Hàn Mặc Tử được đánh giá là một trong ba đỉnh cao của “thơ mới” (1932 - 1945) bởi sự độc đáo trong thế giới nghệ thuật thơ. Sự độc đáo ấy thể hiện trong tư duy thơ và do đó thể hiện trong sự mã hoá bằng kí hiệu, văn bản (tức câu thơ, bài thơ). Nếu các nhà nghiên cứu thường ghi nhớ định nghĩa “thơ ca là sự tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản” (Phan Ngọc) thì thơ Hàn Mặc Tử là một điển hình với nhiều phương diện, góc độ. Ở bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một phương diện ít người quan tâm, đó là từ láy.
Như vậy, trước hết có thể khẳng định, từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử có số lượng khá nhiều. Hàn Mặc Tử sử dụng từ láy nhiều nhưng điểm độc đáo lại không phải ở đó (vì trong thơ ca tiếng Việt có rất nhiều nhà thơ sử dụng từ láy với tần số dày đặc) mà ở sự sáng tạo và vận dụng linh hoạt. Điều đó được minh chứng bằng những biểu hiện sau:
Thứ nhất: Sử dụng từ láy mới (hoặc từ láy ít sử dụng) và từ láy chuyển đổi vị trí
Trong 327 từ láy Hàn Mặc Tử sử dụng có rất nhiều từ láy mới hoặc từ láy ít sử dụng như: thẹn thuồng, sượng sùng, diêu diêu, thẹn thò, lỏn lẻn, diêu dộng… Chính những từ láy này đã thể hiện được cảm xúc chân thật, tinh tế trong chủ thể trữ tình. Đây là một thực tế, bởi trong cuộc sống nói chung, văn chương nói riêng, ngôn ngữ bao giờ cũng bộc lộ những hạn chế, những sự bất lực nhất định (việc gọi tên sự vật, hiện tượng trở nên khó khăn, không đúng bản chất nếu vẫn dùng những vốn từ đã có).
Đêm nay ta lại phát điên cuồng
Quên cả hổ ngươi, cả thẹn thuồng.
(Tình thu)
Anh nhìn trăng lỏn lẻn đậu ngành cao
Phải giờ này đang lúc em chiêm bao
Chính giờ này anh đang yêu em thiệt
Hãy nhập hồn em trong bóng nguyệt.
(Hãy nhập hồn em)
Đương cầu xin ọc ra thơ đường sữa
Ta ngất đi trong khoái lạc của hồn đau
Trên chín tầng, diêu dộng cả trân châu
Dường sống lại muôn ngàn hoa phẩm tiết.
(Đêm xuân cầu nguyện)
Bên cạnh đó, trong thơ Hàn Mặc Tử cũng xuất hiện một số từ láy chuyển đổi vị trí như: nhơ nhởn, mai mỉa, hờ hửng, láng lai… Cũng cần lưu ý rằng, đây không phải là sáng tạo riêng của Hàn Mặc Tử, dầu vậy sự thể hiện của nhà thơ cũng đã mang lại cho thơ ca những sắc thái biểu cảm nhất định.
Tôi thường muốn thấy người tôi yêu
Nhơ nhởn đồi thông lúc xế chiều
Để ngực phập phồng cho gió giỡn
Đưa tay hứng lấy tình thanh cao
(Tôi không muốn gặp)
Ở chốn xa xôi em có hay
Nắng mưa đã trải biết bao ngày
Nụ cười ý vị như mai mỉa
Mỉa cái nhân tình lúc đổi thay.
Thứ hai: Sử dụng từ láy theo trường ngữ nghĩa từ vựng trong mỗi bài thơ
Trường là tập hợp những từ đồng nhất với nhau ít nhất ở một điểm về nghĩa hoặc nằm trong mối quan hệ ngữ nghĩa nhất định.
Hàn Mặc Tử sử dụng từ láy theo trường ngữ nghĩa từ vựng trong mỗi bài thơ được thể hiện trong nhiều tập thơ. Ở đây, chúng tôi xin dẫn chứng bằng hai tập có vai trò quan trọng trong sự nghiệp thơ ca của nhà thơ là Gái quê và Đau thuơng.
Gái quê là tập thơ khẳng định thiên tài thơ ca Hàn Mặc Tử khi ông đã bước sang địa hạt “thơ mới” (ban đầu Hàn Mặc Tử sáng tác thơ Đường). Có lẽ trong di sản thơ ca Hàn Mặc Tử đây tập thơ trong trẻo nhất. Lời thơ duyên dáng, cảnh quê, tình quê gắn với những không gian và sự vật quen thuộc (nắng mới, tre già, vườn cau, vạt dưa…), sắc thái biểu cảm của chủ thể trữ tình nhẹ nhàng, trong sáng, đôi lúc có nỗi buồn nhưng là cái buồn vô cớ, vẩn vơ. Phải chăng có được sự hài hòa đó là bởi tập thơ không những là sản phẩm của một tâm hồn chưa thương tích mà còn là tiếng yêu đầu của thi sĩ họ Hàn? Tình, ý trong thơ đã vậy nên việc lựa chọn, sử dụng từ láy có lẽ là không có gì tuyệt diệu bằng! Điều đáng nói ở đây là các từ láy khi đứng bên cạnh nhau thì lập tức làm cho người ta nhớ đến những cụm từ khác. Nghĩa là chúng đã thu phát xạ của nhau để tạo ra một trường ngữ nghĩa. Chính điều này đã làm cho các từ láy như thâu hút cái hồn của toàn bộ bài thơ, tập thơ.
Trong bài thơ Uống trăng, Hàn Mặc Tử dùng những từ láy thể hiện, gợi tả cảm giác ái ân nhẹ nhàng: ngả nghiêng, lả lơi, rung rinh:
Bóng hằng trong chén ngả nghiêng
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình
Gió lùa mặt nước rung rinh
Lòng ta khát miếng chung tình từ lâu
(Uống trăng)
Trong bài Tôi không muốn gặp, nhà thơ lại sử dụng rất nhiều những từ láy miêu tả hành động, trạng thái một thiếu nữ bước vào yêu e ấp mà vẫn hấp dẫn: nhởn nhơ, phập phồng, nõn nà, ngượng nghịu, len lén:
Tôi thường muốn thấy người tôi yêu
Nhởn nhơ đồi thông lúc xế chiều
Để ngực phập phồng cho gió giỡn
…
Bước đi ngượng nghịu trên đường cái
…
Len lén đưa tay vốc nước rửa
Hay để gợi tâm trạng và không gian buồn, cái buồn vô cớ trong buổi chiều quê, Hàn Mặc Tử sử dụng các từ: thơ thẩn, man mác, hờ hững, bàng bạc
Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhận về
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
(Tình quê)
Đau thương là tập thơ Hàn Mặc Tử làm trên giường bệnh, với nỗi đau đớn, dày vò về thể xác lẫn tâm hồn, hi vọng và thất vọng, là tập thơ tiêu biểu nhất trong gia tài thi ca của ông. Hoài Thanh viết: “Thất vọng trong tình yêu, chuyện ấy trong thơ ta không thiếu gì, nhưng thường là một thứ buồn rầu có thấm thía vẫn dìu dịu. Chỉ có trong thơ Hàn Mặc Tử mới có nỗi đau thương mãnh liệt đến như thế. Lời thơ như dính máu”(2). Từ láy trong tập thơ, bởi lí do cơ bản trên, đã có những sắc thái khác so với trong tập Gái quê. Tuyệt đại bộ phận đó là những từ láy diễn tả nỗi đau, nỗi buồn đến tột bậc.
Trong bài Muôn năm sầu thảm, Hàn Mặc Tử dùng những từ láy gợi cảm giác đau đớn, buồn bã đến cực điểm, như: rầu rầu, bời bời, bải hoải:
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt, bời bời ruột gan
Nhớ lắm lúc như si như dại
Nhớ làm sao bải hoải tay chân
Trong bài Hồn là ai, Hàn Mặc Tử đã sử dụng rất nhiều từ nói về hành động (ngả nghiêng, lăn lộn), nói về cảm giác (ngấu nghiến, sượng sần, rùng rợn, thổn thức) để nói lên nỗi đau đớn, quằn quại:
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên (…)
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét cho một hơi rởn ốc
Cả thiên đường, trần gian và địa ngục.
Trong bài Rướm máu, nhà thơ lại dùng những từ láy gợi cảm giác mạnh, thể hiện nỗi đau đớn không làm chủ được:
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da.
Thứ ba: Kết hợp độc đáo giữa từ ngữ chỉ sự vật, hiện tượng với từ láy chỉ tính chất đặc điểm của sự vật, hiện tượng đó
Thơ Hàn Mặc Tử không đi vào lòng người bằng thứ ngôn ngữ chân quê giản dị như Nguyễn Bính, bác học như Chế Lan Viên, mới mẻ như Xuân Diệu mà bằng thứ ngôn ngữ độc đáo của riêng ông. Đó là thứ ngôn ngữ không chuẩn bị trước, nó như vụt ra từ những rung cảm bất ngờ, từ đau đớn, cuồng loạn. Theo cách nói của các nhà phân tâm học, đó là sự vô thức trong sáng tạo. Quằn quại trong niềm đau thể xác và tâm hồn, Hàn Mặc Tử đã viết nên những bài thơ làm kinh động lòng người, câu chữ ma quái đến kì lạ. Ở đây rõ ràng, nếu ví nhà thơ như một nhà luyện quặng thì e sẽ khập khiễng bởi những từ ngữ mà Hàn Mặc Tử sử dụng hoàn toàn không phải bằng lí trí. Những từ ngữ ấy chỉ được sinh ra một lần và duy nhất trong một ngữ cảnh, thường trong một tâm thế ảo giác. Đó chính là những điều làm nên ngôn ngữ thơ – phong cách thơ Hàn Mặc Tử: làm thơ là để “hồn trào ra đầu ngọn bút”, lời thơ là “máu tim anh vọt láng lai”. Vì thế ngôn ngữ của Hàn Mặc Tử rất lạ, có những sự kết hợp nếu đặt ra ngoài ngữ cảnh sẽ là không bình thường, thậm chí vô lí.
Sự vật trong thiên nhiên qua con mắt Hàn Mặc Tử luôn hiện lên như một con người, một cô gái đang bước vào tuổi yêu, vừa e ấp, kín đáo vừa hấp dẫn, đôi khi như lộ liễu. Vầng trăng là một motip, một biểu tượng trong sáng tạo của nhiều thi sĩ Việt Nam. Trăng xuất hiện trong thơ Thiền với một cái gì đó lạnh và tĩnh lặng tuyệt đối, trăng trong “thơ mới” lại có cái gì rạo rực, nồng ấm hơn. Riêng với Hàn Mặc Tử, có thể nói trăng, ánh trăng đã để lại những cảm giác vật chất lên thân xác. Bởi thế, trong khi các nhà thơ lãng mạn thi vị hoá trăng, Hàn lại trần tục hoá nó:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
Đợi gió Đông về để lả lơi.
(Bẽn lẽn)
Viết về trăng, gió hay mọi vật vô tri, điều đáng chú ý ở Hàn Mặc Tử là đều nhìn bằng con mắt của kẻ si tình, thấy tất cả đều động đậy, duyên dáng, khơi gợi như là một thực thể sống, một thiếu nữ đương xuân. Khi lắng nghe tiếng ca của người thôn nữ trong Mùa xuân chín, ông viết:
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây
“Vắt vẻo” là từ láy gợi hình ảnh của tư thế sự vật, người ta thường nói: “ngồi vắt vẻo”, “cái đầu vắt vẻo”… nhưng “tiếng ca vắt vẻo” thì chỉ có Hàn Mặc Tử. Từ “vắt vẻo” đã gợi nên hình ảnh người con gái tinh nghịch và đầy sức sống.
Tuy là người chịu nhiều đau khổ trong tình yêu nhưng Hàn Mặc Tử không tuyệt vọng, ngược lại luôn tìm thấy bóng dáng tình yêu và niềm tin cuộc sống. Trái tim yêu của chàng thi sĩ vẫn luôn thổn thức cùng mây nước, con người. Với một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, Hàn Mặc Tử đã dò la được những trạng thái cảm xúc ngầm ẩn trong từng sự vật, phả vào đó một cái nhìn tình tứ, âu yếm như những tình nhân:
Gió nâng khúc hát lên cao vút
Vần thơ uốn éo lách rừng mây
Ta hiểu ta rồi trong một phút
Lời tình chới với giữa cơn say.
(Ngủ với trăng)
Ở đây nhà thơ đã phóng chiếu những rạo rực của bản thân ra ngoài vũ trụ. Cái nhìn của thi sĩ ve vuốt, mơn trớn với cả tạo vật. Cảm giác này được nhà thơ thể hiện theo lối ứng xử phương Đông, rất kín đáo và gợi cảm. Nó khác với cách nói hiện đại của các nhà thơ cùng thời như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương. Những từ như “gió mây”, “lời tình” và từ láy “uốn éo”, “chới với” khi đứng cạnh nhau thì lập tức làm người ta nhớ đến những cụm từ khác được chuyên dùng để chỉ chuyện tình ái. Và như vậy, không gian của ái ân, tình tứ, của yêu đương đã được hiện ra mồn một trong trí tưởng tượng phong phú của độc giả. Sự kết hợp độc đáo này không những tăng tính gợi hình cho sự vật được nói đến mà còn thổi vào sự vật một linh hồn, từ đó làm cho những “vần thơ”, “lời tình” được cảm nhận như tâm trạng của những tình nhân đang sống trong trạng thái ngọt ngào ân ái, vừa mơ mộng, bay bổng, vừa đắm đuối, thiết tha.
Từ láy trong thơ Hàn Mặc Tử, bằng sự linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng của tác giả, đã góp vai trò quan trọng trong việc tạo nên một thế giới nghệ thuật thơ chinh phục lòng người (góp phần thể hiện tâm trạng, cảm xúc với những cung bậc khác nhau của chủ thể trữ tình; tạo nên tính nhạc cho thơ; khẳng định phong cách thơ của tác giả). Những phân tích trên, dầu chỉ mới khai thác trên một khía cạnh, nhưng có lẽ cũng đủ để lí giải tại sao Hàn Mặc Tử lại chiếm một vị thế đặc biệt trong tư trào “thơ mới” nói riêng và thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung.
NGUYỄN MẠNH HÀ (tác giả giữ bản quyền)
______________________________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
KỈ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ HÀN MẠC TỬ (22.9.1912 - 22.92012)
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét