GIỚI THIỆU TÁC GIẢ - CỘNG TÁC VIÊN BÔNG TRÀM
NGUYỄN QUANG HÒA
Sinh năm: 1937. Quê quán: Đồng Tháp. Địa chỉ hiện nay: xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Tháp.
Có tác phẩm đăng trên Văn nghệ trung ương, Văn nghệ TP.HCM, Văn nghệ Đồng Tháp, Tuổi trẻ, và các báo - tạp chí khác.
Tập thơ đã xuất bản: Nghiêng chiều, Tiếng ru.
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
MIỆT VƯỜN
Lạ hoắc. Đăm chưng hửng với tâm trạng một người dưng về phải với miệt đất người dưng. Thêm ngỡ ngàng với đổi thay ở miền đất cũ. Chợt quay quắt nhớ một thuở với nhịp cầu tre cùng nhịp võng trưa hè.
Ba mươi ngàn ngày có dư, như không ngắn, nhưng có đủ dài chưa cho quên lãng để quay về. Cớ gì ngày ấy phải bỏ đi với miền đất cắt rún. Không đặng bên nội, thì còn đó bên ngoại với bến nước hồn sông để thương và để nhớ.
Lóng ngóng rồi đau đáu cùng nỗi nhớ. Nhớ nhất là con đường làng. Tiếng làng nghe đầy đặng và ấm cúng sao đâu. Đầu thôn cuối xóm, sao nghe thân thương và gần gủi lạ lùng. Thảo nào chỉ ngần ấy dáng quê cũng làm nên một dáng quê làng. Thiệt ra miệt Bà Gọ ngày cũ chỉ là xóm, lát đát nhà, một đỗi đường xa lắc mới có một nốc nhà. Ngày ấy, người bên này nhà muốn đến bên nhà người khác phải đi một đỗi đường xa cẩy, đôi lúc phải đi hai ba đỗi đường mới gặp được nhau. Thành thử nghĩa tình chòm xóm bỗng dưng lạt nhạt. Đôi lúc gắp gáp chuyện cần nhờ nhau, hú vọng vang cả xóm cũng không chắc người đàng nọ nghe được.
Lối đi nhỏ lại nhiều cỏ, rậm ra rậm rịt. Đi lòng cứ phấp pha phấp phỏng lo rắn, rít thì không đến đổi. Đi đêm với đuốc. Đuốc được đánh dập vải với dầu chai thì yên bụng, không lo tắt bất tử. Đuốc mà gọp từ lá dừa thì xẩu mình. Đem theo quẹt, quẹt nẹt lửa, trầy trật lắm mới có lửa. Cây bố lúc ấy thì miệt có miệt không.
Đường rạch cũng cực, lạch nước nhỏ không tại lòng rạch nhỏ mà tại cỏ. Ô rô đâu hổng biết quá chừng, lúi chúi chui đầu vào là khổ. Sậy dầy mé rạch lại cao nghệu. Đứng bên này bờ hóng ngóng bên kia bờ đâu thấy. Miệt Bà Gọ là vậy, miệt rẻo Xẻo Nga càng um tùm, ai trồng lúc nào hổng biết, mé rạch lắm tán xợp de mé nước, trời vừa sẩm, đường đi lại ở rạch tối om.
Nhớ lần đứng xớ rớ đợi thằng Tám, đợi lâu sốt ruột. Hú hỏi nó. Tám ơi tới chưa. Ai dè xuồng nó cập mé tự lúc nào. Thằng cũng nghiệt, im re. Chợt giật mình, ai dè lù lù ở mé nước nó lò dò lên. Hổng chuyện gì, tụi nầy rũ nhau đi coi hát. Đường ở xóm tới chợ cũng hơi xa lại um tùm cỏ, đi một mình cũng ớn. Nhiều người nghĩ, chắc người ở quê dạn. Thiệt ra, dạn là dạn ở ngoài mặt, thực bụng đâu dạn. Làm bộ thôi, sợ để lộ cái nhát nó ngượng chết. Thiệt tình có ai biết ma ra sao mà cứ sợ. Kỳ cục dữ.
- Ờ, đi ngang nhớ hú Sáu Oảnh đi luôn.
- Ừ. Mà khỏi hú, chả hẹn tao rồi.
Nghĩ lại lảng xẹt. Chả không hú tụi mình thôi ai đời đi hú chả. Chả từng ôm cây Nguyệt nắn dây xang xự xề líu, dễ gì chả bỏ qua. Tuy ở làng mỗi lễ Kỳ yên làng có thuê nhóm hát. Theo Sáu Oảnh, hát Đình là hát dâng lễ chỉ với tuồng tích và lối điệu Hồ Quảng, chỉ hạp với mấy bả. Đằng này đi coi là coi Cải lương.
Chợ, đông cẩy người. Đông nhất ở cửa rạp dưới ngọn măn- soông sáng quắc. Chắc chợ đông hơn mọi bửa. Chứ thường ở miệt vườn, sụp tối là vắng hoe. Sáu Đông quèo, chỉ chỉ. Ngó ngoái, thấy mấy bà ngồi ăn trứng lộn. Chắc Sáu Đông muốn nhậu. Uống có lần say quắc, té bầm giập mà sao cũng không bỏ được. Ngồi uống cạnh mấy bả cũng hơi ngại. Ngó trật, thấy sạp cháo vắng khách. Chắc còn sớm, nên bụng ai cũng còn no.
Vậy là mua mớ trứng đi ngồi nhờ. Quèo Sau Oảnh. Sáu Oảnh nhóng nhóng hướng trăng lặn. Trăng mới lửng chửng, chắc còn sớm. Ừa, mà gánh hát đâu có bán vé, chỉ thâu tiền nên cũng dễ.
Lo người đàn bà không vui nên kêu múc ba tô cháo dằn chưn. Thiệt người đàn bà vui thiệt, vui cười sáng cả duyên. Nhìn lén, chợt nghĩ bụng ai dám nói đàn bà miệt vườn không ngộ. Ngộ thấu trời. Lâu đi chợ, không đứa nào biết chỗ bán rượu, đăm lớ ngớ, Sáu Đông vụt hỏi.
- Chị… chị chỗ nào bán rượu.
- Mấy anh lách qua sạp tui. Lui qua hai hàng sạp sau, hỏi quán thằng Tùng. Hay để con tui mua gùm. Người đàn bà tình thiệt, gọi với con, Thu ơi…
- Thôi… thôi để tụi tui
Ngồi nhậu dưới đèn bánh ú cũng đở ngại. Ai đời tự dưng mượn chỗ người dưng. Kỳ thiệt.
Tự dưng quắt quay nỗi nhớ ngày còn ngoại. Thỏ thẻ hỏi ngoại, ngoại sao nước miệt quê mình cứ đùn đục. Ngoại bảo nước quê đục là nhờ nhiều phù sa. Hạt lúa có đủ đầy cho con ăn cũng nhờ ở cái đùn đục đó con ạ. Tự dưng nhớ nước mình có thời thiếu ăn mà xót. Bây giờ trở nên dư ăn, thành thử người ta cảm phục khi mình chia sớt cho người ta.
Thấy ngoại chợt dưng nhìn xa xôi, như ngoại hoài nhớ một thời xa lắc nào đó. Chắc ngoại nhớ thời lúa nước. Nghe ngoại, thuở ấy mỗi năm làm lúa có một vụ với giống Nàng Trô, Tầm Nút gì gì đó, hạt gạo đỏ au, ăn ngọt cơm. Ngộ, chỉ mỗi một vụ lúa, vậy mà như ngày ấy đâu nhiều người thiếu ăn. Chỉ có khó với người không đất. Mà cũng kỳ, sao người thì dư đất, người lại thiếu đất. Thành thử có tình cảnh tá điền cung phục chủ điền. Buồn thiệt.
Lúc ấy ruộng dầy ken cỏ, nào năn, đưng, lát, muốn làm lúa người ta phải phát bỏ. Người phát, phát bằng phảng. Người phát phải giỏi có sức vóc, vậy mà đâu dễ nửa buổi mà xong mười hai tầm đất. Phát cũng phải đúng lúc, sớm cũng không được mà muộn cũng không được. Phát sớm, nước chưa kịp chụp cỏ không chết, muộn quá thì gốc cỏ không thúi. Cỏ thì gom lại cho trống ruộng rồi dùng sức trâu mà trục. Đôi lúc phải trục nhiều tác, nhiêu bận, khi đất quá dầy cỏ. Ở quê, gẩm có nhiều cái ngộ, thường làm đổi công nhau, Khi thấy đồng có nhiều đôi trâu cùng trục đó là lúc trục đổi công.
Sạ lúa còn sạ bằng tay. Nhớ lần thấy chú Sáu Già đi thoan thoát mà lúa đều re… nghĩ ở bụng sao giỏi vậy trời. Nhà ai dư công thì làm lúa cấy. Lúa cấy thì đặng lúa hơn. Đàn bà quê kiểng sao giỏi dữ, cây nọc dài ngoặc mà họ cấy ngon hơ. Con thấy đó, làm ruộng phải vất vã, nhọc nhằn vậy đó.
Lúc ấy sao cỏ năn nhiều dữ, nhờ vậy mà tụi này có cớ lội ruộng. Củ nho nhỏ đen nghín màu bùn, ăn chỉ dòn dòn, thiệt bụng cũng đâu ngon gì vậy mà cũng mò mẳm cho bằng được. Thêm củ co, cũng đen bùn, lớn hơn một chút có tua như râu luộc ăn đâu thua gì khoai sáp.
Mà thiệt miệt quê nếu chỉ có mỗi cái vắng tẻ mẻ đó mãi thì buồn chết. Và cứ nhớ những đêm trời trăng là những đêm gom tụ cho đờn ca. Như cũng vì vậy mà có một góc nhớ đeo đẳng với một người, với lửng thửng một góc tình trong veo để nhớ. Miệt quê với bến nước hồn sông cùng với hương đồng gió nội. Không những đằm thắm quê tình, đôi lúc lảng đảng một góc đời để cho ai đó mãi day dứt với một góc tình mãi lửng thửng với người dưng.
Miệt quê, vốn tĩnh lặng, chỉ lao xao sau mùa gặt. Khi lúa đã ví đâu đó đủ đầy, chợt dưng người miệt quê nhớ cung đàn tiếng hát. Thế là khi con trăng vành khuyên chớm vượt khóm trúc đầu ranh, đệm sớm được trải ở sân, sẵn sàng cho một đêm đờn ca tài tử. Giữa đệm đã sẵn bình trà vươn khói, dường như bình trà được đứa con gái chủ nhà lo từ sớm.
Sáu Oảnh như ưng bụng với cây Nguyệt, ngồi vào đệm nghiêng nghiêng người so dây. Sáu Đông cũng sớm vào mang theo nhịp song lang. Tự rót trà, rít ngụm trà nóng như ưng bụng. Để cốc xuống, nhìn ngược ra ngoài, ý ngóng ai. Lẩm bẩm, Tú sao giờ này chưa tới, thiếu tiếng ghi ta lỏm, tiếng kìm Sáu Oảnh lại lẻ loi. Nhìn dáng nôn nóng của Sáu Đông, Sáu Oảnh như hiểu ý người bạn già. Ông cười kín đáo… tao đàn đâu có ý hòa nhịp với sáu dây của nó đâu, hố rồi Sáu Đông ơi. Tao đờn là vì người ta… người đàn bà nửa chừng xuân. Gác đàn ở chân, năng cốc trà tụm một ngụm, ngóng về hương xóm trên, lòng chợt bồn chồn, nhíu mày, lẽ nào Mỵ không tới. Mỵ, người đàn bà góa với nửa chừng xuân, vẫn một mình một bóng cùng nhan sắc ẩn chìm duyên dễ xao xuyến lòng người.
Sáu Oảnh cầm lại đàn, so lại dây, khi thoáng nhận từ xa dáng người đàn bà, người đàn bà của đêm xướng ca. Tự dưng buông tiếng thở dài, sao mãi âm thầm đeo đẳng làm chi với người ta, Mỵ là người đàn bà mà ông âm thầm khao khát, vì ông cũng đang trong cảnh lẻ bóng.
Người đàn bà vào đệm, khẻ gật đầu với hai người đàn ông. Thản nhiên ngồi, không một lời trần tình. Tự rót cho mình cốc trà. Như trà quá dậm, người đàn bà mím môi. Chợt có đứa gái từ ngoài cũng vào đệm, đến ngồi cạnh người đàn bà. Mỵ nghiêng sang người, té ra là Ngân. Ngân đứa con gái cùng xóm, cũng ham hát, và chừng như mụ mị tiếng ca của Mỵ. Người đàn bà choàng vai đứa con gái, nhìn nhau, khẻ gật đầu.
Bắt đầu chưa anh… như Mỵ chợt nhận ra mình không ý tứ, thõng tay cầm tay Ngân siết nhẹ. Sáu Oảnh buông dây líu và, sau tiếng phách, người đàn bà cất lối… “ Bao giờ cho gạo bén sàng / Cho trăng bén gió, cho… nàng… bén anh…” Giọng hát rớt vào trăng khuya, nghe như khắc khoải nỗi se thắt niềm riêng tư. Khung trời chợt dưng cao vút với cao cao giọng người đàn bà. Tiếng ca về khuya chừng như âm thầm day dứt nỗi cô liêu, như da diết, như tự tình thân phận, buộc ai đó lặng thầm khắc khoải nỗi hoài mong.
Một Mỵ dong dỏng của ngày xưa, dáng đài các của một“ demi gar - coon” chợt dưng như đỏng đảnh. Chừng ấy thôi cũng đủ để đàn ông lụy. Và một Mỵ của bây giờ, của già dặn hương sắc, đăm quyến rũ, càng mụ mị duyên khiến nao lòng đàn ông. Nguyên cớ nào khi người đàn bà còn rực lửa xuân tình vẫn một mình một bóng lặng lẽ đi về… làm sao biết được. Chừng như, người đàn bà con vướng víu một thời hương thánh thiện, một thời bồng bềnh ái ân. Và, như người đi đã mang theo luôn cái một nửa của người đàn bà, thì với khát khao dung tục ở người của bây giờ thật khó cho người đàn bà chấp nhận.
Miệt quê đâu chỉ chừng ấy, nếu chỉ chừng ấy chắc đâu đủ để làm nên góc nhớ. Vui nhất là thời đạp lúa. Trâu và người như quá gần gủi nên quen tính quen nết nhau. Đôi trâu thả mặc vẫn đạp vòng ngon hơ. Thi thoảng người coi đạp dùng cây xốc, chỉ xốc trở cho đều lúa. Nhà ít đất thì đập bồ. Ngẩm nghĩ, người miệt đồng đâu vụng. Như bồ đập tự tay người miệt quê làm, đẹp mà chắc nẹo. Tre sẵn, gổ sẵn, bằng lăng già xẻ gổ làm đai chắc nịch. Lưng bồ đang từ tre, xong bồi phết cứt trâu, xài lâu hết biết. Vụn vằn góc quê vậy mà cứ nhớ, nên ít người đồng chịu xa đồng. Cứ nhớ miết mùi khét cá ở ơ đất để nhờ ở đụn trấu un muổi rồi quên bẳng. Mùi khét thơm ngặc, tự dưng bửa cơm sớm ngon kỳ cục.
Dẫu giờ có nhiều đổi thay, lòng cứ trăn trở khi còn đó với người của một nắng hai sương với nỗi dằn dặc được mất. Chạnh lòng, người làm ra hạt lúa mà không thể tự định giá được hạt lúa chính mình làm ra.
Giờ ăn hạt gạo trắng quá, như cơ cầu làm mất đi hương vị ngọt cơm vướng vương hương đồng gió nội. Hạt gạo trắng lại dễ có được từ đồng tiền, nhất là người phố chợ vốn vô tâm nên quên bẳng đi một thời còn ăn hạt gạo đỏ au mà ngọt cơm từ hạt lúa Nàng Trô, Tâm Nút... Và có lẽ cả với người miệt quê… mấy ai còn nhớ nhịp chầy cắt cum từ cối giả. Nhịp chầy vương vướng góc tình bến nước hồn sông. May ra còn đọng lại ở ai đó góc nhớ, trót là ký ức nhất là khi đã lắng chìm sâu lắng cùng tâm thức.
NGUYỄN QUANG HÒA (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________________
MỜI ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục <<
Tôi nhận được đủ qua eMail Tạp chí Bông Tràm, đã gới thiệu trên trang nhà (như đã giới thiệu các tạp chí khác mỗi khi nhận đươc), và cũng đã chọn đọc một số bài thơ, bài văn cho Bộ sách văn bạn Văn/ Thơ Bạn Thơ. Hôm nay, nhận được báo tin Bông Tràm có dịa chỉ trang mạng mới, cập nhật, mới hay là tất các các bài vở đều ghi tác giả giữ bản quyền, vì vậy, băn khoăn quá, không biết bài vở của Bông Tràm tôi dụng có phạm lỗi? Vui lòng trả lời để khắc phục. BNN
Trả lờiXóaChào anh Nguyễn Nguyên Bảy,
Trả lờiXóaChúng tôi rất cám ơn nhã ý giới thiệu của anh. Những bài được đăng trên BÔNG TRÀM có thể được đăng tải ở các trang mạng khác, tuy nhiên xin vui lòng chú thích rõ nguồn từ http://bongtram.blogsot.com. Trong trường hợp in sách mong anh liên hệ trực tiếp với tác giả, Ban Chủ nhiệm BÔNG TRÀM không có thẩm quyền quyết định trong trường hợp nầy. Thân chào anh, BT.