Kẹo nhậm nhày giữa hai hàm răng sẫm màu hô hốc.
Nó thọc tay vô họng lấy móng nại chỗ kẹo, búng tứ tung, văng cả qua mình tôi.
Kiểu ăn uống thô thiển của nó đã
bị bọn con gái cùng khóa lên án nhiều lần. Lúc mới còn vị nể “nhõ nhẽ nhai cho
phải thế con gái hơn!” sau cứ nói tạt vô mặt nó “ con gái con đứa gì mà ăn uống
thô thiển”. Nó nhích môi, cười khịt“mủ mỉ duyên dáng đặng chi? Làm đồ trang sức
cho…thiên hạ là cùng chớ gì”. “Vậy chớ mày ăn mắm hút dòi mà vẫn đi học để làm
gì? Không phải để mình sống có văn hoá hơn sao?” “Học chỉ là để sinh tồn, ăn
cũng vậy!”. Đúng là bản tính khó dời, mười mấy năm trước nó đã vậy.
Hồi đó, có vẻ rất xa xôi như chuyện
đời xưa vậy. Ra khỏi nhà tôi một đỗi đường là sân đình. Trước sân đình là một bến
sông có hàng sầu đâu bộn tuổi. Chúng đã đứng đó rất lâu năm, ngả ngớn giương xuống
sông, xuống đường làng mấy cánh tay khẳng khiu lại uốn lượn cầu kì như những vũ
công điệu nghệ. Tháng mười một, nước sông trong dần, vực ráo riết. Cũng là lúc
hàng sầu đâu vươn vai trút lá, chuẩn bị chu đáo cho một mùa khai hoa nở
nhụy mới của mình. Dáng cổ thụ sần sù kiêu hãnh nhìn mớ lá tả tơi rơi nghiêng,
rơi thẳng, chao lượn vòng vèo. Chắc bụng hài lòng như người mẹ muộn con, cười tự
mãn trong cơn oặn mình nôn oẹ khi cấn thai ốm nghén. Cọng sầu đâu trụi lá cũng
rụng theo, bu đầy gốc.
Tiểu Hồi ốm tong trong bộ đồ nặng
mùi hôi, đi tới đi lui lượm mấy cọng lá sầu đâu, bung thành mấy cái vòng
nhỏ cỡ nắm tay, chơi thay dây thun, chơi một mình, tay phải luôn luôn thắng.
Khi nào chán, nó đứng đằng xa nhìn tụi tôi chơi búng vòng bằng dây thun thật.
Tôi là thằng con trai có nhiều đồ
chơi nhất xóm. Má tôi mua bán đường dài. Mỗi bận đi xa về, sau khi móc tiền
trong túi cất vô tủ, má luôn đưa cho tôi một món đồ chơi gì đó. Trừ xe pháo,
súng ống ra, cái gia tài hơn năm trăm cọng thun của tôi tụi Hoa Liên còn thèm,
huống gì con nhỏ nghèo rớt mồng tơi như Tiểu Hồi.
Tiểu Hồi thiếu đủ thứ, dữ
dội nhất là sức khỏe. Má nó ngày nào cũng len lõi qua mấy đám cỏ, mấy vườn cây
tạp trong xóm lục lọi cây thuốc trị bệnh cho nó. Bà quen mặt các loại thuốc
Nam. Trong xóm ai có bị ho kéo dài hay nghe đau chỗ nào đó trong bụng trong
xương thế nào bà cũng chỉ cho một bài thuốc, hiệu nghiệm lắm .
Vậy mà nó cũng ốm như nhánh củi.
Món tẩm bổ duy nhất bà có thể cho nó mỗi ngày là cóc bầm nhừ nấu cháo. Da thịt
nó mởn từng ngày trong cái nhìn no nê của má nó với mớ lòng cóc. Hạnh phúc của
nó tới đó rồi thôi vì lộn xộn trong mớ lòng đó có gan, có bao tử và một lần có
cả trứng cóc. Rồi ngày ngày kế đó, nó cong cổ nuốt mấy hột cơm nguội khô ran
trong con mắt ngó lom lom của bà mẹ kế.
Bà ngoại lưng còm, tóc trắng, để
nguyên nón trên đầu bước lẹ vô nhà, quét mắt ngang nó một cái như sợ đụng phải
cái gì có thể làm chảy nước mắt. Bà gom mấy bộ đồ cụt ngủn (được may hồi má còn
sống). Mau như lúc tới, miệng bà im ỉm, tay cắp cái giỏ, tay quắp cánh tay mỏng
lét của Tiểu Hồi, kéo nó về phía ngôi nhà sàn sùm sụp ngoài bìa xóm.
Mùa tết năm đó, xùng xình trong bộ
đồ quá cỡ được sửa từ bộ đồ mới độc nhất của bà, nó giương con mắt không chớp về
phía bộ đồ bông chói lọi của Hoa Liên. Ngoại nó lừ mắt. “Phải biết thân biết phận.
Mày là đứa mồ côi” Nó cúi mặt chui vô nhà. Suốt ngày lủi thủi cạnh ngoại học
đươn lưới, bắt ốc, mò cua, mót lúa. Bao nhiêu tiền bà dành mua sách vở cho nó
đi học vì cái câu “Nhất sĩ nhì nông…”.Nó quên cái mùi cháo cóc lâu rồi, không
còn thèm nữa. Nhưng có bữa, nó thấy tôi ăn mì gói, hít no nê mùi từ xa nuốt ực
nước miếng, cắm phập mặt tôi câu hỏi “Có ngọt như cái mùi của nó không?” Những
lúc thấy nó, tôi bưng tô mì chạy trốn. Sợ quá mùi nước đái khai ngấy, mùi bùn
tanh rình. Lỡ bá vô cái hỗn hợp đó, nuốt cái gì rồi cũng ọi ra muốn lộn cả ruột.
Có một lần duy nhất trong đời tôi
dám đụng mình nó. Là cái ngày hai cha con tôi đang ăn cơm, Hoa Liên réo tôi từ
đầu cổng. Nó thông báo về Tiểu Hồi và chùm dây thun nó nghi là của
tôi.Tôi nghinh nghinh mặt với Hoa Liên. Hồi sáng sau khi chơi xong, tôi
nhét tuốt trong kẹt tủ giữa buồng, kín bưng.
Nhưng nghe nó diễn tả thì trúng của
tôi rồi. Tôi buông chén cơm xuống ván cái cộp, chạy tốc tới sân đình. Ba tôi chỉ
kịp đưa tay về phía tôi như muốn can, nhưng chỉ kịp với theo bằng câu gấp gáp:
- Chỉ là chùm dây thun thôi mà, bỏ
đi con!
Mớ thun tôi không quý lắm nhưng một
cọng tôi cũng không bỏ. Đồ chơi của tôi đứa nào trong xóm chơi cũng được trừ Tiểu
Hồi. Sân đình hiện ra rất mau. Máu trong mình tôi sôi lẹ như bước chân tôi vậy.
Nó ngồi bẹp, xổ tung chùm thun ra đất, tỉ mẩn đếm từng nhợ, cái đầu nghiêng
nghiêng vẻ rất hài lòng. Tôi nhào tới xô dạt nó qua một bên, lùa lia lịa mớ
thun đầy hai tay, đứng lên cong môi rủa :
- Đồ tham lam, dám vô nhà tao ăn
cắp!
Nó chống tay ngồi bật dậy, nhảy xốc
tới:
- Trả tao, tao không ăn cắp!
- Làm gì mầy có?
Chúng tôi giằng co nhau. Nó dường
như cũng không có ý nhượng bộ, như là tôi đang cướp của nó không bằng. Hoa Liên
vừa lúc đó chạy tới, hùng hồn làm chứng.
Thấy yếu thế, Tiểu Hồi buông tay,
quay lưng đi. Nó còn kịp hất tạt mặt tôi một cái nhìn ghẻ lạnh sáng quắc. Sợi
thun bị kéo giãn quá mức, lại được buông ra bất ngờ búng vào tay tôi bóc một
cái. Đau điếng! Tôi đổ quạu, nhào tới xô nó ngã chúi nhũi. Nó ngước lên, mặt
tèm lem. Một vệt máu chảy thành dòng nhỏ thấm vô cát đang dính đầy trán nó,
ròng xuống mũi... Mắt nó sòng sọc trợn dọc như có thể văng ra khỏi hóc rồi bắn
thẳng mặt tôi…Nhìn ánh mắt nó, tôi dự cảm nó đang xông vào tôi mắng nhiếc, cào
cấu, cắn xé và bẻ cổ tôi cái một. Bự con hơn nó, một chọi một tôi cũng
ăn, huống gì phe tôi lại có Hoa Liên. Vậy mà tôi rúm người lại, co giò chạy ...
Mau như lúc đi, tôi thở dốc bước lên nhà. Ba tôi đang chờ bên mâm cơm, nhổm hẳn
người ra trước trông ngóng. Thấy tôi cầm chùm dây thun, ông bệt ngay xuống ván.
Đôi đũa trên tay ông rớt xuống mâm đánh cốp một tiếng khô khốc. Ong giật mình cầm
đũa lùa lia lịa.Và gần chục đũa mà không có hột cơm nào vô miệng. Mép chén chỉ
có mấy hột cơm nằm hờ hững, khô queo. Tôi cũng chẳng ăn được gì. Miếng
cơm nào qua miệng cũng như có dính mấy hột cát nhậm nhày máu đỏ của Tiểu Hồi. Tự
nhiên tôi ngẩng lên kiếm ba cầu cứu, đụng ngay cái nhìn của ba. Cái nhìn làm
tôi chợt nhớ, có một lần tôi ăn cắp tiền của má đi mua điếu thuốc, vừa hút vừa
rọi kiếng coi mình đã giống người lớn chưa. Tôi thấy hai con mắt trong gương
đang lấm lét nhìn mình ...
Ba nói lập bập từng lời :
-Nó …có nói ở đâu nó có không?
Tôi lắc đầu ngao ngán, cũng không hiểu nổi vì sao tôi ở nhà suốt buổi chiều nay
lại để Tiểu Hồi lẻn vô nhà …
Mùa nước lên năm đó, chỗ gốc sầu
đâu Tiểu Hồi hay lượm làm vòng, nước cao quá đầu bọn con nít như tôi. Nhà
bà cháu nó ngập ngoi ngóp chỉ còn cái mái. Bà nó phải dời tới cái
chỗ mà bà không muốn chút nào. Nó ở tận đâu? Tôi không chú ý, chỉ biết hình như
đó là quê vợ của cậu Tiểu Hồi. Từ đó về sau tôi quên phứt nó.
Tưởng vậy thôi chớ khi mới vô trường
sư phạm, ngay cái chạm mặt đầu tiên tôi đã nhận ra nó. Thấy kiểu ăn mặc lôi
thôi, cái thẹo giữa trán như một con dế trũi đang cựa quậy trong đám bọt vàng ố,
phủ trên mặt ruộng hồi mùa nước mới tràn, ước ông trời đừng dung rũi cho đụng mặt
với nó thêm lần nào nữa. Nhưng tôi nể nó “vậy mà cũng học được tới chừng
này”. May là nó không nhận ra tôi.
Mười mấy năm rồi còn gì.
Ngày đó tôi trắng trẻo, chẳng mê gì, cả việc học lẫn chuyện ăn, ngoại trừ đồ
chơi. Ba tôi hiền khô, không thể đưa tôi vào bất kì một khuôn
khổ giáo huấn nào. Ông hiền bẩm sinh mà. Hồi năm bảy tuổi, nội đưa tới trường học
nhưng bị một thằng bạn cùng tuổi gầm gừ nói “nhìn cái mặt thấy ghét”, “hứa”
bữa nào cũng đón đường đánh chơi. Vậy là bỏ học. Tới tuổi nghĩa vụ, ông sợ đạn
lạc tên rơi nên trốn khỏi nhà, sống chui rút cho qua tuổi. Lén lút cưới má rồi
bó gối ở nhà nấu cơm cho tôi ăn, dành phần bươn chải cho má. Má tôi quắn quíu với
những đồng tiền, tới một ngày trở về nhà ngồi khóc ngất trước gương. Nhìn làn
da dày dạn nắng gió của mình, nhìn thằng con trai học hành rớt lên rớt xuống,
còn chồng bỏ nhà theo người đàn bà mập như thùng phi nhưng nói chuyện ngọt sớt,
nghe thất bát xoi ruột nhói ran. Má rũ sạch mọi thứ về nhà buôn bán lặt vặt đủ
sống nuôi tôi. Mọi chuyện về ba chấm hết vì ba bệnh ngặt qua đời khi mới
sụp bốn mươi một dạo. Những giọt nước mắt của má, sự ra đi của ba đã để lại
trong lòng tôi một vết thương lớn. Nhưng cũng nhờ vậy tôi có trách nhiệm hơn với
bản thân mình và những người xung quanh. Tôi chịu học chịu ăn chớ không mê chơi
như hồi đó. Sự tỉnh ngộ này đã giúp tôi có chân trong trường sư phạm. Tốt
nghiệp ra trường với số điểm cao cao. Nhưng tôi nhận ngôi trường dở chợ dở quê
này làm nơi tập sự là vì một cô bạn mảnh mai trong trẻo như lõi chuối non nắm
tay tôi rớm nước mắt “em sợ ma lắm mà nhà công vụ ở đó vắng tanh vắng ngắt, chắc
em bỏ dạy”. Tiểu Hồi cũng nhiều điểm nhưng muốn về trường này vì nó không quen
chỗ có đông người. Nó nói “Ở đó buồn!”.
Lần đổi chác nhiệm sở này giúp nó
có được một chiếc xe đạp làm chân. Chỉ có tôi là khổ. Cái giá cho việc dại gái
thiệt đắt đỏ. Phải cùng Tiểu Hồi chung trên một chuyến phà xa lơ, chung khúc đường
dài nhằng, cưỡi xe đạp càn lên đám ổ gà ổ voi xốc cồng cộc. Chung cả những ngày
dài trên ngôi trường nhỏ mà lũ học trò tèm hem như Tiểu Hồi mười mấy năm trước
và …cả bây giờ. Ước gì người đồng hành này là một cô gái khác.
*
Cục phấn chai sạn chạy sồn sột
trên tấm bảng lở lói. Cặm cụi một hồi tôi cũng đề xong thứ ngày tháng một cách
tề tỉnh lên đầu bảng. Thứ hai…? Buổi dạy đầu tiên của đời người. Tự dưng
điều ấy vô nghĩa khi Tiểu Hồi đứng chình ình trước cửa lớp tôi.
-Coi mòi
cũng hăng hái quá ta- Sau câu nói mỉa mai là nụ cười nham nhở, nện trên một
gương mặt cõi cằn đầy mụn nhọt. Và cái thẹo như là cái mụn bự nhất …Chút
lý trí lôi kéo tôi yêu nghề rệu rã tan. Tôi bỏ lớp ra dựa lan can trường nhìn
xa về hướng thị trấn…
Lũ học trò bắt đầu ó ré lên. Một
số xếp máy bay phóng thẳng xuống đám ruộng chưa cắt. Rất nhanh, chúng ào ra khỏi
lớp, lội bừa xuống lúa lùng sục đồ chơi. Mấy bông lúa quấn ràn rạt quanh
chân chúng, rụng xao xác. Bác nông dân bẻ nhánh tre dứ dứ lên không
trung la vơi vơi. Có chuyện rồi đây, tôi trở về lớp giải quyết cái lũ đứng hàng
thứ ba sau ma và quỷ. Học trò tôi quậy hơn quỷ. Vô tình tụi nó đã bẻ khóa một
cánh cửa tưởng đã đóng kín vĩnh viễn rồi hồn nhiên đẩy tôi vô đó.
Bắt đầu câu chuyện từ một
con gấu bông tôi lượm được lúc đi qua xóm. Tôi đưa nó cho một đứa học trò quậy
nhất lớp “Cho em về nhà chơi” Chẳng qua là một kiểu dàn xếp tình cảm rẻ tiền để
nó bớt lộn xộn. Vậy mà nó đưa cho Tiểu Hồi nói thầy Minh gởi tặng.
Ngay chiều đó tôi ghé phòng Tiểu
Hồi truyền lại một số thông tin của Ban giám hiệu đưa xuống giáo viên tập sự. Mặt
tôi phừng phừng, hơi thở chạy lung tung tới độ tôi ngồi chịch cả ghế. Con
gấu ngồi chễm chệ trên bàn viết, tươi rói như gương mặt Tiểu Hồi
lúc này:
- Không có sự ban ân nào là vô tư
cả. Nếu không cầu sắc cầu tài cũng cầu đức độ. Còn con gấu này Minh tặng có lẽ
không cầu gì cả vì Tiểu Hồi đâu có gì để Minh cầu…
Bất giác nó quay mặt đi, làm động
tác giả vuốt lại mấy sợi tóc may. Nhưng khi nó quay lại mắt đục ngầu, mi sụp xuống.
Tự nhiên tôi thấy mình á khẩu, cũng chẳng thể ú ớ.
Anh mắt đỏ ấy lại quét vội sang
tôi rồi quay đi, nhanh tới mức giọt nước mắt rớt xuống nền nhà, bể tan, thấm
vào gạch đỏ. Chuyện gì xảy ra? Tôi cứ xoa, cứ nắm hai tay dính nhau rồi nắn
bóp thành ghế, lục lọi trong bộ nhớ coi lời nào có thể moi ra nghe được lúc này:
-Hồi mít ướt quá phải không Minh?
– Nó chành miệng cười gượng, mặt chèm nhẹp như con nít- Chỉ vì một con gấu mà
cũng khóc.
Tôi mở lớn hai mắt nghe ngóng,
suy tính. Nước mắt phụ nữ, dù cô ta đẹp hay xấu đều làm đàn ông rối ruột.
-Nếu Minh biết có một con nhỏ
thèm được quà, thèm được nghe mấy lời ngọt ngào như thế nào. Ngày nào cũng nghe
ngoại nói “mày đừng có phân bì với người ta. Ráng mà học đặng ngóc đầu lên” Con
nhỏ biết ngoại nói đúng nhưng nó thèm nghe một lời êm ái, một cử chỉ nâng niu
biết chừng nào…
Tiểu Hồi đang trôi giữa
dòng ký ức. Có cảm giác ngay lúc này không phải là tôi, một con người, mà chỉ
là một cái ghế ngồi, nó vẫn kể. Hoặc giả như trước mặt nó là cả một hội trường
trong ngày hội có đủ thành phần, nó vẫn nói đều đều, giọng ứa nước mắt.
Ứ nghẹn từ hồi bảy tuổi …
Đó là ngày người đàn ông rề tới
bên nó, vuốt ve nó, cho nó món đồ chơi mà nó hằng ao ước…chỉ cần nó im lặng
cho ông muốn làm gì thì làm, một chút thôi, không sao đâu, không ai biết
đâu…Chuyện này là chuyện không nên cho nhiều người biết. Mà cho ai biết làm gì,
nó thấy người đàn ông đó tốt gấp trăm lần thằng con trai ông ta, cái thằng luôn
chê nó ở dơ. Cái thằng đẩy nó ra khỏi cuộc chơi của những đứa con nít trong
xóm. Nhưng…khi thằng con trai xốc tới giật lại mớ thun, chỉ tay ngay mặt nó “Đồ
ăn cắp”, còn xô nó một cái…Nó biết là đời nó đừng mong mõi người ta cho cái gì
dù chỉ là chùm thun. Năm tuổi gián tiếp hại chết mẹ, bảy tuổi đã không còn gì để
mất. Không phải người ta cưỡng bức, là nó tự nguyện, Minh hiểu không ? Nó tự
nguyện đổi chác với một cái giá rẻ mạt, rẻ hơn rác rưởi. Cái loại này là
ác mộng của thế giới, đừng dại dột dính tới, tốn nhiều công phu dọn dẹp, nhiều
công nghệ tiêu huỷ. Rác người nên cũng ao ước sinh tồn, sống được tới đâu hay tới
đó, có dáng người là may rồi.
Tôi gầm mặt xuống nhớ như in cái
ánh mắt ba ngày nào, lấm lét lùa lia lịa đũa vào cái chén không cơm…
Tôi đã nhốt mình giữa lớp học và
cái phòng nhỏ của mình trong khu nhà công vụ để khỏi gặp mặt Tiểu Hồi. Nếu có
tình cờ thấy nhau trên hành lang tôi len lén tìm hướng quay đi.
Tôi lại có cảm giác mọi người
đang đưa tất cả những gì liên quan tới Tiểu Hồi đổ đầy tai tôi. Chẳng hạn vì
sao nó không thân thiện với mọi người nhất là mấy cô gái được người yêu tâng
tiu. Chẳng hạn có một gã đàn ông nào đó trong xóm lân la lại gần phòng Tiểu Hồi.
Mấy lúc thấy nó xách nước gã đã tới xách giùm. Nó không đồng ý nhưng gã đã
giành xô nước trên tay nó. Những cử chỉ đó có lẽ lần đầu tiên Tiểu Hồi được nhận…
Chỉ có điều vợ gã với bốn đứa con ở nhà vừa căm ghét gã và đổ dồn mọi kinh tởm
lên những người bị gã gạt gẫm. Gã dâm đãng và lẻo mép nổi tiếng. Xấu cỡ nào
nghe gã ca tụng người đó cũng tưởng mình thành tiên. Không ai có ý cản gã giùm
Tiểu Hồi “Ai biểu vô duyên làm chi, khiến tụi con trai không dám tới gần, trống
chỗ cho thằng điếm thúi lãng vãng.” Một số người đã nói vậy.
Tôi nghĩ bụng, nếu mình ở đây,
ngày ngày nhìn thấy những gì còn sót lại sau cái hành vi nông nỗi của ba, tôi sẽ
không thể ngóc đầu lên nổi. Phải rời khỏi nơi này thôi, sẽ nói với má mình bị
tranh nước không ở đây được. Một số giáo viên tới vùng này đã bị chứng bệnh đó.
Tôi gặp gã đàn ông đó lúc bước ra
khỏi cổng trường. Lập tức tôi thu ánh mắt về để khỏi phải bị cảm giác tởm lợm
làm gan ruột mình trạo trực. Trường học ngày chủ nhật vắng như chùa bà đanh.
Tôi thấy rõ đôi mắt phong tình của gã nhìn đắm đuối Tiểu Hồi. Cái kiểu nhìn già
đời tới mức đá cũng phải mềm. Mưa gió sẽ vần vũ, rồi tầm tã, rồi ngoi ngóp. Tất
cả cũng sẽ bình lặng. Chỉ còn lại một Tiểu Hồi với mênh mông lầy lội. Tôi bước
chân đi, đem theo cả những mớ dây nhợ tủa lòng thòng trong ý nghĩ.
Tôi có cảm giác đi tới đâu những
ê chề của Tiểu Hồi cũng theo sát gót, bày đầy trước mặt. Có lẽ những bất
hạnh đó cũng đang giày vò linh hồn của ba còn vật vờ quanh đây hay là chốn a tỳ
lạnh lẽo nào. Tôi càng bước càng thấy mình chới với giữa dòng ý nghĩ. Cho tới một
lúc tôi không đi nổi, dựa người vào một gốc cây ven đường. Tôi thả ngửa mặt lên
trời, thấy lởn vởn gương mặt điểu cáng của gã đàn ông “già không bỏ nhỏ không
tha”. Rồi lại thấy ba. Những gương mặt họ khi thì tách ra khi nhập thành một.
Có khi lại biến thành gương mặt tôi đang nghinh nghinh... Ý nghĩ mình đang ở
chung một phe với gã làm tôi nóng mặt. Tôi quay về hướng trường bước những bước
thiệt dài.
Tôi dự định sẽ tống khứ gã bằng một
cái nhìn té lửa. Nhưng gã đã sớm tìm đường rút vì Tiểu Hồi đã đuổi gã bằng cái
ngó trân trân, vừa lạnh vừa như đang đổ những cơn uất ức trào ra tròng mắt. Tôi
không ngờ lại có thể chứng kiến cái nhìn này từ Tiểu Hồi. Vừa ngất ngưỡng bất cần
lại như đang vùi sâu lòng kiêu hãnh xuống nơi tồi tàn nhất. Ở đó chỉ có ta với
ta. Tất cả các người đều sinh ra để mai mắn thì các người hãy mĩm cười với hạnh
phúc của mình đi. Ta cũng có một nơi chỉ có ta là chúa tể. Các người không phải
là đồng loại của ta. Đồng loại của các người đầy rẫy ngoài kia, những kẻ tươi tắn
vuông tròn, tươi tắn không tỳ vết. Ta bấy bá bụi đời, ta rút giữa tòa lâu đài ẩm
mốc, tường cao cổng kín của riêng ta. Nơi đó không ai được bén mảng, kể cả người
tốt, kể cả lũ đê hèn… Nhìn mắt nó tôi như bị một bàn tay nào đó vô hình bóp siết
toàn thân, bẻ gập từng cái lóng tay.
*
Mỗi tuần Tiểu Hồi đều nhận được một
món quà với những dòng chữ động viên. “Cô ơi cô, là một cô giáo đáng yêu.” “Cô
giáo ơi, cô ráng lên nghe, mọi người quý trọng cô lắm.”
Tiểu Hồi đẩy những món quà thành
một đống trên góc tủ. Một sự nhầm lẫn hay một kiểu giởn dai để thu lại được những
trận cười nghiêng ngả gì đây?. Tôi chỉ dám khuyên “Hồi nhận đi rồi vui sống
để không phụ lòng người tặng, dù, người đó là ai. Xung quanh Hồi vẫn còn nhiều
người quan tâm tới bạn”. Nó vẫn không tin tất cả những cái đó là của nó…
Một bữa nó xin nghỉ dạy hai ngày
đi đâu đó. Khi trở về mắt nó bớt lạnh hơn. Tôi thấy nó xếp mấy món quà ngăn nắp,
bắt đầu chú ý tới lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc cũng gọn gàng hơn. Nó học cái
gì cũng mau giỏi kể cả chuyên môn và cách giao tiếp. Ngày tết nhà giáo nó bắt đầu
nhận được nhiều quà. Mớ của học trò, mớ của một người ẩn mặt.
Người hay giúp tôi gởi quà, chuyển
những món ăn tẩm bổ tới chỗ Tiểu Hồi là chị bảo vệ hiền lành. Chị hỏi sao mà
tôi lo cho Tiểu Hồi vậy lại không cho nó biết.
- Tôi sợ cổ thương tôi.
- Bộ thầy không thương cổ
sao? Không thương sao lại lo cho cổ từng miếng ăn?
Tôi nói chị đừng có hỏi. Nếu
thương tôi hãy giúp tôi lo cho Tiểu Hồi.
Tiểu Hồi tuy vẫn cảnh giác nhưng
nó đã thấy vui vui vì “ai mà kỳ công giỡn dai không biết”. Thỉnh thoảng tôi thấy
nó khui vài món quà, nhìn rồi cười. Dù không xài tới bất cứ món nào.
Những nổ lực của tôi kể cả trước
mặt và sau lưng bơm cho Tiểu Hồi sức sống mới. Nét mặt nó hửng lên, ngày càng đầy
đặn. Nó như đang thành một người khác. Mùa tết nhà giáo năm thứ ba nó được trường
cử đi thi giáo viên duyên dáng, nhận được giải cao cả về ứng xử tình huống và
phong cách biểu diễn.
Trong khi đó tôi ngày càng gầy guộc.
Tôi không biết cái gì đã diễn ra trong mình. Những lúc đi chung, tôi hay bị
chân nọ đá chân kia, mặt rần nóng khi thấy mấy thằng con trai dòm miết Tiểu Hồi.
Mấy đồng nghiệp nam thì có trăm ngàn lý do để ghé trường kể cả ngày chủ
nhật. Tôi cố tình dựng trong đầu hình cảnh một cô gái nào khác để khỏi nghe tim
mình se thắt từng cơn. Nhưng, tôi chỉ thấy trước mắt một Tiểu Hồi với cặp mắt
trong xanh. Tôi thèm biết bao được chạy ngay tới, ghì sát thân hình trong trẻo
của Tiểu Hồi bằng đôi tay nồng ấm của mình, ao ước được áp mũi vào đôi má hồng
hào mướt rượt kia, hít những hơi no đầy... Những cơn thèm tuột sâu tận đâu đó
trong tôi, moi ra những cơn đau bủn rủn tay chân.
Tiểu Hồi nhận được khá nhiều những
gói quà có ghi rõ tên người gởi, cả những lá thư xài nhiều từ thương nhớ. Nhưng
Tiểu Hồi lại không nhìn tới họ. Nó vẫn chưa nhen được trong lòng mình một ao ước
nào về hạnh phúc. Trong số những lá thư nó nhận được có những cái do tôi đưa tới
từ chỗ mấy thằng bạn chí cốt của tôi. Tôi nghĩ mỗi một lá thư đem tới cho bạn
tôi một hi vọng mới, cũng là cho Tiểu Hồi những cơ hội lựa chọn. Tôi gần như đã
đạt được cái điều mình mong mõi. Nhưng sao tôi cứ đuối dần cho tới khi phải nhập
viện.
Tưởng bệnh thường thôi, uống vài
ngàn thuốc là có thể làm anh hùng. Nhưng bác sĩ nói bị suy nhược nặng, cả thể lực
và tinh thần. Phải nghỉ dạy một thời gian. Chỉ có tôi biết mình đang tương tư.
Má vuốt tóc tôi. Sao mà ráng sức chi dữ vậy con. Tôi cười cười. Vậy chưa đủ nữa
má à. Con bò xuống vực sâu mà, tuốt dưới đáy lận nên bị hao hụt chút sức có sao
đâu, phải đổi mạng còn được nữa à. Má khóc thôi là khóc. Con tôi bị tâm thần rồi
bác sĩ ơi, nó nói sảng kìa.
Tôi tỉnh táo nhất trong đời. Tiểu
Hồi sẽ tìm được người yêu thương nó bằng cả sinh mạng. Gương mặt Tiểu Hồi rực rỡ
trước mắt tôi ngày một chói lòa, cho tới khi tôi sụp vào vùng mù mịt. Tôi nghe
rõ má tôi vừa khóc vừa lay tôi. Tôi nghe rõ hơi ấm bàn tay Tiểu Hồi siết chặt
tay tôi, một làn da mát rượi áp sát má tôi.“ Em có cần gì những món quà đó mà
anh phải cực khổ vậy. Em đã về xóm cũ, đã biết anh là ai lâu rồi. Nhưng nếu em
nói em biết hết rồi, anh đừng lo cho em nữa, có lẽ anh không yên, nghĩ em còn hận…?”.
Tôi thấy tôi cười mà sao mắt nhướng không lên.
VÕ DIỆU THANH (tác giả giữ bản quyền)
______________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét