Bây giờ anh Thảo không còn ở Đà Lạt nữa. Anh đang sống ở xã Bình
Thạnh, huyện Đức Trọng với nghề trồng cà phê và buôn bán. Tôi cũng không biết
anh buôn bán thứ gì, chỉ biết rằng cuộc sống anh ổn định, kinh tế gia đình thuộc
loại có của ăn của để. Anh là dân di cư, anh theo gia đình lên Đà Lạt năm 1958
sau 3 năm sống ở khu dinh điền Cái Sắn. Anh không bao giờ kể với tôi khoảng thời
gian này và tôi cũng không hỏi tại sao nhà anh lên Đà Lạt.
Không chỉ có mỗi nhà
anh, mà nguyên một giáo xứ cùng lên vùng cao nguyên này sinh sống hình thành
nên xứ Thánh Mẫu. Tôi vẫn nhớ năm ấy những người di cư Công giáo nói một thứ tiếng
nói khác hẳn, nặng và trọ trẹ, khuấy động một vùng ven được gọi là Khu phố 3,
bây giờ là Phường 7. Hồi đó gia đình tôi sống ở ấp Cao Bá Quát, nhưng do ở đó
mùa nắng thiếu nước, đất lại ít nên đâu như năm 1954 ba má tôi quyết định xin đất
nơi khác để làm vườn, vùng đất mới cũng không xa xôi gì ngay trong cùng Khu phố
3. Ba má tôi và mấy người hàng xóm xin nhà cầm quyền ra khai khẩn đất vườn cách
ngã ba số sáu (nay là vòng xoay Đa Thành) chừng 1 cây số. Vùng đó là một thung
lũng kéo dài từ ngã ba cho đến khúc quanh đường Vòng Lâm Viên mà hồi nhỏ tụi
tôi hay gọi là Góc Sở, tôi chẳng biết tại sao lại có tên đó, chỉ biết rằng nơi ấy
là một cánh rừng thông nhỏ khoảng vài hecta được con đường Vòng Lâm Viên bao bọc.
Ấp mới cũng được gọi là ấp Nguyễn Siêu, tuy ở ngoài ngã ba địa danh đó
dành cho một thung lũng được bao bọc bởi phần cuối đường Bạch Đằng và một phần
đường Nguyễn Hoàng giáp ranh với ấp Tùng Lâm. Nhà tôi xin được một miếng đất
cách cánh rừng thông gần một cây số, bề ngang của thửa đất chừng 20 mét, cứ từ
dưới suối khai phá dần lên đồi, tới đâu cũng được không có hạn định. Nhà cầm
quyền cấp cho má tôi cái lập lăng(plan) đàng hoàng có kèm sơ đồ xác định vị
trí thửa đất. Làm vườn cần gần nước, sau khi khai phá 3 băng đất từ
dưới suối lên đến con đường dưới là đến nhà. Sau nhà là con đường trên, là một
nhánh khác của con đường Vòng Lâm Viên trên đỉnh những ngọn đồi, những băng đất
xa nước như vậy, má tôi chỉ trồng khoai lang vào mùa mưa. Nhà tôi là một nhà
ván lợp tôn giống như nhiều nhà khác. Ván toàn là ván thông, mặt trước là những
tấm ván được bào sơ sài, mặt hông và đàng sau là những tấm ván bìa. Nhà lợp
tôn, trong nhà có bờ la phông đàng hoàng, nhưng không vì vậy mà ngăn
được cái lạnh mỗi mùa đông. Phải nói rằng mùa đông Đà Lạt ngày xưa lạnh lắm, mỗi
sáng thức dậy, bọn trẻ con chúng tôi thường thổi một làn hơi, làn hơi đó trở
thành một làn khói, người ta thường nói thở ra khói là để chỉ cái lạnh trong
mùa đông ngày ấy! Sát nhà tôi là nhà ông bà Hai Phong, họ tên đầy đủ của ông
Hai là Nguyễn Hữu Phong. Ông là người Quảng Ngãi vào Đà Lạt làm ăn sinh sống từ
trước năm 1945, bà là người Bình Định, hai người gặp nhau ở Đà Lạt và nên vợ
nên chồng. Ông một đời làm thợ chẻ đá ngay cả khi về ấp Nguyễn Siêu làm vườn,
thỉnh thoảng ông vẫn làm nghề khi có người kêu đi làm đá, bàn tay ông cầm cái đục
suốt cả ngày nên hình dáng những ngón tay trở thành hình vuông, da thô ráp đụng
tới bọn trẻ con chúng tôi là đau thấu trời. Vợ chồng ông Hai Phong không có
con, nhưng không vì vậy mà hai ông bà không có mộng làm giầu. Thuở ấy, ấp Nguyễn
Siêu của tôi sau vài năm khai khẩn thường thiếu nước vào mùa nắng, mà mùa nắng
là mùa trồng rau được nhất, rau hoa gì cũng xanh tốt trong không gian trong
xanh kéo dài từ giữa mùa đông đến mùa hạ, nhưng với điều kiện là phải có
nước tưới. Không có nước thì nhà vườn cho đất nghỉ và người cũng phải nghỉ chơi
chờ trời mưa xuống, cứ giống y như hồi còn làm vườn ở ấp Cao Bá Quát, má tôi nói
vậy. Hồi đó tôi không biết vì sao con suối nhỏ dưới lòng thung lũng chảy ngang
qua vườn nhà tôi lại thiếu nước như vậy? Sau này lớn lên hiểu biết hơn tôi mới
nhận ra rằng cánh rừng thông Góc Sở bị đốn sạch để lấy đất làm vườn chính là thủ
phạm. Cây giữ nước, cây mà không còn thì nước làm sao giữ được? Đến năm 1961,
dân ấp Nguyễn Siêu lại đi tìm vùng đất mới có nước nhiều hơn để làm vườn. Lần
này họ chọn một vùng đất cạnh Thung lũng Tình yêu cách xóm cũ chừng 3 cây số để
khai phá đất mới. Không phải tự nhiên mà vô khai phá đất được, một mặt dân ấp
phải xin phép nhà cầm quyền sở tại, mặt khác phải thương lượng với người Thượng
để họ nhượng “đất ông bà để lại” cho bà con làm vườn. Sau mấy lần thương thuyết,
khi thì Ban đại diện lên xã Lat (huyện Lạc Dương ngày nay) trao đổi, khi thì mời
“đại diện đồng bào” xuống ấp Nguyễn Siêu để mà bàn bạc, cuối cùng một văn tự được
ký kết, đồng bào đồng ý nhượng vùng đất là nơi thả rong trâu của người Lạch ở
xã Lat cho dân ấp Nguyễn Siêu với giá ba chục ngàn đồng! Năm 1958 ba tôi mất,
má tôi mẹ góa con côi không đi khai phá đất mới chỉ có vợ chồng anh rể tôi tham
gia. Ông bà Hai Phong là người tham gia sớm nhất, không hiểu ông kêu bán vườn
lúc nào mà tôi không biết, chỉ thấy một buổi sáng ông bà dọn ra Đất mới, giao
nhà lại cho gia đình ông Hảo, người di cư từ khu dinh điền Cái Sắn lên Đà Lạt
mà anh Thảo là con trưởng. Tôi nhớ như in buổi sáng hôm ấy, ông Hảo với cái
chân cà nhắc đi lên đi xuống khắp vườn, vườn mới ông mua lại của ông bà Hai
Phong rộng gấp 5 lần vườn cũ của ông ở ấp Thánh Mẫu do nhà cầm quyền cấp cho
dân di cư, dường như ông bà Hảo hài lòng lắm với mảnh vườn mới mua của mình.
Còn tôi, một thằng nhỏ không mấy cảm tình với những người hàng xóm mới. Cảm
tính làm sao được khi mà bỗng dưng bà Hai Phong dọn đi, để lại một khoảng trống
trong lòng chúng tôi. Số là bà Hai hay bị ngứa đầu, tóc bà bạc trắng nửa mái đầu,
bà cho rằng mình bị như vậy do một loại tóc bà gọi là tóc ngứa. Đó là những sợi
tóc ngắn mọc sát da đầu, khi nhổ nó quăn lại với một đoạn ống lông màu trắng đục.
Bà Hai thường “thuê” bọ trẻ con chúng tôi nhổ tóc ngứa, cứ đứa nào nhổ được 20
sợi tóc ngứa bà cho 1 đồng. Đó làm đồng bạc làm bằng thứ hợp kim màu trắng có
in hình “Ngô Tổng thống” với khuôn mặt đầy thịt, mặt sau là hình bụi tre có chữ
1 đồng. Bọn trẻ con chúng tôi không chú ý mấy đến hình thức của đồng tiền in
hình ông Tổng thống bởi chẳng biết Tổng thống là cái chi chi, chúng tôi chỉ
thích dùng đồng tiền đó để đánh đáo hay mua được vài cục kẹo gói trong những tờ
giấy bóng kính đủ màu. Giờ bà Hai ra Đất mới ở, không ai “thuê” chúng tôi nhổ
tóc nữa “thu nhập” của bọn trẻ chúng tôi bỗng nhiên tụt giảm, làm sao chúng tôi
không tức cho được? Nguyên nhân việc này là do gia đình ông bà Hảo, bỗng dưng ở
đâu đến đây mua vườn, đích thị chính người hàng xóm mới làm nên cái chuyện này!
Vì vậy bọn trẻ chúng tôi không ưa gia đình anh Thảo, nhìn anh như nhìn người
“nước ngoài” nói thứ tiếng lạ huơ lạ hoắc! Khi ông Hai bán vườn, ông để lại cho
người chủ mới vạt sú đang cuốn, cái giống sú NS Cross của Nhật khi cuốn lại
trông đẹp đẽ đến mê hồn. Vậy mà bọn trẻ chúng tôi lại đan tâm dùng dao lam rạch
một đường trên cái bắp sú để “trả thù” và “dằn mặt” những người chủ mới. Thật
ra thì chúng tôi chỉ rạch vài bắp sú trồng ở rìa đường dẫn xuống vườn, là con
đường nhỏ cho cả xóm đi chung khi xuống cái giếng “cộng đồng” để gánh nước về
dùng. Ông Hảo khi phát hiện ra việc bị ai đó rạch mấy cái bắp sú của mình, ông
bà và cả ba anh em anh Thảo không nói một tiếng nào! Dường như ông Hảo nhận ra
vị trí của gia đình ông trong một xóm nhỏ với những người khác đạo, khác giọng
nói và cả những tập tục cũng không đồng nhất. Chính cái dáng đứng bất động,
khuôn mặt đau khổ với ánh mắt tê dại của ông Hảo khiến tôi cảm thấy ân hận vô
cùng!
Khoảng cách giữa tôi và gia đình anh Thảo nhanh chóng rút ngắn bởi tuổi
trẻ dễ hòa nhập, hơn nữa anh Thảo có người em trai cùng tuổi với tôi. Em trai
anh Thảo tên là Hiển, Lê Thế Hiển, tuy sàn sàn tuổi tôi nhưng học thua tôi hai
lớp, sự gián đoạn việc học của Hiển chắc là do chuyện di cư từ huyện Đức Thọ,
Hà Tĩnh vào miền Nam nhưng năm 1954 – 1955. Tuy thân với nhau nhưng chưa bao giờ
tôi hỏi Hiển điều này, Hiển học trường Văn Học là một trường tư, còn tôi học
trường Trần Hưng Đạo là một trường công lập, mỗi năm chỉ tuyển sinh chừng bốn
năm lớp đệ thất, là lớp đầu cấp của cấp học Trung học đệ nhất cấp, nay ta gọi
là cấp 2. Nhà anh Thảo trồng rau đâu được vài lứa rồi chuyển qua trồng cây a ti
sô. Thuở ấy, cây a ti sô mỗi năm cho hoa từ khoảng tháng chạp đến tháng tư ta,
sau đó nhà vườn sẽ thu hoạch lá, thân, rễ để bán tươi hoặc phơi khô tùy theo mục
đích của người mua và ươm cây con trồng vụ mới. Trồng a ti sô chỉ có tiền trong
thời gian chừng 4 tháng, nhà vườn phải có vốn để đầu tư cho cây và cho chi dụng
hàng ngày chờ thu hoạch mùa vụ tới. Cái rò (luống) đất trồng cây a ti sô rộng gấp
rưỡi khi trồng sú hoặc các loại rau khác, còn khoảng cách trồng giữa hai cây a
ti sô chừng 1 mét, khoảng cách rộng như vậy mới đủ chỗ cho những tàu lá to bản
màu xanh thẫm vươn ra đón nắng. Anh Thảo ngoài giờ đi học thì về nhà làm vườn
phụ gia đình như đa số bọn trẻ chúng tôi. Chúng tôi tuy nhỏ nhưng cũng biết nỉa
đất, giật máy nổ, kéo dây tưới mà bà Hảo gọi là “địu” dây. Còn việc bơm thuốc
sâu cho rau chúng tôi cũng phải làm, bởi việc làm vườn rất cần người, nhờ đó
tôi đã biết kỹ thuật canh tác rau lúc còn rất nhỏ. Anh Thảo đang học lớp đệ tam
thì bị bắt lính, người ta bắt anh vào lính địa phương quân. Từ ngày anh đi
lính, công việc làm vườn giao cho ông bà Hảo, Hiển và người em gái. Thỉnh thoảng
anh Thảo ghé vội về nhà tranh thủ làm vài việc nặng rồi lại ra đi. Một thời
gian sau, anh bị đôn quân, nghĩa là từ địa phương quân anh bị đưa ra vùng 2 chiến
thuật thành lính sư đoàn 23. Được chừng một năm tôi thấy anh Thảo về nhà, anh
nói anh đào ngũ, ngoài đó chiến tranh ác liệt quá, ngày nào cũng có người chết,
anh không chịu nỗi phải trốn thôi.
Vậy là Hiển phải thay anh Thảo làm vườn. Công việc trồng cây a ti sô khỏe
hơn trồng các loại rau khác, hàng tuần vào mùa nắng chỉ tưới một lần, nhưng phải
tưới thật đẫm để nước có thể giữ lại lâu trong đất. Hiển chọn ngày chủ nhật để
tưới a ti sô, tuy ngày chủ nhật người có đạo Thiên chúa được nghỉ ngơi đi nhà
thờ theo luật đạo. Qua tết, sau những ngày vui vẻ, người làm vườn Đà Lạt lại
lao xuống vườn, một trong những công việc căng thẳng của mùa khô là lo nước tưới
cho rau. Từ ngày cánh rừng thông nhỏ ở Góc Sở bị chặt phá, con suối trước nhà
tôi ngày càng ít nước. Nhà nào cũng phải đắp một cái đập giữ nước dẫn vào hồ của
mình dành để tưới rau. Nhà Hiển có tới 2 cái hồ nhưng nước vẫn không đủ, Hiển
phải chia việc tưới a ti sô thành nhiều đợt trong tuần nên vất vả lắm. Lúc ấy
tôi không để ý đến thu nhập của gia đình anh Thảo trong việc trồng a ti sô,
nhưng chắc là khá bởi anh Thảo mua được một chiếc Honda 67 là thứ xe ngon lành
nhất thời đó. Khi anh Thảo đi lính ở Bình Định, Hiển là người sử dụng xe này.
Lúc anh Thảo đào ngũ, anh không dám đi ra đường nên Hiển lại tiếp tục được dùng
xe, tôi và Hiển thường đi chơi với nhau trên chiếc xe màu đen dáng dũng mãnh với
tiếng nổ giòn tan! Không trốn lính lâu được, anh Thảo phải xin giấy tờ giả với
tên khác đăng lính nghĩa quân. Anh làm lính gác tại trường Chiến tranh Chính trị,
đêm gác, ngày trốn về làm vườn cho tới ngày giải phóng. Sau 3 ngày học tập, anh
trở lại làm vườn, lần này anh là một nông dân chính hiệu, khỏi phải trốn về làm
một công việc mà anh quen làm từ thời nhỏ. Anh tham gia tập đoàn, sau khi tập
đoàn rã đám, anh trở lại làm cá thể như những người khác được một thời gian ngắn,
anh bỏ vườn về Bình Thạnh làm cà phê, lấy vợ và ở mãi tới giờ.
Vườn xưa của nhà anh Thảo tới giờ vẫn còn. Hiển thay anh làm vườn và trải
qua biết bao nhiêu biến động. Một đời người cho dẫu có an nhàn bao nhiêu cũng
phải trải qua những đoạn trường. Ông Hảo đã chết, người đàn ông bị tật đi cà nhắc
do di chứng của một cơn tai biến vẫn hàng ngày cặm cụi làm vườn. Công việc duy
nhất ông Hảo là làm cỏ với một cái cuốc nhỏ bằng bàn tay nhưng rất bén, cái
dáng cứng nhắc lầm lũi của ông từ dưới vườn lên đến sân đất trước nhà như là một
biểu tượng của sự miệt mài. Ông ra đi rất nhẹ nhàng và thanh thản, dường như đó
là một phần thưởng cho một cuộc đời lao động của ông? Về làm vườn thay anh Thảo,
Hiển bỏ lại sau lưng những khát vọng một thời và yên ổn với những lo toan rất đời
thường như giá rau, giá phân, trời mưa trời nắng, nước nôi cây cỏ….Khu vườn xưa
thiếu nước giờ với bàn tay Hiển đã có đủ nước tưới cho tận những băng đất
ở đường trên. Hiển cũng không tài giỏi gì - cánh rừng thông năm trước cũng
không được trồng lại, ở đó giờ đã mọc lên một cư xá sinh viên mười mấy tầng để
ươm những mầm xanh, Hiển đã tìm ra mạch nước ngầm sát chân đồi đủ nước tưới cho
5 sào đất. Cái thứ đất nhà Hiển hợp với cây cà rốt, mỗi lần ra thăm Hiển tôi đều
thấy Hiển quanh năm trồng loại rau này. Quả thật, trên lớp đất đen những cây cà
rốt xanh thẫm một màu. Hiển tỉa cà rốt rất thưa, hai cây cách nhau một gang
tay, củ dài đến gần 3 tất! Một rò cà rốt dài chừng mươi lăm mét vào mùa nắng Hiển
thu hoạch được gần một tạ, hơn hẳn những vườn cà rốt của những nhà vườn khác. Rồi
bẳng đi một thời gian, tôi không thấy Hiển trồng cà rốt nữa, thay vào đó là
hành tây tím, loại một củ rưỡi. Từ trên giông cho tới băng đất dưới
suối, mùa nắng vườn hành nhà Hiển bạt ngàn màu xanh. Sau tết Hiển thu hoạch
hành phơi khô và trữ trong một nhà giàn sau nhà chờ giá. Có năm giá lên gấp mấy
lần đầu vụ, nhưng hao hụt cũng nhiều vì hành thúi, hành “lên tim” không bán được.
Những năm hành mất giá quả là những ngày “hành hạ” của Hiển, nhưng biết làm sao
được, làm vườn là như vậy đó! Bây giờ không ai trồng hành tím nữa, Hiển quay
qua hành vàng, qua tết hành ngả rạp những củ hành che kín mặt đất nhìn thích mắt….
Hình như tôi không có duyên mấy với chuyện làm vườn, mấy chục năm tôi
không đụng đến cái nỉa đất là một vật dụng làm vườn rất đặc trưng của nhà vườn
Đà Lạt bởi tôi làm công việc khác. Cái nỉa đất được du nhập vào nhà vườn Đà Lạt
từ thời Pháp giống y như cái cày của người làm ruộng. Tôi vẫn nhớ những cái nỉa
hiệu Peuguot của Pháp sau một vài năm trong tay nhà vườn Đà Lạt trở nên nhọn hoắt,
nhiều cái nỉa mòn chỉ còn lại bằng một phần ba lúc mới dùng, nhà vườn Đà Lạt bẻ
cụp lại để làm cái cuốc xăm phá vỡ lớp “ván mặt đất” để đưa phân bón xuống bộ rễ
của cây trồng. Vậy mà mấy chục năm sau khi tôi ra thăm vườn xưa nhà Hiển, cái nỉa
dường như không được nhà vườn Đà Lạt sử dụng mấy. Hỏi vì sao Hiển trả lời bây
giờ không ai còn nỉa đất, một công việc cực nhọc trước khi trồng cây ngày trước,
công việc này đã có những chiếc máy cày thay thế. Vui chuyện, Hiển kể chuyện
làm vườn, tôi ngồi nghe như vịt nghe sấm bởi bây giờ cái chuyện làm vườn nghe
như chuyện…ở nước ngoài! Thì ra cái chuyện làm vườn của nhà vườn Đà Lạt giờ đã
áp dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật vào nhiều, Đà Lạt là một trong những địa
phương áp dụng công nghệ cao vào loại nhanh nhất nước. Còn nữa, thu nhập từ 1
hecta vườn Đà Lạt trong 1 năm vượt xa cái ngưỡng 50 chục triệu đồng là mức phấn
đấu của ngành nông nghiệp trong cả nước. Ôi những con số biết nói! Cũng vui
chuyện Hiển kể với tôi bên cạnh những cái được như vậy, vẫn còn những chuyện
như không vui như được mùa mất giá, đầu ra cho rau hoa đôi khi còn bỏ ngõ. Cái
gam màu xám ấy rất may không phá hỏng màu xanh của núi đồi cỏ cây rau hoa non
nước…của Đà Lạt hôm nay.
Với tôi vườn xưa thời thơ ấu và tuổi thiếu niên bao giờ cũng đọng lại
những cảm xúc rất đậm đặc. Cái cảm xúc đó tôi cũng đọc thấy trong mắt nhiều người
đang và đã sống ở đây. Cái chất rất Đà Lạt được tạo nên bởi nhiều bản
sắc vùng miền trên cả nước mang đến một vùng đất có bốn mùa trong một ngày, có
rừng trong phố, phố trong rừng, có hoa tươi bốn mùa khoe sắc…và có cả tương tư
cho những người từng đến Đà Lạt một lần!
Vườn xưa đã khuất những ông bà Hai Phong, dáng lầm lũi của ông Hảo, những
mùa nắng thiếu nước héo hắt hanh hao…nhưng vườn xưa vẫn đầy ắp những kỷ niệm ngọt
ngào trong ký ức tuổi thơ tôi!
VÕ ANH CƯƠNG (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét