Néc-lương ngày hạn, nắng
như bỏ xuống mặt đất những trái bom lửa lớn. Không tiếng nổ nhưng có tiếng cháy
và lửa lòn theo từng thớ đất, bốc ngược lên mặt nắng. Cái nóng chảy trong lòng
tôi cũng không kém phần bạo liệt. Tôi về nơi chôn nhau cắt rốn của Quyền, nơi
Quyền có thời con nít với món me nước chấm mắm đường, hay những con bửa củi lớn
bằng ngón tay bổ bụp bụp trên vạt tre. Cha nàng đang kiệt quệ sức lực ở nơi đó.
Tôi đã phụ lòng bác. Ngày trở về
Néc-lương bác gởi Quyền cho ba má tôi nhưng nói với tôi: “Đem về bên đó rủi có
bề gì (bác muốn nói tới giặc giã và cả những rối ren chỗ bác ở) tao lấy ai thường
cho bây”.
Bác Đen cũng không muốn đi. Nhưng
“xứ đó còn mồ mả má thằng Thích với lại ông bà nội nó”, mười mấy năm nay bỏ xứ
đi, đêm nào nhắm mắt bác cũng thấy nắng Néc-lương dội lửa mấy gò mả lạng.
Bác Đen là người Khmer gốc Việt,
sinh ra và lớn lên tại đất Néc-lương chói nắng. Vậy mà tụi Pônpốt nổi dậy lùa hốt
sạch. Má của Quyền chết đợt này. Bác Đen dẫn anh em Quyền tản cư tới xóm tôi, cất
một cái chòi nhỏ cặp sông. Quyền thiệt bụng, mắt đẹp, mũi thẳng, hàm răng trắng
như ngọc. Hai đứa tôi từ nhỏ đã chơi trò chú rể cô dâu, lớn một chút thì đi đâu
cũng dính nhau.
Tôi tới tuổi nghĩa vụ quân sự,
mong mình vượt qua được mọi nguy hiểm, mau tới ngày giải ngũ để được cưới nàng.
Không dè, Quyền đột ngột lên cơn sốt cao, không lâu sau thì qua đời.
Bác Đen xót trong bụng lắm. Thích
nói bác hay ngồi chù ụ một mình. Một ngày vừa tắm xong, bác bần thần một hồi rồi
té quỵ. Anh kêu tôi khi nào tiện lên chơi cho bác khuây khỏa phần nào, nhắm mắt
cũng vui.
Tại chợ Néc-lương tôi gặp một cô
gái khi đang mua xoài. Hệ thần kinh tôi chết đơ ở phút này. Mớ tiền định bụng
trả cho chị bán trái cây nằm bung trên đất. Em cúi xuống cầm nắm tiền quấn gọn
nhét vô tay tôi:
– Chê tiền hả?
Em tiếp tục lựa xoài. Chị bán
trái cây kín đáo quay mặt đi cười mỉm. Tôi bẽn lẽn đưa tiền cho chị, xách bọc
trái cây lên dùng dằng nửa đi nửa ở.
Khi em đi, tôi rất muốn chạy theo
nói với em một câu gì đó, chẳng hạn nhà em ở đâu, em tên gì, em có biết… Chị
bán trái cây kéo tôi lại bằng tiếng kêu nhỏ rồi lắc đầu:
– Chú… đừng dính vô cổ. Coi bộ
chú hiền nên tôi khuyên vậy.
Chị không giải thích gì thêm. Tôi
xớ rớ một hồi lại đảo mắt kiếm. Chợ chỉ có mấy ngõ đường nhưng bóng em mờ mịt.
Đường tới nhà bác Đen bỗng dưng lan man trong trí nhớ. Anh Thích đã chỉ đường kỹ
lưỡng. Vậy mà lúc này tôi không hỏi han được gì, lựng chựng không biết mình
đang định đi đâu về đâu.
Từng nét nhỏ trên gương mặt em giống
Quyền một cách lạ lùng. Không gặp lại em, tôi có cảm giác y như mình lại mất
Quyền lần nữa.
Tôi bước ra đường, càng thấy cái
nóng Cao Miên dữ dội hơn. Nó bủa xuống đầu, chụp đầy mũi mùi không khí khét nghẹt.
Sao cái xứ cháy da phỏng trán này lại có người đẹp vậy không biết.
Anh Thích thấy tôi lên mừng muốn
khóc, hỏi đi nắng mệt dữ sao mà dòm buồn hiu vậy. Tôi kể về cuộc gặp gỡ kỳ lạ của
mình rồi phân bua:
– Thôi bỏ đi, có lẽ tại em quá nhớ
Quyền nên trông gà hóa cuốc. Chắc không ai giống cổ vậy đâu.
Anh Thích cười cười, chỉ tôi coi
khu đất sát nách nhà anh. Ở đó có nhiều dãy, mỗi dãy được chia ra những ô nhỏ y
như chuồng heo. Anh nói: “Nếu cậu để ý, một hồi thôi thế nào cũng thấy từng cặp
từng cặp quấn nhau xà nẹo đi vô đó. Con mẻ đang ở trỏng”. Anh muốn nói tới người
phụ nữ có nét giống Quyền. Chị ta lớn hơn Quyền sáu bảy tuổi nhưng biết ăn dọn
với lại đầu óc đơn giản nên nhìn trẻ hơn tuổi nhiều. Tôi lại bần thần thêm lần
nữa.
Bác Đen không nói được, nghe tôi
nói tên bác chảy nước mắt. Con người dày dạn nắng gió mà giờ phải nằm một chỗ,
chỉ có thể giao tiếp bằng cái nắm tay yếu ớt, bằng những giọt nước trong khe…
Cuộc sống còn tồi tệ hơn cái chết. Có phải chính tôi là một phần nguyên do làm
ra nỗi đau này. Anh Thích rầy tôi, đừng có nghĩ khơi khơi, bệnh tật nó có từ ai
đâu.
Ngồi với bác một hồi tôi ra bước
xuống sàn nhà đi vòng vòng cho đầu óc giãn ra. Trước mắt tôi lại hiện ra hình
bóng Quyền. Vẫn đường nét đó, nụ cười nhẹ hều, thanh như một nét gió. Em ẵm
trên tay một đứa nhỏ độ hơn một tuổi.
– Ủa, anh làm gì ở đây?
Tôi chưa kịp trả lời, lơ mơ nhìn
em, không còn cảm giác gì nữa.
– Cho em gởi một chút nhe.
Em ém vào tay tôi thằng con rồi lật
đật bước đi, chui nhanh vào một căn trong dãy chuồng trước mặt. Tôi cứng mình.
Lúc này mọi thứ cứ quay xà quần trước mắt. Nụ cười em hay nụ cười Quyền trong
trí nhớ tôi nhảy dựng dưới nắng như một bóng ma. Tôi giận mình đã nhập nhằng
hai hình ảnh này. Em là ai kệ em. Quyền phải khác. Tới khi đứa bé trân mình ư ư
tôi mới hay hình như mình ôm nó quá siết. Tôi ôm nó đi qua đi lại, có cảm giác
mình vừa đi hết một vòng trái đất, mắt không nhìn nhưng đầu không dứt khỏi khu
nhà trước mặt. Trong đó ồn ào chộn rộn, ầm ù rối rắm. Có cả tiếng ong ong và những
cơn co giật bưng bưng…
Rồi em cũng ra, vừa gài nút áo vừa
bước, tóc chảy xệ một bên vai. Sau em một người thả phanh áo, hở cái bụng bự
đen như bồ hóng, lắc lư xuống thang.
Em định ẵm con đi nhưng sực nhớ
quay lại cám ơn tôi. Tôi không trả lời. Em bước tới rờ trán tôi một cái:
– Anh mệt sao mà mặt xanh dờn.
Thôi, ngồi xuống đây nghỉ một chút đi. Anh không quen giữ con nít hả. Nó quậy
anh dữ hôn? Tại ba nó xỉn rồi nên em mới mượn anh.
Tôi hít một hơi để lấy lại bình
tĩnh:
– Ba nó hả? Chồng chị hả? Giữ con
cho chị tiếp khách?
Em xịt qua mũi một tiếng cười
nghe lạt như nước miếng:
– Chuyện bình thường. Trên đời
này cái gì mà không xảy ra được hả anh?
– Bộ anh ta không ghen à?
– Ghen có mà đói nhăn răng. Còn
gì nữa mà ghen. Hai đứa như hai giề lục bình trôi xơ cờ, sống ngày nào tính
ngày đó. Khi không bữa đó em bịnh, chiêm bao thấy già lụm cụm đi không nổi bò
xuống sông uống nước. Mà anh thấy cái bến ở đây hông, nước nó hụt tuốt mị dưới
đáy. Chồng em lúc này đang làm cho bà chủ, nạt nộ mấy đứa nhỏ mới vô để tụi nó
không trốn. Bà chủ cho miếng ăn, cho tiền nhậu, hút sách, chơi gái. Vậy mà thấy
em bệnh nó lo, đi mua cháo, mua thuốc, rồi cạo gió cho em. Thấy dẫu gì nó cũng
người Việt mình, lấy nó không ai ăn hiếp, vậy là nhập cục, rồi sanh con. Lúc đầu
cũng thương nhau bộn, nhưng cái nghề này nó làm tình nghĩa vợ chồng chết lần hồi.
Nhưng biết làm gì sống bây giờ, được cái em đẹp nên có nhiều khách, cũng sống
được.
Tôi bắt đầu biết giận con mắt. Những
khi nhìn thấy chồng em ẵm thằng con, tập cho thằng nhỏ kêu ba ba, hay bồng nó để
lên cao cho nó hái mấy bông me nước, tôi bứt rứt. Ngay lúc này đây, cái gương mặt
giống gương mặt Quyền đang ở một căn chòi nào đó trong cái dãy chuồng chật chội.
Và chồng lên gương mặt đó là một bộ mặt đàn ông lạ hoắc... Giá như em mang một
hình hài của ai khác, hay ít ra tôi có thể thoát khỏi nơi này ngay tức khắc để
không nhìn thấy bất cứ cái gì gợi đầy hình dung. Nhưng tôi thương bác Đen. Về rồi
biết có gặp lại nữa không.
Mỗi khi có dịp gặp tôi lảng vảng
dưới sân nhà, em không e dè ém đứa con vô tay tôi để kiếm tiền bằng kiểu nằm dưới.
Có khi tôi đang ở trên nhà bác Đen, em cũng xộc lên để lại đứa nhỏ rồi bỏ đi.
Có không ít lần tôi đã sắp sẵn những câu kịch độc, nhưng khi gặp em tôi lại thấy
đôi mắt quen thuộc quá, nhất là lúc nào trên tay em cũng có thằng con.
Em vẫn vô tư, dữ dằn, trâng tráo
trước mắt tôi. Có hôm tôi nghe em gào như sư tử giành mồi:
– Đồ khốn nạn. Mày sống được thì
sống, sống không được cắt cổ mổ họng chết cho rồi. Có đâu mày hành tao tới nông
nỗi này nè.
Sinh năm 1975, Võ Diệu Thanh là
cô giáo tiểu học dạy mỹ thuật ở huyện Phú Tân, An Giang. Miền đất thủ phủ của
Phật giáo Hòa Hảo, với sự va chạm giữa văn hóa Chăm, Khmer, Việt, hiện lên dưới
ngòi bút của Võ Diệu Thanh đầy dữ dội, đau đớn, khắc khoải. Văn chị mạnh mẽ,
gai góc và mộc, nhiều chỗ mộc đến mức thô. Đôi lúc cảm giác những trang viết
này của một gã nào đó ném chữ ra, không phải là cô giáo gầy gầy mặc áo dài trắng
thướt tha trong cái ảnh trên bìa cuốn sách của chị. Giọng văn như một cách phản
kháng lại những bất trắc, đổ vỡ, bất hạnh mà người phụ nữ này từng gặp phải
trong đời…
Kế đó, tiếng rượt đuổi nhau, tiếng
đấm đá bịch đụi. Tôi thò đầu ra nhìn thấy em vừa chạy vừa lấy tay bụm một bên mặt,
máu từ đuôi mày ròng xuống. Thì ra chồng em lên cơn ghiền lại kẹt tiền. Anh ta
lùng đâu được ông khách nghe nói sộp lắm. Em từng gặp ông này rồi. Ông ta bịnh
gì không biết, bỏ nhiều tiền ra chỉ muốn rọc da thịt gái, nhìn thấy máu và từng
cơn oằn oại vì đau của họ làm hoan lạc. Em than mình đang “mắc kẹt”, không chịu
tiếp. Anh chồng vác một khúc tre đập em từ đầu tới chân. Hôm đó em ghé qua chỗ
tôi, một tay bồng con, tay sỗ sàng vạch vai, vén quần tới háng... Không thể nào
tin có kiểu vợ chồng như vậy. Tôi uể oải buông một câu lấy lệ:
– Rồi mai mốt chị tính sao?
Em đang vỗ vỗ hai tay vào má con
trai quay ngang trợn mắt nhìn tôi:
– Tính sao là sao?
– Chẳng hạn làm gì đó cảnh cáo
anh ta, hay là bỏ anh ta.
– Ôi trời. Em mà bỏ nó em bỏ từ
lâu. Không được đâu.
– Sao vậy? Hay là chị sợ không ai
dám lấy chị.
Em vừa mỉm vừa trề, tay vuốt nhè
nhẹ bàn tay thằng con.
– Không phải sợ vậy. Mười lăm tuổi
em đã vô đây, ở nhà chứa này tới bây giờ cũng gần tám năm. Đã qua tay không biết
bao nhiêu hạng đàn ông. Em có đủ nghề để khách mê dù đó là loại nào. Có người mặc
kệ nghề em, sẵn sàng sống lâu dài với em, em muốn gì có nấy. Em đối với họ ăn
bánh trả tiền thì được. Nhưng biểu bỏ chồng theo họ, em không làm đâu. Nó đánh
em cỡ này mà nhằm nhò gì, hồi lúc em có bầu nó còn đánh em đẻ non luôn.
– Sao chị chịu nổi?
– Không biết nữa, hình như kiếp
trước em nợ nần gì nó hay sao ấy. Chứ có người thương em thiệt bụng, mê em chết
lên chết xuống em vẫn không bỏ nó theo người ta được. Anh ở đây đi, thế nào
cũng gặp ảnh. Ảnh đi một chuyến hàng hai ba ngày, về, sớm tối gì cũng chạy tới
em.
Em nói tới đó chợt nhìn ra hướng
cổng. Tôi nhìn kỹ mắt em. Lúc này trong đó chứa một góc rừng nhiệt đới sau trận
mưa tầm tã, ăm ắp nắng gió, có từng giọt nước đọng trên lá và cả những chồi
xanh. Nó long lanh hơn cả lần gặp đầu. Mặc dù bên cạnh đó là một vết thương
đang sưng đỏ.
– Chị thương người đó rồi?
Em giật mình, cười giả lả:
– Úi trời, loại gái ghiếc như em
có nước thương tiền.
Em nói tới đó, bồng đứa nhỏ lên
hun cái chụt rồi vừa đi vừa hí hắc chọt ét nó. Tiếng cười của hai mẹ con trong
leo lẻo lọt tót giữa cái nắng không có bóng cây.
Hôm tôi gần về, ông khách quen em
hay nhắc có tới. Em dắt ông ghé chỗ tôi. Dáng ông bề thế bụi bặm nhưng còn giữ
được nét trai tráng. Em cười luôn miệng, nụ cười thiệt đẹp. Có khi em ghẹo cho
ông cười. Ông là người dễ thân thiện. Ông nói với tôi chồng em đòi trăm triệu
anh ta thả cho em tự do, nhưng khi giao tiền anh ta đòi nhiều hơn. “Tiền thì kiếm
không khó, nhưng thằng đó không dễ buông tha cho cổ”. Trong khi ông đã vì em bỏ
vợ. Tôi vỡ lẽ, chồng em dù không ra gì nhưng chung thủy với em. Ưng ông, biết
đâu mai mốt chán, ông bỏ em như chơi.
– Em không sợ ai bỏ mình hết. Còn
thằng chồng em nó mà chung thủy cái cù loi. Nó lấy tiền em đi ôm con khác.
Tới chỗ này người khách không chịu
nổi, đứng bật dậy, mặt phừng đỏ:
– Vậy em cần gì ở anh ta mà chịu
đấm ăn xôi?
Em cũng lớn tiếng hét trả lại:
– Em không cần gì hết. Nhưng con
em cần một người cha… Hồi đó cha bị Pôn Pốt giết khi em mới biết đi. Mồ côi bị
ăn hiếp đủ phương. Em không muốn con mình gặp cảnh vậy. Kệ em đi…
Em nói nhẹ hều như giỡn chơi. Người
khách thì đuối muốn rụng từng sợi thần kinh. Ông thở như sắp chết, dáng đọng
vũng trên ghế. Tôi nghĩ nếu đứng dậy được ông sẽ đi và không bao giờ trở lại
nơi này. Nhưng hôm sau ông lại tới. Hình như ông vẫn còn nuôi hy vọng...
Tôi kêu em để thằng nhóc tôi giữ
cho. Vô đó với ông đi. Lâu lâu cũng được…
VÕ DIỆU THANH (tác giả giữ bản quyền)
______________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét