Sau các tập truyện ngắn: Lời thề đá, Cô con gái ngỗ ngược, Gạt nước mắt đi, 17
cây số đường ma; nhà văn Võ Diệu Thanh tiếp tục ra mắt bạn đọc bằng tiểu
thuyết Lần đầu thấy trăng. Tác phẩm là cái nhìn trực diện về giáo dục với
căn bệnh nhức nhối hiện nay của ngành.
Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Võ Diệu
Thanh, đồng thời cũng đang là một nhà giáo xung quanh những vấn đề mà tiểu
thuyết của chị đặt ra.
- Thưa chị! Có ý kiến cho rằng, viết gì cũng không ra khỏi thân phận
con người. Nhưng để viết về những con người đang sống trong môi trường giáo
dục, phải chăng là thế mạnh của những nhà văn kiêm nhà giáo giống như chị?
- Với tôi, văn dù gì thì vẫn gắn với những phận người khá
đặc biệt trong cái điển hình. Đề tài giáo dục rất nhiều người quan tâm muốn đọc
và muốn viết. Nhàm thì nhàm mà bức xúc thì vẫn cứ bức xúc, thậm chí nó ngày một
cao. Ai là người viết đề tài này thuận lợi? Nhà giáo dễ sa vào giảng giải, giáo
điều, áp đặt; còn nhà văn dễ sa vào những vấn đề nguồn gốc sâu xa, thông điệp
trúc trắc khó có được nhiều người giải mã, tính phổ thông sẽ hạn chế. Những nhà
văn kiêm nhà giáo thuận lợi hơn khi phản ánh đề tài giáo dục. Nhưng sự thuận
lợi chỉ đến nếu lúc viết nhà văn dám thoát khỏi cái bộ áo và lối tư duy mô phạm
quá cứng nhắc và mực thước của nhà giáo.
- Lần đầu thấy trăng nói về bi kịch của người phụ nữ bé nhỏ
nhưng cũng là cái nhìn thẳng và thật về giáo dục. Trong tác phẩm này, chị đề
cập tới những cách dạy riêng của các thầy cô khác nhau, từ đó dẫn đến những hệ
quả cũng khác…
- Tôi có mong muốn các cấp lãnh đạo chấp nhận những cách dạy
cá biệt để người như cô Hoàng, người có lương tâm, có nghề không phải đau đớn
bỏ nghề, khiến cho giáo dục chỉ còn duy nhất những thầy cô an phận kiểu ai sai
gì làm nấy, tròn trịa và gọn gàng trong phận sự. Mỗi nhà giáo phải là một nhà
giáo dục có lối tư duy riêng và chịu trách nhiệm với ngôn ngữ chỉ chính mình.
- Mặc dù đã thấy, đã chỉ ra được những tiêu cực của giáo dục nhưng chị
vẫn gắn bó với công việc gõ đầu trẻ hơn mười năm qua, có phải vì chị đã “miễn
nhiễm” với những tiêu cực của ngành?
- Bản thân tôi cũng từng bị cuốn theo những tiêu cực khi mới
vào ngành. Nhưng tôi luôn đặt những câu hỏi vì sao mình làm như vậy, mình có
cách làm nào khác không và chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình làm khác đi. Tôi thoát
ra sau những vấp váp thường tình. Hiện tại có nhiều điều vô lý tôi vẫn phải
tuân thủ và song song đó tôi không ngừng đấu tranh, phản ánh những bất cập với
các cấp đang trực tiếp quản lý. Nhưng cấp quản lý gần tôi cũng không thoát khỏi
những khó khăn tôi đang gánh. Để làm được những gì thấy có lợi cho học sinh đôi
khi đi ngược lại chỉ đạo về chương trình hay trình tự lên lớp, tôi chấp nhận bị
khiển trách liên tục, có nhiều trường hợp được cảnh báo là đang đứng trên bờ
vực nguy hiểm (có thể bị kỷ luật). Tôi vẫn luôn tin mình không dễ bị sa thải
khỏi ngành. Ai cũng thấy tôi làm vì học sinh mà.
- Chị viết: “Hóa ra thời bây giờ lắm người dị tật. Dị tật cái chỗ mà
không ai nhìn thấy. Dị tật tinh thần”. Thưa chị, liệu rằng có thể dùng giáo dục
hay văn chương để chữa trị được căn bệnh mà chị gọi là “dị tật tinh thần”? Hay
chúng ta còn cách nào khác?
- Dị tật về tay chân, lục phủ ngũ tạng muốn chữa khỏi phải
tốn hao nhiều tiền bạc công sức. Dị tật tinh thần hoàn toàn có thể chữa được
bằng giáo dục và văn chương nhưng phải được đầu tư bằng một chương trình dài
hạn và tỉ mỉ. Với người lớn, nhất là người thành đạt mà vướng vào dị tật tâm
hồn thì khó mà chữa được vì bản thân và số đông không hề nhận ra họ đang dị
tật.
- Chừng nào bệnh thành tích còn tồn tại, thì chừng đó “những đứa trẻ
kiểu như Dẫu Dị Hậu còn đầy đó”. Thử một lần làm “bác sĩ”, theo chị chúng ta có
thể làm gì để xóa sổ căn bệnh này?
- Trong giáo dục muốn xóa bỏ bệnh thành tích nhà quản lý
giáo dục phải xóa bỏ cách đánh giá năng lực người dạy chỉ theo đầu ra hay đầu
vào hay theo dõi sít sao từng phút từng giờ thầy trò họ đã làm gì với nhau. Nếu
tôi đưa ra một kế sách nào đó thì tôi cũng giống như những nhà cải cách giáo
dục từng làm, lấy kinh nghiệm quá khứ áp vào tương lai, lấy kinh nghiệm cá thể
áp vào tập thể.
Tôi chỉ có thể nói hãy trao cho tôi một lớp học, đừng hỏi
tôi sẽ dạy bằng cách nào, cũng đừng buộc tôi phải dạy bằng phương pháp nào. Có
gì hay cứ bày cho tôi thấy, tôi sẽ tự biết lựa chọn khi cần. Với những phương
tiện thô sơ nhất, không bạo lực, không tốn hao nhiều thời gian, cũng không nhồi
nhét, tôi vẫn có thể giúp trẻ trưởng thành về mọi mặt một cách nhẹ nhàng, đạt
được những mục tiêu chương trình và xã hội cần. Tôi sẽ kể cho bạn nghe tôi đã
làm gì với lớp học này ngay sau đó. Nhưng với lớp học năm sau tôi áp dụng cách
gì cũng không biết đâu, vì đối tượng đã khác rồi, hoàn cảnh xã hội cũng khác.
Học trò sẽ dạy tôi làm những điều luôn mới mẻ và phù hợp với nó. Nhiều thầy cô
có khả năng như tôi. Nếu tin họ nhà quản lý sẽ thấy rất rõ những sản phẩm giáo dục
đích thực chớ không phải là sản phẩm ảo như hiện nay. Tuy nhiên, có không ít
giáo viên thích được định sẵn từng phút từng giờ làm gì trước, làm gì sau. Với
“thể loại” này, nhà quản lý cứ “định” cho họ.
HỒ HUY SƠN (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________
"Trong giáo dục muốn xóa bỏ bệnh thành tích nhà quản lý giáo dục phải xóa bỏ cách đánh giá năng lực người dạy chỉ theo đầu ra hay đầu vào hay theo dõi sít sao từng phút từng giờ thầy trò họ đã làm gì với nhau" --> Rất đúng, xin chia sẻ
Trả lờiXóa