên ai muốn đánh bắt, cứ việc.
Không như miệt Cầu Kè (Trà Vinh), Đại Ngãi (Sóc Trăng), mùa cá bông lau từ trước và sau Tết Nguyên đán. Ở Vàm Nao mùa cá bông lau bắt đầu từ tháng 9 tới tháng 4 âm lịch năm sau. Đó là mùa những con cá từ hạ lưu ngược lên thượng nguồn Mekong. Rộ nhất là cữ tháng 2 âm lịch. Cứ nhìn đèn, nhìn ghe “đen kịt” trên mặt sông thì biết. Ba bãi cá với chừng 60 – 70 ghe của ngư dân hai bên bờ sông Tiền đủ biết trữ lượng cá nhiều tới chừng nào. Ghe “ken” ghe. Lưới “chồng” lưới. Cá nào chạy thoát. Có hôm, cá vô nhiều tới nỗi rách lưới. Những bữa đó, nhìn mặt sông thấy cá “ngớp” lia chia, quẫy đùng đùng. Có năm bắt được cá bông lau bự cỡ đứa con nít, nặng tới 20kg. Có năm thấy cá nược đua ngoạn mục. Đã nhất là năm 1998, ông già anh Bi (Nguyễn Văn Nga) bắt được con cá hô nặng 143kg, bán 23.000 đồng/kg, được trên 3 triệu đồng. Tháng mưa già, ngư dân còn đánh bắt được cá tra bằng, cá tra nghệ, mỗi con nặng khoảng 15kg. Loại cá này không biết từ đâu tới, cắt bỏ đầu, ai cũng lầm là cá bông lau. Bán cũng “nặng” tay tiền. Bất ngờ, chị Châu buột miệng: “Nghề bà cậu này kiếm được ngày nào “xào” ngày ấy. Bữa nào hổng đi được thì… đói! Hết mùa cá, tụi tui phải làm thuê làm mướn mới có miếng ăn!”.
Trong ngọn gió chướng mát mẻ, bất ngờ có mấy hột mưa nhỏ rí lất phất bay, ảnh hưởng đợt không khí lạnh tràn về phương Bắc mấy ngày nay. Trời se se khiến cảnh quan càng thêm ngoạn mục. Tôi buột miệng: “Nào giờ có ông Tây bà đầm theo ghe chơi?”. Nốc ly rượu, anh Bi cười thích thú: “Hông. Nhưng có mấy cha Đài Loan về thăm quê vợ tò mò đi theo. Rồi ghiền theo ghe, ghiền luôn các món ăn từ cá bông lau”. Anh Chúng vừa cuốn lưới vừa trả lời câu hỏi của anh Điền: “Hồi trước, người ta cữ dặn mua cá, cữ giặt đồ để lên ghe vì như vậy sẽ dìa ghe không. Người ta còn cúng bãi với thủ vĩ heo nữa. Bây giờ bỏ hết rồi nhưng vẫn bắt được cá”. Nói xong anh hối chị vợ Thu Sương hươi dầm tách đi. Thu Sương quê Sóc Trăng. Một lần đi Phú Tân, thưởng thức cá bông lau “nhức” răng, gặp anh Chúng, mê luôn cả hai. Vậy là chị rời bỏ mảnh đất giồng về đây sống đời sông nước từ vài năm nay.
Nước ròng. Ghe anh Nguyễn Văn Khen tấp gần. Tay lưới cuốn lên. Trong chốc lát anh la lớn: “Dính rồi”. Sau đó là tiếng cá quẫy trong lưới. Lần đầu tiên trong đời, tôi mới thấy con cá dài chừng 7 tấc. Anh Bi nói, nặng khoảng 8kg. Rồi lát sau, trong lưới anh Khen lại dính một con nữa, một con nửa. Con sau cùng dài khoảng 1m, nặng ước 10kg. Bốn con cá nặng khoảng 20kg. Cuộc nhậu tàn, anh Bi từ từ cuốn lưới. Lưới cứ nhẹ hẫng. Lúc lúc anh gỡ miếng rác liệng xuống sông theo thói quen khiến chúng tôi có cảm giác anh ném vô mặt mình. Buồn cháy ruột. Còn có 7 ngọn đèn trên sông nữa thôi là anh Bi cuốn sạch lưới. Tim chúng tôi như thắt lại. Chúng tôi “nặng bóng vía” chăng? Bất chợt anh Bi cười tiếng lớn. Trời đất. Tim chúng tôi lại thắt lại vì một con cá nặng chừng 8kg dính lưới. Rồi một con nữa cũng chừng ấy ký. Rồi lại một con nữa nặng tới 12kg, dài từ ngực chí chân. Con nào cũng nằm im re trong lưới. Cá chết. Vậy mà anh Bi vẫn hớn hở nói: “Chết thì chết. Giá 30.000đ/kg như cá sống. Cá chết vì dính lưới lâu quá, không lên “ngớp” được”. Vậy là, cũng như anh Khen, anh Bi sẽ có số tiền khoảng 600.000đ cho chuyến bủa đầu hôm. Ghe nổ máy về bến trong những hạt mưa lất phất như rải bột. Cặp bến lúc 21 giờ 30, chúng tôi thấy cô Thu Sương xinh đẹp như bông lục bình, ngồi một mình trước mũi ghe cười toe toét khoe trúng được ba con, chừng 18kg. Bạn hàng chờ sẵn lấy đi rồi.
- GIÁ BÈO HƠN LÒNG TONG, CÁ CHỐT!
Sáng hôm sau chị vợ anh Hiệp giữ tôi ở lại thưởng thức hương vị đặc sản quê mình. Chị nói mùa này ngoài chợ tràn ngập cá bông lau. Cá tươi xanh, không cần ướp nước đá, bán cho lái bổ đi các nơi. Mấy hôm nay, cá bán lẻ 45.000 đồng/kg. Trưa đó, chị đãi tôi canh chua và cá bông lau chiên tươi, ngon “thấu xương”.
Tôi về Cần Thơ, hôm sau (22-3), anh Hiệp phấn khởi điện cho hay giá cá tuột xuống rồi. 35.000 đồng/kg nguyên con. 20.000 đồng/kg đầu cá. 30.000 đồng/kg bụng cá. Và 40.000 đồng/kg đuôi cá. Trong khi đó, giá cá lòng tong, cá chốt tại chợ Phú Tân chỉ có 30.000 đồng/kg, cá lưỡi trâu tới 60.000 đồng. Chưa hết, khi tôi viết những dòng này (21 giờ ngày 23-3), anh Hiệp lại điện tới, “la” lên cá xuống nữa rồi, cân bạn hàng chỉ có 20.000 đồng/kg/con.
Ổ cá vào mùa. Một đêm ngư dân bủa tối thiểu 2 chuyến, được chừng 40kg. Ba bãi có khoảng 60 – 70 ghe, số lượng cá bủa được nhiều biết chừng nào, giá bèo hơn cá “hủn hỉn” là chuyện không có gì đáng ngạc nhiên!
PHÙ SA LỘC (tác giả giữ bản quyền)
__________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét